…bản chất có đạo đức của nó, một thứ phù phiếm rỗng tuếch và một điều bất lợi trong cuộc đấu tranh sinh tồn tàn nhẫn này.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Tiếng Gọi Của Hoang Dã (The Call of the Wild -1903)
– Tác giả: Jack London
– Thể loại: Tiểu thuyết – Phiêu lưu
Tiếng Gọi Của Hoang Dã đã quá nổi tiếng ngay cả với những người chưa đọc, thường được đi kèm với 2 chữ “kinh điển”. Kiểu sách này được coi là có giá trị lâu dài, thậm chí là mãi mãi, nên bị tôi xếp vào nhóm “để từ từ đọc”. Ấy vậy mà tôi lại nhanh chóng đổi ý, cố gắng đọc cho xong thật nhanh, tất cả là vì ngoài rạp đang chiếu bản phim điện ảnh chuyển thể từ cuốn sách này. Đó, tất cả là vì muốn được xem phim với từ cách là “người đã đọc tác phẩm gốc” mà thôi…

2. Đánh giá sách

Câu chuyện là hành trình tìm lại bản năng, trở về với miền hoang dã của một chú chó tên Buck. Khởi đầu là một chú chó nhà được cưng chiều, do sự cố mà lưu lạc tới miền cực Bắc làm chó kéo xe, trải qua nhiều chủ, nhiều sóng gió, cuối cùng chú đã tuân theo tiếng gọi của bản năng và rời xa con người. Đó, toàn bộ câu chuyện là vậy đó, truyện quá nổi tiếng và tiêu đề quá rõ ràng rồi, nên khỏi sợ spoil nữa ha :))
Vậy điểm thu hút nằm ở đâu, khi mà cốt truyện quá rõ ràng như vậy rồi? Với tôi, là do cách kể và bối cảnh. 
Những tác phẩm lấy động vật làm trung tâm khác mà tôi biết thường đi theo 2 cách: một là đưa vào đó sự dễ thương, đáng yêu để hướng tới độc giả là trẻ em; thứ hai là nhân cách hóa chúng, mượn hình ảnh loài vật để phê phán những vấn đề xã hội. Tiếng Gọi Của Hoang Dã không như vậy, nó thực tế, gai góc và rất khốc liệt. Thực tế quá tàn bạo, mỗi một cuộc đụng độ dù người hay vật, luôn kết thúc bằng cái chết. Cậu Buck cũng không hề được xây dựng tốt đẹp hoàn toàn, điều dễ chiếm cảm tình của số đông, mà chú rất mưu mẹo và tàn nhẫn khi cần thiết. Tôi khá bất ngờ và hứng thú với những điều trên, vì trước khi đọc đã tưởng đây là cuốn dành cho thiếu nhi, nhưng tôi đã sai khi đánh giá thấp sự chân thực của nó.
Về bối cảnh, miền cực Bắc thời kì con người đổ xô đi đào vàng, cả không gian và thời gian đều xa lạ với tôi, tuy không đem lại sự đồng cảm, nhưng lại là điều cần thiết cho thể loại phiêu lưu. Chọn một nơi “khắc nghiệt tới cùng cực” làm bối cảnh, là kiểu lựa chọn khá phổ biến và an toàn của thể loại này, nhưng không thể phủ nhận, nó hiệu quả để tăng tính thuyết phục cho quá trình thay đổi của Buck.
Thật sự là không có gì nhiều để nói, vì nó khá tròn trịa, xét từ góc độ nào cũng không có gì đáng để chê. Truyện ngắn, mạch truyện nhanh, nhân vật chính thú vị, bối cảnh đủ lạ, lối kể sinh động và thực tế. Tuy không có plot twist khiến người đọc phải há mồm, nhưng chính vì vậy nó mới tránh được tính thị trường, và lọt vào nhóm sách có thể tồn tại qua nhiều thời kì.

3. Về phim

Cuối cùng cũng đã được xem!
Phim là một phiên bản nhẹ nhàng và lãng mạn hơn tiểu thuyết gốc. Thay cho một miền băng giá khắc nghiệt là sự hùng vĩ và nên thơ. Thay cho sự tàn bạo và lạnh lùng của những trận chiến là sự cao thượng. Thay cho một Buck bản lĩnh và mưu mẹo là sự ngây ngô dễ thương.
Về cốt truyện, phim đã chỉnh sửa lại khá nhiều, khi chỉ tập trung vào người chủ cuối cùng của Buck. Điều này đem lại kết quả khá tích cực, khi số lượng nhân vật rút gọn lại, biên kịch đã thêm vô một chút quá khứ của John Thornton và cả của Buck, giúp người xem có đủ thời gian và lý do để đồng cảm.
Phim loại bỏ hoàn toàn sự máu me, nên những gì còn lại là một câu chuyện tươi sáng, hài hước và dễ thương, giúp cho trẻ em cũng dễ dàng tiếp cận một phần thông điệp của tiểu thuyết gốc. Tuy yếu tố chân thực đã mất đi, nhưng bù lại, ta có một bộ phim dễ xem, dễ cười và đã mắt. Còn nếu muốn hiểu vì sao tác phẩm vẫn được đón nhận sau hơn 100 năm, thì tôi nghĩ hãy dành thời gian để đọc sách.
Phúc
2020.08.03