Review sách- Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ: Bên trong chiếc burqa.
Thú thật, cuốn Ngàn mặt trời rực rỡ không thật sự thu hút được tôi từ những ánh nhìn đâu tiên, tôi lướt qua nó thật nhiều lần tại nhà...
Thú thật, cuốn Ngàn mặt trời rực rỡ không thật sự thu hút được tôi từ những ánh nhìn đâu tiên, tôi lướt qua nó thật nhiều lần tại nhà sách cũng như nhiều nơi khác. Khi ấy, qua cuốn bìa, những gì tôi nghĩ về cuốn sách là một câu chuyện của con người Trung Á về sự vẻ vang của Ba Tư, về vẻ đẹp của đạo Hồi, về thời vàng son con đường tơ lụa và những nét đẹp của con người ở đấy. Ngoài ra, tôi còn nghĩ về chiến tranh, về bom đạn và khủng bố khi nhìn thấy nó. Thế nên tôi bỏ qua nó hết lần này đến lần khác, tôi tin rằng mình sẽ không thể hiểu hết được câu chuyện đó khi tôi không biết về những con người ở đó. Tôi gặp lại nó gần đây và như sự đối nghịch với trước đó, tôi bị hút hồn ngay lập tức bởi sự mê hoặc của ánh mặt trời trên bìa sách. Vì bây giờ, tôi tin rằng mình có thể hiểu được nó, chí ít là một phần vừa phải nhờ vào việc đọc hai cuốn sách du ký của hai tác giả người Việt về những tứ gắn liền với Afghanistan - đó là cuốn Con đường Hồi Giáo và Trên con đường tơ lụa Nam Á. Một cuốn, tôi hiểu về tín ngưỡng của họ và một cuốn giúp tôi hiểu về con người họ. Và giờ đây, Ngàn Mặt trời rực rỡ giúp tôi thấu hiểu tâm hồn họ hơn.
Không ai có thể đếm được mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng,Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.
Tựa đề Ngàn mặt trời rực rỡ được tác giả lấy ra từ đoạn thơ của Saeb-e-Tabrizi, một nhà thơ thế kỷ 17. Ngàn mặt trời rực rỡ này được ví như vẻ đẹp của người phụ nữ, rạng rỡ và vô ngàn, cả cuốn sách này cũng ẩn chứa những điều như vậy. Cuốn sách là mỗi chuỗi đau thương bất hạnh của người phụ nữ được tạo ra bởi những yếu tố bên ngoài, từ chiến tranh bom đạn, bạo lực, truyền thống cổ hũ đến tín ngưỡng cực đoan đặt điều và như sau tấm burqa của người phụ nữ là vẻ đẹp, những người phụ nữ trong câu chuyện vượt qua tất cả đau khổ để đến với tình yêu thương và niềm vui nhỏ nhoi trong cuộc đời. Câu chuyện xoay quanh hai nhận vật chính Mariam và Laila, hai nhân vật có hoàn cách khác nhau, hai tuổi thơ khác nhau, hai tuổi đời lẫn tính cãnh khác biệt nhau, nhưng số phận trớ triêu thay khiến họ cùng làm vợ của một người đàn ông bạo lực, cổ xỉ; phải sinh con cho người đàn ông đó và cùng bị người đàn ông đó đánh đập suốt nhiều năm dài đằng đẵng. Đến cuối cùng, những người phụ nữ này đã có thể tự đứng lên, một thì giết chết gã đàn ông bạo lực, một thì ra đi với những đứa con và người đàn ông mà mình yêu quý. Cả Mariam và Laila đều mang lại cho ta một cái nhìn khác nhau về người phụ nữ, những suy nghĩ và những cảm xúc mãnh liệt của họ.
Mariam là một đứa con hoang lớn lên trong một chiếc kolba với mẹ Nana của mình. Cô lớn lên mà không có một gia đình đích thực dù rằng cô được gặp mẹ cô mọi khi và gặp cha cô vào mỗi thứ năm hằng tuần; và chính thứ năm với người cha giả tạo luôn tỏ vẻ ra thương yêu cô chính là thứ giúp cô có niềm tin vào cuộc sống mỗi ngày. Tôi tự hỏi làm sao một cô bé sống trong một căn lều tồi tàn, không được cha ở bên mọi lúc và suốt ngày bị đay nghiến bởi người mẹ của mình có thể sống ngày qua ngày với niềm vui. Niềm vui nhỏ nhoi ấy đến từ sự ngây thơ của trẻ thơ và từ sự giả dối của người cha; thế nên, như tất cả mọi thứ được tạo nên từ sự giả dối, chúng đều sẽ sụp đổ. Mariam chính là người đã phá hủy cả cuộc sống của mình, phá hủy những thú vui duy nhất trong tuổi thơ cô và hủy hoại luôn cả mẹ mình khi đi theo lời giả dối ấy. Đó là lời hứa sẽ dẫn cô đi xem bộ phim Pinochio, dẫn cô đến thành phố Herat xinh đẹp, nơi mà cô luôn được nhìn thấy qua lời kể của bố cô mà không mảy may nhận ra chính bố cô là một pinochio. Thứ duy nhất cô có được sau khi bị người bố của mình chối bỏ, bỏ mặc, cho ngủ ngoài đường và cuối cùng là gã cô cho một gã đàn ông hung bạo chính lạ bộ mặt thật sự của ông ta. Cuộc sống của Mariam có lẽ chưa đủ tàn nhẫn, khi cô nghĩ rằng mình cuối cùng đã có một cuộc sống yên bình như bao người khác thì cô lại đánh mất nó một lần nữa. Cô thậm chí, cay đắng sao, còn không thể thực hiện được nhiệm vụ thiêng liêng của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung, làm một đấng sinh thành. Như mẹ Nana của cô đã từng nói:
Giống như kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn chỉ vào người phụ nữ.
Chồng của Mariam, Raseed, đổ tội tất cả cho Mariam khi không thể sinh cho ông một đứa con dù rằng một phần là lỗi của ông. Từ đó cuộc sống của Mariam như một con rắn không thể thoát khỏi cái bẫy, một sự dai dẳng đay nghiến của tội lội mất con và sự đọa đày bạo lực của Raseed. Cuộc đời cô như một chiếc vung, nó trống ở giữa, và cô hạnh phúc nhất khi cô là một đứa bé và khi cô gặp Laila.
Trái ngược với Mariam, Laila sống trong một cuộc sống khá sung túc, không phải chịu đựng những cơn mưa nhỏ giọt trong căn kolba tồi tàn, cô sống trong một cuộc sống mong ước với tuổi thơ đầy đủ dành cho một đứa trẻ. Thậm chí cô may mắn được đi học trong thời kỳ Liên Xô, lúc mà người phụ nữ Afghanistan được xem trọng nhất. Laila có những người bạn thân thiện đáng yêu, cậu bạn Tariq mà cô yêu, người mẹ cộc cằn và người ba luôn yêu thương cô; cuộc sống của cô đã từng thật bình yên cho tới khi các chiến binh Hồi giáo đến và đánh đuổi quân Liên Xô ra khỏi đất nước của mình, nhường chỗ cho cuộc nội chiến liên miên của đất nước Trung Á này. Trường học đóng cửa, những người bạn của cô dần dần rời đi, hai anh trai của cô mất trong chiến tranh, thành phố ngập tràn bom đạn suốt ngày đêm và đặc biệt là cậu bạn Tariq của cô rời đi. Mọi thứ vốn dĩ như thật yên bình bây giờ trở nên thật khắc nghiệt, ngay cả việc bước chân ra đường. Và giống với Mariam, cuộc sống của cô chạm đến đáy giếng khi bố và mẹ của cô bị chết do một quả bom lạc ngay đúng lúc họ chuẩn bị rời khỏi Kabul. Khi ánh mặt trời có vẻ như bắt đầu ló diện ra khỏi đám mây, cơn mưa vẫn tiếp tục và có vẻ nặng giọt thêm hơn nữa.
Cuộc nội chiến đẩy Laila trở thành vợ thứ của Rasheed cùng với những nguyên nhân khác nhau; một là để che dấu đứa con của cô với Tariq và hai là lời lừa lọc của Rasheed để Laila tự nguyện làm vợ của mình. Cuộc sống của cô với lão đàn ông già bạo lực không bao giờ là cuộc sống cô mong muốn, cô căm phẫn người đàn ông đó nhưng lại phải phụ thuộc lão ta. Số phận của cô, như hàng trăm số phận của người phụ nữ Afghanistan bấy giờ, không được làm cánh én tự do hay cây cổ thụ lớn đứng trước làng, mà là con én bị bắt nhốt trong lồng sắt và cây dưa leo sống phải bám vào giàn giáo mới có thể sống được. Bối cảnh đẩy cô phải sống phụ thuộc vào người đàn ông và không có bất kỳ tiếng nói nào cho bản thân. Cô sinh ra một đứa con gái và bị Rasheed hắt hủi vì hắn ta một kẻ cổ hủ, trọng nam khinh nữ và chỉ biết suy nghĩ cho bản thân. Một lần nữa, tác giả cho thấy sự bất công về giới tính thậm chí dành cho một đứa trẻ vừa mới sinh ra không biết chân trời và mặt đất. Cái cách mà lão đối xử với cô con gái bằng cách đẩy cô vào trại trẻ mồ côi so với cái cách lão mua tivi cho trai dù gia đình đang tung thiếu thể hiện rõ sự trọng nam khinh nữ của một số con người Trung Á lúc bấy giờ.
Cái kết câu chuyện vừa cho ta sự thỏa mãn bên trong cũng như khiến ta cảm thấy day dứt về số phận con người phụ nữ và con người Afghanistan.
Người đã tạo ra thiên đường và mặt đất; Người đã tạo ra đêm nối tiếp ngày, ngày nối tiếp đêm và Người tạo ra mặt trăng và mặt trời một cách có chủ đích, tất cả đều vận hành trong trong thời gian định trước của mình.Hiển nhiên Người là Đấng Tối Cao, là người xóa bỏ mọi tội lỗi.Lạy Thượng Đế tối cao! Hãy tha thứ và khoan dung bởi ngài là người độ lượng nhất.
Đấy là lời cầu nguyện cuối cùng cũng như là lời nói cuối cùng của Mariam trước khi cô đến với người. Cô đã giết chết Rasheed để cứu lấy Laila cũng như cứu lấy những thứ duy nhất mà cô yêu thương, điều giá trị duy nhất đến với cô suốt gần 20 năm ròng ở Kabul, những đứa con của Laila. Cô cứu chúng khỏi cuộc đời đầy đau khổ cũng như khỏi con người mà chúng có thể trở thành, một Taliban hay một Rasheed thứ hai, hay tồi tệ hơn, một Mariam thứ 2, một người chỉ biết cam chịu suốt đời. Sau đó, cô chịu ở lại, chịu mọi hình phạt mà mình phải chịu đựng để Laila có một cuộc sống tốt hơn. Còn Laila, cô trở về Afghanistan sau mấy năm sống yên bình ở Pakistan với niềm tin mãnh liệt vào đất tổ quê hương của mình và khao khát đóng góp cho nó. Trước khi trở về lại Kabul, cô ghé vào Herat và ghé thăm căn kolba xập xề ngày xưa mà Mariam sống. Với cô Mariam có lẽ hơn cả một người mẹ, một người yêu thương cô đến nhường nào vào những lúc cô khó khăn nhất và cũng chính là người đưa cô đến một phương trời mới. Giờ đây, cô trở lại nơi Mariam sinh ra và lớn lên, cô thấy được trong tâm trí mình một cô bé vui đùa giữa cánh đồng, chạy bên cạnh con suối cười vui dưới ánh nắng chan hòa. Và có lẽ với tôi, đoạn cảm động nhất chính là bức thư của cha Mariam dành cho cô.
Cuối thư, ông ấy viết: Người bố không xứng đáng của con.
Tôi luôn cảm động với những câu chuyện dang dở và sự dang dở ở đây khi Mariam không thể nói lời nào với người cha của mình trước khi ông chết và đáng buồn hơn là cô không có cơ hội để đọc được bức thư này.
Với cuốn sách này, tôi đọc nó vừa chậm hơn vừa nhanh hơn bình thường. Mọi khi tôi chỉ đọc tầm 1 tiếng đồng hồ đổ lại nhưng khi cầm cuốn sách này lên, như được cuốn vào một thế giới khác, tôi đọc nó tận 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nhưng với thời gian gấp đôi, tốc độ đọc của tôi cũng cứ thế chậm lại, để từ đó tôi có thể cảm nhận từng câu chữ của tác giả, thấu hiểu được từng cảm xúc lẫn hành động của nhân vật. Tôi nhận thấy được sự chân thực trên từng đầu trang giấy. Chìm đắm trong câu chuyện còn là chìm đắm trong lịch sử Afghanistan, cuộc chiến tranh Liên Xô, các chiến binh Hồi giáo, cuộc nối chiến kéo dài dai dẳng và sự chiếm đóng của Taliban được khắc họa rõ nét khiến tôi cảm thấy mình như sống trong đó. Tôi có thể cảm nhận được niềm vui sướng của họ khi quân Liên Xô rời đi, nỗi sợ hãi của họ khi sống dưới làn bom làn đạn. Tác giả dường như hiểu con người ở đây bằng cả trái tim mình và đưa nó vào từng chữ trong trang sách.
Ngàn mặt trời trực rỡ là cuốn sách về nghị lực và niềm tin của con người, là cuốn sách mà chắc hẳn bạn phải đọc một lần trong đời.
#fuzzyfuzz
#reviewsach
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất