[Review Sách] Tiếng Triều Dâng (Yukio Mishima) – Tiếng vọng từ những trái tim trong veo
“Tiếng triều dâng” là phép thử của tác giả, là cách Yukio Mishima khéo léo đặt sự đối lập giữa sáng – tối của cả con người và thiên nhiên ở cùng một thang đo.
Hậu Thế chiến Thứ Hai, Nhật Bản bước vào thời kỳ của những biến động và thay đổi to lớn, điều ấy được phản ánh rõ nét trong văn học giai đoạn này. Nhiều tác giả đã sử dụng tác phẩm của mình như một phương thức để khám phá những đổi khác về xã hội, văn hóa và chính trị đất nước. Hai chủ đề phổ biến của nền văn học Nhật Bản thời hậu chiến là việc đối mặt với hậu quả do chiến tranh để lại, và cách những giá trị truyền thống của một quốc gia phong kiến bảo thủ và những giá trị văn minh của một phương Tây hiện đại cùng tồn tại một cách miễn cưỡng trong lòng xã hội.
Yukio Mishima là một trong những tác giả nổi bật nhất của thời kỳ này, bên cạnh những cái tên như Kenzaburō Ōe, Yasunari Kawabata và Jun’ichirō Tanizaki,… Các sáng tác của ông là sự giao thoa của cả hai chủ đề phổ biến bên trên: Ông khám phá tác động của chiến tranh lên xã hội Nhật Bản, từ đó ông đào sâu và bóc tách trạng thái mắc kẹt giữa hai nền văn hóa Đông – Tây của người dân xứ mình – Họ luyến lưu một Nhật Bản truyền thống, nhưng lại hứng thú một phương Tây văn minh. Có lẽ, chính Yukio Mishima cũng vẫy vùng trong trạng thái không biết lựa chọn giữa đôi bên, và ông đã khắc họa sự tranh đấu ấy trong những tác phẩm mãnh liệt của mình. Văn chương của ông là sự kết hợp giữa sự sắc bén của văn học Nhật Bản truyền thống với sự bạo liệt ảnh hưởng từ văn học phương Tây. Tình dục, cái chết, cuộc khủng hoảng bản sắc là những vấn đề thường gặp trong những áng văn của Mishima; ông viết về chúng bằng giọng văn mạnh mẽ, giàu sức gợi; ngôn từ được đẽo gọt một cách tinh tế, lãng mạn nhưng cũng đầy đau khổ và u uất.
Tiểu thuyết của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chính cuộc sống và trải nghiệm của ông, vậy nên, ranh giới giữa thực tế và ảo mộng thường rất mờ nhạt. Tuyến nhân vật đa chiều và phức tạp được đặt trong một cốt truyện sắc bén và sâu sắc. Tuy nhiên, Mishima thường bị chỉ trích vì những quan điểm đôi khi gây tranh cãi của ông, đặc biệt là việc ông tuân thủ các giá trị truyền thống của Nhật Bản và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc. Một số chuyên gia nhận định rằng quan điểm chính trị và cuộc sống cá nhân đã làm lu mờ những đóng góp cho văn chương của ông. Nhìn chung, Mishima vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng lớn và được nghiên cứu rộng rãi trong văn học Nhật Bản, và các tác phẩm của ông tiếp tục được tôn vinh nhờ giá trị nghệ thuật chúng để lại.
“Tiếng triều dâng” là tác phẩm thứ 4 trong sự nghiệp văn chương của Yukio Mishima, cũng là cuốn sách đưa tên tuổi của ông đến với độc giả quốc tế. “Tiếng triều dâng” là câu chuyện tình yêu giữa cậu thanh niên 18 tuổi chất phác, nghèo khó Shinji với con gái ông chủ tàu giàu có Hatsue tại một làng chài hoang sơ, thanh bình trên hòn đảo Utajima vào thời hậu chiến. “Tiếng triều dâng” còn như tiếng vọng vang lên từ sâu thẳm tâm hồn tác giả; về khát khao tự do sau thời niên thiếu hà khắc và cô độc; về thứ tình yêu đẹp đẽ, sáng trong, không chút vụ lợi.
Cuốn tiểu thuyết này khác với tất cả các tác phẩm khác của Yukio Mishima, nó không dữ dội, không bạo liệt, không đầy ẩn khuất; nó giản đơn, dịu dàng, thơ mộng và trầm lắng như lời tâm tình của một người đang đắm mình trong tình yêu, được bao bọc giữa nhân gian ngập tràn tình yêu thương cùng sự chân thành. Khung cảnh êm đềm của hòn đảo Utajima như đối lập với vẻ hoang tàn đang bao trùm nước Nhật, những rung động trong trẻo mà Shinji và Hatsue dành cho nhau như đối lập với hiện thực loạn lạc hiện lên trong trí nhớ của Chiyoko, cách lời dị nghị nhanh chóng bị hoen mờ trước sự hiện diện của sự thật trên gò bồng đào của Hatsue, trên lòng chính trực đã giúp Shinji chiến thắng trong đêm bão,… như đối lập với lòng người lạnh lẽo, nham hiểm rình rập nơi nơi. Yukio Mishima đã phác họa Utajima như một hòn đảo biệt lập với cõi người, ở trên mảnh đất hứng gió táp nắng mờ từ biển cả bao la, mọi thứ – từ những giá trị đạo đức, những cách biệt giai cấp, đến sự vị tha, lòng đố kị, cảm giác bức bách,… – đều có thể hòa vào tiếng vọng từ sâu thẳm biển khơi, để cái mặn đắng của nước biển rửa trôi, rồi trở về với dáng dấp nguyên thủy và trong veo nhất.
Ngòi bút lãng mạn của Mishima không chỉ dừng lại ở niềm yêu nhiệt thành và cháy bỏng của hai kẻ mới lần đầu biết yêu – Shiji cùng Hatsue, mà còn đặt tại đại dương bao la, bãi cát trải dài, bóng những con thuyền đánh cá thấp thoáng ngoài khơi xa, đường nét uốn lượn trên cơ thể khỏe khoắn của những người phụ nữ làng chài,… Tiếng sóng ầm ì mỗi sớm mai, tiếng sóng lao xao giữa đêm thanh, tiếng sóng ầm ầm kéo theo ánh chiều tà; tiếng sóng cũng nhiều cung bậc chẳng khác nỗi lòng giấu kín của mỗi người là mấy. Đó là cảm giác bồi hồi khi lướt qua gương mặt xinh đẹp của người thiếu nữ, đó là cảm giác xuyến xao khi lần đầu được ở riêng cùng nhau, đó là cảm giác ngẩn ngơ khi ngắm nhìn cơ thể trần trụi của người thương, đó là cảm giác kiên định khi quyết định giữ gìn tấm thân trong trắng trước lúc kết tóc se duyên. Và, đó cũng là cảm giác áy náy khi niềm rung động đơn phương của mình vô tình gieo giắc chuyện chẳng lành cho người ấy và cho tình yêu son sắt mà người ấy đang ủ ấp.
“Tiếng triều dâng” là phép thử của tác giả, là cách Yukio Mishima khéo léo đặt sự đối lập giữa sáng – tối của cả con người và thiên nhiên ở cùng một thang đo. Tình yêu trong trẻo của Shinji và Hatsue có thể dẫn đến sai lầm, nếu ngày mưa ấy, cả hai quấn quýt vào nhau thây kệ những chuẩn mực xã hội ngày ngày được học, được tiếp xúc. Lòng ngưỡng mộ của Chiyoko đã gây ra tai tiếng cho người cô bé thầm thích, nhưng đến cuối cùng, cô bé vẫn tìm được cách thức sửa chữa sai lầm ấy. Sự bồng bột của Yasuo có thể khiến gã trầm luân vào nhơ nhuốc, nhưng gã đã thua trước sự quật cường của Hatsue, hòn đảo Utajima nơi gã sinh ra không bị vài ý nghĩ quá phận của gã làm hoen ố. Thiên nhiên cũng vậy, trời trong, bão táp, mưa sa, nắng gắt,… nhưng thiên nhiên sẽ không rời bỏ hòn đảo và cư dân trên hòn đảo.
Câu chuyện khép lại bằng một kết thúc hạnh phúc cho đôi lứa, tình yêu chân thật sẽ tìm được con đường băng qua gian truân bằng lòng dũng cảm, chân thành, trung thực, nghe theo lẽ phải. Và, có lẽ không riêng nhân vật trong “Tiếng triều dâng”, mà chính Yukio Mishima cũng tìm được hạnh phúc của riêng mình. Đó có thể là bất cứ điều gì ông gặp trong chuyến sải cánh giong buồm đón gió ở San Francisco; trong những ngày ở New York, ở Brazil; trong quãng thời gian thưởng thức nhạc kịch ở London, Anh; hay trong thời khắc lắng đọng giữa sắc hương của đất nước Hy Lạp. Hoặc, ông đã ước mình được đắm mình mãi trong những khoảnh khắc ấy, cho đến tận ngày ông phải đối diện với hiện thực bàng hoàng rồi chấm dứt sinh mệnh mình trong nỗi đớn đau của da thịt.
Cái chết của Mishima gây chấn động Nhật Bản và thế giới, đồng thời thu hút nhiều cuộc tranh luận về động cơ và ý nghĩa phía sau hành động của ông. Một số người coi đó là kết thúc bi thảm của một cuộc đời rực rỡ nhưng đầy rắc rối, một số khác coi đó là một hành động mang tính chính trị được tính toán kĩ càng nhằm thể hiện lòng trung thành tuyệt vọng với Nhật Bản của các giá trị truyền thống cùng vinh quang vô hạn trước chiến tranh; hoặc có thể đó là là sự phản đối sự trống rỗng và suy tàn của xã hội Nhật Bản hiện đại… Bất kể người ta nhìn nhận như thế nào, cái chết của Mishima đã đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên trong văn học Nhật Bản.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất