[Review Sách] Tôi Muốn Tan Làm Đúng Giờ (Kaeruko Akeno) – “Những con quỷ” được nuôi dạy bởi sự cần mẫn
“Tôi muốn tan làm đúng giờ” theo chân Yui, một cô gái quyết tâm không tăng ca vô tội vạ cho công việc. Cô thường xuyên bị gắn mác lười biếng và không cống hiến.
“Tôi muốn tan làm đúng giờ” theo chân Yui, một cô gái quyết tâm không tăng ca vô tội vạ cho công việc. Ở công ty, chỉ có mình Yui và Kusuru – cậu nhân viên mới mà cô hướng dẫn – tan làm đúng giờ. Những đồng nghiệp khác xung quanh cô đều sẵn sàng làm thêm giờ, ngay cả khi không được hưởng lương hay phải làm một cách lén lút. Cô thường xuyên bị gắn mác lười biếng và không cống hiến. Việc làm thêm giờ và sống chết vì công việc đã in hằn vào ý niệm của mỗi người dân Nhật Bản, trở thành một chuyện bình thường như ăn cơm, uống nước,… Thứ văn hóa công sở độc hại này không chỉ phơi bày thực tế phũ phàng của nhiều công ty ở Nhật Bản, mà còn phản ánh sâu sắc tính độc hại đang bòn rút xã hội nước này qua chuyện tán dương nét cần lao nhiều tiếng đồng hồ liền.
Quan niệm “ăn sâu” vào tiềm thức người Nhật
Nhắc đến Nhật Bản, thế giới luôn ca tụng đức tính chăm chỉ và cần mẫn của họ. Chính đức tính ấy đã giúp người dân Nhật Bản xây dựng nước mình trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu Thế giới. Người ta luôn bảo nhau rằng, đã là người Nhật thì phải chăm chỉ; sự chăm chỉ ấy không còn đơn thuần là một đức tính, mà đã trở thành đặc điểm nhận dạng cùng nét tính cách “nghiễm nhiên” phải có ở mỗi một người. Nhật Bản từng kiên cường vươn mình trỗi dậy sau Thế chiến, nền kinh tế phát triển nhanh chóng mặt, rồi cũng không hề nề hà lụi bại dần sau bong bóng kinh tế. Các thế hệ trải qua thời kỳ “bong bóng vỡ” tự động viên nhau, sự chăm chỉ từng xây đắp nên một Nhật Bản phồn thịnh sẽ lại vực dậy được nền kinh tế đang “thoi thóp” của nước mình.
Những đứa trẻ Nhật Bản được nuôi dạy bằng lời hô vang “Làm đến chết!”; bằng hình ảnh người bố lao lực vì công ty mà bỏ bê gia đình; bằng những lời chỉ trích, trách cứ, và đay nghiệt từ cả xã hội lẫn những đấng sinh thành nếu “trót” tan làm đúng giờ. Quanh họ, những lời gièm pha như lười biếng, vô trách nhiệm, không biết hi sinh,… luôn chực chờ. Thậm chí, họ luôn phải đối mặt với cái nhãn mác nặng nề và xa xôi nhất – thế hệ người trẻ muốn tan làm đúng giờ chính là con sâu làm mục ruỗng đất nước, là căn nguyên của sự bại hoại và đi lùi của một nền kinh tế, một thể chế xã hội. Mỗi cá nhân phải vác lên vai trọng trách quá lớn, chịu trách nhiệm cho toàn thể sự xuống dốc của một tập thể lớn có hàng triệu người trong đó. Cuộc sống của họ không còn thuộc về họ, muôn vàn cái tên sinh ra chỉ để xếp cạnh nhau, muôn vàn sự tồn tại chỉ để góp mặt vào một sự tồn tại chung – tập thể.
Thực trạng công sở Nhật Bản hiện nay
Quản lý mới nhận chức, Fukunaga, đã đánh liều nhận một dự án “quá sức”: Không đủ kinh phí lẫn nhân lực, nên phòng buộc phải đối diện với cảnh liên tục tăng ca. Yui, trưởng nhóm, gắng hết sức để điều phối dự án, nhằm ngăn cản việc đồng nghiệp dưới quyền mải miết làm thêm giờ vì dự án. Mặc cho Yui không ngừng tìm cách, đồng nghiệp của cô lại chẳng mảy may đắn đo, sẵn sàng tăng ca. Đằng sau mỗi người là một lý do riêng, họ ôm ấp lắng lo cùng nỗi sợ hãi của mình, để rồi dồn tất cả sức lực vào việc làm thêm giờ. Với họ, tăng ca là sự đánh đổi cần thiết; chỉ khi tăng ca, họ mới có thể đón nhận một cuộc sống thuận buồm xuôi gió.
“Cô nàng chuyên cần” Mitani Kanako là nhân viên mẫn cán ở mọi công ty cô từng làm. Cô luôn nhận được giải thưởng vinh danh nhân viên chăm chỉ nhất, bởi Mitani không bao giờ đến muộn, xin nghỉ phép, hay tan làm đúng giờ. Ngay cả khi bị trận sốt làm điêu đứng, cô vẫn có mặt tại công ty và tham gia đầy đủ mọi hoạt động. Thực ra, Mitani cảm thấy bản thân không có gì nổi bật và xuất sắc, cô luôn mất nhiều thời gian giải quyết công việc hơn người khác. Cô chậm chạp, không thông minh cho lắm, duy chỉ có sự chăm chỉ là hơn đồng nghiệp. Mitani nghĩ, nếu ngừng sự chăm chỉ này lại, cô sẽ bị đào thải khỏi công ty, trở thành một kẻ thất nghiệp ngày ngày thất thểu trôi đi.
“Người mẹ siêu nhân” Shizugatake Yae vội vã trở lại công ty ngay sau khi sinh con, không ở nhà chăm con và dưỡng sức khỏe theo hạn 3 năm nghỉ thai sản được công ty cho phép. Chị lao vào công việc, để đứa con nhỏ mới sinh cho người chồng chăm sóc. Shizugatake muốn làm người tiên phong thay đổi định kiến về phụ nữ ở chốn công sở, nhưng thay vì đứng lên phản đối các vấn nạn tồn đọng, chị lại chọn làm theo những xếp đặt truyền thống, đẩy mình thành “con rối” trong “ván cờ” vinh quang của vài gã đàn ông đê hèn. Theo thói đời cả ngàn năm nay, phụ nữ là người lo liệu việc nhà, chăm sóc con cái,… còn đàn ông là người bươn chải, kiếm tiền nuôi gia đình. Ở xã hội hiện đại, cụm từ “bà mẹ bỉm sữa” hay “người vợ nội trợ” không phải xa lạ gì. Các công ty cũng không đánh giá cao phụ nữ bằng đàn ông, vì họ liên tục có các kỳ nghỉ dài ngày (như nghỉ thai sản). Trở lại sau vài tháng vài năm chăm con, họ không thể dồn toàn tâm toàn ý cho công việc như trước, bởi họ đã có sự vướng bận lớn hơn nằm ở việc nuôi dạy con cái. Lúc này, thời gian nghỉ dài ngày, cùng mối bận tâm mới, sẽ khiến họ bị tụt lùi so với đồng nghiệp. Nhất là ở một xã hội dồn sự quan tâm, chú ý vào phụ nữ như ngày nay, Shizugatake hay những người mẹ như chị càng cần phải khẳng định bản thân mình nhiều hơn. Rằng, tôi đủ khả năng để bổ lấp thiếu hụt phát sinh từ kỳ nghỉ, tôi đủ năng lực để so sánh với lớp nhân viên mới được tuyển dụng thế chỗ tôi trong kỳ nghỉ, tôi đủ sức cống hiến để theo bước sự phát triển của công ty,…
Trái với Shizugatake, “anh chàng sống ở công ty” Azuma là một người đàn ông không đủ sức cạnh tranh với những người đàn ông khác. Anh ta không có trình độ cao, không có tư duy sắc bén, không có cả khả năng một mình hoàn thành công việc. Vậy mà, anh ta đang sống trong xã hội mà mỗi người đàn ông đều coi công ty là nhà mình, anh ta chấp nhận việc không thể thăng tiến và dùng nhiều tiếng đồng hồ làm thêm giờ làm “năng lực cạnh tranh” của mình. Khi các phong trào bình đẳng giới, nữ quyền,… ngày một “nở rộ” và lan tỏa rộng rãi, đối tượng cạnh tranh của anh ta lại có thêm những người thuộc giới tính khác, những người mà trước đó anh ta chẳng mảy may thèm để tâm. Giờ đây, đồng nghiệp nữ cũng có thể lấn át anh ta: Phụ nữ có sự đảm bảo của công ty, được hưởng kỳ nghỉ dài ngày mà chẳng lo bị đuổi việc, được sắp xếp một lộ trình thăng tiến riêng – thứ anh ta buộc phải cam lòng không nghĩ tới vì năng lực có hạn. Nhưng, chính bởi phụ nữ mất thời gian “chửa đẻ”, “đến ngày”,… anh ta tìm ra ưu thế của mình nhờ đó. Anh ta không bận cho con bú, không phải về nhà dọn dẹp nấu cơm chờ chồng, toàn bộ thời gian của anh ta có thể trao hết cho công ty. Bấu víu vào ưu thế đó, Azuma quyết tâm làm thêm giờ và qua đêm luôn tại công ty.
Kusuru là “nhân viên mới đầy triển vọng”, một thạc sĩ trẻ muốn được làm việc trong một môi trường tôn trọng sức lao động của mình. Cậu biết bản thân có năng lực, cấp trên kỳ vọng cậu có thể nối tiếp đàn anh hy sinh bản thân vì thành quả chung của công ty. Lần đầu tham gia buổi thương thảo quan trọng, Kusuru đã mắc lỗi chuẩn bị tài liệu, cậu bị quản lý nặng lời mắng nhiếc ngay trước mặt đối tác. Kusuru nặng lòng, tự vấn, quyết tâm làm thêm giờ để bù đắp lỗi mình mặc phải.
Cuối cùng, “người nghiện việc” đồng thời là vị hôn phu cũ của Yui, Taneda Kotaro. Anh là phó quản lý của nhóm, “con quỷ” được chứng nhận từ phỏng quản lý, nhân tài “ngàn năm có một”. Kotaro được dạy dỗ bằng các quan niệm “ăn sâu” vào tiềm thức mỗi người Nhật, anh trở thành thế hệ người Nhật tiêu biểu tiếp theo. Mang trên vai trách nhiệm của con trai cả trong nhà, được kỳ vọng “làm nên chuyện”, nhưng không may dính chấn thương rồi phải nói lời tạm biệt với sự nghiệp cầu thủ bóng chày. Bị chính bố mình lạnh nhạt, Kotaro luôn ao ước được bố khen ngợi, thế mà không chỉ để thua ở trận bán kết, tương lai của anh bỗng chốc mịt mù. Vào giai đoạn khó khăn đó, Fukunaga đến dẫn dắt anh vào một con đường mới – trên hành trình ấy, Kotaro tìm thấy cảm giác thỏa mãn sau khi hoàn thành công việc. Dần dà, anh chìm đắm trong khoái cảm đó, coi từng giờ từng phó miệt mài làm việc thành liều thuốc xoa dịu mất mát đã qua cùng sự ghẻ lạnh từng chịu từ bố. Đến lúc nhận ra mình đã bỏ quên những người quan trọng, Kotaro quyết định lần “đâm đầu” làm việc này sẽ là lần cuối, rồi anh sẽ tìm đến công ty của Yui cùng tan làm mỗi ngày. Không may, guồng quay công việc đã đẩy Yui xa khỏi anh, để rồi Kotaro buộc phải buông tay cô, đánh mất khoảnh khắc hạnh phúc đã có, đang có, và biết đâu sẽ có. Trước ngày cưới, người con gái anh yêu lại trở thành người xa lạ.
Tôi không muốn tan làm đúng giờ
Kotaro đánh mất Yui vì anh đã đem thời gian dành cho cả hai chuyển sang dành cho công việc. Tâm trí anh trôi dạt trên lệnh code đang dở, hay hợp đồng sắp ký thành công. Trái tim từng lưu luyến hình bóng Yui, bị hàng tá việc phải làm đè khuất. Dự án đến ngày gần cuối, Yui đặt nguyên tắc “tan làm đúng giờ” sang một bên, lặng lẽ tăng ca với khối lượng công việc quá tải. Thời gian như trở về buổi tối Yui hoảng loạn nhìn người mình yêu ngất lịm, lần này, người bàng hoàng, sợ hãi, lắng lo và đớn đau là Kotaro. Anh nhìn người mình yêu nằm trên giường bệnh viện, nhịp thở như gần như xa, Kotaro chợt nhận ra điều quan trọng hơn hết thảy dự án phải làm – là Yui, là em trai, là gia đình, là những người quan trọng với anh. Không tan làm đúng giờ đã cướp khỏi Yui đám cưới cô hằng mong, bắt cô đón nhận hiện thực tàn nhẫn: Trong căn phòng vốn dĩ thuộc về Yui và Tamaki, chồng sắp cưới của cô, đã không còn chỗ trống cho cô. Tăng ca lấy khỏi ta thời gian, cuộc sống riêng, và cả mạng sống…
Cuộc chiến chống lại “tăng ca” của Yui sẽ vẫn tiếp tục, điều gì đã đổi khác, điều gì vẫn y nguyên, đâu có quan trọng. Miễn là ta không từ bỏ việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, thì ý chí đó sẽ truyền vào trái tim của những người quan trọng với ta, để ta hiểu hơi thở của mình quan trọng lắm, để ta biết luôn có người chờ đợi ta ở nhà.
Sách mới phát hành tháng 3/2023, bạn tìm đọc thử nhé ^^
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất