“Học sâu” của tác giả Kieran Egan được mô tả là “một cải tiến đơn giản có thể biến đổi việc dạy và học ở trường”. Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi nhận thấy phong cách học tập này có tiềm năng trở thành sự thật nếu được đem áp dụng vào thực tế.
Ngược lại với học sâu: học nông
“Học nông” là khái niệm đối lập với Học sâu. Người học nông thường có dấu hiệu là thu thập rất nhiều thông tin, ham thích nói hơn là lắng nghe và tự tin thái quá với vốn kiến thức, nhận thức chủ quan của bản thân. Lối học nông này khá nguy hại. Bởi nó dễ khiến con người rơi vào cạm bẫy của sự ảo tưởng “biết tuốt” cũng như ngày càng rơi vào trạng thái hỗn độn, không thể phân biệt được giữa dữ liệu, thông tin, kiến thức.
Nhìn vẻ ngoài thì học nông và nói nhiều đôi lúc dễ bị nhầm lẫn với thông thái, uyên bác. Nhưng sự thực là:
Những người đã dạy nhiều năm ở bậc cử nhân tại trường đại học, nơi người ta có thể mong đợi có nhiều người trẻ tuổi học tốt hơn, kêu ca rằng trình độ những năm gần đây thật sự đi xuống. Gần đây một giáo sư phàn nàn với tôi: “Không phải chúng không nhớ những điều khoản của Hiệp ước Versailles mà là chúng không nhớ đã có một hiệp ước như thế, hay tại sao nó xảy ra, hay hiệp ước nghĩa là gì, hay “Versailles là nhân vật quái nào vậy?” v.v…, chứng tỏ một hố sâu dường như vô tận của sự thiếu hiểu biết. Và chúng hoàn toàn hài lòng trong hố sâu đó, chỉ hơi quan tâm về chuyện tôi ưu tư trước sự thiếu hiểu biết của chúng về hầu như toàn bộ quá trình lịch sử mà chúng đã được học ở trường. Chúng nói với tôi rằng nó không liên quan gì tới cuộc sống của chúng ta hiện nay. Và trong tất cả những năm đi học, rõ ràng là không ai cho chúng thấy nó có thể liên quan thế nào với cuộc sống của chúng”. (trang 10).
Nhận xét này khá có ý nghĩa nên tôi quyết định trích dẫn đầy đủ. Để chúng ta tránh bị hiểu nhầm là Học sâu vốn dĩ chỉ thuộc về các chuyên gia hay nhà nghiên cứu. Hiểu biết chắc chắn về những điều chúng ta nên biết (kiến thức căn bản) thực chất cũng là một dạng Học sâu. Nhưng việc Học sâu như vậy đang ngày càng trở nên xa xỉ hơn trong môi trường học đường cũng như đời sống.
Số lượng các môn học chỉ tăng mà ít khi giảm, dòng thác thông tin từ mạng Internet cũng như vậy đang biến não bộ và năng lực học tập của con người trở thành những chiếc lá khoai khổng lồ (tôi mượn hình ảnh “nước đổ lá khoai” để bạn đọc dễ hình dung).
Thật sự rất oái oăm khi các bạn học sinh, sinh viên cho rằng những kiến thức trên trường lớp không thiết thực, không liên quan đến cuộc đời mình nhưng lại dành hàng giờ trong ngày bàn luận về những thần tượng ở xa tít tắp hay những trào lưu kỳ lạ tình cờ lướt được trên “tóp tóp”. Và hiển nhiên, không thấy vấn đề gì trong hành vi này chính là vấn đề lớn nhất của tư duy.
Học sâu là gì?
Xét về kiến thức mà chúng ta học theo chiều rộng, chúng ta luôn luôn dựa vào sự tinh thông của người khác; khi học sâu, chúng ta sẽ phát triển sự tinh thông của chính mình. Người ra cho rằng học sâu điều gì đó sẽ đưa đến một sự hiểu biết tốt hơn về tất cả kiến thức “rộng” khác của chúng ta. (trang 18)
Nhận định này của tác giả có lý lẽ. Bởi tôi đã kiểm chứng trong thực tế, nhưng học sinh xuất sắc nhất, toàn diện nhất đôi khi lại không phải là những học sinh hiểu biết nhất. Nói cách hình tượng hơn là phần lõi tri thức của họ rất yếu, không ổn định nhưng xung quanh lõi đó thì có rất nhiều thứ phụ kiện được gá tạm vào.
Việc học tập cần đến cả chiều rộng và chiều sâu, nhưng tôi cảm thấy chiều rộng đang lấn át chiều sâu. Bởi chiều rộng thường dễ dàng đạt được hơn, dễ đo lường quy đổi ra thành tích và mau chóng hơn.
Học sâu mang đến những ích lợi cụ thể với trí tuệ, tác giả Kieran Kegan tổng hợp lại gồm:
-         Sự tinh thông và biết cách mà kiến thức vận hành
-         Niềm vui học tập
-         Kích thích trí tưởng tượng
-         Những dự án và tiêu điểm của chúng
-         Học sâu và ý thức về bản thân
-         Học sâu và tính khiêm tốn
-         Kiến thức của những nền văn hóa truyền miệng và thành văn
Kỳ lạ thay, những lợi ích to lớn này hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta kiên nhẫn theo đuổi việc tìm hiểu những đề tài đơn giản như: “Táo”, “Bụi”, “Mèo” v.v… mà tác giả đề xuất. Ông cho rằng chỉ cần những đề tài Học sâu đảm bảo tiêu chí phức tạp, đa dạng, đa chiều gắn với đời sống và không hướng đến những nhận thức tiêu cực thì người học hoàn toàn có thể theo đuổi hoạt động tìm tòi trong khoảng 10 đến 15 năm, với niềm hứng khởi càng ngày càng gia tăng.
Tôi nghĩ đây là một gợi ý rất đáng để giáo viên, nhưng quan trọng hơn là chính các bậc cha mẹ tham khảo để đồng hành cùng con cái của mình. Bởi cha mẹ có nhiều thời gian bên con, tận tâm, hiểu tính nết của con nên sẽ thuận lợi hơn khi đồng hành cùng con Học sâu. Tôi tin bản thân các bậc phụ huynh cũng sẽ đạt được khá nhiều lợi ích khi tham gia hành trình học sâu cùng con, vì không ai biết được chính xác lần gần nhất họ thực sự học thứ gì đó là khi nào, nhưng lần gần nhất họ kêu con “học đi, chịu khó học vào” chắc cũng chưa xa xôi lắm. Việc học tập cùng con trẻ sẽ giúp họ hiểu nhận thức của con hơn. Đồng thời, khiến cho nhận thức của người lớn được làm mới, thu hẹp khoảng cách thế hệ để cởi mở, gần gũi với con em mình hơn.
Phần tôi thích nhất ở cuốn sách: Phản đối và hồi đáp
Trong phần này, tác giả đã tập hợp những ý kiến phản đối ý tưởng Học sâu. Sau đó ông lần lượt hồi đáp. Tôi thấy mến phục sự thẳng thắn, chân thành và nhất là độ sâu của ông trong khi đưa ra ý tưởng, kèm theo quyết tâm cao trong việc ứng dụng Học sâu, cởi mở đón nhận những góp ý- thậm chí là chỉ trích gay gắt từ những đồng nghiệp, những nhà quản lý giáo dục có thâm niên, quyền chức.
Những luận điểm phản đối được các họ đưa ra như sau (tôi xin được tóm lược theo ý hiểu của mình):
-         Trẻ em sẽ không đủ kiên nhẫn để dành hàng năm trời tìm hiểu một đề tài mà kiểu gì chúng cũng sẽ chán. Trẻ rất hay thay đổi, đặc biệt khi chúng lớn lên.
-         Giáo viên có quá nhiều việc để làm, dành thêm thời gian cố vấn cho học sinh về các dự án Học sâu sẽ khiến họ bị quá tải.
-         Những đề tài kiểu như “Táo”, “Bụi” không đáng để học sinh đầu tư thời gian, công sức tìm hiểu sâu. Nếu giáo viên chọn đề tài cho học sinh thì chúng sẽ thiếu động lực thực hiện.
-         Tại sao trẻ cần nỗ lực tìm hiểu trong khi chúng có thể lướt mạng và copy về hàng tập tài liệu cho giáo viên? Giáo viên sẽ làm gì với hàng núi tài liệu cóp nhặt ấy?
-         Đây là một ý tưởng ngây thơ, viển vông và nó sẽ không bao giờ thành sự thực.
Những lập luận đanh thép này có vẻ sẽ đánh bại ý tưởng về Học sâu. Dù vậy, tác giả đã ôn tồn chứng minh cho bạn đọc thấy “nếu muốn làm thì sẽ có cách, không muốn làm thì thấy toàn lý do”. Phần hồi đáp thú vị tôi sẽ dành cho bạn đọc tự khám phá trong quá trình đọc sách.
Những liên tưởng cá nhân
Tôi dành phần này để đưa ra cảm nhận chủ quan của mình về Học sâu nếu đặt trong bối cảnh nơi chúng ta đang sống. Xin lưu ý, có thể phần này không liên quan lắm đến những điều tác giả trình bày trong sách, bạn đọc hoàn toàn có thể bỏ qua.
Từ trải nghiệm thực tế tôi nhận thấy Học sâu rất đáng để thực nghiệm. Nhưng thực nghiệm này cần tiến hành có chọn lọc. Bởi lẽ không phải học sinh nào cũng có tư chất nghiên cứu sâu để trở thành chuyên gia hay nhà nghiên cứu. Nhận xét này không mang tính chất phân biệt, mà hiển nhiên xã hội cần sự phân công lao động. Chúng ta cần các học giả nhưng cũng cần những hành giả- cả 2 đều đáng quý trọng nếu làm tốt bổn phận của mình.
Có lẽ thay vì tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi hay chạy đua và các trường chuyên lớp chọn, tổ chức những lớp Học sâu sẽ là giải pháp đơn giản nhưng thu về kết quả vừa thiết thực, vừa hữu ích hơn. Ít nhất sau khoảng 5 đến 10 năm, chúng ta sẽ có những học sinh am hiểu sâu sắc về một lĩnh vực nào đó thay vì những ngôi sao sáng rồi vụt tắt sau những giải thưởng, huy chương. Bắt đầu từ sở thích của các em là một ý tưởng không tệ, bởi đề tài các em theo đuổi cần là đề tài chạm đến cảm xúc của các em.
Tôi nhớ đến thời gian mình còn làm công việc nghiên cứu thông tin và kết nối với các chuyên gia trên Mạng hỏi đáp Việt Noron. Trong quá trình tìm kiếm những cá nhân thành thạo, được xem là bậc thầy, tôi thường tự hỏi vì sao họ lại trở thành chuyên gia? Họ có phải thực sự là chuyên gia? Chuyên gia là gì? Câu trả lời tôi tự nghiệm thấy là họ không phải là những người thông minh nhất, nhưng họ có tình yêu và sự bền bỉ với lĩnh vực mà họ chọn. Đa số họ đều là những người học sâu và (thực) hành cũng sâu. Ở họ có sự cam kết trung thành với lĩnh vực chuyên môn của mình nhưng cũng linh hoạt tiếp thu thêm kiến thức, kỹ năng bổ trợ để làm giàu thêm cho chuyên môn ấy. Hành trình của họ thường tối thiểu là 05 năm cho đến 20 năm cặm cụi đào sâu. Họ có đủ kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết vấn đề mà hầu hết mọi người không giải quyết được- dĩ nhiên trong phạm vi chuyên môn của mình.
Nếu chúng ta tìm được những học sinh có tố chất phù hợp để định hướng học sâu, thì việc đóng góp những chuyên gia trẻ tuổi, có thực chất (không phải là có profile khủng) sẽ không còn quá khó khăn. Bởi các bạn trẻ này sẽ thừa hưởng thành quả từ những chuyên gia đi trước, công thêm tư duy nhạy bén và khả năng làm chủ các công nghệ mới tốt hơn.
Thay cho lời kết
Mặc dù cần thêm thời gian tìm hiểu, ứng dụng tôi tự nhận mình khá có thiện cảm với cuốn sách “Học sâu”. Công trình này gợi nhắc cho tôi về tính thiết yếu của tri thức trong đời sống con người, về tư duy học tập bài bản như các thầy Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Hoàng Đạo Thúy, Thái Phỉ Nguyên Đức Phong hay như gần đây là thói quen liên tục đặt câu hỏi “Tại sao?” mà GS Phan Văn Trường khuyên nhủ thế hệ trẻ.
Có rất nhiều người học, nhưng không phải người học nào cũng hiểu và không phải người nào hiểu cũng biết cách vận dụng. Do đó, học tập cũng là công phu được tích lũy dần theo năm tháng, không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn bằng cách ngốn ngấu hàng núi sách hay lăng xăng học từ hết thứ chính khóa nọ sang ngoại khóa kia.
Bản chất của Học sâu gợi cho tôi nhớ đến tác phẩm “Tôi tự học”.