Tôi không nghĩ “Gió qua rặng liễu” là tác phẩm dành cho thiếu nhi. Bởi cuốn sách có những thông điệp mà chúng ta dành cả đời để không lãng quên (dù rằng hầu hết chúng ta sẽ quên). Thông qua các nhân vật Chuột Chũi, Chuột Nước, Thằng Cóc và Bác Lửng; tác giả Kenneth Grahame đã giúp người đọc sống lại không chỉ khoảnh khắc tuổi thơ mà còn là cuộc sống trưởng thành đầy tự do mà tuổi thơ từng ước mơ.
ảnh: Tiki
ảnh: Tiki
Chuột Chũi
Chàng Chuột Chũi xuất hiện để mở đầu cho tác phẩm. Tôi thấy cậu luôn hành động theo những gì con tim mách bảo, nên có lúc đúng, lúc sai. Cậu rời khỏi căn nhà quen thuộc của bản thân mà không có kế hoạch nào cụ thể. Chưa hết, cậu còn sẵn sàng đi vào chốn Rừng Hoang chỉ bởi tò mò. Kết quả là cậu bị mắc kẹt phải đợi Chuột Nước đến cứu.
Chuột Chũi giống như một đứa trẻ ưa khám phá, không muốn bỏ sót ngóc ngách nào trong mọi không gian, thời gian. Cậu sống thật với cõi lòng mình đến mức đôi khi bạn bè cảm thấy cậu hơi vụng về, dễ xúc động. Thế nhưng không có Chuột Chũi thì mọi thứ không thể hoàn hảo được. Cậu là phần không hoàn hảo để góp phần làm cho thế giới hoàn hảo hơn. Vốn mong manh, cần có ai đó trông chừng Chuột Chũi, đó là anh bạn Chuột Nước.
Chuột Nước
Khác với Chuột Chũi, Chuột Nước là một nhân vật khá toàn diện, có sự cân bằng giữa lý trí, tình cảm. Khi nhàn rỗi, cậu có thể làm thơ, bơi thuyền trên con sông gần nhà để nói chuyện phiếm. Nhưng cũng chính Chuột Nước, khi biết bạn lạc vào Rừng Hoang, đã bình tĩnh suy xét, chấp nhận nguy hiểm đi cứu bạn.
Có lẽ vì tháo vát, chu toàn nên cậu hay “ra vẻ”. Nhưng dù thăng bằng đến mấy, Chuột Nước cũng cảm thấy lao đao khi nghe kể về hải cảng, bãi biển, đời thủy thủ phiêu lưu nay đây, mai đó. Cậu quên đi dòng sông thơ mộng bản thân từng nguyện mãi mãi gắn bó để hăm hở lên đường chu du.
Hình như cơn say lý tưởng không chừa bất kể sinh vật nào. Cho đến khi được bạn Chuột Chũi khuyên giải, cậu từ từ lắng lại. Chuột Nước là người bạn mà bất kì sinh vật nào cũng muốn làm bạn: khôn ngoan, nhân hậu và coi trọng bè bạn. Bởi biết quan tâm đến người khác và cư xử có chừng mực, nên nhà quán quân thực sự trong việc theo đuổi đam mê không phải cậu, mà là Thằng Cóc.
ảnh: Pixabay
ảnh: Pixabay
Thằng Cóc
Nếu chỉ đọc nửa đầu của cuốn sách, bạn sẽ thấy Thằng Cóc là nhân vật điên khùng, đáng ghét nhất. Nhưng gấp cuốn sách lại, bạn sẽ nhận ra kẻ say sửa với lý tưởng, với đam mê sống nhất lại chính là Thằng Cóc. Cậu ta yêu cảm giác được lái chiếc xe ôtô đến mức bất chấp tất cả. Sở thích ấy khiến bản thân cậu ta và những người bạn xung quanh gặp rất nhiều rắc rối. Mặc dù vậy, Thằng Cóc không bao giờ rút kinh nghiệm- đó là điểm đáng ghét song cũng thú vị ở cậu.
Thằng Cóc là khởi nguồn của mọi chuyến phiêu lưu, là sự trật nhịp nếp sống đều đều để tạo nên sự xáo trộn. Thằng Cóc liên miên mắc vào vòng sai – sửa, sửa – sai. Cá tính của cậu thách thức mọi sự an toàn, mọi sự buồn tẻ. Ngay cả khi đang sai, cậu vẫn dương dương tự đắc về tính tốt đẹp của bản thân (do cậu tự nghĩ ra). Thằng Cóc yêu bản thân mình hơn hết thảy rồi đem trọn cá tính này để sửa sang thế giới.
Khác với Bác Lửng, chọn sống một cuộc đời đúng nguyên tắc, ngăn nắp.
Bác Lửng
Nhân vât để những người bạn trẻ dựa vào chính là Bác Lửng. Luôn cân nhắc kỹ, có sự chuẩn bị, thích lãnh đạo bằng các mệnh lệnh ngắn gọn: chính là Bác Lửng.
Bác Lửng có thế giới của riêng mình, tài sản của riêng mình nên Bác Lửng rất vững vàng, ổn định. Nhờ sống lâu và chứng kiến không biết bao nhiêu lần cánh rừng và thành phố đổi chỗ cho nhau, Bác Lửng hiếm khi hoài nghi vào điều gì. Bác tốt bụng, sẵn lòng ra tay giúp đỡ kẻ yếu thể, dẫn dắt kẻ lầm lạc. Tưởng chửng bác là kẻ an nhàn nhất, nhưng hóa ra, bác lại thành kẻ bận rộn nhất khi đời bác chẳng có gì phải lo, nhưng phần lớn thời gian bác dành cho việc lo lắng về cuộc đời của kẻ khác.
Bác Lửng cũng không phải là hình mẫu đủ hoàn hảo để muôn loài noi theo. Nhưng kết hợp cùng các bạn trẻ Chuột Chũi, Chuột Nước, Thằng Cóc, tính lo xa và kinh nghiệm của bác thật có giá trị.
ảnh: Pixabay
ảnh: Pixabay
Thay cho lời kết
Ngày còn nhỏ, đã bao giờ bạn ước rằng bản thân chóng lớn để có thể tự do làm điều mình thích chưa? Rồi khi lớn lên, bạn nhận ra làm người lớn ít tự do hơn bạn tưởng rất nhiều. Bạn mong được bé lại, trên thực tế thì ước muốn này gần như là không thể. Nếu bạn đọc “Gió qua rặng liễu”, phần nào bạn có thể gặp lại được tuổi thơ.
Với tôi, tác phẩm này là khúc nhạc du dương của thần Pan mang đến giai điệu niềm vui của cuộc đời mộc mạc.
Nguồn: