Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.

--={[ REVIEW MISTBORN #1-3 ]}=--

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑🌑
7.5/10

TL;DR

Fullmetal Alchemist, có điều YA hơn, và thay vì Alchemy (chuyển hóa vật chất thành các biến thể khác nhau) thì có Allomancy (chuyển hóa kim loại thành siêu năng lực).

GIỚI THIỆU CHUNG

Mistborn là một trong những bộ Epic Fantasy thời đầu của Brandon Sanderson, một trong những tác giả Fantasy nổi tiếng nhất ngày nay. Series hiện tại vẫn đang tiếp tục được Sanderson mở rộng, cả về mạch cốt chính lẫn các phần ngoại truyện bên ngoài. Tuy nhiên, ba cuốn đầu trong series hợp lại thành một cái trilogy được gói ghém rất gọn, chỉ cần đọc hết đến đấy rồi dừng lại luôn là cũng đã đủ rồi. Trong phạm vi review này, mình cũng sẽ chỉ động đến ba quyển đấy thôi, và nếu thấy có chỗ nào mình nhắc chung về cả series, anh em cứ hiểu mình không nói loang ra mấy quyển ngoài đâu nhé.
Cụ thể hơn, ba quyển sẽ được bàn là:
1) The Final Empire
2) The Well of Ascension
3) The Hero of Ages
Trilogy lấy bối cảnh là một thế giới có tên là Scadrial, nơi con người sở hữu một nền văn minh với mức phát triển ngang Trung Cổ. Đây là một mảnh đất hết sức khắc nghiệt, không ngừng bị tàn tro núi lửa phủ kín, khiến cây trồng trở nên cằn cỗi, và cứ đêm đêm lại có một lớp sương mù quái đản bao trùm khắp nơi, làm hại người dân.
Tuy nhiên, thứ đáng sợ nhất ở Scadrial không phải là môi trường tự nhiên, mà là kẻ thống trị nó. Số là một thiên niên kỷ trước, khi thế giới hãy còn đang bị một mối hiểm họa bí ẩn mang tên The Deepness đe dọa, một người hùng đã trỗi dậy, vượt bao gian khổ đến một chốn mang tên The Well of Ascension, nơi cất giấu một nguồn sức mạnh vô song. Nhờ quyền lực thu được từ The Well of Ascension, người hùng đấy đã đẩy lùi The Deepness, cứu rỗi nhân loại khỏi thảm họa diệt vong.
Và rồi liền quay sang đô hộ tất cả.
Với sức mạnh phi thường của mình, “người hùng” kia tự xưng là Lord Ruler, và đã thực hiện một cuộc chinh phạt tàn khốc. Lord Ruler thẳng tay tàn sát bất cứ ai chống trả mình, thậm chí còn tiến hành hàng loạt cuộc diệt chủng đối với hàng bao dân tộc tại Scadrial, xóa sổ hoàn toàn nền văn hóa, tín ngưỡng, và tất thảy những gì các tộc người ấy sở hữu. Đến lúc cuộc chinh phạt kết thúc, Lord Ruler đã thống nhất toàn Scadrial dưới tay mình, thành lập một đế chế mới tên là The Final Empire, với bản thân vừa là hoàng đế tối cao, vừa là Chúa bảo hộ cho nó.
Về phần các công dân của The Final Empire thì họ về cơ bản bị chia ra làm hai giai cấp. Một bên là giai cấp quý tộc, bao gồm những kẻ ủng hộ Lord Ruler ngay từ sớm cũng như các hậu duệ của chúng. Các Quý Tộc được Lord Ruler ưu ái ban tặng rất nhiều thứ, bao gồm đất đai, tài sản, chức tước, và quan trọng nhất là Allomancy. Allomancy cho phép giới quý tộc có thể nuốt một số kim loại nhất định, sau đó “đốt” chúng trong người để làm được những việc phi thường, chẳng hạn trở nên mạnh mẽ bội phần, thao túng cảm xúc của người khác, điều khiển kim loại từ xa, hay thậm chí nhìn thấu tương lai và quá khứ. Vấn đề là chỉ một số Quý Tộc sử dụng được khả năng ấy thôi, còn phần đông những người khác chỉ đơn thuần mang nó trong gen, về sau truyền lại cho con cháu. Và cũng như bậc cha ông mình, những hậu duệ ấy ai cũng có cơ hội trở thành một Allomancer (tức người sử dụng Allomancy), nhưng không phải tất cả đều đánh thức được năng lực tiềm ẩn này.
Ngược với các Quý Tộc là Skaa, tầng lớp dân đen của thế giới này. Họ bị đối xử chẳng khác nào nô lệ, phải sống trong các khu ổ chuột, và tối ngày phải quần quật làm việc trên các cánh đồng và hầm mỏ dưới sự cai quản đầy hà khắc của các Quý Tộc. Trên lý thuyết, Skaa là tài sản của Lord Ruler, và các Quý Tộc chỉ thuê Skaa về làm công cho mình thôi, và sau đó phải trả lại đầy đủ cho Lord Ruler. Tuy nhiên, nếu số lượng Skaa có bị thâm thọt đi tí đỉnh thì Lord Ruler cũng chẳng câu nệ lắm, bởi vì Skaa luôn có thể sinh đẻ lứa mới. Chính bởi vậy, các Quý Tộc gần như được mặc sức chém giết, cưỡng bức, tra tấn, làm đủ trò man rợ với dân Skaa, miễn sao đừng để số Skaa tụt xuống quá thấp, và cánh Quý Tộc tận dụng tối đa “đặc quyền” này.
Chính vì bị áp bức đối xử tàn bạo đến vậy, đã có rất nhiều cuộc nổi dậy của Skaa bùng nổ, nhưng tất cả đều thất bại ê chề. Quyền năng Allomancy bên Quý Tộc sở hữu là một lợi thế quá áp đảo, và dẫu rằng quả đúng là dân Skaa có một số người lai máu Quý Tộc (con hoang của những bà mẹ Skaa bị Quý Tộc cưỡng bức), họ có sĩ số quá ít và quá thiếu kinh nghiệm, không tài nào đấu lại được với bên Quý Tộc. Và cứ thế, suốt một ngàn năm liền, cơ cấu xã hội của The Final Empire gần như chẳng suy chuyển tí gì.
Nhưng rồi một ngày nọ, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Từ dưới Hố Hathsin, mỏ khai thác quặng tàn khốc nhất trong toàn bộ The Final Empire, nơi chưa một Skaa nào bị tống vào lại có thể sống sót đào thoát được cả, một kẻ lạ mặt với đôi tay chằng chịt sẹo đã lết ra ngoài. Cùng với tấm thân tàn tạ của mình, gã còn mang theo hai thứ đầy nguy hiểm khác: năng lực Allomancy, và một kế hoạch trả thù…

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Nếu hay theo dõi mấy bài mình viết, anh em có thể đã nhận thấy dạo gần đây, mình gần như toàn review các tác phẩm nặng về triết lý với các mưu mô chính trị lằng nhằng, khoa học nặng nề này nọ, đọc hơi mệt đầu. Mấy tác phẩm kiểu đó có nét hấp dẫn riêng, nhưng chúng cũng khá kén người, và đặc biệt với những ai mới nhảy vào SFF thì sẽ rất dễ bị ngợp và có khi xách dép bỏ chạy luôn, nghĩ rằng mảng này không hợp với mình.
Nếu không hợp cái thể loại đó hoặc chỉ đơn thuần muốn tìm một thứ gì nhẹ nhàng hơn cho đổi vị, Mistborn sẽ là thứ hết sức thích hợp với mọi người.
Trong cả ba cuốn thuộc trilogy Mistborn, tính giải trí đều được đặt lên làm trọng. Anh em sẽ thường xuyên bắt gặp những pha hành động rất mãn nhãn, mô tả theo một cách đầy kịch tính và hấp dẫn, dàn trải rất đồng đều trong suốt tác phẩm. Chúng chạy từ những buổi huấn luyện, các nhiệm vụ do thám và phá hoại, những màn giải cứu tù nhân, tỉ thí tay đôi, cho đến các cuộc chiến đấu đẫm máu giữa những đạo quân khổng lồ, liều chết bảo vệ thành phố khỏi các bầy quái vật hung tợn. Đến ngay cả những đoạn mấy nhân vật hộc tốc chạy về chi viện cho nhau, không có gì ngoài chạy, chạy, và chạy (và bay nữa, lát đến thế giới nói cụ thể hơn), mà mọi người cũng sẽ thấy nó được miêu tả theo một cách ngộp thở vô cùng.
Bổ trợ cho điều này là cái giọng văn hết sức đặc sản của thanh niên Brando Sando nhà ta. Trong một buổi giảng về kỹ thuật viết lách ở Đại học Brigham Young, ông anh đã nói mình có một kiểu viết “khung kính trong suốt.” Cụ thể hơn, Sanderson chủ trương rằng câu văn từ ngữ nên được giữ cho đơn giản nhất có thể để không can thiệp vào với cốt, giúp nội dung chính của cốt được truyền tải một cách trực tiếp nhất có thể đến cho người đọc. Mistborn thể hiện rất rõ cái điều này. Câu từ của nó đọc không chút gập ghềnh, cực kỳ dễ theo dõi, và thậm chí còn có thể nói là “tàng hình” hẳn luôn. Nó giúp mạch truyện trôi qua một cách cực kỳ trơn tru, liền mạch, và anh em sẽ có thể phóng ầm ầm qua tác phẩm này mà không cần nghỉ lấy hơi.
Bên cạnh đó, dù phần hành động đấm đá nhau kiểu xôi thịt rất nhiều, Mistborn cũng vẫn tích hợp vào một số thứ “có não” hơn một tí. Mỗi tác phẩm trong trilogy đều có đủ loại mưu mô lừa lọc thú vị, đặc biệt là trong 2 tập truyện cuối, khi các nhân vật phải đối mặt với hệ lụy của cuộc cách mạng bạo lực mình thực hiện trong tập truyện đầu. Rất nhiều chiêu bài chính trị được đủ loại nhân vật sử dụng, tạo thành những pha bẻ lái bất ngờ, ập đến cũng dồn dập chẳng kém gì các phân cảnh hành động vậy. Hấp dẫn nhất là cách mọi tác phẩm xây chồng lên nhau, và cứ đến cuối mỗi cuốn, ta lại có một pha tiết lộ rất động trời, khiến những gì xảy ra trong các cuốn trước vừa đồng thời trở nên rõ ràng hơn hẳn, vừa gần như bị lật ngược hoàn toàn, khiến ta không khỏi sững sờ nhận thấy mọi thứ trong cái thế giới này không hề đơn giản chút nào.
Ngoài ra, Mistborn còn có một số theme khá sâu sắc, với đặc biệt nhất là theme về tôn giáo. Sanderson là một tín đồ Mặc Môn giáo, từng bỏ ra hai năm công tác tại Seoul trên cương vị người truyền giáo cho Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus Christ, và anh em sẽ có thể thấy rất rõ đời sống tâm linh của Sanderson đã thẩm thấu rất sâu vào tác phẩm này. Nhưng anh em cứ yên tâm, Sanderson không mượn Mistborn để tung hê Thiên Chúa giáo các kiểu hay gì như Walter M. Miller từng làm trong A Canticle for Leibowitz đâu. Trên thực tế, chẳng có tôn giáo thật ngoài đời nào xuất hiện trong Mistborn cả, mà chỉ toàn một đống tôn giáo bịa đặt, với đủ kiểu triết lý và lời dạy trên trời dưới bể. Cái quan trọng là Sanderson đi vào phân tích một cách sâu sắc đến bất ngờ rất nhiều khía cạnh của tôn giáo nói chung, cả những mặt hạn chế lẫn cách nó có thể bị lợi dụng cho đến những điều tốt đẹp và sự hữu ích của nó đối với con người. Đặc biệt, có những đoạn anh em gần như có thể “nghe” thấy Sanderson đang đích thân đứng ra chia sẻ những băn khoăn của chính bản thân, bàn về những giằng xé của chính mình trong hành trình tìm kiếm sự yên ổn về mặt tâm linh, đọc sẽ thấy vô cùng thú vị.
Tuy nhiên, bất chấp những thế mạnh trên, Mistborn cũng không thiếu vấn đề. Cái đầu tiên là dù đã được viết theo kiểu dễ thấm hết mức có thể, đọc Mistborn vẫn khá mệt, bởi vì nó lắm chữ kinh khủng. Mỗi tập của trilogy dài tầm 600 trang giấy, và bởi vì cái giọng văn kiểu “nước lã” của Sanderson, anh em sẽ không khỏi cảm thấy mình như đang phải ngồi ăn cơm chấm muối suốt cả một tuần vậy. Mấy phần hành động các kiểu đã gánh hộ truyện rất nhiều trong khoản này, nhưng nó không thể gánh hết được. Đọc mấy đoạn dự lễ hội dông dài các kiểu với cái văn nhạt thếch của Sanderson dễ ngủ gật lắm.
Thêm một cái nữa là truyện nhắm đến đối tượng độc giả trẻ, thế nên nó có một cái kiểu YA hơi khó ngửi. Trong trường hợp anh em chưa biết, YA là viết tắt của Young Adult, dùng để chỉ độ tuổi tầm cấp 3 với đầu đại học, và các tác phẩm được viết nhắm vào cái mảng độc giả ấy sẽ có một số mô típ rất đặc sản mà những ai ngoài tầm tuổi đó sẽ thấy không nuốt trôi nổi. Dẫu Mistborn không đến nỗi YA quá nặng như kiểu Hunger Game hay Divergent hay Twilight, nhưng nó vẫn có mấy cái tình yêu tình báo với nổi loạn sặc mùi tuổi teen.
Lần đầu mình đọc cái bộ này là hồi cấp ba gì đó, đúng tầm tuổi đấy luôn, và vì thế nên thấy bộ này quả thực xứng đáng 9 hay thậm chí 10 điểm, và anh em nào trẻ trẻ chắc cũng sẽ thấy nó ổn tương tự. Tuy nhiên, giờ đọc lại lúc đã quá tuổi, mình lại chỉ thấy mấy thứ đó lợm giọng phát kinh, đặc biệt trong những trường hợp thấy ngay cả những nhân vật già đầu hẳn hoi chứ không phải là tuổi chanh muối hay ô mai mà lại hành xử theo một kiểu ngu xuẩn đến thế. Chính bởi vậy mà điểm của nó giờ lại bị đánh tụt hẳn xuống.
Thêm một vấn đề nữa là Sanderson có nhiều đoạn xem chừng coi thường IQ độc giả hơi quá đà. Ông anh điểm đi điểm lại những thứ đã nói rồi, hoặc từ tập trước hoặc trong chính quyển đang đọc hiện tại, giải thích những thứ lôgic rất đơn giản mà đến Charlie Gordon (trước khi được sửa não) cũng có thể luận ra. Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng lại có những đoạn xung đột được giải quyết theo một cách “tiện” phi thường, với cái lý giải gần như từ trên trời rơi xuống. Thậm chí, có những lúc cái kiểu giải quyết của ông anh còn ngáo ngơ đến mức nếu bỏ ra vài giây ngẫm nghĩ thôi, ta sẽ thấy nó như đá ngược vào mạch cốt mà đồng chí này đang hoặc đã xây dựng, bởi nếu đã làm được kiểu A thì thế bất nào lại cứ phải chạy lòng và lòng vòng như con Wile E. Coyote bắt con đà điểu vậy?
Mấy chỗ kiểu đấy không đến nỗi quá nhiều, nhưng chúng nó vẫn xuất hiện với một tần suất vừa đủ lớn, đặc biệt trong cuốn đầu, tới mức mọi người không khỏi cảm thấy rằng có lẽ không phải ngẫu nhiên tên viết tắt của Brandon Sanderson là “BS,” bởi vì có lẽ chỉ cái này mới thể hiện được một cách chân thực nhất cảm nghĩ của anh em về chuyện vừa xảy ra:

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Nói thật ra, thế giới của Mistborn không hẳn ổn cho lắm. Nó có một số điểm với chủng tộc quả rất đặc biệt, với một cái xã hội phân tầng theo kiểu thú vị, nhưng vấn đề là chúng không đủ nhiều và đa dạng đến mức lấp đầy được một thế giới. Anh em cứ tưởng tượng thế giới của Mistborn là một căn phòng to đùng, rộng đến mấy trăm mét vuông, nhưng bên trong chỉ có 1 tấm thảm bé tí, hai cái ghế đẩu, và ba ông một đen một trắng một vàng ngồi ở ba góc khác nhau. Trên lý thuyết, cái phòng đấy không thể gọi là trống rỗng được, bởi vì nó rõ ràng là có đồ với người, và cũng đa dạng ra phết, nhưng nhìn vào thì sẽ vẫn thấy nó trống huơ trống hoác như thường.
Tuy nhiên, có một cái mà thế giới của Mistborn làm gần như không thể chê vào đâu được, ấy là hệ thống phép thuật của nó. Cụ thể là cái Allomancy.
Như đã nói ở phần giới thiệu sơ lược bên trên đấy, Allomancy là khả năng nuốt kim loại rồi “đốt” nó trong bụng (đại khái là tiêu hóa nó) để lấy siêu năng lực. Chỉ một số kim loại có thể được sử dụng làm nguyên liệu cho Allomancy, và mỗi thứ cung cấp một siêu năng lực riêng. Trong trilogy gốc, những kim loại được giới thiệu và năng lực của chúng bao gồm:
- Thép: đẩy các kim loại ở gần, với bản thân người sử dụng đóng vai trò như điểm neo.
- Sắt: kéo các kim loại ở gần, với bản thân người sử dụng đóng vai trò như điểm neo.
- Pewter (hợp kim thiếc): tăng cường khả năng thể chất (đánh đấm khỏe hơn, phản xạ nhanh hơn, lành vết thương nhanh hơn, chịu được thương tổn nặng hơn,…).
- Thiếc: tăng cường sức mạnh các giác quan (nghe rõ hơn, nhìn rõ hơn, cảm nhận tinh tế hơn…).
- Kẽm: khuấy động cảm xúc (thổi bùng lên sự giận dữ, nỗi sợ hãi, lòng tin tưởng,…).
- Đồng thau: xoa dịu cảm xúc (dập tắt sự giận dữ, nỗi sợ hãi, lòng nghi kỵ,…).
- Đồng: ẩn các năng lượng Allomancy đi (của cả bản thân lẫn những Allomancer khác ở gần), cho phép sử dụng Allomancy mà không bị phát hiện; đồng thời bảo vệ cảm xúc của người dùng khỏi bị thao túng.
- Đồng điếu (tức đồng đỏ): dò tìm năng lượng Allomancy, cho phép người dùng xác định vị trí những người sở hữu khả năng Allomancy (nếu mục tiêu bấy giờ đang sử dụng Allomancy).
- Duralumin (hợp kim nhôm): tăng cường sức mạnh của (các) kim loại khác mà bản thân đang sử dụng, nhưng cũng khiến các kim loại ấy bị dùng hết rất nhanh.
- Nhôm: thanh tẩy mọi kim loại Allomancy lưu trữ bên trong cơ thể người dùng.
- Electrum (hợp kim vàng): cho người dùng nhìn thấu vào tương lai của bản thân một vài giây, từ đó biết chuyện gì sẽ xảy đến với mình và tùy cơ phản ứng.
- Atium: cho người dùng nhìn thấu vào tương lai của người khác một vài giây, từ đó dự đoán được hành động của đối phương và tùy cơ phản ứng.
- Vàng: cho người dùng thấy số phận bản thân ngày nay đáng lẽ đã ra sao nếu thay đổi một lựa chọn trong quá khứ.
- Malatium (hợp kim atium và vàng): cho người dùng thấy số phận của người khác ngày nay đáng lẽ đã ra sao nếu thay đổi một lựa chọn trong quá khứ.
Mấy cái này được viết theo một kiểu cực kỳ lôgic, và vận dụng một cách hết sức sáng tạo, với đủ mọi thứ hệ quả các kiểu cần được cân nhắc. Lấy ví dụ đơn cử như thép và sắt thôi nhé. Mếu có Allomancer nào đốt thép và đẩy các miếng kim loại nhỏ, họ sẽ khiến chúng bay vọt ra xa. Tuy nhiên, nếu miếng kim loại đấy mà có trọng lượng nặng hơn cơ thể thật của người đốt, hoặc nó gắn liền/đè vào một vật nặng hơn họ, nó sẽ không bay đi đâu hết, mà chính người đốt sẽ bị đẩy văng ngược ra sau với một lực rất mạnh. Sắt cũng tương tự, chỉ có điều ngược lại: nếu người đốt sắt kéo một vật kim loại nhẹ, nó sẽ bay vèo về phía họ, còn nếu kéo kim loại nặng, họ sẽ bị kéo vọt về phía nó.
Tận dụng điều này, các Allomancer có thể làm được những điều hết sức sáng tạo. Họ có thể đốt thép và bắn các đồng xu đi như đạn, dùng để chiến đấu tầm xa. Họ có thể thả một đồng xu xuống dưới đất, sau đó đốt thép và đẩy vào nó, khiến mình lao vọt lên trên trời. Sau đó, họ có thể đốt sắt và kéo vọt người mình về phía một cái trụ thép nặng nào phía đằng trước, hoặc đốt thép và đẩy vào một khối sắt nặng phía sau để bản thân bay vèo đi, về cơ bản bay nhảy được như người nhện. Các Allomancer cũng có thể đốt sát/thép để kéo/đẩy các đồng xu dưới đất hay vật kim loại mà đối thủ dùng làm mốc để bay, khiến địch thủ của mình bị bay chệch hướng. Nếu đối thủ nặng/nhẹ hơn bản thân, và bấy giờ đang dùng Allomancy để bắn một đồng xu về phía mình, họ còn có thể đẩy ngược vào chính đồng xu đó, dùng bản thân làm neo để đẩy đối thủ bắn ngược ra sau, hoặc lợi dụng cân nặng của đối thủ để giúp mình tăng tốc lao về phía trước. Nói chung là đủ thứ trò thú vị đẻ ra được từ đây.
Càng về sau, Allomancy càng được mở rộng thêm ra, với rất nhiều kiểu phối kết hợp kim loại để tạo ra những chiến thuật khắc chế/tấn công thú vị. Sanderson còn dựa vào đó để phát triển thêm một số hệ thống phép thuật mới nữa, cũng dựa trên kim loại nhưng có cơ chế hoạt động khác, và để chúng phối kết hợp vào với Allomancy theo một cách hợp lý không thể bẻ đi đâu được, và từ đấy nảy sinh ra hàng bao thứ lý thú để khám phá.

NHÂN VẬT

Mistborn có một dàn nhân vật rất phong phú, nhưng chán cái là nó lại khá là một chiều. Hầu như mọi nhân vật đều sẽ có một đặc điểm riêng, và… chỉ vậy thôi. Ngay khi anh em được giới thiệu về ai đó và thấy cái kiểu của họ là như thế nào rồi, mọi người về cơ bản đã biết hết về người đó rồi đấy. Soái ca nổi loạn cun ngầu thì đến cuối truyện vẫn là soái ca nổi loạn cun ngầu; thằng điên có tà tâm thì đến cuối nó vẫn cứ là một thằng điên có tà tâm (mặc dù sẽ biết rõ hơn về việc tại sao nó lại điên và bản chất cái tà tâm của nó là gì); cái ông hay chọc ngoáy theo kiểu ngứa thịt rốt cuộc chỉ chọc ngoáy vì thích thế thôi, chứ chẳng có gì sâu xa cho lắm;…
Thêm vào đó thì như đã nói đấy, Sanderson có một cái giọng văn rất “lành,” thế nên các nhân vật nói chuyện nghe cứ từa tựa nhau. AI cũng có một cái kiểu ăn nói hiện đại không tiếng lóng, diễn đạt theo những cách gần như y xì đúc, bất kể là quý tộc cao cấp, trẻ mồ côi, dân chợ, hay người từ địa phương khác đến. Buồn cười nhất là có một nhân vật suốt ngày bị trêu là nói tiếng địa phương quá nặng, không ai hiểu nổi, nhưng trong truyện thì đọc thấy ông anh nói năng chẳng khác gì ai cả, thế nên nhân vật thành ra cứ ngáo ngáo kiểu gì ấy.
Tuy nhiên, Mistborn vẫn có một số nhân vật được làm cực kỳ xuất sắc, với tiêu biểu nhất là Lord Ruler. Lord Ruler ban đầu thì như kiểu trùm hắc ám tiêu chuẩn của Fantasy thôi, chẳng được phát triển tí gì cả, và đến gần cuối quyển 1 mới bắt đầu thò mặt ra một tí. Tuy nhiên, trong các cuốn tiếp theo, rất nhiều sự kiện và tình tiết mới được khám phá ra và bắt đầu gián tiếp xây dựng ngược lại Lord Ruler. Nó không hẳn khiến cho nhân vật trở nên sâu sắc hơn gì cho cam, nhưng vẫn khiến ta không khỏi phải thay đổi quan điểm về đồng chí này, bởi lẽ hóa ra những thứ hắn thực hiện lại ẩn chứa nhiều điều thú vị đến thế.
Một nhân vật nữa cần phải nhắc đến là Sazed, đại khái là một hoạn quan học giả. Ông này là chuyên gia nghiên cứu các tôn giáo cổ, vốn đã bị Lord Ruler xóa bỏ từ lâu, và từ đấy đã rút ra được cực kỳ nhiều chiêm nghiệm hấp dẫn về bản chất của tôn giáo. Thanh niên cũng là người có đời sống sâu sắc nhất trong cả đám, với nhiều dằn vặt và giằng xé nội tâm phức tạp và rất chân thực. Theo dõi quá trình thay đổi và chuyển biến của ông này thậm chí còn thú vị hơn cả toàn bộ dàn nhân vật chính cộng lại. Đặc biệt, khi đến phần chốt của toàn trilogy, ta sẽ thấy tất cả những tâm tư cũng như sự phát triển của Sazed xuyên suốt ba cuốn truyện cùng tụ hợp lại, tạo thành một cái kết không thể nào mỹ mãn hơn cho cá nhân Sazed, đồng thời còn góp phần hóa giải một trong những nút thắt cực kỳ quan trọng của trilogy theo một cách ấn tượng vô cùng nữa.
Lạy Chúa, tại sao nhân vật chính không phải là Sazed mà lại là cái con Mary Sue củ lờ kia chứ :’(?

TỔNG KẾT

Dẫu rằng có một số yếu điểm hơi khó chịu, Mistborn nhìn chung vẫn là một trilogy rất hấp dẫn, dễ tiếp cận với gần như tất cả mọi người, bất kể quen thuộc hay xa lạ với SFF cỡ nào. Nếu muốn tìm một thứ gì đó nhẹ nhàng để giải trí, anh em hãy nghía qua cái series này nhé.
P/S: lưu ý tí là cái trilogy này trên lý thuyết có thể đọc lẻ từng quyển được, nhưng anh em tốt nhất hãy coi nó như một cuốn tiểu thuyết dài xẻ nhỏ làm ba nhé. Có rất nhiều thứ bị bỏ lửng ở các cuốn đầu, khiến một số sự kiện trông hơi sặc mùi Deus Ex Machina hoặc ngô nghê, nhưng về sau được phát triển và giải thích rất hợp lý. Nếu chỉ đọc hết một quyển rồi bỏ thì hơi phí đấy.
Xem bài viết gốc tại: