Đồi thỏ là một tiểu thuyết thiếu nhi, nhưng với độ dày của nó, một người lớn là tôi cũng ngại ngần khi phải bắt đầu. Thế rồi sau khi đọc những chương đầu tiên, tôi đã cảm thấy hối hận, hối hận vì sao mình lại không bắt đầu việc này sớm hơn nhỉ?
Nói một cách ngắn gọn thì Đồi thỏ là quyển sách kể về chuyến phiêu lưu của một bầy thỏ đi đến một ngọn đồi để định cư và xây dựng nên một xã hội mới. Câu chuyện mở ra tại cánh đồng thỏ cũ, nơi sinh sống của bầy thỏ, với quy mô tổ chức như một xã hội thực thụ, có thỏ Thủ lĩnh, các thỏ Cốt cán (lực lượng đảm bảo thực thi kỷ luật của đồng thỏ và luôn tuân lệnh Thủ lĩnh), dưới cùng là các cô chú thỏ thông thường. Thứ Năm, một chú thỏ có tài tiên tri kỳ lạ, cảm nhận rằng nơi này sắp xảy ra tai họa lớn, nên đã đề xuất lên Thủ lĩnh hãy thực hiện cuộc di dân, nhưng thỉnh cầu không được chấp nhận. Vì thế, chú thuyết phục người anh Cây Phỉ của mình, từ đó dắt theo một số thỏ khác, cùng mạo hiểm rời khỏi vùng đất cũ. Trải dài suốt tác phẩm là cuộc phiêu lưu của những chú thỏ tách bầy này, ban đầu chỉ là chuyến vượt sông đầy nguy hiểm, sau đó đến việc tưởng chừng phát hiện ra được nơi trú ngụ lý tưởng, dần dần các thử thách ngày một trở nên khó khăn hơn, “nâng cấp” hơn, từ chiến đấu đơn thuần có lúc chuyển sang cả công tác nội gián, thậm chí phải đổ máu và nhiều chú suýt chết vài lần. Mạch truyện nhanh và các thử thách diễn ra liên tục, quyển sách này phù hợp cho các bạn nhỏ lẫn các bạn lớn như tôi. Đảm bảo bạn sẽ nóng lòng lật sang trang sau để xem phen này các chú thỏ sẽ vượt thử thách như thế nào, vì nội dung không hề dễ đoán như một câu chuyện thiếu nhi đơn thuần.
Trong tiểu thuyết này, tác giả đã xây dựng được một hệ thống nhân vật với tính cách rõ ràng và nhất quán. Thứ Năm vừa thông minh vừa có tài tiên tri, mỗi tội là đôi khi như đang sống ở một thế giới nào khác (rõ nét nhất là ở cuộc đối thoại triết lý của chú với Cây Phỉ). Cây Phỉ là chú thỏ thủ lĩnh, ở chú có sự kết hợp giữa thông minh, mưu trí, gan dạ và khả năng lãnh đạo (tuy nhiên cũng có lần vì muốn chứng tỏ bản thân mà phạm sai lầm). Tóc Giả xuất thân là thỏ Cốt cán, dũng cảm và khả năng chiến đấu có thừa, tuy nhiên hơi cục cằn, cứng đầu và háo thắng (và điều này cũng đã phải trả giá). Bên cạnh ba chú thỏ ấn tượng nhất này, chúng ta còn có Bồ Công Anh với những câu chuyện của mình, Nồi Đất hơi nhút nhát, Mâm Xôi, Xám Bạc… và người bạn mòng biển Kehaar mà Cây Phỉ đã thu phục. Tất cả bọn họ đã tạo nên một câu chuyện tuyệt vời về tình bạn, lòng can đảm, dám chấp nhận thử thách và chiến đấu đến cùng vì những gì mà mình tin tưởng. Sâu xa hơn nữa, đó là câu chuyện về việc con người tàn phá tự nhiên và các loài sinh vật đến thế nào, và đó cũng chính là nguồn cơn cuộc di dân của bầy thỏ. Những nơi mà bọn thỏ đi qua đều giống như những xã hội thu nhỏ: một nơi có lãnh đạo và cư dân sống bạc nhược, chấp nhận sự an bài của số phận, bị ru ngủ trong thứ yên lành và phồn vinh giả tạo dù sâu trong thâm tâm ý thức được điều đó; nơi khác lại giống như một xã hội với lãnh đạo độc tài, dân chúng răm rắp tuân theo và không còn ý thức phản kháng, chấp nhận cuộc sống kỷ luật đến vô lý và vô vị. Đây là những điều mà trẻ em hẳn không nhìn ra, nó là dành cho người lớn.
Tuy nhiên, một số tư tưởng trong truyện có thể không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, và điều này làm một số độc giả ít nhiều cảm thấy lấn cấn khi đọc. Như bạn thấy rõ ràng, đây là cuộc phiêu lưu của các “chú” thỏ chứ không phải cô thỏ. Trong xã hội ở tất cả các đồng thỏ, các con đực đều đứng đầu và thuộc hàng ngũ lãnh đạo, các con cái chỉ chịu trách nhiệm đào hang và duy trì nòi giống. Thậm chí đối với bọn thỏ của Cây Phỉ, chúng xem đào hang là công việc “tay chân” và ban đầu còn không chịu làm vì cho rằng đây là nghĩa vụ của thỏ cái. Sau đó, cả bọn quyết phải đi tìm một số thỏ cái về, mục tiêu cũng chỉ là để đồng thỏ không tuyệt diệt vì thiếu thế hệ tiếp nối. Các cậu thỏ đực thì đi phiêu lưu, còn các cô thỏ cái làm nhiệm vụ chờ đợi được bọn họ giải cứu, đây cũng là mô típ của khá nhiều chuyện cổ tích. Dĩ nhiên cũng xuất hiện những cô thỏ cái thông minh như Sương Mai, nhưng sự xuất hiện của bọn họ mang tính làm nền cho câu chuyện nhiều hơn vì đất diễn của họ không nhiều. Tất nhiên, đó là tư tưởng của tác giả, và cũng không vì thế mà độc giả cần cảm thấy bất bình hay phản đối. Khi đọc, hãy đọc trong tâm thế nhẹ nhàng nhất, không phán xét và sẵn sàng ghi nhận những quan điểm trái chiều, để thưởng thức nó đơn thuần như một câu chuyện cổ tích cho trẻ em hay ngụ ngôn dành cho người lớn.
Các bạn xem thêm các bài review khác của mình tại page Gặm Sách nhé