[Review Book] Giải trí đến chết (Neil Postman)
Mình đã trở lại với Spiderum (mặc dù không biết được bao lâu :P) và quay lại với mảng review sách quen thuộc. Cuốn sách của lần này...
Mình đã trở lại với Spiderum (mặc dù không biết được bao lâu :P) và quay lại với mảng review sách quen thuộc. Cuốn sách của lần này chính là "Giải trí đến chết"
Dạo này mình tái nghiện Facebook, dùng mạng xã hội quá 180p một ngày nên đang tự thấy không ổn và phải đọc cuốn này với hi vọng tỉnh ngộ ra đây. Vẫn chưa rõ ngày tỉnh của mình nhưng đọc cuốn này đúng thật thấy ngộ ra nhiều điều.
Lời giới thiệu đằng sau cuốn sách có ghi “Cuốn sách của thế kỷ XXI, xuất bản trong thế kỷ XX” và mình thấy nó đúng thật, một cuốn sách viết về thời đại của truyền hình, nhưng nó càng đúng hơn nữa ở thời đại bùng nổ internet và mạng xã hội như bây giờ. Trong chúng ta, có ai mà không có một chương trình truyền hình yêu thích hay không cảm thấy sức thu hút mãnh liệt của mạng xã hội. Một số người tận dụng được sức mạnh của truyền thông trong khi số khác thì đơn giản thành nạn nhân của nó, nhưng không mấy người dứt ra được sự ảnh hưởng của truyền hình và các phương tiện truyền thông số. Nếu câu hỏi của bạn là: liệu rằng ngoài việc khiến chúng ta phung phí thời gian và sự chú ý, thì các phương tiện truyền thông của thời đại này còn có tác động gì đến đời sống, văn hóa xã hội, cách chúng ta suy nghĩ, phản ứng,… thì cuốn sách này là dành cho bạn.
Nội dung trọng tâm của cuốn sách này ban đầu nghe có vẻ khó hiểu, đó là: phương tiện truyền thông là một phép ẩn dụ. Ý của tác giả đó là : phương tiện truyền thông nào phát triển ở một thời đại thì phương tiện đó sẽ ảnh hưởng đến cách mà con người ở đấy tư duy và chúng ta có thể hiểu về văn hóa của một thời đại bằng cách nhìn vào công cụ dùng để truyện trò của nó. Cuốn sách chia là hai phần trong đó phần 1, tác giả tập trung phân tích thời đại trước, kéo dài khoảng 400 trăm năm, khi mà phương tiện truyền thông quan trọng nhất của nó chính là : chữ viết (bao gồm sách, báo và các hình thức in ấn khác) và phần thứ 2 là sự nổi lên của truyền hình, thứ thay thế chữ viết thành phương tiện truyền thông mới của thời đại. Neil Postman chỉ ra rằng, chữ viết có một sự khác biệt cơ bản với truyền hình. Chữ viết yêu cầu cả người đọc và người viết phải trình bày theo ngữ cảnh, phải có lớp lang, lý lẽ, nó tạo điều kiện để những chiêm nghiệm của ta được xem xét một cách kỹ lưỡng , liền mạch và tập trung. Truyền hình thì lại khác, nó liên tục đưa ra cho chúng ta thông tin, nhưng là những thông tin rời rạc, không liền mạch và trước khi ta kịp suy tư điều gì thì nó lại đưa ra cho ta một thông tin mới, khơi gợi sự quan tâm và tò mò của người tiếp nhận. Nó biến thông tin thành một thứ hàng hóa, “một thứ có thể được mua và bán mà không liên quan gì đến giá trị sử dụng và ý nghĩa của nó”. “Các thông tin cứ tiếp nối nhau đi vào ý thức của con người rồi lại đi ra, với một tốc độ khiến con người không thể đánh giá những thông tin ấy, mà cũng không đòi hỏi con người phải đánh giá”. Và một điều quan trọng khác, truyền hình đưa chúng ta hình ảnh. Chữ viết thì chẳng có gì thu hút về mặt thị giác nhưng những hình ảnh truyền hình thì khác. Tác giả chỉ ra “Những gì mà mọi người xem và thích xem là những hình ảnh chuyển động - hàng triệu hình ảnh chuyển động, với thời lượng ngắn, sôi nổi và đa dạng. Bản chất của phương tiện truyền hình là hạn chế các nội dung nêu ý kiến, nhằm đáp ứng các nhu cầu về hình ảnh trực quan, cũng có nghĩa là điều chỉnh cho phù hợp với công nghệ giải trí.” (Bạn có thấy giống mô tả Tiktok không 😄 ? ) Và bởi vì thị giác (và cả thính giác) là một phần không thể thiếu của truyền hình, điều đó có nghĩa là bất cứ nội dung nào trên truyền hình thì đều yêu cầu yếu tố về hình ảnh, và một khi như vậy, ta không thể hoàn toàn tập trung vào nội dung mà nó đề cập, mà sẽ không ít thì nhiều, suy xét về những yếu tố gây nhiễu, bên lề: như ngoại hình của người đang phát biểu, như phong thái và cách ăn mặc, hay những âm nhạc, hình ảnh góp phần kích động tâm trạng của ta.
Tất nhiên là sự giải trí thì không có gì là sai, nó chỉ trở thành vấn đề khi ta biến mọi vấn đề thành sự giải trí. Đó là khi ta lôi cả khoa học, giáo dục , chính trị và cả tôn giáo lên truyền hình và biến những vấn đề cần sự nghiêm túc và suy nghĩ thấu đáo thành một sự giải trí. Không phải vì mọi người coi thường những chủ đề đó nên mang nó lên truyền hình mà ngược lại, chính vì hiểu được sức ảnh hưởng của truyền hình, mà mọi chủ đề đều được đề cập với hi vọng thu hút được sự phổ cập lớn hơn. Nhưng khi được mang lên truyền hình, những chủ đề nghiêm túc đã bị bóp méo và thông điệp nó muốn mang đến cũng được hiểu khác đi. Người xem truyền hình cũng biết rằng, dù tin tức nghiêm trọng nào có thể xuất hiện, thì thông tin đó sẽ sớm được tiếp nối bởi quảng cáo, hay một tin tầm phào nào khác, và cảm xúc của người xem về tin tức nghiêm trọng kia sẽ được “xoa dịu”. Dần dà, người xem sẽ cảm thấy không có gì thực sự nghiêm túc và liên quan đến mình cả. Một loạt thông tin tràn vào bộ não và không khuyến khích ta làm bất cứ một điều gì cả. Và đó mới là thứ đáng sợ của truyền hình, điều mà có lẽ bạn cũng cảm nhận thấy từ cả các mạng xã hội ngày nay.
Vậy đâu là giải pháp cho những con nghiện giải trí của thế kỷ XXI ? Neil Postman nói một điều chí lý khác đó là : đừng “tự huyễn hoặc mình và đưa ra những lập luận phi lý về việc xóa bỏ truyền hình”. Chẳng phải đợi đến ngày nay mới có các dự án “từ bỏ Internet/Mạng Xã hội” trong 7 ngày/ 30 ngày,..mà cả từ thế ký XX đã có những dự án tương tự để từ bỏ truyền hình. Nhưng đó chỉ là kế hoạch nửa vời, chúng ta sẽ không thể nào từ bỏ công nghệ. Giải pháp, nếu ta có thể thực sự coi đó là giải pháp, chỉ có thể là thay đổi cách chúng ta xem truyền hình. Hiểu về bản chất của nó và xem xét cả ảnh hưởng của nó đến mình nữa. Thế giới truyền hình, hay gần gũi hơn, chính là thế giới của Internet và các mạng xã hội là nơi tràn ngập giải trí và những thứ được tô vẽ, như một lâu đài trên mây. Vấn đề chỉ phát sinh khi bạn cố sống trong lâu đài đó, bạn chấp nhận nó như một điều tự nhiên và tiếp nhận mọi thứ nó đưa đến bạn như một điều đương nhiên: như đánh giá ai đó là xinh đẹp chỉ qua một bức ảnh hay phán xét ai đó là tồi tệ chỉ qua một câu nói không đầu cuối, được bóc ra khỏi ngữ cảnh. Và nghiêm trọng hơn, ta nghĩ rằng giải trí là định dạng tự nhiên cho mọi trải nghiệm.
Điều mình có thể rút ra được trong cuốn sách này đó là: nếu không muốn trở thành nạn nhân của thời đại, bạn phải dành thời gian cho bản thân và bứt mình ra khỏi những sự thỏa mãn nhất thời, những tin tức tràn ngập nhưng không đem lại giá trị và khiến ta ù lì, không muốn hành động, và thứ giải trí quá dễ dàng, tràn ngập ở thời đại này, để nghiêm túc suy nghĩ về những gì bạn muốn và cần làm. Những thứ gọt đẽo mà chúng ta thấy trên mạng xã hôi, là một phiên bản không đầy đủ của những gì thực sự xảy ra ngoài cuộc sống thật, mà chỉ khi thực sự suy nghĩ kỹ và bắt tay vào làm, bạn mới thấy nó khắc nghiệt và kém giải trí đến nhường nào. Nhưng những điều sâu sắc nhất cũng vậy, nó xảy ra ở trong cuộc sống thật và bạn trải nghiệm nó bằng cách sống thật.
Cuốn sách này khá ngắn gọn, quan điểm của tác giả rất rõ ràng và nhất quán, cách viết cũng dễ hiểu, không lắt léo và bắt đúng 'căn bệnh' của thời đại. Highly recommend!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất