Đây là cuốn sách phi hư cấu hay nhất mình đọc năm ngoái và cũng lọt top những cuốn sách hay nhất mình đọc từ trước đến giờ.
Đối với mình mà nói, cuốn sách này thực sự mang tính chất khai sáng! Thật ra với vốn kiến thức về sinh học gần như bằng không của mình thì bất cứ cuốn sách sinh học nào cũng đều có tính chất khai sáng cả 😅, nhưng cái hay của cuốn sách này không phải ở chỗ nó cung cấp kiến thức mà mình chưa biết mà là nó đã đưa ra một ý tưởng mà mình chưa bao giờ nghĩ đến. Nội dung của nó được phát triển dựa trên thuyết tiến hóa của Darwin thôi, nhưng nó đã nhìn nhận thuyết tiến hóa ở một góc độ khác. Về cơ bản thuyết tiến hóa của Darwin phát biểu rằng: mọi loại sinh vật xuất hiện và phát triển nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên. Tuy điều này ngày nay ai cũng đồng ý nhưng nó cũng làm dấy lên một cuộc tranh luận dai dẳng trong giới sinh học là rốt cuộc chọn lọc tự nhiên là chọn lọc theo loài hay chọn lọc theo cá thể ? Dawkins đã phát biểu khác cả hai ý kiến này, theo ông: chọn lọc tự nhiên là quá trình chọn lọc theo gen, và rốt cuộc thì cá thể hay loài chỉ là những “vật chủ” của gen mà thôi ! Cả cuốn sách này của ông được viết theo hướng này, với trọng tâm chính là quá trình hình thành, phát tán và phát triển của gen và gen là một đối tượng vị kỷ, nó vị kỷ đến mức mà ngay cả những biểu hiện rất vị tha của loài cũng có thể chỉ là một biểu hiện khác cho tính vị kỷ của nó. Điều này đúng với các loài và đúng cả với loài người nữa. Nghe có vẻ tàn nhẫn, nhất là khi so sánh với đạo đức loài người mà chúng ta vẫn thường tôn vinh. Nhưng có 2 điều bạn cần phải lưu ý khi đọc về cuốn sách này (điều mà tác giả cũng nhắc đi nhắc lại):
1. Hãy để khoa học độc lập với tư tưởng đạo đức, những bằng chứng và phát hiện của khoa học không nên được dùng để kết tội con người. Thay vào đó, hiểu biết về khoa học đưa ra cho chúng ta sự hiểu biết về việc chúng ta bị phụ thuộc vào điều gì và từ đó mở ra cơ hội để cải tạo nó, điều mà chưa một loài động vật nào từng khao khát thực hiện.
2. “Gen của chúng ta có thể quy định tính vị kỷ, nhưng chúng ta không nhất thiết phải tuân theo quy định đó suốt đời”.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Tuy là một cuốn sách nói về nền tảng của sinh học, nhưng nó được viết dành cho độc giả phổ thông nên bạn cũng không phải quá lo lắng về những thuật ngữ cao siêu hay những kiến thức chuyên ngành. Dawkins có một cách viết rất dễ hiểu, ông tránh dùng thuật ngữ chuyên ngành và nếu có thì cũng giải thích tỉ mỉ ý nghĩa của chúng và quan trọng hơn để trình bày ý tưởng của mình ông dùng đến hàng loạt các ẩn dụ, so sánh và nhân cách hóa gen để người đọc dễ hình dung được cách thức hoạt động của chúng, ông cũng đồng thời lấy rất nhiều các ví dụ thú vị từ các loài động vật để minh họa cho quan điểm của mình. Tuy nhiên có một vài lưu ý là một số ý tưởng của ông mới dừng ở mức giả thuyết và chưa có bằng chứng thực nghiệm, nhưng nhìn chung thì tư tưởng bao quát của cuốn sách này khá rõ ràng, nhất quán và dễ hình dung. Giờ, hãy nhìn kỹ hơn một chút để xem ông đã viết gì để chứng minh rằng, chọn lọc tự nhiên là chọn lọc theo gen!
Đầu tiên tác giả sẽ đưa chúng ta về với nguồn gốc của sự sống, trong đó trình bày rằng, các thể tự sao chính là những sinh vật sống tự nhiên và tính chất chung khiến chúng có thể tồn tại và liên tục tự sao chép được chính mình chính là bởi vì tính ổn định của nó. Đây chính là nền tảng của tất cả và cũng là nền tảng của Gen. Sự đột biến có thể xảy ra trong quá trình sao chép và phần lớn sẽ bị hủy hoại nhưng nếu sự đột biến xảy ra để tạo nên một sự ổn định mới thì nó sẽ tồn tại và từ đó sự ‘tiến hóa’ xảy ra (bất chấp việc các gen có ‘muốn’ điều đó hay không). Từ đó ông đưa đến định nghĩa về gen , một cách khái quát nó là một đoạn siêu nhỏ, gần như không thể phân tách trong ADN, đóng vai trò lưu trữ thông tin để xây dựng nên các cỗ máy sống (là các cơ thể). Và một cơ thể là tập hợp của vô số gen, thứ sẽ được kích hoạt trong một số những điều kiện môi trường hoặc hóa sinh cụ thể. Sau đó, ông giải thích cặn kẽ hơn về cỗ máy gen, là tập hợp các gen vào một cơ thể sống, lý do cho sự hình thành và cách thức nó đã phát triển dần dần thành một cỗ máy phức tạp với nhiều bộ phận chuyên biệt, và ảnh hưởng của nó lên các tập tính của loài chẳng hạn như: sự hiếu chiến, mỗi quan hệ giữa các gen, tại sao lại có vị tha xảy ra khi mà tất cả các gen đều là vị kỷ. Ông cũng viện đến một mô hình toán học gọi là “lý thuyết trò chơi” để giải thích cho định nghĩa của ông về một chiến lược tiến hóa bền vững (ESS). Tức là một chiến lược mà không có một chiến lược nào khác tốt hơn nếu như phần lớn các thành viên của quần thể áp dụng nó, và điều này giải thích cho những khuynh hướng hiếu chiến khác nhau giữa các loài khác nhau, cũng như giải thích cho việc tại sao sự ích kỷ tuyết đối của các cá thể trong loài không thể được duy trì mà phải cần một sự công bằng nhất định.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Ngoài “lý thuyết trò chơi” được nhắc đến nhiều lần ,thì tác giả cũng có vô số ví dụ về các loài động vật khác nhau và các khuynh hướng phát triển khác nhau của chúng, nhằm giải thích cho các luận điểm của mình, nên cuốn này không chỉ có lý thuyết mà còn có các ví dụ minh họa rất sống động, trực quan (cá nhân mình thì thấy đặc biệt ấn tượng với một vài loài kiến mà tác giả nhắc đến ở chương cuối). Có thêm một lưu ý là phần chú thích của cuốn này rất nhiều và chứa rất nhiều thông tin mở rộng, nên rất đáng để đọc. Như tác giả trình bày, ở các ấn bản sau, ông không sửa lại nội dung nhiều từ phiên bản đầu nhưng thêm nhiều chú thích để tiếp thu những ý kiến và cả có vài điều tự ‘kiểm điểm’ lại bản thân nữa nên phần chú thích khá là dài. Còn sau đây là nội dung sơ qua của từng chương.
- Chương đầu tiên nên lên những tranh luận trong giới sinh học về thuyết tiến hóa đồng thời giải thích tư tưởng chung của tác giả về chọn lọc tự nhiên theo gen và tính vị kỷ của gen.
- Từ chương thứ 2 tác giả đi vào các luận điểm chi tiết. Luận điểm đầu tiên là quay về với nguồn gốc của sự sống trong đó ông trình bày rằng, các thể tự sao chính là những sinh vật sống tự nhiên và tính chất chung khiến chúng có thể tồn tại và liên tục tự sao chép được chính mình chính là bởi vì tính ổn định của nó. Đây chính là nền tảng của tất cả và cũng là nền tảng của Gen. Sự đột biến có thể xảy ra trong quá trình sao chép và phần lớn sẽ bị hủy hoại nhưng nếu sự đột biến xảy ra để tạo nên một sự ổn định mới thì nó sẽ tồn tại và từ đó sự ‘tiến hóa’ xảy ra.
- Chương thứ 3 tác giả sẽ đưa ra cho bạn định nghĩa về Gen, đầu tiên là bắt đầu từ định nghĩa về ADN, vai trò của nó trong cơ thể của sinh vật. Gen có thể được hiểu là một thể tự sao bền vững, rất khó bị chia cắt, nó chứa thông tin để xây dựng nên bộ máy cơ thể. Dĩ nhiên môt cơ thể sẽ có vô số gen, và những gen khác nhau sẽ được kích hoạt trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Chọn lọc tự nhiên sẽ ưu tiên các gen giỏi xây dựng các cỗ máy sống (là các cơ thể), nói như vậy thôi nhưng thực sự các gen không có ý thức và mục đích gì, “mục đích” của nó nếu có thì là chỉ để tự sao chính mình, nó phát triển một cách mù quáng, không thể dự đoán tương lai và chọn lọc tự nhiên sẽ chọn những ứng viên tốt nhất để ở lại.
- Chương tiếp theo, tác giả sẽ giải thích cặn kẽ hơn về cỗ máy gen, là tập hợp các gen vào một cơ thể sống, lý do cho sự hình thành và cách thức nó đã phát triển dần dần thành một cỗ máy phức tạp với nhiều bộ phận chuyên biệt, và ảnh hưởng của nó lên các tập tính của loài.
- Chương thứ 5 nói về tính hiếu chiến. Ý chính trong chương này là ông đưa ra một định nghĩa về một chiến lược tiến hóa bền vững (hay gọi là ESS) tức là một chiến lược mà không có một chiến lược nào khác tốt hơn nếu như phần lớn các thành viên của quần thể áp dụng nó và điều này giải thích cho những khuynh hướng hiếu chiến khác nhau giữa các loài khác nhau, cũng như giải thích cho việc tại sao sự ích kỷ tuyết đối của các cá thể trong loài không thể được duy trì mà phải cần một sự công bằng nhất định. Đoạn này cũng hơi lằng nhằng và để hiểu được thì tác giả đã vận dẫn đến khái niệm mà Maynard Smith trình bày, sử dụng một nhánh của toán học được biết đến với tên gọi “lý thuyết trò chơi”. Khá nhiều đoạn phân tích ở đây, tuy tác giả không bắt người đọc phải vận đến công thức toán học nào nhưng có khá nhiều thứ phải xem xét.Chương tiếp theo nói về mối quan hệ của các gen với nhau, điều mấu chốt ở đây là “gen có khả năng trợ giúp các bản sao của nó đang tồn tại trong các cơ thể khác. Nếu vậy, điều này có thể là tính vị tha của một cá thể nhưng nó cũng có thể xuất phát từ sự vị kỷ của gen” .
- Chương tiếp nữa nói về cách mà các loài động vật có thể điều chỉnh tỷ lệ sinh của chúng, bằng cách nào đó mà chúng đã tự “kế hoạch hóa” gia đình được? Tác giả phân tích dựa trên các lý thuyết hiện có khác nhau và cả từ quan điểm của lý thuyết gen vị kỷ, rất nhiều ví dụ hay ho về các loài động vật với tập tính khác nhau được nêu ra ở đây.
- Tiếp theo chương về kế hoạch hóa gia đình là chương bàn về mối quan hệ giữ các thế hệ : bố, mẹ / con cái, anh chị em, họ hàng,…những ưu tiên và những tính toán khác nhau của mỗi một đối tượng. Tổng kết lại một chương với rất nhiều phân tích này là “ Nếu có một bài học đạo đức cho con người được rút ra từ đây thì đó là chúng ta phải dạy cho con mình tính vị tha bởi chúng ta không thể mong đợi tính vị tha là một phần trong bản chất sinh học của chúng”.
- Chương tiếp nữa nói về cuộc chiến giữa các giới tính. Chương này giải thích tại sao trong các điều kiện bình thường, tỷ lệ giới tính sẽ ổn định ở mức 50:50, và tại sao các các thể cái thường là người tận tụy trong việc chăm sóc con cái hơn. Tác giả cũng đưa ra hai chiến lược giao phối phổ biến trong thế giới động vật là : chiến lược thuần hóa -hạnh phúc và chiến lượng anh ta- người được chọn. Hoàn cảnh sinh thái của một loài sẽ có tính chất ảnh hưởng đến việc chiến lược nào được lựa chọn.
- Chương 10 đi xa hơn khi bàn về tính cộng tác cũng như cộng sinh giữa các cá thể trong loài và trong các loài với nhau. Quan điểm chung vẫn là không có tính vị tha nào ở đây mà chỉ có sự khai thác vị kỷ. Vì sự vị kỷ này mà đôi khi các cá thể hợp tác với nhau để cùng có lợi.
- Chương 11 rất thú vị, trong đó tác giả đã đề cập đến một thể tự sao mới, nhưng nó không phải một cơ chế sinh học, mà là sản phẩn của con người, cái mà chúng ta gọi là “văn hóa”. Đây là khái niệm khá mới mẻ, vì tuy văn hóa không phải một thể tự sao hữu cơ, có nó đầy đủ các đặc điểm của thể tự sao: như tính bền vững, khả năng sao chép sang các đối tượng khác nhau nên không bị mất đi khi vật chủ của nó chết đi, và nó cũng có cả khả năng “tiến hóa” nữa 😀.
- Chương 12 trình bày nội dung chính là “những cá thể tốt có thể về đích trước”. Một lần nữa, ta lại quay lại với các chương trình toán học để tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra khi các cá thể áp dụng những phương thức phản bội hay công bằng để đối xử với nhau ? Kết quả sau rất nhiều những phân tích là kế hoạch xấu tuyệt đối hay tốt tuyệt đối đều không bền. Vậy chiến lược như thế nào là hợp lý? Chà hãy tự đọc và khám phá nhé.
- Chương cuối cùng tác giả dùng nhiêu thời gian để trình bày về những kiểu hình mở rộng, hay nói cách khác là sự mở rộng của gen trong việc nó không chỉ tác động đến một mình ‘vật chủ’ mà nó đang sống mà vươn ra cả bên ngoài cá thể đó nữa. Chương này cũng khá hay. Tác giả cũng nêu ra các ví dụ rất hay về chim cu cu, và cả các con mối, và kiến nữa, (có mấy loài kiến mà khiến mình thấy khá là rùng rợn !!). Ông cũng có một giải thích khá hay với ba câu hỏi có thể nảy sinh khi chúng ta suy nghĩ từ góc độ tiến hóa theo gen: Tại sao các gen lại tự tập trong các tế bào ? Tại sao các tế bào lại tụ tập trong các cơ thể đa bào ? Và tại sao các tế bào có thể áp dụng một vòng đời “bị thắt cổ chai” ? (thắt cổ chai ở đây có nghĩa là : bắt đầu từ một tế bào rồi sau đó phát triển thành cả một cơ thể rồi cuối cùng lại sinh sản bằng cách bắt đầu lại từ một tế bào)
Cuốn này rất hay những cũng rất khó để review rành mạch vì người viết bài này khả năng có hạn (và lại còn lười 🥲). Mình thấy có một bản review rất hay trên tramdoc nên để link ở đây cho bạn đọc tham khảo thêm nếu muốn :  HERE
°°°°°°°°°°°°°°°°
Mình update bài viết một chút vì kết thúc hơi cụt ngủn. Thật sự thì mặc dù là một cuốn sách về sinh học nhưng “Gen vị kỷ” lại khơi gợi cho mình rất nhiều những suy nghĩ về…triết học. Nó khiến mình phải suy nghĩ lại về các giống loài, về loài người và về cả chính bản thân. Trong dòng chảy của gen từ khi là những thể tự sao trong một vũng lầy ấm áp cho đến một thế giới của hàng tỷ tỷ những sinh vật muôn hình vạn trạng như ngày hôm nay, cuộc sống của chúng ta thật quá bé nhỏ và phù du, loài người rốt cuộc cũng chỉ là một “vật chủ” của gen trong muôn ngàn những “vật chủ” khác và trí thông minh mà chúng ta vốn tự hào , có khi chỉ là một thứ phát triển…ngoài mong đợi. Một vài người sẽ may mắn có được gen tốt hơn, một hoàn cảnh tốt hơn nhưng rồi đến cuối cùng tất cả đều tạm biệt cuộc đời và gen sẽ tiếp tục hành trình ở một “vật chủ” khác. Chẳng ích gì khi cứ than vãn và đòi hỏi từ cuộc đời vì có lẽ nó đâu có quan tâm đến bất cứ ai. Nhưng rốt cuộc thì, cuộc đời này vẫn là tất cả những gì ta có, vậy nên hãy cứ tận hưởng nó với tất cả những giác quan và trí thông minh mà ta tình cờ có được.