Kết quả hình ảnh cho requiem for a dream

Requiem for a Dream là một tựa phim tâm lý Mỹ khá cũ, ra mắt vào năm 2000, với sự tham gia của Ellen Burstyn - nữ diễn viên nổi tiếng nhất với vai diễn Chris Macneil của bà trong The Exorcist (1973) - một trong những bộ phim kinh dị hay nhất mọi thời đại. Và chúng ta có Jared Leto - nổi tiếng với những vai diễn tạo hình khó nhìn và cá tính “khó chịu” đầy ám ảnh, và Jennifer Connelly - nữ diễn viên nhận được giải thưởng Oscar danh giá thông qua vai diễn trong bộ phim A Beautiful Mind (2001). Phim được đạo diễn bởi Darren Aronofsky, đồng thời cũng là đạo diễn của bộ phim Black Swan (2011) - một bộ phim gây tranh cãi trong giới phê bình phim một thời. 

Poster phim (Nguồn: imdb.com)
    Nhưng dẹp mọi thông tin nền về bộ phim sang một bên, chúng ta có Requiem for a Dream - một tác phẩm điện ảnh đúng chất Aronofsky - ám ảnh và gây tranh cãi, đen tối nhưng đầy hy vọng. Phim là câu chuyện về 4 nhân vật chính: Sara Goldfarb, Harry Goldfarb, Marion Silver và Tyrone C. Love. 4 nhân vật với những diễn biến khác nhau, nhưng đan xen và lồng vào nhau, tưởng khác nhưng lại giống nhau đến bất ngờ: Cả 4 người đều phải chống chọi với cơn nghiện của bản thân. Phim khám phá “cơn nghiện” của 4 người theo những cách tương đối khác nhau, đưa ra lý giải cho hành động của họ.
    Sara Goldfarb là một bà mẹ đơn thân, chồng chết, con trai Harry duy nhất thì nghiện ma túy và bỏ nhà đi, phải sống một mình trong một căn hộ cũ kĩ và ngày ngày chỉ bầu bạn với ti vi và đồ ngọt. Một ngày, bà nhận được cuộc điện thoại từ chương trình truyền hình mời tham gia và trở thành người thắng cuộc. Bà tưởng tượng mình mặc chiếc váy đỏ mà bà đã mặc hôm con trai tốt nghiệp lên TV, nhưng chiếc váy đã không thể vừa nữa do bà đã tăng cân và trở nên quá khổ. Từ đó, bà tìm đủ mọi cách để giảm cân và cố sức mặc vừa chiếc váy đỏ.
    Harry, người con trai đã tốt nghiệp đại học, nhưng sa đà nghiện ngập ma túy và làm đủ mọi cách để có tiền mua thuốc, bán ma túy dạo để sống qua ngày. Đồng hành cùng với Harry có Marion, bạn gái là nhà thiết kế thời trang nghiệp dư, chạy trốn khỏi gia đình và Tyrone, bạn thân cùng làm ăn chia chác số tiền có được từ bán lẻ ma túy. 
    Chúng ta được nhìn thấy những con người khác nhau với những vấn đề khác nhau, nhưng có một điều chung: họ đều vướng phải vấn đề với chất gây nghiện và sự thoát li thực tại. Chất gây nghiện (drugs) thực chất là thứ mà con người ta tìm đến khi muốn thoát li, khi muốn trở thành một người khác, khi không con muốn bận tâm đến thế giới và những thứ xung quanh nữa. Con người tìm đến nó khi đã chán ngắt thực tại và muốn tìm kiếm một phiên bản hoàn hảo hơn của cuộc sống, một phiên bản mà ở đó chỉ có những cuộc vui và những suy nghĩ tích cực. Hình ảnh con mắt trên poster phim chính là có ý nghĩa như vậy. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, câu này chắc ai cũng biết và nằm lòng, bởi lẽ những gì con người nhìn thấy được đều thông qua đôi mắt. Thông qua đôi mắt đó, con người chọn nhìn những thứ mà họ muốn, cùng lúc lờ đi những xấu xa vất vả. 


    Trong phim, trong khi Sara Goldfarb tìm đến những viên thuốc giảm cân nhanh chóng từ vị bác sĩ nọ, nhưng đã bị phụ thuộc và dần dần càng uống với liều lượng tăng dần, bị ảo giác và triệu chứng hoang tưởng. Tất cả đều là hệ quả gián tiếp của việc sống mãi một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường, sống không mục đích không lý do, “không còn lý do để thức dậy mỗi sáng”, “lý do để dọn dẹp nhà cửa”, lý do để cải thiện bản thân. Ngay từ đầu phim, bà đã tự nhận bản thân không còn gì ngoài con trai Harry của bà, nhưng chúng ta đều biết Harry vốn đã để mẹ sống một mình, khiến cho bà ngày càng trở nên cô độc và kiếm tìm một chút gia vị cho cuộc sống. Và cuộc điện thoại ấy đã thay đổi tất cả. Nó cho bà năng lượng và muôn vàn lý do để sống, sống như những ngày vui vẻ hơn trong quá khứ. Nhìn vào Sara, rõ ràng chúng ta thấy được rằng không phải cứ nghiện ma túy thì mới được coi là nghiện, vì ngoài đó ra còn có “đường”, một yếu tố được nhắc đến trong phim như một loại ma túy khác. Sara cứ thế đắm mình vào trong thế giới mà bà tưởng tượng ra, được yêu mến, được nổi tiếng, được yêu thương và trân trọng. Con mắt của bà không nhìn thấy gì khác ngoài những mộng tưởng ấy.


    Về phần Harry và hai người bạn, ma túy là tiền đề cho mọi thứ liên hệ giữa ba con người này. Ma túy dần dẫn dắt mối quan hệ, đưa họ đi xa hơn mọi thứ trong tầm kiểm soát. Harry và Tyrone thì bất chấp luật lệ, lái xa đi tới tận Miami chỉ để lấy được hàng. Marion trong lúc đó thì chịu bán thân lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện. Đối với Harry, ma túy là cách anh thoát li cuộc sống một cách vui vẻ và phấn khởi. Đối với Tyrone, ma túy là cách anh thực hiện được lời hứa “sẽ làm được” với mẹ mình, người mà anh yêu nhất, cũng như là vấn đề mà anh phải đối diện. Tyrone là nhân vật duy nhất trong phim phải đối diện với một vấn đề tâm lý trừu tượng, khác với các nhân vật khác là vấn đề vật chất. Nhân vật Marion thì đến với ma túy do bản chất công việc nghệ thuật, cần nhiều trí tưởng tượng và sự phá cách. Cô cũng là biểu tượng cho mặt trái của sự sáng tạo - một nỗi niềm mà rất nhiều người làm nghệ thuật gặp phải: để tìm ra được nghệ thuật chân chính, họ bắt buộc phải thoát ly thực tại theo một cách nào đó.
    Sau cùng, dường như tất cả các nhân vật đều lạc lối và mất mát. Sara mất đi chính bản thân mình. Harry mất đi cánh tay do nhiễm trùng - biểu tượng cho sự đánh đổi khi dính dáng đến ma túy - bạn mất đi một phần cơ thể mình và bạn phải chịu đau đớn. Marion làm điếm và chịu nhịn nhục trước đám đông. Tyrone thì vào tù và chịu sự phân biệt chủng tộc nặng nề, vĩnh viễn không đáp lại được tình yêu thương của mẹ dành cho mình. 


    Nhưng phim không dừng lại ở việc vẽ nên một bức tranh nhuốm màu đen tối và bạo lực. Bài hát chính được viết cho phim, Lux Aeterna, được dịch ra là “Ánh sáng vĩnh hằng”, ánh sáng của niềm hy vọng. Dù rằng các nhân vật tưởng như đã đi đến cuối giới hạn của mình, chúng ta vẫn được thấy một tia hi vọng nào đó lóe lên. Với Harry, Marion và Tyrone, ta thấy họ đã nhìn nhận ra được cái sai của bản thân, thể hiện qua phân cảnh Harry lần cuối nhìn vào khung cảnh bên bờ biển nhưng lại đi thụt lùi và rơi vào vùng tối, Marion tay ôm nắm tiền (?) và khóc, Tyrone sau một ngày lao động trong tù và mệt mỏi nằm co người lại như một đứa trẻ. Họ còn trẻ và với kết mở của phim, liệu rằng họ có quay trở lại tốt hơn? Tuy nhiên, hy vọng chỉ đến với cá nhân biết nhìn ra lỗi sai và sửa sai, mà điều này thì Sara không có vinh hạnh được nhận. Sara sau khi vào bệnh viện tâm thần vẫn tiếp tục mộng tưởng và mỉm cười hạnh phúc. Nó làm cho người xem nghĩ rằng, có khi nào đối với bà, việc cứ níu giữ mộng mị lại tốt hơn quay về thực tại. Bởi lẽ một lần nữa, bà đâu có ai ngoài con trai? Rốt cuộc thì bà già cả, cô đơn và không còn hy vọng sống nữa.
    Phim cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tương đối đen tối về một cuộc sống tưởng như xa vời mà hoàn toàn thực tế, một cuộc sống mà con người chán nản tột độ, không còn cách nào khác phải tìm đến chất kích thích, để được sống và được hạnh phúc. Phim bóc trần một xã hội nơi mà hạnh phúc khó tìm kiếm và đạt được đến độ mà con người phải đánh đổi và mất đi quá nhiều thứ, trong đó có cả bản thân họ. Đó là một thực tại đáng sợ và dường như rất khó để thay đổi. Từ đấy chúng ta thấy được tầm nhìn đáng ngạc nhiên của Darren Aronofsky về một vấn đề xã hội mà chúng ta ai cũng thấy, nhưng ai cũng lờ đi và không hề xem trọng nó.


    Về diễn xuất, mình đặc biệt thích diễn xuất của Ellen Burstyn - với 1 đề cử Oscar cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Không có gì nhiều để nói về màn trình diễn này của Burstyn vì nó quá xuất sắc. Bà đã lột tả một cách hoàn hảo cách mà một người đối diện với nỗi sợ và sự ám ảnh của bản thân mình. Vừa nhìn bà, mình vừa có cảm giác sống lại cảm xúc trong The Exorcist, một cảm giác sợ hãi tột độ và bí bách. Jared Leto (và những người bạn) cũng có màn trình diễn tốt và sống động, mọi cảm xúc đều hết sức chân thật. Các nhân vật cũng được xây dựng hoàn hảo với diễn biến tâm lý, hành động rất hợp lý.
    Phim có 2 điểm mà mình thích nhất: âm nhạc và kĩ thuật quay phim. Nói đến âm nhạc, bài hát Lux Aeterna được Clint Mansell chắp bút dành riêng cho phim. Trước đó, ông cũng có dịp hợp tác viết nhạc cho phim Pi (1998), phim đầu tay của đạo diễn Aronofsky. Bài hát cực kỳ gây ám ảnh, với giai điệu dồn dập, những đoạn thắt, lên cao trào cực kỳ phù hợp với diễn biến của phim. Về phần kĩ thuật quay phim, phân đoạn gây ấn tượng cho mình nhất có lẽ là đoạn rất nhanh và ngắn miêu tả lúc mà Harry chích ma túy, cộng với hiệu ứng từ âm thanh đem lại. Ngay khi xem xong đoạn đó thì mình đã quyết định cho ngay phim vào danh sách 20 phim yêu thích nhất của mình, vì đoạn đó được lột tả cực kỳ sáng tạo nhưng rất rất chân thật.
Đoạn ngay đầu video dưới đây là phân cảnh mình muốn nói đến.  Ngoài ra, phim còn có một số cách quay phim khá khác biệt khác như: chia đôi màn hình và 
    Nhìn chung, dù mang những nét nghĩa tương đối tối tăm, phim vẫn có những ý nghĩa nhân văn của nó. Phim là bài học cảnh tỉnh, là lời cảnh báo, là lời đe dọa, là hồi còi hô vang “Hãy dừng lại đi”. Phim xứng đáng lọt vào danh sách 20 phim yêu thích nhất của mình, vì tất cả những lý do nêu trên. Mình mong các bạn có thể thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất. Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
    Ghé thăm wordpress cá nhân của mình tại annevuvn.wordpress.com và Danh sách Top 20 phim yêu thích nhất của mình tại https://www.imdb.com/list/ls026514494/