Bốn trụ cột của giáo dục bao gồm:
Learn to know (học để biết)
Learn to do (học để làm)
Learn to live together (học để chung sống)
Learn to be
Và trở thành một Renaissance man, theo mình, chính là ‘to be’.
Phần 1. What (Renaissance Man là gì)
Theo từ điển OxfordLanguage thì ‘Renaissance man is a person with many talents or areas of knowledge’ (tạm dịch: renaissance man là một người với nhiều tài năng hay có sự am hiểu về nhiều lĩnh vực’. Trong bài viết này sẽ chỉ đi theo hướng định nghĩa ‘một người có sự am hiểu về nhiều lĩnh vực’ do phạm trù ‘tài năng’ thường phức tạp và khó xác định.
Nếu để nói renaissance man giống như generalist thì không phải, generalist thiên về những 'công việc' để đổi sức lao động lấy tiền, dùng tiền phục vụ cuộc sống. Còn Renaissance man thì có những kĩ năng và kiến thức để trực tiếp phục vụ cuộc sống.
Nếu tìm hiểu về cuộc đời của Bác Hồ, có thể thấy Bác đã làm không biết bao nhiêu việc trong suốt cuộc đời của mình. Từ công việc chân tay như phụ bếp, dọn tuyết, làm vườn, bán báo đến cả những công việc trí óc: viết báo, tuyên truyền cách mạng, biên dịch viên, ... Có thể coi Bác chính là một Renaissance man.
Một ví dụ khác về Renaissance man đó là Mr. Money Mustache (MMM). Là một người đạt được tự do tài chính từ sớm, tác giả của trang blog mrmoneymustache.com còn chia sẻ về rất nhiều khía cạnh khác trong đời sống như Nuôi dạy con, house hacking (cải tạo nhà cửa), đầu tư, DIY (Do it yourself), tối ưu hóa cuộc sống.
Vậy tóm lại, có thể hiểu Renaissance man là một người có thể làm được nhiều việc, hiểu biết trên nhiều lĩnh vực.
Phần 2. Why (Tại sao trở thành Renaissance Man)
Quy luật hiệu suất giảm dần
Nếu học kinh tế, chắc hẳn bạn đã được học/nghe về quy luật hiệu suất giảm dần (diminishing returns).
Quy luật này thể hiện rằng trong lý thuyết ngắn hạn về cung, khi liên tục bổ sung một lượng như nhau của một đầu vào nhân tố biến đổi vào hàm sản xuất và giữ nguyên lượng của các đầu vào nhân tố khác, chúng ta sẽ đạt tới điếm mà mức tăng sản lượng (tức sản phẩm hiện vật cận biên của đầu vào biến đổi) giảm xuống. Khi sản phẩm hiện vật cận biên giảm, sản phẩm hiện vật bình quân cũng có thể giảm – tức quy luật lợi tức bình quân giảm dần bắt đầu phát huy tác dụng.
Có thể lấy ví dụ để dễ hiểu hơn như sau:
Bạn dành ra 1 tiếng mỗi ngày để học tiếng anh. Năm đầu tiên bạn cảm thấy trình độ của mình gia tăng rõ rệt. Từ con số 0, bạn đã có thể nghe được những đoạn hội thoại đơn giản, bạn đã biết được khoảng 1000 từ vựng, có thể đọc hiểu những bài viết không quá mang tính học thuật.
Sau 2 năm, bạn tự tin giao tiếp với người nước ngoài, có thể xem phim mà không cần vietsub.
Nhưng sau đó, năm thứ 3, thứ tư, bạn cảm thấy trình độ của mình gần như không thay đổi so với 2 năm trước. Bạn vẫn có thể sử dụng tiếng Anh hàng ngày, nhưng không làm sao để nâng cao hơn nữa (mặc dù điều này không cần thiết vì ngay cả tiếng Việt chúng ta cũng chưa thể dùng một cách hoàn hảo).
Điều này áp dụng được với tất cả mọi thứ trong cuộc sống.
Như có thể thấy ở trên, để tiến thêm một nấc điểm chuyên môn, bạn ngày càng phải bỏ ra nhiều thời gian hơn nữa, và việc đạt đến điểm 10 sẽ không bao giờ xảy ra (bạn chỉ có thể tiệm cận đến nó mà thôi).
Như vậy, sẽ khôn ngoan hơn nếu bạn chỉ đặt mục tiêu đạt đến trình độ 8/10 (với lượng thời gian bỏ ra là vừa phải) trong một lĩnh vực, và rồi hãy học thêm lĩnh vực mới. Giả sử cùng với quỹ thời gian 10,000 giờ , bạn có thể đạt đến mức 9.75/10 ở một lĩnh vực. Nhưng cũng thời gian đó, bạn hoàn toàn có thể đạt 8/10 (hay chí ít là 7/10) ở vài, thậm chí là vài chục lĩnh vực khác nhau.
Đừng bỏ hết trứng vào một giỏ
Có phải bạn vẫn đang nghe những lời khuyên kiểu ‘hãy trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của bạn, hãy giỏi đến mức người ta không thể phớt lờ bạn’ đang ra rả mỗi ngày trên mạng. Lời khuyên kiểu này không hoàn toàn đúng dù người nói có ý tốt. Dù bạn giỏi đến đâu mà thái độ không tốt thì người ta vẫn sẽ ‘phớt lờ’ bạn. Hay liệu bạn có đánh đổi để trở thành một chuyên gia được cả thế giới công nhận, nhưng lại mất đi sức khỏe của mình (như Steven Hawking).
Từ bao giờ mà những lời khuyên như thế được các bạn trẻ hưởng ứng và lấy làm chân lý cuộc sống. Những lời khuyên kiểu này đa số đến từ những người giàu có, chủ doanh nghiệp,... gộp chung là tư bản- những người sẽ được hưởng lợi từ việc cạnh tranh chuyên môn giữa những người lao động.
Trong đầu tư có một triết lý đã trở thành huyền thoại mà không ai là không biết đến : “ Đừng bỏ hết trứng vào một giỏ”. Điều này nhằm giảm thiểu rủi ro xuống mức tối đa và tạo nên sự đảm bảo cho khoản đầu tư của bạn.
Khi đọc BCTC của các doanh nghiệp, bạn sẽ thấy tất cả các doanh nghiệp dù hoạt động trong lĩnh vực gì cũng sẽ có một khoản tiền ‘đầu tư tài chính’. Khoản tiền này có thể là cho vay, mua trái phiếu, đầu tư góp vốn, gửi tiết kiệm,... Tại sao họ không tập trung vào lĩnh vực của họ, dồn hết tiền để sản xuất, quay vòng vốn, rồi đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, ‘trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó’. Điều này đơn giản chỉ là quá rủi ro, các công ty cần có dòng tiền khi bất trắc, hoặc đơn giản họ không thể cạnh tranh với các công ty lớn bằng cách cắm đầu cắm cổ phát triển sản phẩm và sản xuất (cho dù có sản phẩm tốt). Đó mới chỉ là một cái ‘giỏ’ khác của các công ty. Ngày nay, không khó để thấy những công ty hoạt động đa lĩnh vực, hay chính là xây dựng một hệ sinh thái bổ trợ lẫn nhau (Apple là một ví dụ điển hình, khi dùng 1 sản phẩm của apple, do được tích hợp hỗ trợ, thường thì người dùng sẽ có xu hướng dùng cả ‘hệ sinh thái’ của apple như iphone, macbook, airpod, applewatch,... gần hơn ta có Vingroup, công ty lớn nhất Việt Nam với hoạt động phủ khắp nhiều lĩnh vực).
Trong khi những ‘nhà tư bản’ đều đang nỗ lực xây dựng ‘hệ sinh thái’ của họ, họ khuyên bạn nên tập trung vào chuyên môn và làm thật tốt, có gì đó sai sai đúng không.
Chúng ta đều đang đầu tư cho bản thân mình, vì vậy đừng bỏ hết trứng vào một rỏ, hãy đa dạng hóa. Cũng giống như cách mà một hệ sinh thái của công ty hỗ trợ lẫn nhau, tất cả những kiến thức và kĩ năng bạn có được trên nhiều lĩnh vực cũng sẽ bổ trợ cho nhau. Điều này không chỉ giúp cho bạn giảm thiểu được rủi ro (khi bạn có thể làm bất cứ công việc nào nếu cần, hoặc học hỏi để làm được công việc đó trong thời gian ngắn nhất) mà còn làm phong phú thêm đời sống cá nhân.
Chưa kể đến, việc bạn không có kiến thức đa lĩnh vực cũng dễ khiến bạn phụ thuộc vào các sản phẩm được bán ra (như đã viết ở bài này). Nếu như bạn không thể tự nấu một bữa cơm thì sẽ có người làm thay bạn, và tất nhiên, bạn sẽ phải trả tiền (số tiền lớn hơn tiền nguyên liệu và cả chi phí thời gian chế biến của bạn). Nếu như bạn không có hiểu biết về đồ đạc cơ khí trong nhà thì dù chỉ là lỏng một cái ốc vít, hay bụi phủ lên động cơ khiến máy không chạy được, bạn cũng sẽ phải đem ra tiệm, nhờ đến các ‘chuyên gia’ với mức giá không hề dễ chịu một chút nào.
“A human being should be able to change a diaper, plan an invasion, butcher a hog, conn a ship, design a building, write a sonnet, balance accounts, build a wall, set a bone, comfort the dying, take orders, give orders, cooperate, act alone, solve equations, analyze a new problem, pitch manure, program a computer, cook a tasty meal, fight efficiently, die gallantly. Specialization is for insects.” -Robert A. Heinlein
Điều này không khó như bạn nghĩ
Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng “cũng hợp lí đấy, nhưng tôi không đủ thời gian để làm điều đó. Chỉ học sâu một thứ đã ngốn rất nhiều thời gian rồi”. Tôi đồng ý, rằng nếu bạn chỉ dành thời gian tập trung vào một thứ thì sẽ rất tốn thời gian (như đã trình bày ở phần 1- Quy luật hiệu suất giảm dần). Nhưng thật ra, không có một vấn đề hay một lĩnh vực nào đứng độc lập cả. Nói cách khác, có một mức độ am hiểu về vấn đề B, rất có thể sẽ làm sáng tỏ những khúc mắc của bạn về vấn đề A.
Một người dành thời gian chơi thể thao mỗi ngày, cơ thể sẽ khỏe mạnh. Khi cơ thể khỏe mạnh, bộ não hoạt động trơn tru giúp tiếp thu kiến thức tốt hơn, và vì thế học tập và làm việc cũng hiệu quả hơn.
Một người có khả năng đàn hát và vẽ tranh ở mức độ trung bình, sẽ có khả năng tự giải khuây một cách ‘lành mạnh’ hơn, thay vì tìm đến game, thuốc lá,... Từ đó ít khả năng gặp phải những bệnh lí liên quan đến sức khỏe tâm thần hơn.
Hai sinh viên Y khoa ở Việt Nam, học chung trường, chung chương trình đào tạo và giả sử đều có 5000 giờ để nghiên cứu về lĩnh vực của mình (cùng một trình độ tư duy). Một người dành 1000 giờ để học tiếng Anh, sau đó tìm học những kiến thức chuyên ngành từ những nguồn uy tín trên toàn thế giới. Người còn lại chỉ đọc được tài liệu đã được dịch sang tiếng Việt. Bạn đoán ai sẽ giỏi hơn?
Phần 3. How (làm thế nào để trở thành Renaissance man)
(Do trong quá trình tìm hiểu có rất ít tài liệu đề cập đến, có vẻ như đây chưa phải là một điều phổ biến hay được nhiều người hưởng ứng (nghĩ lại thì trào lưu FIRE cũng chỉ mới nổi lên 2-3 năm trở lại đây). Vì vậy những điều sau đây là quan điểm của các nhân người viết, có tính tham khảo.)
Để trở thành một Renaissance man thời hiện đại, theo mình có một số lĩnh vực cần trau dồi và học hỏi
Sức khỏe
Hiểu biết về những loại bệnh phổ biến, cách phòng tránh.
Duy trì sức khỏe ổn định về cả thể chất lẫn tinh thần
Hiểu biết về cách cơ thể hoạt động.
Có khả năng thích ứng và kiểm soát với những điều kiện xảy đến như stress, thừa cân, lười vận động
Biết những loại thức ăn nào tốt cho sức khỏe và những loại nào tàn phá sức khỏe, và tại sao.
Duy trì một thói quen ăn uống lành mạnh, tránh những thức ăn có hại và nhận biết được khi nào thì thức ăn không còn dùng được
Có thể duy trì hoạt động thể chất khi kiệt sức, đói hoặc mệt mỏi. Có thể ứng xử trong những trường hợp nguy cấp như cứu người đuối nước, khiêng người trong nhà hỏa hoạn hoặc những trường hợp tương tự trong cuộc sống . Biết sơ cứu cơ bản.
Biết chơi một loại nhạc cụ
Biết chơi một môn thể thao
Trí thức
- Có khả năng chắt lọc thông tin và có khả năng nghiên cứu, tìm kiếm thông tin liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể tự học và có hứng thú khi làm việc đó.
- Có đủ kiến thức khái quát để có thể hiểu thông tin và đặt nó vào bối cảnh, một mô hình, và có thể đặt câu hỏi cho những vấn đề gặp phải
- Nhận biết mô hình áp dụng cho những vấn đề nào, đưa ra giải pháp cho một vấn đề, khái quát hóa nó và áp dụng nó cho một vấn đề khác.
- Có thể phân tích, phê bình, điều chỉnh kiến thức và kết hợp các kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau để đạt được mục tiêu. Thực hành tư duy phản biện trong mọi khía cạnh của cuộc sống để đạt đến mức độ chắc chắn về mặt lý trí. Cởi mở với những ý tưởng mới nhưng không chấp nhận bất cứ điều gì một cách thiếu suy xét.
- Hiểu biết về những vấn đề lịch sử đã định hình nên thế giới hôm nay.
Kinh tế
- Phân biệt giá cả và giá trị
- Học cách cân nhắc nhiều hơn những hậu quả trước mắt của một sự lựa chọn, cũng hãy xem xét những hậu quả trong tương lai — ví dụ, chi phí cơ hội.
- Hiểu được sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản. Hiểu đòn bẩy và dòng tiền. Đặc biệt, tìm hiểu đâu là khoản đầu tư (tài sản tạo ra thu nhập) và đâu là khoản tiết kiệm (mục dùng cho mục đích cá nhân)
- Biết quy luật cung và cầu, sự khác biệt giữa tiết kiệm và đầu tư
- Hiểu cách thức hoạt động của thị trường cổ phiếu, trái phiếu và / hoặc bất động sản, cả về lý thuyết và thực hành;
- Hiểu về thuế, lập ngân sách và cân đối thu chi.
Cảm xúc
- Có thể đánh giá giá trị của sự việc trong mọi vấn đề để đưa ra quyết định đúng đắn
- Không lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, nguồn lực.
- Có bản lĩnh vững vàng, kiên trì, đương đầu với nghịch cảnh, chịu được căng thẳng, bình tĩnh, tránh được thất vọng;
- Thông cảm và hiểu rằng mọi người đều có những hoàn cảnh khác nhau;
- Tạo kết nối xã hội và gia tăng giá trị của các mối quan hệ giữa các cá nhân;
Xã hội
- Làm quen với những người bên ngoài chuyên môn, sở thích / câu lạc bộ, tôn giáo, đảng phái chính trị, tầng lớp kinh tế xã hội.
- Học cách kết nối mọi người và học cách cho đi
- Có khả năng thuyết phục người khác
- Hiểu biết về chính trị ở một mức độ vừa phải.
- Biết cách ứng xử xã hội
- Hiểu biết về các phong tục truyền thống và các ngày lễ tết
Technical things (cái này người viết không biết dịch sao cho thoát ý)
- Có khả năng sửa chữa đồ đạc trong nhà, tối ưu đồ vật thay vì vứt bỏ.
- Có kiến thức về các lĩnh vực đủ để đánh giá được công việc của các chuyên gia (đừng để người ta lấy đi một ngày lương của mình chỉ để lắp lại con ốc vít cho chặt)
- Có hiểu biết về tất cả các công nghệ mình đang sử dụng để hiểu các giới hạn và lợi ích của nó;
- Học cách chọn các công cụ tối ưu cho công việc, cách bảo trì chúng và cách sửa chữa chúng khi chúng bị hỏng;
- Học kỹ năng bán hàng để có thể đổi kỹ năng của mình cho những thứ khác.
Khác
- Biết tên các loại rau củ thường dùng hàng ngày/trong các dịp lễ và cách chế biến
- Biết món ăn này cần những nguyên liệu nào, làm sao bảo quản tốt nhất
- Biết mùa nào có những thực phẩm nào.
Trên đây chắc chắn vẫn sẽ chưa đủ. Tùy mỗi người mà sẽ có thêm những điều cần học / hứng thú muốn học khác nhau, điều quan trọng chính là tinh thần học hỏi không ngừng. Bản thân người viết cũng chưa thể, và còn rất lâu nữa mới được coi là một Renaissance man.
Hy vọng các bạn có thể thu nhận được điều gì đó qua bài viết.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất