(Cảnh báo: Bài viết có spoil về nhân vật và tình tiết của tác phẩm)
Lịch sử đã cho chúng ta biết rất nhiều về chiến tranh. Lịch sử chân thật, trần trụi và vô cùng tàn khốc. Chiến tranh đã thấm đẫm lịch sử bằng mồ hôi, nước mắt; bằng máu và bằng cả cái chết. Chiến tranh không có thắng thua, không có đúng sai, chỉ có sự mất mát và hi sinh. Mỗi một cái chết nơi chiến trường đều là một nỗi đau, một sự tổn thất to lớn. Khác với lịch sử, văn học đi sâu hơn vào những tầng nghĩa của chiến tranh, khai thác những khía cạnh đời sống đôi khi chủ quan nhưng mang tính chất rất con người. Đến với văn học, đặc biệt là văn học thời kì chiến tranh, thứ chúng ta cảm nhận được không chỉ là hơi thở của một thời đại, tinh thần của một dân tộc mà còn là đời sống của những cá nhân con người trong đó. Vì vậy, văn học dễ dàng khơi gợi và kêu gọi được sự đồng tình của người đọc. Nếu cảm nhận lịch sử khô khan và nhằm chán, hãy thử đến văn học, đến với một cách tiếp cận khác của đời sống. Dù có đôi phần thiếu xác đáng, nhưng chắc chắn trải nghiệm văn học sẽ mang lại những góc nhìn rất đặc biệt và vô cùng thú vị.
Mất gần 20 năm để hoàn thành tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội”, tác giả Phùng Quán mang lại cho những ai đã trải nghiệm cuốn sách này nhiều cảm xúc thực sự đáng nhớ và khó quên. Nếu chưa hiểu yêu nước là gì, yêu nước như thế nào thì chắc chắn cuốn sách này sẽ giúp bạn phần nào trả lời những băn khoăn đó. Một cuốn sách xứng đáng được đọc đi đọc lại nhiều lần, xứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về chiến tranh Việt Nam. Hơn 700 trang sách với rất nhiều nhân vật, nhưng mỗi câu chuyện, mỗi con người đều được ghi chép, khắc họa vô cùng tỉ mỉ. Bằng tài năng và tình yêu với chính những con người trong tác phẩm, tác giả Phùng Quán đã thành công khi khiến chúng ta thực sự yêu mến những điều ông kể. Nếu ai trải nghiệm tác phẩm này mà chưa một lần rơi nước mắt thì quả là một điều đáng tiếc!
Tác phẩm xoay quanh cuộc sống của tiểu đội rất đặc biệt – Đội Thiếu niên trinh sát hay còn gọi là Vệ Quốc đoàn thuộc trung đoàn Trần Cao Vân. Đội gồm những cậu bé mới chỉ 13, 14 tuổi. Mỗi em một tuổi thơ, mỗi em một quá khứ nhưng từ lúc còn nhỏ đã nuôi trong mình một lòng căm thù giặc mãnh liệt. Dù còn nhỏ nhưng các em đã gánh trên vai những trách nhiệm vô cùng to lớn. Hình ảnh những chú bé quần áo rách tả tơi, hở trước hở sau gầy gò vì đói ăn, ghẻ, rận, sốt rét với những bàn chân toác ra như củ khoai chín bở vì chạy chân trần đi liên lạc khiến ai cũng phải xót xa. Khó khăn gian khổ là thế nhưng các em vẫn luôn hăng hái làm nhiệm vụ. Dù là leo đèo, lội suối hay băng qua những làn mưa bom bão đạn các em cũng chưa từng một lần chùn bước. Một thế hệ anh hùng đầy quả cảm, gan trường và mạnh mẽ. Các em cũng như bao con dân nước Việt đứng lên tham gia kháng chiến, đều tin rằng một ngày Cách mạng sẽ thắng lợi, một ngày đất nước sẽ được tự do.
Nhân vật đầu tiên mình muốn nhắc đến là Quỳnh sơn ca. Quỳnh là con trai út độc nhất của một gia đình quyền quý. Từ nhỏ em đã bộc lộ tài năng thiên phú về âm nhạc. Em được nghe nhạc Sube, Môda; được học đánh đàn dương cầm, đàn măng đô lin từ rất sớm. Âm nhạc như thấm vào con người em, trở thành một phần không thể thiếu. Trong một lần nghe được những bài hát về Cách mạng em đã bị lay động đến mức phát khóc. Em muốn bỏ nhà đi, muốn đi theo các anh bộ đội hoạt động bí mật; em muốn làm Cách mạng, làm Vệ Quốc Đoàn Nam tiến, làm Đảng viên Cộng sản,... Một cậu bé chỉ mới 13 tuổi, có một cuộc sống đầy đủ, sung túc nhưng đã dám bỏ đi tất cả để tham gia kháng chiến. Ngày tháng tham gia hoạt động đã khiến em từ một cậu bé xinh trai nay trở nên ốm yếu, gầy gò. Nhưng dù cuộc sống làm trinh sát có vất vả và khổ sở, dù đời sống ở chiến khu có khó khăn và thiếu thốn thì Quỳnh cũng chưa một lần kêu ca. Bệnh sốt rét hành hạ em, vết thương ở chân đày đọa em nhưng chưa bao giờ em từ bỏ ý nghĩ cống hiến cho Cách mạng. Với em được sống trong lòng Cách mạng, được viết về Cách mạng là điều ý nghĩa nhất trong đời. Hoàn cảnh của Quỳnh hết sức đặc biệt và trớ trêu. Ba em là một tên đại Việt gian, là một tên phản quốc đáng tội xử bắn; còn em lại là một chiến sĩ cứu nước tình nguyện. Ba em viết một lá thư ngỏ ý đưa em về nhà chữa bệnh, hứa đưa em sang Thụy Sỹ học đàn và em sẽ có một tương lai rộng mở. Đứng trước những lời đề nghị hết sức hấp dẫn ấy, Quỳnh không hề chần chừ hay mảy may suy nghĩ. Với em sữa, bánh, thịt hộp cũng không ngon bằng quả ươi bay bạn mình hái về từ trên sườn đồi; nhạc Môda cũng không hay bằng những lời ca Cách mạng; gia đình em cũng không bằng những người đồng đội, anh em cùng nhau vào sinh ra tử. Một đứa trẻ như em đánh đổi cả tương lai và sức khỏe cũng không thèm quay về gia đình đã một lòng theo giặc. Quỳnh nói mà giọng nghẹn lại “Tội của ba với kháng chiến to lắm, mà em còn nhỏ quá, em không đủ sức để chuộc tội cho ba”. Em ra đi khi tuổi đời vẫn còn quá trẻ, khi những ước mơ còn đang dang dở, em còn chưa hoàn thành vở nhạc kịch viết về hành trình tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ của bạn mình. Quỳnh mãi mãi dừng lại ở tuổi 13, chỉ có lời hát của em là vang vọng mãi: “Sông Ô Lâu đôi bờ trắng tóc lau – Hát lời thề kháng chiến đến bạc đầu...”
Một trong những nhân vật chiếm tỉ trọng lớn của câu chuyện là cậu bé Lượm. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng, Lượm từ nhỏ đã thấm nhuần tư tưởng chống giặc cứu nước. Là một cậu bé khôn ngoan và nhanh nhẹn, trong một lần mai phục của địch Lượm đã thành công đánh lạc hướng để bạn mình có thể nhanh chóng chạy thoát. Dù bị bắt vào tù, bị giam giữ, bị đánh đập tàn bạo nhưng Lượm không hề run sợ hay hé răng nửa lời. Với em, phản bội Cách mạng là tội lớn, là điều không thể tha thứ được. Đứng trước một cậu bé tuổi đời còn rất trẻ, nhưng giặc Pháp luôn phải e dè và kinh sợ. Đòn roi không khuất phục được em, bánh mì và cacao không dụ dỗ được em; một tinh thần và ý chí sắt đá không thua kém gì những người chiến sĩ từng trải. Cha em cũng là một nhà hoạt động Cách mạng. Ông ấy đã khiến lính giặc khốn đốn khi vượt ngục đến tận năm lần. Biết không thể khuất phục được con người lì lợm này, giặc đã xử bắn ông khi Lượm mới chỉ hai tuổi. Dù chưa hề biết mặt cha, nhưng Lượm thừa hưởng được sự ngoan cố, gan trường của ông. Ngay những ngày đầu bị bắt giam, em đã thành công thoát trại tù bằng cách dỡ ngói buồng vệ sinh của nhà giam. Sự kiện trốn tù làm những tên cai ngục phải nhìn em bằng một con mắt đề phòng và cảnh giác. Bạn tù ai cũng nể phục trước sự nhanh trí và liều mạng của Lượm. Dù bị bắt trở lại nhà giam nhưng em đã giặc đôi phần khiếp sợ. Lần vượt ngục đầu tiên đã khiến Lượm phải chịu một trận đòn roi khủng khiếp. Thân hình nhỏ bé bị đánh đập hết sức dã man. Nhưng khi được hỏi có sợ không, Lượm vẫn bướng bỉnh trả lời em không sợ. Đứng trước cậu bé mới 14 tuổi như em, tên giặc Tây Sô-le, chủ sự Sở mật thám Phòng nhì Pháp nổi tiếng là gian xảo và thâm hiểm cũng phải bó tay. Ngay tại nhà riêng của hắn, một căn biệt thự đồ sộ với hàng rào sắt, Lượm một lần nữa thực hiện trót lọt phi vụ tẩu thoát. Đáng tiếc, Sô-le đã dẫn lũ chó béc-giê của mình đánh hơi để truy đuổi. Lượm bị bắt khi đang nấp trên một thân cây cao chót vót. Sau hai lần trốn thoát vô cùng táo bạo, cuối cùng Lượm bị bắt giam đến lao Thừa Phủ. Những ngày tháng ở nơi đây là biết bao câu chuyện mà suốt đời Lượm sẽ không bao giờ quên được. Đối mặt với tên chúa ngục hung bạo, với những tên bạn tù hung hăng, những đói khổ, bệnh tật đòn roi, tất cả càng nung nấu trong lòng em một quyết tâm phải vượt ngục thành công. Rút kinh nhiệm từ những thất bại trước, Lượm kiên nhẫn tính toán, cẩn thận vạch ra những kế hoạch. Cuối cùng lần vượt ngục khó khăn và li kì nhất cũng thành công. Cuộc vượt ngục của Lượm chắc chắn cũng thú vị không kém gì câu chuyện vượt ngục của nhân vật Andy trong bộ phim Shawshank Redemption.
Cuối cùng là Mừng, nhân vật tuyệt nhất đối với mình trong cả tác phẩm. Một cậu bé với tình yêu thương mẹ vô cùng chân thật và cảm động. Mẹ em bị bệnh hen suyễn kinh niên. Được một cụ già mách cho dùng thứ lá tầm gửi mọc trên ngọn cây bút bút thật cao, hái vào lúc nửa đêm, lúc lá đang ăn khí trời, uống sương móc thì sẽ chữa được bệnh kinh niên của mẹ, Mừng đã trèo không biết bao nhiêu cây bút bút cao nhất của xứ Huế. Phát hiện doanh trại của Vệ Quốc Đoàn có cây bút bút rất cao và to, em đã xin gia nhập vào đội để tìm cách hái lá tầm gửi về cho mẹ. Dù mục đích ban đầu tham gia chỉ vì đi tìm lá tầm gửi, nhưng sau khi được sống cùng với các bạn, được nghe anh đội trưởng giảng đánh đuổi giặc Tây thì Mừng muốn được hoạt động Cách mạng. Với em, chỉ cần được độc lập, Chính phủ sẽ chữa bệnh cho những người dân khốn khổ như má của em, dù bệnh nặng hơn cả hen suyễn cũng sẽ được chữa khỏi. Một cậu bé chưa nhận biết được mặt chữ nhưng đã hiểu được niềm hạnh phúc của tự do và độc lập. Em luôn nhớ mãi câu nói của đội trưởng “Dẫn đường cho bộ đội đi tiêu diệt giặc nước cũng là đi tìm thuốc cho mẹ”. Vì vậy mà Mừng không hề sợ khó khăn hay vất vả, em chỉ sợ không được chiến đấu, không được giúp các anh. Những giây phút cuối cùng của cuộc đời, dù bị nghi oan là Việt gian thì Mừng vẫn không quên đi nhiệm vụ. Giữa tiếng bom đạn, sấm rèn của bom mìn, giọng nói khẩn thiết của em yếu ớt nhưng lanh lảnh: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!”.
“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm xuất sắc trên nhiều phương diện. Dù là khía cạnh lịch sử hay văn học, thì tác phẩm đều mang lại một giá trị hết sức to lớn. Ở đó, không chỉ có sự anh dũng của những chiến sĩ Cách mạng, có tình cảm đồng chí đồng đội khăng khít mà còn có sự đoàn kết, gắn bó của người dân. Sự hi sinh và cái chết diễn ra rất nhiều trong tác phẩm. Là cậu bé mới chỉ 13 tuổi, Vịnh sưa treo mình trên cột thu lôi tại căn cứ của địch bị bắn chết khi cố gắng phớt cờ ra tín hiệu bắn cho quân ta; là anh đội trưởng Đồng râu bị phơi xác khi bị địch bắt được; là hàng trăm xác chết của đồng bào, cán bộ, bộ đội bị bom, đạn, mũi súng của kẻ địch. Những sự mất mát ấy đánh đổi cho một niềm tin, một lập trường kháng chiến nhất định thắng lợi. Một bà chủ bán nước với hai câu đối: “Bán cháo, bán chè, không bán nước. Buôn ngày, buôn tháng, chẳng buôn dân" hay anh thợ cắt tóc khắc chữ trên hai cột tre trước cửa hiệu: “Cắt tóc, cắt râu, không cắt cỏ. Cạo mày, cạo mặt, chẳng cạo lòng” đều thể hiện tinh thần son sắc, cao đẹp một lòng hướng về Cách mạng.
Như một câu nói rất hay rằng: “Những hành động anh hùng, những tình cảm cao cả, những sự tích phi thường, là món ăn tinh thần tốt nhất, để nuôi dưỡng tuổi thơ”, tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường của biết bao nhiêu thế hệ.
Như lời nhận xét của anh đội trưởng “Nếu Cách mạng là một dòng sông và cuộc đời mỗi chiến sĩ là một con suối đổ vào dòng sông đó, thì các em lại là những tia nước nhỏ bé, bất ngờ vọt ra từ một kẽ đá, một vết nứt trên thân cây, hoặc trút xuống từ một đài hoa gió thổi nghiêng... Nhưng cái điều kì thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã tự len lỏi hòa vào dòng sông Cách mạng hùng vĩ lúc nào không hay”. Tình yêu nước trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kì sẽ khác nhau. Tình yêu ấy luôn hiện diện trong mỗi trái tim của chúng ta mà chỉ cần một đánh thức nhỏ thôi sẽ bùng cháy lên mạnh mẽ. Đất nước ngày hôm nay được đánh đổi bằng cả một thế hệ đi trước, bằng xương máu, bằng da thịt của dân tộc. Việt Nam đang ngày càng phát triển, đang từ từ đi lên. Chúng ta có thể không bằng những quốc gia phát triển trên thế giới, không thể chạy đua với những cường quốc lớn mạnh, nhưng chúng ta có độc lập, có sự tự tôn và niềm tự hào. Một đất nước đau thương vì bom đạn, tàn phá vì chiến tranh nhưng chưa bao giờ đầu hàng và gục ngã. Niềm kiêu hãnh ấy không chỉ được giữ trong lòng mà còn được khắc trong tim. Một đất nước như thế là một đất nước đáng tôn vinh và tự hào.