Sau khi nghe chia sẻ của nhà tuyển dụng, tôi rất ngạc nhiên trước suy nghĩ của họ về giá trị lao động của một người, và mức giá họ trả cho nó.

Red Flag từ bộ phận HR

Tôi ứng tuyển vào một công ty về công nghệ, khách hàng chủ yếu là nước ngoài. Quy mô công ty khá lớn và vận hành từ trước năm 2000.
Thành thật thì tôi không có ý định tham gia phỏng vấn vì đã thấy "red flag" từ bộ phận HR.
Qua vòng CV, tôi tham gia vào nhóm tư vấn tuyển dụng của công ty. Khi tôi hỏi về việc hỗ trợ lương thực tập, bộ phận HR trả lời là không có rồi kick tôi ra khỏi nhóm mà không báo trước một lời nào.
Hai hôm sau, tôi khá ngạc nhiên khi lại được nhận email mời phỏng vấn với leader của project. Phân vân một lúc lâu, tôi vẫn đồng ý với suy nghĩ leader có thể sẽ phù hợp với mình.
Thời gian phỏng vấn là 3 ngày sau khi nhận email. Tôi từng tham gia một vài cuộc phỏng, và bộ phận HR luôn nhắn tin thông báo cho ứng viên trước cuộc phỏng vấn. Chỉ công ty này không có. Tôi biết, việc này không phản ảnh điều gì. Nhưng vì bị kick ra khỏi nhóm từ trước, tôi lại càng e ngại.

Chỉ hỗ trợ lương thực tập cho Thực tập sinh nước ngoài

Thành thật mà nói, tôi không có ý định ứng tuyển nữa. Tôi không chuẩn bị gì nhiều trước cuộc phỏng vấn. Và tôi nghĩ chị leader cũng vậy.
Chị leader ngạc nhiên khi biết tôi cộng tác với tạp chí điện tử nọ, và có khả năng sử dụng các công cụ Adobe, dù tôi đã viết đầy đủ trong CV và thư xin việc.
Đối với tôi, nhà tuyển dụng cũng phải tìm hiểu về ứng viên như cách ứng viên tìm hiểu về background công ty trước mỗi cuộc phỏng vấn.
Chị leader bắt đầu hỏi tôi về những kiến thức chuyên ngành và hỏi tôi lý do vì sao tôi lại chỉ ứng tuyển thực tập dù đã đi làm hơn một năm. Tôi nói lĩnh vực này tôi không biết nhiều, nên chỉ ứng tuyển vị trí thực tập. Tôi biết chị cảm thấy sự hời hợt và thiếu kiến thức chuyên ngành của tôi trong các câu trả lời.
Sau đó tôi hỏi chị về việc đào tạo và hỗ trợ lương thực tập. Tôi bất ngờ trước chia sẻ của chị.
Vì thực tập sinh đến để học việc, nên sẽ không có lương. Chị biết chính sách này không ổn, và công ty sẽ thay đổi trong thời gian tới.
Chị nói, thực tập sinh nước ngoài sẽ có lương, vì họ biết nhiều, làm việc như nhân viên thực thụ, thậm chí còn chia sẻ kinh nghiệm, tri thức thú vị. Thực tập sinh Việt Nam không có lương vì đa số các bạn khá non, nên phải dạy dỗ, tốn rất nhiều thời gian chỉ bảo.
Tuy nhiên, khi tôi hỏi về chương trình đào tạo của công ty, chị bảo vừa học vừa làm, không có chương trình cụ thể. Thực tập sinh sẽ tham gia dự án như nhân viên thực thụ.
Nghe tới đó, tôi không hỏi nữa và cuộc phỏng vấn kết thúc.

Kết luận tôi rút ra

Đây chỉ là cảm nhận của tôi, sau khi nghe câu trả lời từ chị:
- Thực tập sinh nước ngoài làm có lương, vì họ có khả năng làm như nhân viên, không cần chỉ bảo nhiều. Đối với tôi, nếu có khả năng như vậy, thì không lý nào tôi lại chọn thực tập với mức lương hỗ trợ tiền xăng xe như vậy. Giá trị tôi mang lại phải tương xứng với giá trị tôi nhận được.
- Theo như chị chia sẻ, thực tập sinh nước ngoài bản lĩnh, hay đi nhiều nước để thực tập trải nghiệm. Vì thế, tôi rút ra kết luận phiến diện, công ty không có ý định giữ thực tập sinh, mà chỉ cần người chạy dự án ngắn hạn.
- Không trả lương thực tập, vậy thì ứng viên phải được học nhiều, trong một môi trường chuyên nghiệp. Nhưng từ bộ phận HR, từ cách chị không tìm hiểu CV, và từ việc không có chương trình đào tạo cụ thể, tôi lo ngại về sự đào tạo.
Câu chuyện này không phải kể xấu công ty. Mỗi công ty có chính sách riêng. Nhưng tôi mong các công ty đừng tuyển thực tập sinh vào chỉ để chạy dự án, đòi nhiều kinh nghiệm, không muốn tốn thời gian đào tạo, mà lại không trả lương.
Đó là suy nghĩ bóc lột và chảy máu chất xám.