Hầu hết chúng ta không nghĩ về cái chết khi còn trẻ. Ta cho rằng cái chết là một thứ gì đó xa xăm, tuổi trẻ ban cho chúng ta sức lực để làm bất kì điều gì bản thân mong muốn. Nhưng hãy tưởng tượng rằng, một ngày nào đó, bạn sẽ yếu đến mức không thể tự múc được cháo, không thể nghe được người thân đang trò chuyện bên tai, cuối cùng thì chết trong khi chỉ còn là một cái vỏ của bản thân. Để ngăn chặn tình cảnh này, một bộ phận không nhỏ công dân ở các nước phát triển đã tự chọn cho mình cái kết sớm hơn, thông qua khái niệm quyền được chết.

Quyền được chết là gì?

Quyền được chết là quyền đảm bảo con người có toàn quyền quyết định có nên chấm dứt cuộc đời hay không. Những đối tượng quyền được chết nhắm tới là những người chịu tổn thương liên tục về thể xác hoặc tinh thần, được chẩn đoán không thể phục hồi và chỉ có thể tồi tệ hơn. Họ mong muốn chấm dứt nỗi đau bằng cái chết.
Bạn có thể tự hỏi rằng con người có thể chết bất cứ lúc nào, tại sao ta lại cần quyền được chết. Thực ra, để tự sát, họ cần một thời điểm không có bất cứ ai ở bên cạnh, đây cũng chính là thời điểm họ cần có người xung quanh nhất. Nếu tự sát thất bại, nhiều khả năng có thể mang lại tình trạng tồi tệ hơn trước đó (sống thực vật), kể cả có thành công thì hầu hết ở trường hợp phát hiện ra, hình ảnh cuối cùng của người đã mất cũng sẽ không được tốt cho những người ở lại. Ngoài ra, không phải ai cũng có đủ sức khỏe để thực hiện hành động tự sát. Nếu quyền được chết được thông qua, các bệnh nhân sẽ có cơ hội nói lời tạm biệt với những người thân thiết trong thời khắc cuối cùng của đời người, và hình ảnh của họ cũng ở trong trạng thái thanh thản nhất có thể.

Tranh luận về quyền được chết

Những người phản đối quyền được chết cho rằng “cuộc sống là món quà, đáng trân trọng, …” hoặc vin vào những đấng tối cao như Chúa. Nhưng đây là những quan điểm dựa trên niềm tin, chừng nào ta không có bằng chứng về sự tồn tại của những đấng tối cao, thì ta vẫn còn phải tôn trọng sự tự do cá nhân, tự do tôn giáo, bao gồm cả niềm tin của người khác rằng “cuộc sống không phải là một món quà". Nếu bệnh nhân đủ năng lực để quyết định, không ai khác ngoài bệnh nhân có đủ thẩm quyền để đánh giá xem sự sống của người đó có đáng để tiếp tục hay không. Việc bắt ai đó tiếp tục chịu khổ dựa trên niềm tin “đáng sống” này cũng tàn nhẫn không kém việc bắt người khác phải chết.
Những luận điểm hợp lí hơn có thể sử dụng để phản đối quyền được chết là những người thân có thể lợi dụng quyền này để gây ra cái chết gián tiếp cho bệnh nhân bằng cách thông đồng với bác sĩ, hoặc bệnh nhân không ở trong trạng thái minh mẫn để ra quyết định, nhưng điều này có thể giải quyết bằng việc có sự tham gia từ 2 bác sĩ trở lên. Ngoài ra việc quyền được chết được thông qua có thể gây ra một tình huống slippery slope, sẽ càng có nhiều người chọn giải pháp buông xuôi nhiều hơn thay vì chiến đấu lại bệnh tật (hiện tương copycat suicide). Từ khi Bỉ thông qua quyền được chết vào năm 2003, mỗi năm số người lựa chọn giải pháp này đều tăng (vào năm 2013, hơn 1800 người). Tuy nhiên, dựa vào số liệu này cũng không đủ để kết luận mọi người dễ buông bỏ sự sống hơn vì quyền được chết được thông qua hoặc chỉ đơn giản số lượng người cần quyền đó thực sự nhiều đến vậy.

Thực trạng về quyền được chết trên thế giới

Ở các nước quyền được chết được thông qua (Bỉ, Luxembourg, Hà Lan), những bệnh nhân sẽ được xác nhận bởi ít nhất hai bác sĩ, qua một khoảng thời gian điều trị nhất định để đảm bảo đánh giá mang tính khách quan và không mang tính thời điểm. Những bệnh nhân được chẩn đoán không thể cải thiện sẽ phải kí vài giấy tờ và được hỏi lại về quyết định của bản thân, sau đó mới được tiêm một loại chất độc khiến cơ thể dừng hoạt động nhưng không đem lại cảm giác đau đớn, hoặc được đưa cho một loại thuốc uống có tác dụng tương tự. Bỉ mới đây cũng thông qua luật an tử cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Ở Việt Nam, quyền gần nhất với quyền được chết là quyền từ chối điều trị, tức bệnh nhân có quyền từ chối điều trị y tế với tình trạng bệnh của mình. Hầu hết bác sĩ ở Việt Nam được đào tạo để cứu chữa bệnh nhân, việc hỗ trợ bệnh nhân tự kết liễu cuộc đời là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức đối với họ.

Kết luận

Quyền được chết đối với người viết có những luận điểm vững chắc về mặt triết học. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều để xét đến khi đưa quyền này vào thực tiễn về mặt quản lí xã hội.
Trích dẫn:
1. D. Benatar Should there be a legal right to die?, Current Ontology, 17(5), (2010).
2. D. Benatar A legal right to die: responding to slippery slope and abuse arguments, Current Ontology, 18(5), (2011).
3. Anca Ulea 'Right to die': Belgium marks two decades since it legalised euthanasia , EuroNews (2022).
5. Leticia Mora, Child Euthanasia in Belgium, O'Neill Institute (2020).