Quật mộ trùng ma( EXHUMA) THÁCH THỨC THỊ HIẾU NGƯỜI XEM
Bài viết này sẽ tập trung khai thác sự tiếp nhận của khán giả Việt đối với bộ phim xoay quanh các khía cạnh văn hoá và chính trị. Từ đó đưa ra cái nhìn về thị hiếu phim ảnh của khán giả và quan điểm cá nhân.
Tổng quan
Exhuma (tiếng Việt: Quật mộ trùng ma) là một bộ phim điện ảnh Hàn Quốc do đạo diễn Jang Jaehyun viết kịch bản và đạo diễn. Phim thuộc thể loại kinh dị, giật gân, trinh thám, huyền bí. Phim chứa nhiều yếu tố tâm linh và kỳ bí, tập trung vào chuyến đi khai quật một ngôi mộ của các nhân vật chính và một loạt các sự kiện kỳ lạ diễn ra sau đó.
Nội dung phim xoay quanh một nhóm người gồm pháp sư trừ tà, thầy phong thuỷ và người tổ chức tang lễ. Phim bắt đầu với việc một gia đình tài phiệt người Mỹ gốc Hàn tìm đến sự trợ giúp của pháp sư trẻ Hwa Rim và Bong Gil nhằm bảo vệ đứa con trai mới chào đời của họ. Hai pháp sư nhận ra rằng người cha già, người con trai và cả cháu trai của gia đình này đang bị đe dọa về tính mạng vì một bí ẩn có liên quan tới ngôi mộ của gia tộc. Họ bắt tay với thầy phong thuỷ Sang Deok và chuyên gia khâm liệm Yeong Geun để làm nghi lễ di dời. Mặc cho một loạt các dấu hiệu về vị trí đầy âm khí ẩn sâu trong núi, trường năng lượng u ám và các chi tiết quái gở liên quan đến ngôi mộ; cả nhóm vẫn quyết định bắt tay vào làm vì thù lao khổng lồ mà gia đình kia chi trả cho phi vụ này.
Khán giả đón nhận như thế nào?
Đây có phải là một bộ phim xuất sắc? 7,4/10 là số điểm mà Exhuma nhận được trên trang đánh giá phim danh giá bậc nhất IMDb. Không chỉ ở các trang phê bình phim chính thống, bộ phim còn xuất hiện dưới sự ghi nhận của đông đảo khán giả yêu thích phim (97% người dùng Google). Bộ phim tạo nên cơn sốt khắp châu Á, làm khuynh đảo giới truyền thông và cán mốc 74 triệu USD doanh thu ở phòng vé Hàn Quốc (theo trang koreafilm.or.kr).
Phải công nhận sự thành công của “quả bom” điện ảnh Hàn Quốc năm 2024 có một phần rất lớn đến từ kịch bản hay và đề tài mới lạ, cách triển khai lôi cuốn với hướng trinh thám dẫn dắt người xem. Tuy nhiên, điểm đặc sắc của Exhuma không phải là “media hype” mà nó nhận được (sự quảng bá rộng khắp, rầm rộ và cường điệu qua các phương tiện thông tin đại chúng) mà là sự tôn vinh văn hoá tín ngưỡng và lòng tự tôn dân tộc hiện hữu xuyên suốt bộ phim.
Người Hàn “cuồng” nền văn hoá của họ?
Bộ phim phản ánh rất đúng những nét văn hoá đặc trưng của Hàn Quốc, đặc biệt là về tín ngưỡng tâm linh. Hàn Quốc sinh ra từ cái nôi văn hoá Đông Á. Trong lịch sử, nhà nước Cổ Triều Tiên (bán đảo Triều Tiên, là Hàn Quốc và Triều Tiên hiện nay) chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc và có cùng chế độ phong kiến chuyên chế kế tập. Qua nhiều vương triều, Nho giáo được coi là nền tảng và Đạo giáo, Phật giáo đã ăn sâu bén rễ ở đất nước này. Trải qua thời kỳ Nhật thuộc, cho tới khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, Hàn Quốc có nhiều sự du nhập về văn hoá từ Nhật Bản. Hiện nay, tuy Hàn Quốc chia sẻ văn hóa cùng Bắc Triều Tiên, hai nước đã phát triển văn hóa đương đại khác biệt sau khi chia cắt lãnh thổ.
Câu nói “Ở Hàn, đến tổng thống còn xem bói!” là bức tranh toàn cảnh của nền văn hoá này. Người Hàn thậm chí còn phát cuồng vì tập tục của họ. Xem bói là hiện tượng phổ biến trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, khi con người có niềm tin lớn vào vận mệnh với nhu cầu muốn biết trước tương lai. Để minh chứng cho sự ưa chuộng bộ môn này của người Hàn, bạn có thể đi dạo trên phố và bắt gặp hàng tá các cửa hàng bói toán, ngôi đền nhỏ hay những thầy bói và khách hàng của họ trong quán cafe (theo world.kbs.co.kr). Theo ước tính, Hàn Quốc có tới 300.000 thầy bói và 150.000 ông bà đồng (theo Facebook), khoảng 1 triệu người đang hành nghề trong lĩnh vực dịch vụ tâm linh (theo SCMP). Không chỉ yêu thích dịch vụ bói toán, người dân Hàn Quốc còn có sự tín nhiệm với những pháp sư. Tuy nhiên, phong tục này có thể coi là một đặc trưng kỳ lạ trong văn hóa Hàn Quốc vì đây là một đất nước hiện đại dẫn đầu thế giới với sự phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ. Thế nhưng, người Hàn nhìn nhận nó như một sự tất yếu mang tính bản địa sâu sắc chứ không phải mê tín dị đoan.
Phim - cái ta nhìn, nghe và tiếp thu - là văn hoá?
Về những người hành nghề tín ngưỡng tại Hàn Quốc, pháp sư (shaman), xuất thân từ Shaman giáo. Đây là một hình thức tôn giáo thông qua người trung gian để giao tiếp với thần linh. Những người trung gian này có thể là thầy mo, phù thuỷ, pháp sư, ông đồng, bà đồng,... với nhiệm vụ giao tiếp và truyền đạt ý chỉ của thần linh. Khi hành lễ, họ nhảy múa, kêu gọi và hát xướng để mời thỉnh thần linh ứng hiện.
Trong phim, Hwa Rim và Bong Gil là hai pháp sư theo tín ngưỡng Shaman giáo. Trong cuộc gặp gỡ ở Los Angeles cùng người con trai nhà tài phiệt Park Ji Yong, họ cảm thấy bóng đen từ tổ tiên đang đeo bám gia đình này. Hwa Rim gọi đây là “tiếng gọi từ nấm mồ” - một vị tổ tiên chưa yên nghỉ của họ cần được giải thoát. Vì vậy, họ đã nhanh chóng trở về Hàn Quốc và hợp tác với thầy phong thuỷ hàng đầu Sang Deok và chuyên gia tang lễ Yeong Geun.
Một yếu tố khác không thể không đề cập đến là sự hiện diện của phong thuỷ. Phong thuỷ là tồn tại khách quan. Bản thể của phong thuỷ là tự nhiên còn bản thể của thuật phong thuỷ là con người. Con người sử dụng phong thuỷ như môn thuật số đón nhận sinh khí, xem bản chất tốt xấu của môn địa học. Theo lời thầy phong thuỷ Sang Deok trong phim, “Phong thuỷ, mê tín, lừa đảo… Đối với 1% người dân giàu nhất Hàn Quốc, phong thuỷ vừa là tôn giáo, vừa là khoa học.” Quả thực, thuật phong thuỷ tràn lan gây bất lợi cho phong hoá xã hội khi con người ta tranh giành với nhau từng tấc đất quý.
Sang Deok - với kinh nghiệm tìm kiếm những mảnh đất đáng giá giàu sinh khí làm nơi chôn cất cho giới nhà giàu khắp Hàn Quốc - nhận thấy sự bất thường ở ngọn núi hẻo lánh nơi ngôi mộ tọa lạc. Xưa nay, thầy phong thuỷ luôn bắt đầu từ long mạch. Ngôi mộ vốn là “lưng tựa núi”, địa điểm vượng khí cho người chết yên nghỉ. Đất không hề xấu, thế nhưng, linh hồn ngự trị đã khiến nơi này tràn ngập sát khí. Sang Deok gọi đây là “묫바람” - cơn gió độc oán hận hậu duệ con cháu. Nhóm người không mở nắp quan tài mà chọn di dời ngôi mộ. Vì sơ suất, ác linh oán độc này đã được thả ra và hại chết người bố già đang ở Mỹ cũng như đe doạ tính mạng người con trai. Ji Yong sau đó dù nhận được sự cảnh báo từ nhóm khai quật mộ nhưng cũng không thoát khỏi. Lý giải cho sự oán hận của tổ tiên dành cho cả gia đình này là “동티난다”. Không chỉ là sự bỏ bê, không nhang đèn của con cháu suốt một thế kỷ mà còn là hiện tượng khi đồ vật (ở đây là quan tài) của người quá cố bị xâm phạm khiến họ giận dữ.
Phim phản ánh đời thực như thế nào?
Phim cài cắm nhiều chi tiết lịch sử trong suốt thời gian dài kháng chiến chống Nhật vệ quốc qua các thời kỳ. Tỉ như việc ngôi mộ của tổ tiên gia tộc Park là một ngôi vô danh, trên bia mộ chỉ khắc tọa độ 38.3417, 128.3289. Ban đầu mọi người đều lầm tưởng rằng việc này là do nạn trộm mộ hoành hành ở thời bấy giờ. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự là người mai táng và gia đình khi xưa sợ ngôi mộ bị phá bởi tổ tiên của họ phản quốc thân nhật. Đó cũng là lý do vì sao hậu duệ không lo việc chôn cất và thờ cúng đầy đủ, nhằm che giấu thân phận phản nước của tổ tiên mình. Một chi tiết nữa chứng minh thân phận ấy là việc oán linh nhập vào người con trai và giơ tay chào theo kiểu đế quốc Nhật. Sự giận dữ trước đó hoàn toàn có thể hiểu được khi ta chứng kiến cảnh con cháu hậu duệ trong gia đình chạy trốn sang Mỹ cùng một cuộc sống sung túc - thứ được đánh đổi bằng sự phản bội Tổ quốc đau đớn.
Có thể nói, sau khi giải quyết êm xuôi vụ khâm liệm của gia đình nọ, bộ phim mới thực sự “bắt đầu”. Exhuma rất đầu tư với kịch bản lớp lang, có 6 chương, trong đó, 3 chương sau tập trung giải quyết những nghi vấn được đưa ra ở 3 chương đầu. Như hiệu ứng cánh bướm, chỉ vì sự vô tình, một trong những người khai quật mộ đã giết chết con rắn. Kéo theo đó là sự xuất hiện của Nure-onna (một yêu quái trong thần thoại Nhật Bản với thân rắn và đầu người phụ nữ), báo hiệu về một cỗ quan tài được chôn thẳng đứng ngay vị trí của ngôi mộ. Khi nhóm người bắt tay vào xử lý ngôi mộ, một chuỗi sự kiện kinh hoàng đã xảy ra.
Hoá ra, ác linh ngụ trú ở đó trước đây chỉ là bức bình phong cho một sự thật hãi hùng rằng bên trong quan tài là xác của một shogun (tướng quân, một chức võ quan cao cấp trong lịch sử Nhật Bản). Khi nhóm người đang nương nhờ một ngôi chùa gần đó, linh hồn của tướng quân đã trỗi dậy, hiện thân là một samurai cao lớn với bộ giáp hoen gỉ và bộ mặt dọa người. Trên bối cảnh lịch sử đó, một Shogun (tướng quân) của thời kỳ Nhật Bản thuộc địa đã trở thành thần (Kami) sau khi tàn sát 10.000 người trong cuộc xâm lược Joseon (1592-1599) và Trận Sekigahara của Nhật Bản (1600). Sự thật là, ông ta đã trở thành quỷ (Oni).
Qua tìm hiểu, bốn người phát hiện rằng đây là vị trí một âm dương sư Nhật Bản tên Kitsune đã trấn yểm bằng cách đóng cọc. Trong quá khứ đã từng có một nhóm ái quốc ngụy trang thành đạo mộ đi đào chiếc cọc trấn yểm lên nhưng bất thành. Được biết, Kitsune đã thực hiện nghi lễ đóng một thanh Katana vào người của shogun và đem chôn ông ta thẳng đứng ở vĩ tuyến 38. Khi linh hồn và vật hòa vào nhau, cọc sắt không phải vật thể riêng biệt mà chính là bản thân shogun. Tướng quân đã để lộ manh mối về thân phận của mình khi hỏi pháp sư Hwa Rim về “cá dưa” và “cá bạc”. Chi tiết này nhắc đến trận Sekigahara giữa Tây quân và Đông quân ở thế kỉ 16, mà Tây quân sau này là lực lượng chính trong trận xâm chiếm bán đảo Triều Tiên - nơi shogun bỏ mạng. Cũng giống những samurai khác, shogun là tín đồ của Phật giáo và khi trở thành linh hồn thì khát máu, đòi mạng người xâm phạm đến vùng lãnh thổ mình trấn giữ. Khi trời sáng, shogun biến thành “도 깨비불” (ngọn lửa yêu tinh) bay về ngôi mộ.
Đến cuối phim, họ thành công trong việc tiêu diệt con yêu quái bằng âm dương ngũ hành. Trong phong thuỷ, kim khắc mộc, thuỷ khắc hoả. Shogun, bản thể là thanh kiếm (kim) được nung nóng (hoả) bị tiêu diệt bằng thanh gỗ (mộc) đẫm máu (thuỷ). Trên thanh gỗ khắc tên những người ái quốc (nhóm người đạo mộ) đại diện cho phong trào kháng Nhật mở ra thời đại mới.
Ai cũng có lòng tự tôn dân tộc!
Câu nói “Con cáo cắn đứt eo con hổ.” xuất hiện xuyên suốt phim. Điều thú vị là, ekip lồng ghép hình ảnh bản đồ bán đảo Triều Tiên (hình con hổ) trong poster phim. Ngoài ra, toạ độ 38.3417, 128.3289 là vị trí của cọc trấn yểm, cũng là nơi bán đảo Triều Tiên chia cắt thành Hàn Quốc và Triều Tiên. Con cáo tượng trưng cho đế quốc Nhật, cắn eo con hổ - vùng đất bị chia cắt.
Trong phim, Kitsune chôn shogun như một chiếc cọc với âm mưu phong thuỷ. Thực tế, chi tiết này là ẩn ý của bộ phim về sự nghi ngờ đã ăn sâu vào tiềm thức của người Hàn rằng Nhật Bản đã trấn yểm, khiến đất nước của họ bị chia cắt. Thực tế, sau thế chiến thứ II, khi quân đội Nhật đầu hàng và được giải giáp, Yamashita Tomoyuki - Đại tướng của Lục quân đế quốc Nhật Bản - bị đưa ra xét xử vì những cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh. Giả thuyết cho rằng, trước khi chết, hắn nói mình đã đóng hàng trăm cọc sắt trấn yểm nhằm “xâm lược phong thuỷ”, cắt đứt tinh thần của người dân Hàn Quốc, xâm phạm vận khí quốc gia của họ. Những chiếc cọc sắt có thật và người Hàn đã tìm thấy bằng chứng về bản đồ bán đảo Triều Tiên được đánh dấu vị trí trấn yểm. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết và không có một chứng cứ xác đáng nào chỉ ra người Nhật đã thực hiện điều này. Các nhà nghiên cứu rơi vào mâu thuẫn vì một lý do, người Nhật không tin vào phong thuỷ. Thế kỷ 19, ở Nhật Bản, phong trào đấu tranh chống Mạc phủ bùng nổ, mở ra thời kì Minh Trị Duy Tân. Văn hoá phương Tây du nhập vào nước họ. Đạo giáo, Nho giáo, Shaman giáo bị bài trừ. Dù coi nét văn hoá tâm linh này không chính thống, người Nhật vẫn nghiên cứu và tìm thấy huyết mạch trên bản đồ hình con hổ. Họ dùng chính thứ người Joseon (Triều Tiên và Hàn Quốc) tin để tiêu diệt người Joseon.
Bên cạnh đó, Exhuma còn tỏa sáng trong lòng người dân Hàn với vô vàn những chi tiết tài tình khác. Tên của bốn nhân vật chính: Hwa Rim, Sang Deok, Bong Gil, Yeong Geun và các nhân vật như nhà sư Won Bong, nhóm ái quốc đều là tên của những nhà hoạt động cách mạng đã hi sinh trong thời kì kháng Nhật. Các con số xuất hiện trong phim là 19-0301 (biển số xe của Hwa Rim), ám chỉ ngày 1/3/1919 - ngày Độc lập, 49-0815 (biển số xe của Yeong Geun), ngày 15/8 là ngày Giải phóng dân tộc Hàn Quốc. Sự góp mặt của nhân vật con rể quốc tịch Đức của Sang Deok như một ẩn dụ cho việc thế giới tha thứ cho tội ác chiến tranh của Đức. Người Hàn cũng đã được xoa dịu bởi họ thẳng thắn nhìn nhận tội lỗi và khắc phục hậu quả chiến tranh do mình gây ra. Những chiếc xe được ekip sử dụng trong bộ phim thuộc về các nhãn hiệu của Đức và Mỹ, với ý đồ gợi lại sự kiện lịch sử. Mỹ đánh bại Nhật trong thế chiến thứ II, giúp Hàn Quốc thoát khỏi ách thống trị. Trong cảnh bốn nhân vật chính lên đường tiêu diệt ác linh shogun, họ sử dụng chiếc xe Willys MB Jeep - biểu tượng của quân đội Mỹ trong chiến tranh, ẩn ý cho việc người Hàn mượn tay Mỹ đánh bại Nhật. Ở cuối phim, dù mọi người đều đã quay lại cuộc sống thường nhật, hình bóng của con quỷ shogun vẫn thi thoảng xuất hiện trong tâm trí họ. Phải chăng chi tiết này phản ánh một thực tế: Dù chuyện xảy ra trong quá khứ và đã kết thúc, vẫn sẽ để lại vết thương lòng, cũng giống những nỗi đau chiến tranh mà nạn nhân phải mang theo?
Căn nguyên của mâu thuẫn giữa hai nước bắt nguồn từ những sự kiện trong suốt chiều dài lịch sử. Bắt đầu với cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên của Nhật Bản năm 1592, xuất hiện trong sử Triều Tiên với cái tên “Nhâm Thìn Oa loạn”. Bóng ma Nhật Bản lớn dần trong thời kì Triều Tiên chịu sự cai trị của Nhật Bản. Những thù ghét lên đến đỉnh điểm với các vấn đề lịch sử như phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục trong quân đội Nhật Bản, cưỡng bức người dân lao động cho chính phủ,... Tuy nhiên, Nhật Bản có đưa ra lời xin lỗi nhưng đây là lời xin lỗi không thực sự khẩn thiết, cho thấy rằng họ hối lỗi.
Toàn bộ chương cuối của Exhuma là cuộc chiến đấu gián tiếp giữa hai pháp sư Hàn - Nhật. Điều này khiến bộ phim giống một trận chiến về mặt phong thuỷ giữa hai đất nước. Một số quan điểm cho rằng Exhuma mang tính kích động chính trị, chống Nhật, trừ Nhật. Tuy nhiên, đa số ý kiến phản hồi cho rằng phim ảnh và chính trị là riêng biệt, hay là “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường.” Vậy nên, đại đa số khán giả tiếp cận bộ phim với sự tán dương một kịch bản đầu tư, chỉn chu. Người xem bị lôi cuốn bởi câu chuyện đậm chất bản sắc dân tộc, yếu tố huyền bí, tâm linh cùng “món đặc sản” trào phúng chính trị trong phim Hàn.
Moral of the story: Ai rồi cũng cần rút ra bài học.
Về quan điểm cá nhân, dù Nhật Bản đã trở thành nỗi ám ảnh chiến tranh đối với Hàn Quốc, thù ghét là không cần thiết và không nên được phổ biến trong văn hoá đại chúng. Việc ghi chép và tái hiện lịch sử cần được thực hiện một cách khách quan, chân thực và thận trọng. Cũng giống như vấn đề ngoại giao, hai nước có mong muốn nhất trí hợp tác để có bước tiến trong mối quan hệ, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang nhen nhóm những tranh chấp. Bên cạnh đó, bộ phim đang thể hiện một vấn đề chỉ lưu truyền trong dân gian, thiếu đi tính chính thống cần có của lịch sử, vu khống và kích động chính trị. Ví dụ, phim “Pachinko” kể về một gia đình Hàn Quốc di cư sang Nhật Bản trong thời kì chiến tranh, hay phim “Nam Kinh! Nam Kinh!” tái hiện cuộc thảm sát ở Nam Kinh, Trung Quốc khi quân đội Nhật chiếm đóng, đều cần sát với thực tế, qua những khâu kiểm duyệt rõ ràng. Và thái độ bàng quan của người xem, cho rằng đây là “việc nước họ”, có lẽ sẽ giết chết nhận thức về tự tôn dân tộc. Hơn thế nữa, việc trang bị kiến thức và giữ “một cái đầu lạnh” rất quan trọng. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, ta cần vững tin và cầu tiến học hỏi để theo kịp bước chân của thời đại. Kể cả khi xem phim, tiếp nhận thông tin và nhìn nhận một cách sáng suốt là vô cùng cần thiết. Do đó, khán giả và nhà làm phim cần thay đổi tư duy điện ảnh để cầu thị, đạt tính nghệ thuật cao.
Lê Ngọc Minh
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất