Xin chào các bạn, lại là mình đây với series về kế toán - kiểm toán - tài chính
Sau 3 bài hôm trước liên quan tới việc ghi chép, tổng hợp các giao dịch kế toán phát sinh trong kỳ, chắc hẳn các bạn cũng đã nắm được sơ lược cách thức lập báo cáo kết quả kinh doanh (lãi lỗ) và báo cáo cân đối kế toán (thể hiện xem tài sản, công nợ có gì tại cuối năm). Hôm nay mình sẽ giới thiệu thêm với các bạn 1 báo cáo khác trong bộ báo cáo tài chính, đó là báo cáo lưu chuyển tiền tệ (cash flow statement). Các bạn có thể đọc 3 bài trước của mình ở đây nhé: Nhập môn; Ghi chép như nào; Tổng kết ra sao
Với báo cáo lưu chuyển tiền tệ, hãy bắt đầu với khái niệm của nó: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phân tích sự thay đổi của tiền trong kỳ

Tiếp theo ta đi đến nguyên nhân vì sao lại có báo cáo này:

- Thứ nhất, rõ ràng tiền là tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Một doanh nghiêp có thể có doanh thu rất cao nhưng không thu được tiền từ người mua, sẽ không có khả năng trả các khoản nợ nhà cung cấp, trả lương, trả nợ ngân hàng...Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng 1 cách trực tiếp và rất nhanh chóng đến hoạt động của doanh nghiệp như nhân viên đình công, không làm việc, nhà cung cấp không bán nguyên vật liệu cho, ngân hàng siết nợ...Khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, rất có thể dẫn vào tình trạng phá sản -> suy giảm giá trị của doanh nghiệp. Phân tích luồng tiền vào/ra, số tiền mà doanh nghiệp có...có thể đánh giá được chính xác tiềm năng, giá trị của doanh nghiệp ấy.
- Thứ hai, do chỉ phân tích dòng tiền, BCLCTT loại trừ được ảnh hưởng của việc sử dụng các phương pháp kế toán khác nhau để thao túng (manipulate) lợi nhuận. Ví dụ 1 doanh nghiệp có thể thay đổi từ việc khấu hao 1 máy móc trong 5 năm thành khấu hao trong 10 năm, qua đó giảm chi phí đi và làm tăng lợi nhuận lên. Có rất nhiều biện pháp (cả đúng và sai) để 1 doanh nghiệp có thể xử lý lợi nhuận theo hướng có lợi cho mình, tuy nhiên với BCLCTT, tất nhiên không thể "hack" 1 giao dịch thu/chi được nếu điều đó không xảy ra thực tế.

Vậy báo cáo lưu chuyển tiền tệ gồm những gì?

Chắc chắn báo cáo lưu chuyển tiền tệ phải bao gồm số tiền đang có đầu kỳ (A), số tiền có cuối kỳ (B), và phần thay đổi trong kỳ (B-A), ta sẽ tách ra thành 3 nhóm:
- Dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh: bao gồm dòng thu từ bán hàng, dòng chi trả lương, trả nhà cung cấp, lãi vay, nộp thuế...
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Trong doanh nghiệp, ngoài các hoạt động bình thường liên quan tới vận hành doanh nghiệp, còn có các hoạt động đầu tư như đầu tư góp vốn vào công ty khác, đầu tư mua sắm tài sản cố định, cho đơn vị khác vay...Tất cả những dòng tiền vào/ra liên quan tới việc này được nhóm vào dòng tiền từ hoạt động đầu tư
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính: Tất cả những gì liên quan tới vay và nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ cho vào đây. Ví dụ: vay thêm trong kỳ, trả gốc trong kỳ, phát hành thêm vốn, trả cổ tức...
(Lưu ý: đối với các doanh nghiệp có hoạt động riêng, đặc trưng như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán không thuộc phạm vi bài viết này)
Vậy tách thành 3 loại để làm gì? Một cách rõ ràng, 1 doanh nghiệp mà có dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh >0 chứng tỏ doanh nghiệp đó có thể tự chủ về tài chính trước khi cần đến sự tài trợ của các khoản vay. 1 doanh nghiệp, mặc dù số dư tiền tăng qua hàng năm, nhưng thực tế sống bằng những khoản đi vay và phát hành thêm trái phiếu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các khoản vay đó đến hạn trả. Chính vì thế, việc xem xét BCLCTT đồng thời với bảng cân đối kế toán, kết quả kinh doanh sẽ giúp người đọc nhìn tổng quan sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đó.

Quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp

Khi nhìn vào dòng tiền, ta biết được khi nào thu được tiền hoặc chi tiền ra. Khi nhìn vào chi phí trên kết quả kinh doanh, ta biết được số ta có thể thu/có nghĩa vụ trả
Ví dụ như sau:
- Công ty BĐS ký hợp đồng bán 1 căn nhà giá 10 tỷ cho khách vào 1/1/2020, dự kiến bàn giao vào 31/12/2020. 2 bên thỏa thuận với nhau sẽ đóng tiền làm 5 đợt. tháng 3, tháng 6, tháng 9 đóng 10%, khi bàn giao nhà đóng 50%. 20% còn lại sẽ đóng vào tháng 6/2021. Khi đó nhìn vào KQKD, ta ghi nhận doanh thu 10 tỷ vào năm 2020, tức là ta có quyền thu 10 tỷ đồng. Nhìn vào dòng tiền, ta thấy năm 2020 ta thu được 8 tỷ và 2021 thu được 2 tỷ. Về mặt tổng số tiền là như nhau, nhưng nhìn tại từng năm sẽ khác nhau.
- Công ty ký hợp đồng với công ty quảng cáo từ 1/4/20 -> 31/3/21, hợp đồng có giá trị 1 năm với giá 120tr, thanh toán 50% khi ký HĐ và 50% khi thanh lý HĐ. Như vậy mỗi tháng công ty phải chịu chi phí là 10tr. Năm 2020 ta dùng 9 tháng (từ tháng 4 đến 12), năm 2021 ta dùng 3 tháng, như thế ta ghi chi phí quảng cáo năm 2020 là 90tr, năm 2021 là 30tr. Tuy nhiên, ta phải trả tiền cho công ty quảng cáo ấy trong năm 2020 là 60tr (khi ký HĐ), năm 2021 là 60tr (khi thanh lý). Lại 1 lần nữa nó khác nhau về thời điểm nhưng tổng lại thì vẫn là 120tr
Thế thì công ty cần quản trị cái gì, doanh thu/chi phí hay dòng thu/dòng chi?
Đáp án là cả 2
Quản trị doanh thu/chi phí tức là quản trị số sẽ phát sinh liên quan tới lợi ích/nghĩa vụ của Công ty. Ví dụ như trong trường hợp trên, mặc dù năm 2020 chỉ phải trả 60tr nhưng rõ ràng, nghĩa vụ của Công ty là 120tr để có được sự phục vụ của Công ty quảng cáo. Giảm được bao nhiêu tiền số này, ta sẽ có lợi nhuận tăng thêm từng đó
Quản trị về dòng tiền, tức là tối ưu được nó. Tiền có giá trị thời gian (time-value), tức là thu được 1 đồng hôm nay lợi hơn thu được 1 đồng ngày mai. Chi 1 đồng ngày kia sẽ lợi hơn nếu 1 đồng đó phải bỏ ra hôm nay. Vậy tối ưu dòng tiền chính là việc thu càng nhanh, chi càng chậm. (tất nhiên, nếu mà bán thu được càng nhanh thì hoặc là giá thấp, hoặc là bán được ít hàng. Đấy là cái khó của quản trị và nhiệm vụ của 1 người làm finance là tìm ra điểm tối ưu).
Người lãnh đạo hoặc CFO phải nhìn được mối liên quan giữa 2 chỉ tiêu này. Trong 1 thời kỳ, doanh nghiệp có thể có doanh thu/chi phí thấp nhưng dòng tiền lại nhiều, hoặc ngược lại. Khi nhìn được nguyên nhân của việc đó, ta sẽ nhìn được tương lai tình hình tài chính của mình, từ 2 góc độ quan trọng bậc nhất: lợi nhuận, và dòng tiền.