Vạn vật đều có chu kỳ, một chu kỳ đều trải qua bốn giai đoạn: Thành - Trụ - Hoại - Diệt. Nếu ai đã đọc sách “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyễn Phong chắc hẳn đã biết qua bốn giai đoạn này và có thể soi chiếu nó với thực tế hiện nay. Trước hết, mình sẽ nói về con người và quốc gia có liên quan mật thiết như thế nào ở bốn giai đoạn này.
Theo Luật Nhân quả (Law of karma) là một quy luật của vũ trụ. Một người hành động như thế nào sẽ tạo ra phản ứng ngược lại. Chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra, đây được gọi là biệt nghiệp, hay nghiệp quả riêng của từng cá nhân. Những cá nhân có nghiệp nhân giống nhau và do sự thu xếp nhiệm mầu và phức tạp của nhân quả sẽ sống gần nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và hưởng thụ hay chịu đựng cùng nhau, chính là sống cùng chung một quốc gia. Những người được sinh ra hay sống trong cùng một quốc gia đều có mối liên hệ với nhau, hay cùng chung cộng nghiệp. Cộng nghiệp của một quốc gia không chỉ riêng con người mà cho mọi sinh vật sống trong đó.
<i>Photo on Pinterest</i>
Photo on Pinterest
Vậy khi nhìn vào thế giới ngày này chúng ta sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao có những người được sinh ra ở một quốc gia này mà không phải một quốc gia khác? Tại sao có người được sinh ra ở một quốc gia hùng cường, giàu mạnh, hưởng mọi sung sướng trong khi người khác được sinh ra ở những nơi nghèo đói, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai triền miên?”. Quay trở lại với bốn giai đoạn của một chu kỳ:
Giai đoạn Thành là giai đoạn là khoảng thời gian đặc biệt, nhìn vào lịch sử, quốc gia nào khi mới thành lập cũng đều có những bậc anh hùng hào kiệt được sinh ra ở đó để xây dựng một quốc gia độc lập, với văn hóa riêng biệt theo điều kiện địa lý đặc thù. Nếu không có những người này quốc gia không thể tồn tại.
Sau giai đoạn Thành là giai đoạn Trụ, lúc này cũng có nhiều nhân tài xuất hiện để thành những cơ cấu kinh tế, văn hóa, điều kiện sống căn bản cho người dân và đưa nó lên địa vị hùng cường. Nhưng đây cũng là giai đoạn quyết định số phận của quốc gia. Tùy theo lãnh đạo điều hành quốc gia như thế nào, hành động ra sao mà giai đoạn Trụ sẽ kéo dài bao lâu hay nhanh chóng. Nói cách khác tùy theo hành động (nhân) mà người trong quốc gia đó làm sẽ tạo ra các động lực ngược lại, chi phối quốc gia đó (quả). Mọi người đều phải chịu trách nhiệm cũng như hậu quả cho việc làm của họ (cộng nghiệp).
<i>Photo on Pinterest</i>
Photo on Pinterest
Sau giai đoạn Trụ là thời kỳ Hoại, lúc này có rất nhiều người đến quốc gia này nhưng phần lớn đến với nghĩa vụ phá hoại những gì đã thành lập trước đây. Tùy theo nghiệp quả đã được sắp đặt, họ sẽ làm những việc hết sức tồi tệ, xấu xa, hay đưa ra quyết định sai lầm để đưa quốc gia này vào những lỗi lầm tai hại không thể cứu vãn.
Sau giai đoạn Hoại là đến giai đoạn Diệt, từ mấy ngàn năm trước, Atlantis là nơi đã từng là quốc gia mà nay cả lục địa bị chìm sâu dưới biển mà ngay cả những nhà khoa học hay khảo cổ học ngày nay cũng không tìm được vết tích để cho rằng Atlantis đã từng tồn tại. Hoặc có nơi đang sống yên ổn bỗng bị động đất rồi cả quốc gia bị chôn vùi dưới lòng đất. Giai doạn Hoại, Diệt diễn như thế đấy. Vào những năm cuối cùng của một chu kỳ, Trái Đất sẽ trải qua nhiều biến cố lớn do nhân quả của con người gây ra như chiến tranh lan rộng hay tàn phá thiên nhiên thì quả sẽ là những cơn đại hồng thủy, sự thay đổi nhiệt độ khiến cho Trái Đất chuyển biến thất thường hay những trận cháy rừng khủng khiếp,…
<i>Photo on Pinterest</i>
Photo on Pinterest
Các nhà tiên tri trong các đền thờ cổ Hy Lạp đã viết rằng vào thời kỳ chuyển tiếp giữa hai chu kỳ thế giới sẽ trải qua những thảm họa rất lớn. Lúc đấy, thiên tai sẽ xảy ra ở một vài nơi nhưng về sau sẽ gia tăng mỗi ngày một mạnh và ở khắp nơi. Chính những thiên tai này sẽ góp phần vào việc biến đổi khí hậu, thời tiết, ảnh hưởng kinh tế, thương mại và chi phối đời sống con người. Dù xã hội có văn minh đến đâu, dù con người có khôn ngoan đến mấy hay có chuẩn bị những kỹ năng để đối phó đến thế nào, họ cũng không thể chống lại những thiên tai này được.
<i>Photo on Pinterest</i>
Photo on Pinterest
Nếu nhìn vào lịch sử gần đây, vào thế kỷ 15, 16, 17, Tây Ban Nha phát triển mạnh mẽ, làm bá chủ thế giới, họ đã đi khắp nơi để chinh phục, chiếm đoạt tài nguyên và tàn sát người vô tội. Họ thẳng tay tiêu diệt các nền văn minh cổ, thay đổi phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo và đặt nền móng cai trị hết sức tàn bạo cho những thuộc địa của họ. Vào thế kỷ 18, 19, Tây Ban Nha bị suy thoái vì sự tranh chấp trong triều đình. Các thuộc địa nhân cơ hội nổi lên tấn công Tây Ban Nha để giành quyền lợi. Cuối cùng Tây Ban Nha thua trận, nhường lại hết cho thuộc địa Anh và Pháp. Ngày nay, Tây Ba Nha chỉ là một nước yếu kém so với các nước châu Âu khác. Chúng ta có thể đặt câu hỏi hiện nay nươc này đang ở giai đoạn này nào không?
Tương tự như thế, chúng ta có thể quan sát lịch sử các quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Ý trong thế kỷ 18, 19, 20, nước nào cũng phát triển huy hoàng với tài nguyên chiếm đoạt từ các thuộc địa khác. Dân chúng của họ hưởng thụ sung sướng, bành trướng khắp lục địa nhưng chuyện gì đã xảy ra trong hai trận Thế chiến vừa qua? Hiện nay tình hình của các quốc gia này ra sao? Họ đang ở trong giai đoạn này của chu kỳ?
Tất cả đều được mình đúc kết từ sách và chia sẻ với mục đích có thể lan tỏa thêm những kiến thức đến những ai không có thời gian đọc. Tương lai của mỗi con người, mỗi quốc gia và cả hành trình sẽ ra sao trong giai đoạn sắp tới là tùy thuộc vào thái độ, ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng quốc gia đó. Nếu muốn thay đổi, cần khởi đầu bằng việc nhận thức, chuyển đổi tâm thức, lan tỏa yêu thương và chia sẻ sự hiểu biết từ mỗi người chúng ta trước.
16-6-2024
Bảo Ngọc