Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Đây không phải lời khuyên nhủ cổ lỗ sĩ của riêng các cụ nhà mình đâu. Nước ngoài người ta cũng nói Jack of all trades, master of none. Tóm lại, nhiều người đồng tình với quan điểm rằng làm ít mà trở thành chuyên gia thì còn hơn biết nhiều nhưng mỗi thứ một ít. 
Nhưng Kabir Sehgal thì không nghĩ vậy. Nhà báo của New York Times và Wall Street Journal, tác giả của 7 cuốn sách, nhà tư vấn chiến lược cho một công ty thuộc danh sách Fortune 500, cựu phó chủ tịch J.P. Morgan, cựu quân nhân Hải quân Mỹ, nhà soạn nhạc từng đạt Grammy này (phù mệt quá!) tin rằng việc làm nhiều hơn một công việc sẽ giúp bạn tối ưu tất cả những kỹ năng và mối quan hệ mà bạn có. 
Bạn nghĩ sao? Bạn lựa chọn trở thành chuyên gia trong một nghề hay muốn khai phá bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau và trở thành một multipotentialite
Dưới đây là bản dịch bài viết của ông đăng trên Harvard Business Review.
***

Ngày nay sẽ không có gì là lạ nếu bạn gặp một luật sư làm việc trong lĩnh vực năng lượng sạch, một lập trình viên viết tiểu thuyết, một biên tập viên toà báo đồng thời làm designer. 
Cứ mơ đi vì cuộc đời cho phép
Có thể bạn cũng mơ ước được chuyển sang một ngành nghề nào đó hoàn toàn khác với công việc hiện tại của mình. Tuy nhiên thì theo kinh nghiệm của tôi, hiếm ai có khả năng tạo ra thay đổi bước ngoặt đến vậy. Sự đánh đổi cho việc chuyển nghề như vậy là quá lớn, trong khi cơ hội thành công khi "làm lại từ đầu" không hề cao. 
Nhưng giải pháp cũng không phải là cắm rễ mãi ở công việc hiện tại và bằng lòng với việc cảm thấy không thoả mãn, hoặc "chết mòn". Tôi cho rằng cách tốt hơn cả là làm cả hai thứ. Khi theo đuổi hai công việc cùng một lúc, bạn sẽ đồng thời gia tăng giá trị cho cả hai. 
Cá nhân tôi theo đuổi bốn lĩnh vực khác nhau: Tôi làm tư vấn chiến lược doanh nghiệp tại một công ty thuộc danh sách Fortune 500, là một cựu binh trong Hải quân Mỹ, tác giả của vài cuốn sách, và đồng thời là một nhà sản xuất âm nhạc. Hai câu hỏi mà mọi người thường đặt ra cho tôi nhất là "Anh ngủ bao nhiêu tiếng một ngày" và "Làm thế nào mà anh có thời gian cho tất cả những việc đó?" (câu trả lời của tôi là "rất nhiều" và "tôi tự tạo ra thời gian cho mình").
Tất nhiên những câu hỏi mang tính "kỹ thuật" như thế này sẽ không giúp họ hiểu đượcđộng lực thúc đẩy tôi làm nhiều việc một lúc như vậy. Đúng ra thì họ nên hỏi "Tại sao anh lại theo đuổi nhiều nghề đến vậy?". Đơn giản thôi. Làm nhiều công việc một lúc khiến tôi hạnh phúc hơn, và cho tôi cảm giác thoả mãn hơn. Điều đó cũng giúp cho từng công việc của tôi hiệu quả hơn nữa. Dưới đây là cách tôi đã thực hiện điều đó. 

Công việc chính sẽ "nuôi dưỡng" những kỹ năng khác

Lương từ vị trí tư vấn doanh nghiệp của tôi đủ giúp tôi trang trải công việc sản xuất âm nhạc của mình. Vì tôi không có kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc trước đây, nên đương nhiên không ai trả tiền tôi để sản xuất bài hát cho họ cả. Đương nhiên tiền không phải là động lực khi tôi theo đuổi nghề này, mà đó là niềm đam mê cá nhân của tôi với jazz và nhạc cổ điển. Vậy nên tôi tình nguyện làm không công để có thể lấy thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực mới mẻ này.  
Công việc ban ngày của tôi không chỉ chu cấp tiền đủ để tôi sản xuất các album nhạc, mà còn chính là bản lề giúp tôi có được những kỹ năng cần thiết để trở thành một producer thành công hơn. Một producer giỏi không chỉ là người hiểu về âm nhạc, mà còn phải có một tầm nhìn, có khả năng tuyển dụng nhân sự, biết cách lên kế hoạch, gọi vốn, và đưa ra thành phẩm. Sau khi đã sản xuất được một loạt các album và giành vài giải Grammys, các hãng đĩa và nhạc sỹ bắt đầu tìm tới tôi để cộng tác. Cho tới lúc đó tôi thậm chí vẫn từ chối thù lao, bởi với bản thân tôi âm nhạc là một đam mê vĩnh cửu, và bản thân việc được chơi nhạc đã là phần thưởng đủ lớn dành cho tôi rồi. 
Trong khi đi làm tư vấn, tôi cũng thường mời các đối tác doanh nghiệp của mình tới phòng thu. Với những nhân viên văn phòng cả ngày chỉ ru rú trong bốn bức tường, việc được gặp gỡ các ca sĩ, nhạc sĩ, những người trong giới sáng tạo và hiểu được "phía sau hậu trường" của mỗi sản phẩm âm nhạc thực sự vô cùng thú vị. Khi tôi tới Cuba để sản xuất một album, một trong số các khách hàng của tôi khi quan sát các nhạc sĩ đang nhảy múa đã thốt lên "Tôi chưa từng biết những người có thể làm việc và vui vẻ như vậy". Với trải nghiệm tuyệt vời đó, vị khách hàng này đã góp phần giúp tôi tăng thêm doanh thu cho công ty, và điều đó có nghĩa là cả 2 công việc của tôi đang đều được hưởng lợi. 

Kết bạn với những nhóm người khác nhau 

Khi còn làm việc ở Phố Wall, những mối quan hệ nghề nghiệp của tôi ban đầu chỉ giới hạn trong những người thuộc lĩnh vực tài chính: những người làm ngân hàng, trader, nhà phân tích tài chính hoặc những người nghiên cứu kinh tế. Tất cả nhóm chúng tôi đều có một cái nhìn tương đối đồng thuận về tình hình thị trường. 
Nhưng hầu hết khách hàng trong mảng quản trị tài sản của tôi đều tìm kiếm thứ gì đó khác hơn. Họ không muốn nghe những gì người trong ngành thường thao thao bất tuyệt. Tôi xem đây là một cơ hội để rà soát lại đống danh thiếp của mình và tìm ra những người có thể đem đến cho khách hàng của tôi những góc nhìn mới mẻ. 

Đây là một ví dụ. Một khách hàng của tôi muốn biết những người Trung Quốc thường nói gì với nhau hàng ngày? Với lợi thế là một tác giả sách, tôi có khá nhiều mối quan hệ với các cây viết khác, và vì thế tôi đã liên hệ với một người bạn làm phóng viên của một tạp chí định kỳ ở Trung Quốc chuyên về chuyện phiếm. Anh bạn của tôi đương nhiên sẵn lòng chia sẻ cởi mở hết sức về góc nhìn của anh ấy cho khách hàng của tôi, và đương nhiên khiến họ rất hài lòng. Khách hàng của tôi có một ý tưởng mới. Tôi có một thương vụ thành công. Còn bạn tôi có thêm một độc giả mua báo trung thành. 
Nếu ở trong nhiều môi trường khác nhau, bạn sẽ có cơ hội kết nối những người tưởng như không có bất kỳ mối liên hệ nào, và giúp cho tất cả cùng có thêm những giá trị mới. 

Khám phá những đỉnh cao sáng tạo 

Khi làm nhiều nghề khác nhau, bạn sẽ có khả năng nhận thấy những ý tưởng lớn gặp gỡ, và điều quan trọng là khi nào thì chúng nên gặp gỡ nhau. Steve Jobs huyền thoại, người là hiện thân của chủ nghĩa tư duy đa lĩnh vực đã từng phát biểu: "Nếu công nghệ hôn phối với nghệ thuật, và đồng thời là tính nhân văn, thì kết quả sẽ là một thứ khiến cho trái tim của chúng ta phải rung động". 
Sau cơn bão Katrina, rất nhiều nhạc sĩ đã rời bỏ New Orleans. Để gây quỹ nhằm giúp đỡ các nhạc sĩ trong thành phố, tôi có một lựa chọn là thành lập ra một tổ chức phi lợi nhuận nào đó và rồi đi kêu gọi mọi người quyên góp tiền. Nhưng tôi đã không làm theo cách truyền thống và kém hiệu quả đó. Thay vì thế, tôi tạo ra một sàn môi giới cho nhạc sĩ - ý tưởng này có lẽ nên gọi là khi phố Wall gặp phố Bourbon chăng? (Phố Bourbon là khu vực trung tâm của New Orleans với nhiều quán bar, club, và những công trình thể hiện giá trị lịch sử và văn hoá của thành phố). 

Nếu có ai đó muốn thuê một nhạc công cho một bữa tiệc ở New York, họ có thể tìm kiếm trên website của chúng tôi - rồi sau đó họ sẽ được hỏi rằng "Bạn có muốn tip một phần tiền cho quỹ từ thiện ở New Orleans hay không?". Người thuê nhạc công (một số trong đó từng là những khách hàng cũ của tôi) đương nhiên tìm được ban nhạc họ ưng ý cho bữa tiệc, người nghệ sĩ ở New York thì có việc làm, còn quỹ từ thiện ở New Orleans thì thu về một khoản từ thiện nhỏ. 
Bạn thấy đấy, khi bạn theo đuổi... trí tò mò của mình, thì bạn sẽ biến đam mê trở thành những nghề nghiệp mới và khiến bản thân cảm thấy thoả mãn hơn. Và tôi tin rằng bằng cách làm nhiều hơn một công việc một lúc, bạn sẽ có cơ hội làm chúng tốt hơn. 
Theo Kabir Sehgal.