QUAN HỆ NGA-TRUNG: Mối quan hệ giữa Sa hoàng và Hoàng đế.
Tập Cận Bình và Vladimir Putin muốn cho thế giới thấy rằng Trung Quốc và Nga luôn sát cánh bên nhau.
Lời mở đầu
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nga. Ngày 16/5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới sân bay ở thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Đây là chuyến công du đầu tiên sau khi tổng thống Nga Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5.
Trong một bài phân tích, ông Andrei Kortunov, Chủ nhiệm Hội đồng học thuật của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, đã chỉ ra 6 lý do đặc biệt để ông Putin thăm Trung Quốc vào thời điểm này. Và 1 trong 6 lý do đó đề cập đến việc chuyến công du lần này là một chuyến thăm đáp lễ: Tháng 3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã chọn Moscow là điểm đến nước ngoài đầu tiên sau khi tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.
Tập Cận Bình và Vladimir Putin muốn cho thế giới thấy rằng Trung Quốc và Nga luôn sát cánh bên nhau.
1. Hơn là một đồng minh.
Năm 2022, cuộc tập trận Vostok đã diễn ra dưới sự chỉ huy của tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Cuộc tập trận cũng có sự tham dự của các thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cũng như các quốc gia đối tác khác, trong đó có Azerbaijan, Algeria, Armenia, Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Mông Cổ, Nicaragua, Syria và Tajikistan và hiển nhiên có cả Trung Quốc.
Báo Financial Times dẫn nhận định của giới chức và các nhà phân tích quốc phòng phương Tây cho biết các cuộc tập trận minh họa cho "tình bạn không giới hạn" đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nhưng tình bạn này dưới góc nhìn của các quốc gia kề cận như Nhật Bản hay Hàn Quốc phải dè chừng.
Nhiều lần, các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho máy bay phản lực xuất kích để đáp trả và công bố bản đồ chi tiết về các hoạt động di chuyển của lực lượng hải quân và không quân, để cho thấy rằng họ đang trong tình trạng cảnh giác.
Các cuộc tuần tra chung là một phần trong lộ trình hợp tác quân sự trên phạm vi rộng được ký kết giữa Nga và Bộ quốc phòng Trung Quốc, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị đã có từ lâu giữa hai nước.
"Quân đội Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc nhập khẩu quân sự của Nga từ những năm 1990. Vì vậy, ngày nay quân đội Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Nga trong nhiều thập kỷ cộng với sự nổ lực của Trung Quốc, thì có lẽ quân đội Trung Quốc sẽ không mạnh như ngày hôm nay" - Đại tá Chu Bác thuộc Trung Quốc Nhân dân Giải phóng Quân
Nhưng trong chiến tranh lạnh, mối quan hệ của cả 2 đã rạn nứt vì vấn đề ý thức hệ và lãnh thổ. Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã khai thác những căng thẳng này để tạo dựng mối quan hệ với Bắc Kinh vào những năm 1970.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đóng vai trò là nhà cung cấp khí tài quân sự lớn cho Trung Quốc. Trong khoảng thời Trung Quốc đang bị cấm vận do sự kiện đàn áp Thiên An Môn năm 1989, Nga là nguồn cung cấp công nghệ quân sự tiên tiến duy nhất, mặc cho đó là thời kỳ hỗn loạn về kinh tế và chính trị ở Nga.
Sau khi Vladimir Putin lên nắm quyền, ông đã lập tức ký một hiệp ước có phạm vi rộng với Giang Trạch Dân để củng cố mối quan hệ hơn nữa và mở đường cho việc giải quyết triệt để các vấn đề biên giới đã khiến cả 2 phải dây dưa với nhau từ thời của Mao Trạch Đông và Stalin.
Vào năm 2006, vấn đề về biên giới cuối cùng cũng được giải quyết. Và cũng từ thời điểm đó, việc duy trì hoà bình dọc theo đường biên giới dài hơn 4000km này là điều quan trọng đối với Moscow và Bắc Kinh.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới- tấm vé trở thành gã khổng lồ kinh tế mà chúng ta được chứng kiến ngày nay.
Việc Trung Quốc phát triển mạnh về kinh tế không chỉ có lợi cho Bắc Kinh, mà còn cả Moscow.
Đối với Putin, Trung Quốc không chỉ đơn giản là nguồn cung cấp sức mạnh kinh tế mà còn hơn vậy nữa.
2. Tránh xa phương Tây- hướng tới Trung Quốc.
Năm 2014, với việc Nga sát nhập Crimea, Tổng thống Nga đã vạch ra một con đường rõ ràng hơn cho hướng đi tương lai của đất nước: tránh xa phương Tây và hướng tới Trung Quốc.
Tại Hội nghị thường niên về an ninh toàn cầu năm 2007 tại Munich, Vladimir Putin đã có một bài phát biểu với trọng tâm là những lời phàn nàn về sự mở rộng của NATO.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã có thêm 10 thành viên mới, tất cả đều đến từ phía Đông, những nước vốn chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Không quốc gia nào trong số 10 nước này bị ép buộc phải gia nhập NATO. Ngược lại, họ xin được tham gia nhằm củng cố tương lai của mình với tư cách là những nền dân chủ an toàn dưới sự bảo vệ tối đa của lực lượng hạt nhân Mỹ.
Và tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008, những quốc gia kề cận Nga- Georgia và Ukraine nói rằng họ cũng muốn gia nhập khối liên minh quân sự này.
Tổng thống Ukraine lúc đó - Viktor Andriyovych Yushchenko, đã nhấn mạnh quyền tự quyết của đất nước ông.
"Ukraine là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Chính sách an ninh quốc gia được tuyên bố ở Ukraine trùng khớp với các nền tảng của chính sách an ninh và quốc phòng mà NATO theo đuổi"
Putin được mời để tham dự hội nghị này, và ông đã có thái độ phản đối với những phát ngôn của Tổng thống Ukraine. Các quốc gia như Đức và Pháp cũng cho rằng NATO nên cẩn thận cảnh giác.
Kết quả: Georgia và Ukraine chỉ nhận được một lời hứa mơ hồ từ NATO rằng đơn xin gia nhập của họ sẽ được xem xét vào một ngày nào đó.
Nhưng ngay cả lời hứa mơ hồ của NATO cũng không khiến Putin hài lòng, ông ngay lập tức lên án lời hứa này và 4 tháng sau đó, cuộc chiến giữa Nga và Georgia bùng nổ.
Cũng tương tự như cuộc chiến với Ukraine hiện nay, Putin luôn khăng khăng khẳng định rằng những lựa chọn của các nước này đã đe doạ đến an ninh và vị thế nước Nga.
Mối quan hệ của Nga với phương Tây đã thật sự kết thúc, thay vào đó, Putin tập trung nuôi dưỡng một tình bạn với một nước láng giềng có "lý tưởng tương thông" hơn - Trung Quốc.
3. Tập Cận Bình và mục tiêu siêu cường.
Năm 2012, Tập Cận Bình lên nắm quyền với chức danh Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, theo sau đó là một thời kỳ tăng trưởng và phát triển phi thường. Nhưng hệ thống chính trị bởi tham nhũng tràn lan và bộ máy dường như nhắm mắt làm ngơ.
Tập Cận Bình mở các cuộc trấn áp công khai các vụ tham nhũng cấp cao, đồng thời ông đề cao lòng yêu nước, thứ mà ông gọi là "Sự phục hưng vĩ đại của Trung Hoa".
Sự chuyển đổi công nghệ của Trung Quốc đã khiến nước này không trở nên tự do hơn mà trở thành một quốc gia cảnh sát kỹ thuật số, mọi thông tin của người dân đều nằm dưới sự giám sát và kiểm soát của cảnh sát.
Tường lửa vẫn còn đó, và công dân phải chịu sự giám sát chưa từng có tiền lệ trước đây.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền hàng loạt đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương phía Tây. Những cuộc đàn áp dập tắt phong trào ủng hộ dân chủ ở Hongkong và tước đi các quyền tự do mà Bắc Kinh đã hứa khi nhận tiếp quản từ Anh.
Điều này như một lời cảnh báo cho người dân Đài Loan về những điều tương tự có thể xảy ra với họ.
Trung Quốc cũng gây lo ngại cho các nước láng giềng Đông Nam Á khi đưa ra yêu sách đối với phần lớn Biển Đông. Họ ngang nhiên xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo và bãi cạn tranh chấp cách bờ biển hàng nghìn km.
Và đối với thế giới cũng không tốt hơn, dự án Vành đai Con đường của Trung Quốc đang được triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn, mang theo đó là những ảnh hưởng về kinh tế và chính trị chưa từng có.
Đối với Tập Cận Bình, tất cả những nổ lực trên nhằm hướng đến một mục tiêu, nhưng hầu hết mọi khía cạnh của kế hoạch đều khiến Trung Quốc chống lại phương Tây.
Năm 2049, sẽ là năm đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày Thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Rõ ràng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ cố gắng trở thành cường quốc số 1 toàn cầu và chấm dứt sự ảnh hưởng toàn cầu của tập thể các nước phương Tây.
Nhưng có 1 điều đang cản trở ước muốn đó thành sự thật: đó là Hoa Kỳ.
Dưới thời Donald Trump và Joe Biden, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã chuyển sang hướng "diều hâu" để đối phó với tham vọng của Tập Cận Bình.
Washington coi Bắc Kinh là thách thức toàn cầu lớn nhất của Hoa Kỳ: đối thủ thương mại, rủi ro công nghệ và đe doạ an ninh.
Kết quả là một cuộc chiến thương mại ở thời Trump và một lệnh cấm hợp tác công nghệ cao ở thời Biden. Thêm vào đó là những nỗ lực sâu rộng để hợp tác với các nước thân Mỹ ở khu vực châu Á.
Tại G7, Washington đã đồng ý với Châu Âu, Nhật Bản và Canada về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vì sự phụ thuộc này đầy tính rủi ro.
Tập Cận Bình đã lên tiếng chỉ trích tất cả những điều này:
"Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn toàn diện, bao vây và đàn áp Trung Quốc, điều này đã mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển đất nước chúng ta"
4. Liên kết Tập-Putin.
Có thể nói, mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nga là kết quả của mối quan hệ bạn bè giữa cá nhân 2 nhà lãnh đạo và cũng có thể là mối quan hệ lợi ích duy nhất: Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Putin và Tập là bạn cùng tuổi, theo một cách nào đó, giữa sự sụp đổ tiền đề của chủ nghĩa cộng sản ở hàng loạt các quốc gia đã liên kết 2 cá nhân- những người Đảng viên cộng sản- lại với nhau và trở thành tâm giao.
Cả 2 nhà lãnh đạo cũng có nhiều điểm tương đồng: Khi còn trẻ họ đã gặp nhiều khó khăn, cha của cả 2 người đều chiến đấu trong thế chiến thứ 2, và cả 2 đều có con gái.
Tập Cận Bình đã nói trong chuyến thăm Moscow năm 2019:
"Tổng thống Putin là người đồng nghiệp và là người bạn tốt nhất của tôi".
Năm 2022, khi Trung Quốc đăng cai thế vận hội mùa đông, Moscow và Bắc Kinh đã khẳng định mối quan hệ giữa họ là "không có giới hạn".
Điểm nổi bật là lúc đó Putin đang trên đà xâm chiếm Ukraine. Ông xuất hiện tại thế vận hội và trở về nhà tiếp tục cuộc chiến của mình.
Nga thật sự không có đối tác kinh tế thay thế khi các lệnh trừng phạt của phương Tây liên tục giáng xuống đất nước này. Vì vậy, Nga nhanh chóng đổi hướng nền kinh thế của mình sang khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc chắc chắn là đối tác chính cho các nguồn cung đến từ Nga. Nhưng một hệ quả mà Nga phải chấp nhận kèm theo đó: Sự dựa dẫm vào Trung Quốc.
Hai người đàn ông có chung nỗi ám ảnh về sức mạnh Hoa Kỳ, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra một xung đột cơ bản và có khả năng không thể tránh khỏi giữa những chế độ chuyên quyền đầy tham vọng và các nền dân chủ lâu đời.
5. Sự ám ảnh Hoa Kỳ có phải là điều hoang tưởng?
Moscow và Bắc Kinh có thể nghĩ rằng Washington coi chế độ của họ là một chế độ không ổn định và thiếu dân chủ và hoang tưởng rằng Mỹ xem việc thay đổi chế độ ở cả 2 thủ đô là mục tiêu cuối cùng của mình, trong khi Mỹ chỉ có thể thay đổi đảng cầm quyền và tổng thống chứ chẳng ai nghĩ rằng Mỹ sẽ "đổi chế độ".
Điều thúc đẩy những hành động và tính toán của Nga- bao gồm cả cuộc chiến Ukraine, chính là suy nghĩ về việc Mỹ muốn hạ bệ Nga rồi sau đó là Trung Quốc. Họ lo ngại theo một góc nhìn rất thực tế về việc Hoa Kỳ đang mở rộng mối quan hệ với các liên minh về vấn đề an ninh.
Vì vậy, đó là sứ mệnh chung: đánh bại một hệ thống toàn cầu do Mỹ lãnh đạo, điều mà Putin và Tập Cận Bình coi đó như mối đe doạ đối với tham vọng của họ.
Nhưng để đánh bại một hệ thống toàn cầu do Mỹ lãnh đạo cùng với các quốc gia phương Tây mạnh mẽ, Nga và Trung Quốc không thể đơn thương độc mã, 2 cường quốc phải có thêm những đồng minh cùng chí hướng, hoặc ít nhất là những đồng minh hợp tác chỉ vì lợi ích của một nhóm nhỏ lãnh đạo.
Tại Liên Hợp Quốc, Nga và Trung Quốc thường xuyên bỏ phiếu cùng nhau, chẳng hạn như vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Kim Jong-Un ngày càng nhận được sự hỗ trợ của 2 cường quốc từ sau các chuyến thăm lẫn nhau giữa 3 nước này.
Trung Quốc và Nga hiện đã cùng nhau bỏ phiếu để không áp đặt thêm bất cứ lệnh trừng phạt nào lên Triều Tiên. Họ không muốn thực hiện các lệnh trừng phạt này. Vì vậy, họ đã và đang coi Triều Tiên là đối tác của Nga lẫn Trung Quốc.
Các chế độ độc tài của khu vực Sahel trải dài khắp Châu Phi đang bất ổn nhưng vẫn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nga cũng như việc Moscow đang siết chặt các mối quan hệ với phương Tây và cùng với Trung Quốc xây dựng nên một bức "đại tường lửa" để hạn chế những thông tin mà người dân có thể được tiếp cận từ phương Tây.
6. Tổ chức BRICS
BRICS là một tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên như Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tổ chức được thành lập từ BRIC, là chữ cái đầu trong tên tiếng Anh của 4 quốc gia: Brasil (Brazil), Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China), sau đó kết nạp Nam Phi (South Africa) vào năm 2010
Bắc Kinh và Moscow đang nỗ lực chuyển dịch thương mại và đầu tư toàn cầu ra khỏi đồng đô la Mỹ. Điều này có khả năng hấp dẫn đối với các nền kinh tế mới nổi, những nền kinh tế dễ chịu thiệt hại trước những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ.
Càng ngày, Trung Quốc càng định vị đồng Nhân dân tệ là một giải pháp thay thế, Nga đã bắt tay vào việc này khi chấp nhận đồng Nhân dân tệ khi bán hàng hoá sang Trung Quốc.
7. Giới hạn quân sự
Khi bắt đầu cuộc chiến tại Ukraine, Nga cũng đã gián tiếp gây nên một số bất lợi cho Trung Quốc:
Một mặt, nó khiến Mỹ mất tập trung. Rất nhiều nguồn lực đang được chi cho an ninh Châu Âu. Mặt trái là nó khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn hơn mà Trung Quốc cũng không tránh được điều đó. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng nhận sự xa lánh của phương Tây cũng như thế giới đối với Trung Quốc.
Vì vậy, mặc dù tuyên bố mối quan hệ 2 nước là "không có giới hạn", nhưng mối quan hệ này thực chất vẫn có giới hạn: Trung Quốc không công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga. Và quan trọng nhất mối liên hệ này không phải là một liên minh quân sự toàn diện với sự đảm bảo như Điều 5 của NATO.
Điều 5 hiến chương NATO quy định rằng bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của NATO đều sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép họ tiến hành biện pháp phòng vệ tập thể.
Giới hạn ở đây chính là: Trung Quốc sẽ không cho Nga một sự đảm bao như Điều 5 trong Hiến chương NATO vì họ chắc chắn sẽ không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến Ukraine. Và có lẽ không chỉ mỗi Trung Quốc không muốn tham gia mà ngay cả "kẻ thù lớn nhất" là Hoa Kỳ cũng không mong muốn điều này, vì có thể nó sẽ dẫn đến Thế chiến Thứ 3, nơi Trung và Nga đứng trên một chiến tuyến đối đầu với NATO. Đây sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của nhân loại.
Vì vậy, việc Trung Quốc không tham gia vào cuộc chiến này tất nhiên trước hết là vì lợi ích của chính họ. Nhưng nó phần nào cũng đã thể hiện "trách nhiệm" đối với nền hoà bình chung của thế giới.
Nhưng ngoại trừ liên minh quân sự thì hai cường quốc vẫn có rất nhiều tiềm năng lớn để hợp tác cùng nhau.
8. Kết luận
Trải qua 3/4 thế kỷ, với những thăng trầm nhất định, quan hệ Nga - Trung Quốc đã liên tục được củng cố, tăng cường trong thời gian gần đây. Đặc biệt là từ khi chiến tranh nổ ra và thế giới liên tục ra các lệnh trừng phạt.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là các song trùng lợi ích về chính trị, kinh tế, quân sự đã và đang ngày càng đẩy Nga và Trung Quốc sát lại gần nhau hơn.
Dù là trong nỗ lực tìm cách cân bằng ảnh hưởng của phương Tây hay với tham vọng của 2 cường quốc, thì chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng đó sẽ là cuộc chiến kinh tế để thúc đẩy cùng phát triển, chứ sẽ không kết thúc bằng chiến tranh Thế giới thứ 3.
Nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất