img_0
Psycho - Alfred Hitchcock, 1960
Sẽ thật là dư thừa để ca ngợi và tán tụng thêm cho tác phẩm điện ảnh tuyệt vời mà ngày nay người ta thường xuyên miêu tả nó với hai chữ "kinh điển". Và sẽ thật là không đúng đắn nếu có ai đi ngược lại dư luận nhằm đưa những ý kiến chê bai cho tác phẩm được đánh giá với tính từ hai chữ nêu trên, e là để kiếm chác đôi chút sự chú ý từ cộng đồng yêu điện ảnh cũng như tự đề cao khả năng phê bình của chính bản thân nhà phê bình ấy. Mục đích của bài viết này nằm ngoài hai mục đích kể trên, mà ở đây tôi xin đặt lại câu hỏi như tiêu đề :
"Psycho - liệu đã quá đủ để bất hủ ?"
Ta sẽ không nhắc lại nội dung tác phẩm cùng những kĩ thuật tiên phong của nó về dựng phim, góc máy, ánh sáng, kịch bản, ... vì đã quá nhiều bài phân tích, ca tụng những yếu tố đó mà các bạn yêu điện ảnh đã được xem qua, nghiền ngẫm qua, hay thậm chí là đã thuộc lòng khi bước chân vào nền nghệ thuật thứ bảy. Ở phạm vi bài viết này, tôi muốn trình bày cái mà một khán-giả-hiện-đại "cảm thấy" khi xem tác phẩm này.
Có lẽ rất dễ đoán và dường như tên thủ phạm đã hiện ra ngay trước mắt chúng ta khi cô đào Janet Leigh bị đâm chết trong khi đang tắm. Còn ai vào đây được nếu không là gã Norman Bates (Anthony Perkins thủ vai), chủ quán trọ, người đã nhìn lén cô qua lỗ đục đằng sau bức tranh treo tường trong phòng lễ tân. Thấp thoáng trong khung cảnh lờ mờ của cuộc hành hung thì người xem tỉnh táo nào cũng có thể thấy hình ảnh tên sát nhân, mặc dù mặc một chiếc váy người già, tóc quấn tròn kiểu bà lão, thì cũng không thể nào là người mẹ già của gã. Vì qua lời tâm sự của Norman đáng thương với cô Marion (tên nhân vật do Janet Leigh thủ vai) trước đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng mẹ của y đã lớn tuổi và đang bị bệnh. Và dù cho tình tiết trước đó cho thấy bà đã cãi nhau kịch liệt với con trai mình vì y muốn cùng ăn tối với Marion xinh đẹp, thì bà cũng không thể là hung thủ thực hiện những nhát chém điên cuồng tạo nên đoạn cao trào hoảng loạn chưa hề có tiền lệ trước đó trong lịch sử điện ảnh. Khán giả hiện đại nhận thấy rằng, với một bộ phim kinh dị pha chút yếu tố trinh thám thì yếu tố thứ hai đã không còn bất ngờ và làm mất đi một phần độ cuốn hút trong tác phẩm này.
Đã có rất nhiều lời khen về tạo hình và tâm lý nhân vật cho Norman Bates do quý ngài Alfred Hitchcock tạo ra. Điểm sáng nhất và có lẽ là độc đáo nhất của Psycho là lần đầu tiên đưa nhân vật đa nhân cách lên màn ảnh. Điều này đúng là thử thách khó khăn đối với tài tử Perkins và cũng sẽ là thử thách đối với bất kỳ diễn viên tài năng nào trên thế giới hiện nay. Những câu hỏi đặt ra vấn đề về tính Nhất thể của con người, quan điểm Nhị nguyên, hay Phân tâm học Freud đã làm chúng ta tự hỏi cũng như tự trả lời với mâu thuẫn dằn xé : "Norman là kẻ sát nhân...và cũng không phải, nếu vậy thì ai mới đúng là người mà pháp luật cần trừng trị nếu như không là hắn !". Ngày nay, khán giả hiện đại đã được thưởng thức muôn vàn nhân vật đa nhân cách xuất hiện trên màn ảnh được khai thác với số lượng góc độ nhiều hơn và sâu hơn. Cùng kiến thức và trải nghiệm phân tâm học được cung cấp qua quá trình học tập và giao tiếp xã hội, khán giả hiện đại, một lần nữa quay lại với Norman, đã không còn cảm thấy bất ngờ cái điều mà có lẽ họ đã quen thuộc trong văn hóa hiện đại.
Chúng ta cũng bắt gặp ở Marion Crane một tội lỗi hồn nhiên dại khờ. Muốn trốn chạy cùng người tình, một chàng trai ích kỷ, với 40.000$ ăn cắp từ lão tài phiệt hợm hĩnh, cô nàng nghĩ mình sẽ không bị bắt ư ? Mọi chuyện sẽ không vỡ lỡ và be bét thêm ư ? Cô hồn nhiên phá vỡ cuộc sống bình yên của chính mình nhân danh tình yêu và phạm tội như là con người đầu tiên phạm tội trên thế giới này. Bằng chiếc ô tô cà tàng, bộ cánh cực kỳ nhã nhặn kết hợp với chiếc giỏ xách không thể hợp hơn, quý cô phạm tội cứ đi bon bon trên con đường trốn chạy cuộc đời theo kiểu nói với tất cả mọi người : "Tôi phạm tội rồi, tôi lo lắng lắm, và làm ơn giải quyết cho tôi thật nhanh những thủ tục để tôi còn cuốn xéo khỏi cái thành phố chết tiệt này !". Marion của chúng ta là vậy, tội lỗi của cô như trăng sáng đêm hè, ai nhìn cũng thấy, dù là ông cảnh sát giao thông hay gã bán xe tận tụy. Nhưng quý khán giả ắt hẳn không trách mắng quý cô Marion ngây thơ "có tội" này. Có chi đâu với 40.000$ của lão trọc phú, có khi để có được số tiền này, lão đã hãm hại biết bao con người. Có chi đâu với số tiền này, lão cũng không vội vàng lắm khi chỉ nhờ thám tử tư điều tra chứ không gọi cảnh sát làm lớn chuyện. Và cũng có chi đâu là vì Tình Yêu!!!. Và vì chúng ta cũng sẵn sàng chuyển sự tập trung sang một tội ác lớn hơn đến từ gã lập dị, mồ côi, tách biệt với xã hội, lớp người mà chúng ta cũng không mấy gì ưa là Norman Bates.
Để kết thúc bài viết này, một lần nữa tôi xin được trở lại với câu hỏi : "Psycho, đã đủ để bất hủ ?". Đã quá đủ. Quá đủ để không còn lời tán dương nào có thể thêm vào. Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng, người ta đếm được 78 shot 52 cut tạo nên 45s cảnh quý cô Marion bị sát hại trong nhà tắm bởi tên sát nhân hàng loạt máu lạnh cùng vô số những hiệu ứng âm thanh đi kèm.
Tất cả những yếu tố đó nay đã không còn phù hợp với khán giả hiện đại, những người vốn dĩ đã quá quen với những tình tiết phức tạp, những cú xoắn ngược, và cũng được khai thác sâu hơn, mạnh hơn, cùng sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại dành cho ngành điện ảnh. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc tác phẩm bất hủ này được cất vào tủ lưu trữ và không cần phải phê bình phân tích thêm nữa vì việc đó không làm phát triển thêm nền nghệ thuật thứ bảy trác tuyệt. Hãy để Psycho - gã tâm thần trong thế giới điện ảnh, ngủ yên trong lòng người hâm mộ.
- Nhật Vinh -
SG, 27.08.21
img_1