Phụ nữ xấu = tội đồ?
Quan điểm của cô Trác Thuý Miêu về vai trò của người phụ nữ không phải là phóng khoáng, không phải thẳng thắn, mà là sự bóp méo của...
Quan điểm của cô Trác Thuý Miêu về vai trò của người phụ nữ không phải là phóng khoáng, không phải thẳng thắn, mà là sự bóp méo của đi ngược quan điểm. Không phải sự đi ngược quan điểm nổi trội nào cũng là hay, cũng là đúng.
Đầu tiên, mình muốn làm rõ việc mình tôn trọng và cảm thấy được năng lượng phóng khoáng từ cô Trác Thuý Miêu, qua nhiều video phỏng vấn trên YouTube mình từng coi của cô, mình nghĩ cô thực sự thông minh. Nhưng vấn đề, mình nghĩ cô chưa nhận ra được nhiều đặc quyền của mình. Bởi trước bài gây tranh cãi này, mình từng nhớ cô cũng đã từng viết một bài về việc đàn bà và cái bếp. Đại khái thì quan điểm của cô là : "Đàn bà mà không chịu làm việc nhà thì làm gì? Từ khi nào bếp núc lại trở thành một thứ hình thức tra tấn đầy bi kịch mà gắn với đàn bà như vậy?"
Okay, mình tôn trọng quan điểm yêu bếp từ vị trí một người phụ nữ của cô. Nhưng vấn đề là mọi hành động và mọi sự hưởng thụ chỉ là hưởng thụ khi đó là một sự lựa chọn. Đối với cô, cô có đặc quyền giáo dục và kinh tế đủ để tự lựa chọn việc làm bếp như một sự lựa chọn. Một sự lựa chọn.
Và không phải ai cũng có trong tay cái đặc quyền được lựa chọn, và đó là số phận của vô vàn người phụ nữ ngoài kia, đặc biệt những người phụ nữ không có đặc quyền về giáo dục hay kinh tế. Đừng nói đó là do lỗi của họ không cố gắng, chỉ khi nào bạn đi xuống những vùng quê và trực tiếp nghe câu chuyện của nhiều cô gái chỉ được đi học tới cấp 2 rồi nghỉ ngang vì gia đình bắt cưới chồng, hay chỉ khi nào bạn được sinh ra ở một nơi mà từ bé mọi người đã khiến bạn phải quen với hình ảnh, với niềm tin là con gái thì phải ở nhà bếp núc thay vì đi làm, hay chỉ khi nào bạn là một trong nhiều cô gái như một video mình từng xem được ở một vùng nông thôn ở Trung Quốc, người chị gái muốn đi học tiếp nhưng không dám mở miệng xin cha, rồi bị ép tới thành phố đi làm thuê gia đình phụ giúp, chỉ khi nào bạn như cô bé đó phải đứng chảy nước mắt ngắn nước mắt dài ở ngoài học lỏm của lớp, chỉ khi nào bạn hiểu hay ở cái vị trí của những người phụ nữ khao khát được đi học, được giáo dục đầy đủ nhưng vẫn bị những xiềng xích của xã hội kéo chân họ xuống, sau đó quẳng họ vào chốn bếp núc. Chỉ khi nào đôi chân bạn ở vị trí phải đứng trong bếp nấu ăn vì định kiến, áp lực xã hội, gia đình kéo lê và giam chặt, chứ không phải ở vị trí một người phụ nữ tri thức và có kinh tế tự thong thả bước vào căn bếp. Thích thì vào, ra thì ra. Bạn mới hiểu được đứng ở ngoài cổ vũ và sỉ vả thì dễ lắm, nhưng ở trong những vũng lầy của định kiến xã hội đã hình thành qua hàng nghìn năm mới hiểu được cảm giác vùng vẫy đó. Mình lớn lên trong một thế giới mà xung quanh đó có vô cùng nhiều người phụ nữ phải chịu đựng những sự bất công giới này,
thì hình ảnh bếp núc với họ, với nhiều người phụ nữ không chỉ đơn giản và hào nhoáng lấp lánh như với cô là một chốn thư giãn, nó là một biểu tượng của sự giam hãm xám xịt, từ bỏ giấc mơ cá nhân.
Như mình nói, sự hưởng thụ chỉ là hưởng thụ nếu nó đến từ sự lựa chọn chủ động mà, đúng không?
Tiếp theo, về bài viết gần đây nhất về việc phụ nữ không biết làm đẹp thì là có lỗi với chồng, với xã hội. "Thảm cảnh của nghệ sĩ chính là… không có khán giả. Khán giả của đàn bà chính là đàn ông!".
"Đàn bà đẹp và khéo thì được ái mộ. Xấu từ hồn tới xác thì vừa có lỗi với cộng đồng, xã hội, mà tội nhất chính là chồng"
...
Thứ nhất, mình xin phép chuyển từ "đàn bà" từ bài gốc của cô thành "phụ nữ". Ai tranh cãi gì thì tranh cãi, mình tin rằng từ "đàn bà" gắn liền với những ác cảm và áp đặt giới về phái nữ nên mình không thích dùng.
Thứ hai, có 3 vấn đề lớn trong những luận điểm trên của cô.
Một, cô đang áp đặt định kiến giới lên toàn xã hội thông qua cả hai bài viết trên của cô. Cô ơi, không phải phụ nữ nào cũng là phụ nữ có chồng, có nhiều phụ nữ có vợ mà cô.
Tương tự, không phải đàn ông nào cũng cần vợ mà cô, con cũng tin với tư tưởng hiện đại của cô thì cô cũng đã biết tới và sẽ không khó chịu với hình ảnh một người đàn ông cưới chồng chứ, nhỉ?
Cách nói gom phụ nữ/đàn ông gắn liền với vai trò giới như thế, vừa phủ nhận sự tồn tại của những bạn thuộc LGBT+, vừa đè nặng xiềng xích lên người phụ nữ dị tính. Con tin là có rất nhiều bạn con trai có xu hướng tính dục là gay, không thể thẩm thấu nhận định của cô về việc đàn ông ai cũng như cô nói, "Đàn ông có bản năng thích cảm giác bầu ngực tràn bàn tay, lênh lóng lọt kẽ tay, tưng nẩy mỡ màng trên từng bước chân nhún nhẩy".
Hai, bằng chứng nào mà cô nói khán giả của phụ nữ phải là đàn ông ạ? Vấn đề giới con đã nói sơ ở trên, nhưng thôi tạm bỏ qua đi, cứ cho là nói tới phụ nữ dị tính thôi đi. Thiếu gì phụ nữ dị tính không muốn theo đuổi tình cảm như một tiên đề trong cuộc sống hả cô? Ví phụ nữ là một nghệ sỹ, việc họ chọn đứng ở sân khấu nào và nhóm khán giả nào họ muốn theo đuổi, âu cũng phải là một quyết định riêng của bản thân họ chứ, nhỉ?
Ba và cũng là cuối cùng, luận điểm khiến nhiều người tranh cãi những ngày gần đây nhất, về chuyện phụ nữ xấu từ nết tới ngoại hình là có lỗi với xã hội và người chồng. Thật ra mình hiểu ý tích cực của cô khi nói điều này, đại khái thì phải tự biết làm đẹp bản thân để nâng giá trị của bản thân lên. Nhưng cách cô nói rất có vấn đề, khi đặt mục tiêu của việc nâng cấp bản thân lên là với xã hội và người chồng. Tất cả đều nên là vì bản thân, xuất phát là vì bản thân muốn thay đổi. Không hiểu tại sao ngoài bài viết này của cô Miêu, mình cũng từng gặp rất nhiều bài viết về việc phụ nữ sau sinh sau cưới cũng phải tút tát nâng cấp chứ đừng xuềnh xoàng để chồng chán, mình không hiểu vì cứ làm như phụ nữ không được có tiêu chuẩn ngược lại về chồng của họ vậy? Nếu hình ảnh người phụ nữ sau cưới không được xúng xính như khi yêu thì mình cũng chắc chắn là người đàn ông cũng sẽ chẳng bảnh bao như thời trước cưới đâu. Vậy tại sao câu chuyện luôn chĩa mũi nhọn về việc người phụ nữ không biết làm đẹp làm chồng chán mà không quay lưng lại đặt câu hỏi,
Nếu đàn ông có quyền chán với ngoại hình của người phụ nữ sau cưới, lẽ nào người phụ nữ không có quyền đó với chồng mình?
Tại sao viết cả tỉ bài về việc người phụ nữ phải đẹp, phải tút tát mình sau cưới, mà không có bài nào về việc bảo mấy ông cũng phải làm điều tương tự? Lẽ nào đàn ông có quyền được yêu cái mới, cái đẹp mà phụ nữ, nói theo cách của cô Miêu, thì đàn bà không có quyền yêu cái đẹp?
Thế giới này càng rộng mở, quan điểm về cái đẹp, về vai trò giới, ngày cũng càng được cởi mở hơn. Mình hiểu những ý tốt cô Miêu nói tới, nhưng cách cô diễn giải vô tình gây ra những áp lực và củng cố sự độc hại của những niềm tin cổ hủ, cản trở sự phát triển cá nhân của người phụ nữ.
Điều cuối nữa, cô Miêu rất hay đá xéo và tỏ thái độ thù ghét về phong trào nữ quyền và mình tin những luận điểm qua những bài viết của cô cũng để củng cố niềm tin đó. Nhưng cô ơi, cô phản đối sai rồi. Vì tới định nghĩa nữ quyền cô cũng có hiểu đâu, nữ quyền không sinh ra để bế và đuổi hết mọi người phụ nữ ra khỏi bếp, vì nữ quyền được sinh ra để trao quyền lực chủ động lựa chọn được làm bất kì những gì phụ nữ muốn làm mà không bị cản trở bởi giới tính của họ,
Tức nữ quyền không phải hét vào mặt phụ nữ không được làm bếp như cô nghĩ đâu cô ơi, nữ quyền ủng hộ người phụ nữ tiếp tục làm bếp đó, nếu đó là sự lựa chọn chủ động và làm người phụ nữ đó hạnh phúc.
Chốt lại ở đây, còn nhiều điều muốn nói, nhưng nhẹ nhàng thế thôi. Phụ nữ đã trải qua hàng thế kỷ để vượt qua phần nào những xiềng xích này, và mình biết hiện tại vẫn có rất nhiều người phụ nữ phải trải qua những cuộc đời không do mình chọn lựa. Nếu bài viết này chạm tới những người như vậy, mình/em/con rất tôn trọng và thương mọi người.
Hãy tôn trọng và khuyến khích phụ nữ làm đẹp, vì họ chứ không vì ai khác. Hãy để một người phụ nữ làm một người phụ nữ, đừng bắt cô ấy chỉ làm tình nhân của một người đàn ông, là một người vợ của một người chồng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất