Phỏng vấn đạo diễn Todd Field: Tár (2022) liệu có phải một bộ phim về phân biệt giới tính? [Chuyển ngữ]
(Đây là một cuộc phỏng vấn giữa nhà báo Nick Chen và đạo diễn Todd Field. Trong bài phỏng vấn, cả hai đã đưa ra những ý kiến khác nhau...
(Đây là một cuộc phỏng vấn giữa nhà báo Nick Chen và đạo diễn Todd Field. Trong bài phỏng vấn, cả hai đã đưa ra những ý kiến khác nhau của mình về bộ phim và những vấn đề xung quanh.)
“Todd Field là một cái tên nghe thật kinh khủng”, đạo diễn Todd Field thở dài khi nói. “Hầu như lưỡi bạn sẽ không hề cử động khi bạn gọi tên tôi, Todd Field”.
Tên đầy đủ của vị đạo diễn – nhà biên kịch 58 tuổi người Mỹ này là William Todd Field, tuy nhiên sau khi bị một bác sỹ gọi bằng cái tên Billy với giọng điệu ê a lúc còn nhỏ thì ông hầu như chỉ sử dụng tên đệm của mình. “Hồi ở trường điện ảnh, tôi dùng tên William Field lúc viết khóa luận, và sau đó tôi và vợ đã có một cuộc hội thoại nghiêm túc về việc gọi tôi như thế nào”, lúc này vị đạo diễn đang nói với tôi về những khó khăn khi dùng tên Todd để gọi cà phê. Bỗng nhiên ông ngừng lại và hỏi: “Cơ mà tại sao chúng ta lại thảo luận về việc này nhỉ?”
Tôi và Field đã có một buổi nói chuyện trong tuần phim ra rạp khi ông đang ở London để tham dự buổi ra mắt phim “Tár” tại Vương Quốc Anh. Bộ phim hài đen như hắc ín (theo cách gọi của vị đạo diễn), với sự góp mặt của diễn viên Cate Blanchett, nói về quá trình tha hóa của Lydia Tár – một nhạc trưởng từng đoạt giải EGOT của nhạc cổ điển. Tên thật của Lydia là Linda Tarr, và đó chỉ là một trong những bí mật mà vị nhạc trưởng (mà ở đây cô từ chối danh hiệu “nữ nhạc trưởng”) đến từ Berlin che giấu dưới lớp vỏ bọc bằng những bộ vest lụa đầy nam tính. Trên thực tế, Lydia Tár – hay Linda Tarr – tạo cho khán giả cảm giác như thể đây là một bộ phim tiểu sử, nhưng thực tế không phải như vậy.
Mặc dù đạo diễn Field luôn tự nhận mình là một người say mê nhạc Jazz, song kịch bản của bộ phim lại cho thấy sự hiểu biết phong phú về nhạc cổ điển khi đặc tả chuyên môn của nhạc trưởng Lydia. Trong đợt phong tỏa đầu tiên hồi năm 2020, ông đã dành ra một tháng để trò chuyện với nhạc trưởng John Mauceri – trợ lý cũ của nhạc trưởng tài năng Leonard Bernstein. Giải thích về việc này, Todd Field nói: “Có quá nhiều cuộc hội thoại về chuyên môn mà chỉ có những người có kiến thức như John Mauceri mới biết được. Phần còn lại thì phải hoàn toàn phụ thuộc vào Cate Blanchett thôi”. Và Todd Field đã tạo ra một cuộc đối thoại đầy thú vị khi “Tár” (2022) mở đầu bằng cuộc hội thoại Lydia bị nhà văn – nhà phê bình Adam Gopnik “quay như chong chóng” trên sân khấu tại thành phố New York suốt 15 phút. “Bạn sẽ có cảm giác như vừa tham gia vào một cuộc hội thoại đầy chân thực với tính chuyên môn cao cùng nhạc trưởng Lydia Tár. Nhưng thực ra, đó là Cate Blancett”, vị đạo diễn chia sẻ.
“Tár” (2022) là bộ phim thứ ba của Todd Field với tư cách là đạo diễn. Hồi đầu những năm 90, ông chủ yếu tham gia diễn xuất. Đây cũng là khoảng thời gian mà ông đã góp mặt trong hai tác phẩm hay nhất thập kỷ là “Walking and talking” (1996) và “Eyes wide shut” (1999). Sau đó ông đạo diễn hai tác phẩm và cả hai đều được để cử Oscar là “In the bedroom” (2001) và “Little children” (2006). Trong suốt thời gian 16 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng, chủ yếu Todd Field tập trung vào việc biên kịch và đạo diễn quảng cáo. “Tôi chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc viết kịch bản”, Field nói trong khi gõ tay lên thành ghế. Một trong những dự án mà ông đồng sáng tác cùng nhà văn Joan Didison, nếu được thực hiện sẽ có Cate Blanchett đóng vai chính.
Vị đạo diễn chia sẻ, ông đã viết kịch bản phim “Tár” dành riêng cho Cate Blanchett – người mà sau khi nhận vai diễn đã học thêm tiếng Đức, piano và cách chỉ huy dàn nhạc. Theo ông, “Tár” là một bộ phim đương đại châm biếm xã hội hậu đại dịch và chủ đề #MeToo đã được nhắc đến rất nhiều trong những bài phỏng vấn hay đánh giá. Đó là câu chuyện về “văn hóa tẩy chay”, song hai từ #MeToo này lại chưa bao giờ có cơ hội được lên màn ảnh.
“Nếu bộ phim này được làm từ 10 năm trước, thì ý nghĩa về việc một người hay một sự nghiệp bị hủy hoại sẽ rất khác. Các cụm từ như “văn hóa tẩy chay” lúc đó không tồn tại. Tuy nhiên, bộ phim được công chiếu trong ba tuần liên tiếp vào hồi tháng 11 năm 2022. Chúng tôi hiểu sự phổ biến của thuật ngữ này, và tôi biết tôi có quyền đưa ra ý kiến về việc chúng có tác động như thế nào đối với bộ phim. Song tôi hoàn toàn không hứng thú với việc phải giải thích điều đó”, Todd Field chia sẻ.
“Chủ nghĩa da trắng, sự gia trưởng, lạm dụng quyền lực đã tồn tại và diễn ra rất lâu trong lịch sử loài người. Chừng nào nền văn minh phương Tây còn thì điều này vẫn sẽ diễn ra. Có thể sẽ có một sự thay đổi bất ngờ của cán công công lý mà điều này dẫn tới việc nhiều người cảm thấy khó hiểu, song họ nên thay đổi. Bởi chúng ta cần có một thái độ cứng rắn, một phản ứng dữ dội để có một cách nhìn nhận đúng đắn hơn về hành vi con người trong xã hội.”
Đằng sau những ẩn ý và những cơn ác mộng của Lydia Tár trong phim đã cho chúng ta thấy đạo diễn Todd Field – sau khi tham gia bộ phim “Eyes wide shut” (1999) – đã chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng của đạo diễn Stanley Kubrick. Trong tác phẩm “Tár”, Lydia bị cáo buộc rằng đã đề nghị những cơ hội công việc làm cho những cô gái trẻ để đổi lấy tình dục trên tờ New York Post. Bất kỳ ai từ chối cô sẽ bị cô đưa vào danh sách đen và bị đào thải ra khỏi ngành âm nhạc. Tôi bèn đưa ra giả thiết rằng việc này giống Louis CK làm việc cật lực khi ông ta còn ở đỉnh cao sự nghiệp có phải bắt đầu từ lý do ông ta hoang tưởng rằng sự nghiệp của mình có thể bị hủy hoại bất cứ lúc nào. (1)
“Có thật là Louis CK bị ma xui quỷ khiến đã dẫn tới những hành động của anh ta không?”, đạo diễn Todd Field hỏi tôi. “Tôi không nghĩ vậy. Cô gái ấy nắm quyền chủ động. Thực sự, có rất nhiều việc khiến cô ấy coi việc đó (hành động sàm sỡ của Louis CK) là một cách để thăng tiến trong sự nghiệp. Đôi khi còn là cứu rỗi khỏi một cuộc sống khó khăn, một cuộc sống không có nền giáo dục tốt hay được tiếp cận với nghệ thuật. Cô ấy thấy ánh sáng cuộc đời, ánh sáng của sự thay đổi và chạy theo nó. Đã có rất nhiều người có xuất phát điểm khiêm tốn nhưng lại muốn nổi tiếng, và họ không thực sự nhận ra việc trở nên nổi tiếng bằng tài năng khó như thế nào. Cuối cùng, đôi khi sự thành công ấy còn xa tầm với của họ hơn nữa, nếu họ không tự mình trau dồi kiến thức và kinh nghiệm.”
“Sự tiến thoái lưỡng nan của Lydia bắt đầu với một trái tim rộng mở với thứ âm nhạc mà cô ấy yêu, gần như là sùng đạo và cô ấy là một nữ tu tối thượng trong tu viện âm nhạc của mình. Nhưng bây giờ cuộc sống của cô ấy đã khác. Cô ấy đã 50 tuổi. Giờ đây cô quay lưng với những gì mình yêu khi còn trẻ. Có thực sự quan trọng nếu ai đó thực hiện bản ghi âm với Bản giao hưởng số 5 của Mahler hay không?” Ở đây tôi đặc biệt lưu ý rằng giống như “Tár”, tác phẩm “Decision to Leave” cũng có một mối liên kết chặt chẽ với Bản giao hưởng số 5 của Mahler. “Ồ đó là một trò chơi công bằng mà, Visconti đã sử dụng nó đầu tiên, đúng không?” (2)
Với những bài đánh giá năm sao (cách chúng tôi gọi những bộ phim hay nhất năm 2022) thì khả năng cao Cate Blanchett sẽ giành giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, song “Tár” cũng nhận không ít những lời chỉ trích gay gắt. Amy Taubin (3) gọi bộ phim là “Câu chuyện về sự phân biệt giới tính nhất mà tôi từng thấy”. Marin Alsop (4), người được nhân vật Lydia xướng tên trong phim, đã phát biểu với tờ Sunday Times rằng: “Tôi cảm thấy bị xúc phạm với tư cách là một phụ nữ, bị xúc phạm với tư cách là một nhạc trường và bị xúc phạm khi là một người đồng tính nữ”. Các nhà làm phim thường khẳng định nghệ thuật tùy vào sự diễn giải của khán giả, nhưng tại sao lại có những phản ứng này?
“Chúng tôi hy vọng khi làm ra tác phẩm này là có những cuộc trò chuyện và tranh luận đầy cảm hứng. Tất nhiên đôi khi sẽ hơi ồn ào, cố chấp và dữ dội”, đạo diễn Todd Field nói. “Tôi nghĩ điều đó thật thuyệt. Anh có đề cập tới Amy Taubin, tôi đã đọc những nhận xét của Amy trong nhiều năm. Cô ấy là người tôi vô cùng ngưỡng mộ kể từ khi bộ phim của tôi ra đời. Tôi hơi ngạc nhiên một chút về cách cô ấy hiểu về bộ phim, mà rõ ràng ở đây là tôi không đồng tình với nó. Tuy nhiên cô ấy có quyền đưa ra ý kiến của mình. Marin Alsop cũng vậy, cô ấy có quyền đưa ra ý kiến, mặc dù tôi không hiểu lắm nhưng cô ấy có quyền làm vậy. Vấn đề là, quyền lực không phân biệt giới tính và quyền lực không có chủng tộc”, vị đạo diễn chia sẻ.
Field muốn “Tár” tự mình nói ra, song có vẻ ông không thể cưỡng lại việc phải nói ra với tôi: “Cô ấy đang nhìn vào gương chiếu hậu và nghĩ ‘Cái giá nào tôi phải trả để có thể đi đến tận đây? Tiếp theo tôi sẽ phải dẫm lên ai để bước tới vị trí cao hơn?’. Đây không phải bộ phim về một nhạc trưởng hau một buổi hòa nhạc như nhiều người vẫn nghĩ. Đây là một bộ phim về quyền lực và những giao ước hay thỏa hiệp liên quan đến nó; cho dù bạn nắm giữ quyền lực, hay muốn có nó, hay có bất kỳ sự liên kết nào với nó ở mức độ nào đi chăng nữa thì điều đó cũng rất khác với việc ‘Tôi muốn làm nghệ thuật’. Bởi cô ấy đang ở trên đỉnh của một bộ máy đại diện cho văn hóa nghệ thuật đầy quan liêu. Điều đó khiến Lydia trở nên giống một chính trị gia đang chơi đùa với chính trị. Cô ấy đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm, tính chuyên môn và cả sự thất thường, cùng thói đạo đức giả của bản thân mình. Bởi vì, cô ấy là một con người”.
Chú thích:
- (1) Louis C.K: diễn viên hài người Mỹ bị cáo buộc đã sàm sỡ năm đồng nghiệp nữ và bị tố cáo trong phong trào #MeToo.
- (2) Đạo diễn Luchino Visconti đã sử dụng Bản giao hưởng số 5 của Mahler trong tác phẩm “Death in Venice” (1971) của mình.
- (3) Amy Taubin: nhà phê bình phim người Mỹ.
- (4) Marin Alsop: nghệ sỹ vĩ cầm – nhạc trưởng người Mỹ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất