Vài lời: Tại thanh niên Andy Luong viết bài này, làm người Hà Nội đang ở Hà Nội mà nửa đêm lại tự dưng nổi cơn nhớ Hà Nội. Nhưng mà lại lười viết, thực ra đang viết dở cái khác, nên vô sỉ thuổng bài cũ (với cái tâm niệm rằng "cũ người mới người khác") vứt lên đây vậy.
*
Mẹ tôi có một cái tật. Thực ra gọi là tật nhưng tôi không biết nên đánh giá nó là tốt hay xấu. Và cái tật đó nằm gọn trong cái từ “xởi lởi”. Nghĩa là gặp ai cũng nói chuyện được, người quen, cũ rích, đã đành, nhưng người mới mà mẹ tôi bắt (chuyện) được, thường cũng là một tràng liên tu bất tận. Ấy thế nên hồi bé, mỗi lần mẹ tôi xách tôi ra chợ, là tôi hoảng lắm, bởi sẽ là lon ton hết quán này đến xá nọ, lòng vòng một thôi một hồi, mỗi chỗ dừng lại không chỉ để mua hàng mà còn để hàn huyên tâm sự những chuyện trọng đại tày đình xảy ra từ... hôm qua đến hôm nay. May mắn là về sau có một bác tốt bụng nào đó mở cửa hàng sách ngay đầu chợ nên tôi lúc nào cũng kiếm cớ mà ngồi rịt trong đó được.
Hay ho ở một chỗ là cái khoản “xởi lởi” đó liên quan trực tiếp đến thực đơn của nhà. Bởi cứ mỗi lần mẹ tôi xách làn về, bố tôi sẽ nhìn rất nhanh và hiểu trong đó có gì, tiếp đó lập tức phán: “Con X (bán một thứ thực phẩm Y gì đó) hôm nay nó lại nịnh cho phải không?”. Và y như rằng thực phẩm Y đó sẽ liền tù tì xuất hiện trên mâm cơm dăm ba bữa. Sau này khi công nghệ tủ lạnh phát triển hơn,  đôi khi không phải là dăm ba bữa nữa mà là cả tuần. Đến giờ nhiều lúc vẫn vậy.
Khi nào không ăn nhà thì ra hàng quán, mà ra hàng quán vẫn là mẹ tôi, mà thế có nghĩa là quán nào mà nhà tôi hay ăn,  ngoài việc đồ ăn phải ngon ra, chủ quán có thân thiết niềm nở với mẹ tôi hay không cũng quan trọng không kém. Bố tôi lười cái khoản nói chuyện linh tinh, thành ra có quán nào ngon, có quán nào mới xuất hiện ở trong khu vực nhà tôi, đều là mẹ tôi lôi cả nhà đi ăn. Phở, bún đậu, bún riêu, cháo lòng, cơm chay, vân vân và vân vân… Công thức đơn giản: Quán ngon bằng đồ ăn được cộng với chủ quán “được” mẹ tôi quý.
Tôi thích ăn phở. Bởi vì món đấy “sang”. Này, bát phở năm nghìn thời đấy là cả một vấn đề to lớn nhé. Mua ảnh mười cái có năm trăm thôi này. Thun một nắm cũng năm trăm thôi này. Bi một vốc cũng năm trăm. Mà cái đám đấy mua về chơi được lâu. Đồ ăn cũng rẻ như thế. Buổi sáng, cái món đi cùng với mấy năm tiểu học của tôi là món xôi xéo,nhiều hành thơm lừng, thêm ít ruốc mặn mặn, ăn no kềnh, năm trăm. Thi thoảng đổi sang xôi lạc, cũng vẫn năm trăm. Hôm nào, theo cái ngôn ngữ bây giờ, “sang chảnh” lắm được bát mỳ hai con tôm với ít thịt bò, hành, rơi vào cỡ hai nghìn. Đấy, thế nên năm nghìn cho một bát phở là điều không tưởng với cái thằng tôi năm tuổi đời chưa đến được mười.
Ấy thế mà có một buổi sáng tôi được đặc cách ăn phở. Đó là buổi sáng tôi đi thi học sinh giỏi quận năm lớp bốn. Thuở bé, cái sự kiện đấy trọng đại vô cùng. Nhà bạn nghèo, bạn phải học giỏi thì việc nghèo nó mới có ý nghĩa, thế nên mới có cái “học sinh nghèo vượt khó”, chứ giàu rồi mà giỏi nói làm gì (mặc dù sau này lớn lên tôi thấy cái khoản “nhà giàu vượt khó” nó mới gọi là có giá trị). Và chính vì tính chất trọng đại đấy mà buổi sáng đi thi, tôi được bố dẫn đi ăn phở. Hôm đấy bố bảo tôi không phải mua xôi, bảo mẹ tôi không phải nấu mỳ tôm, bố sẽ dẫn tôi đi ăn phở. Tôi ngạc nhiên. Rồi háo hức. Đến cái độ mà giờ đây khi nhớ lại, tôi vẫn nghĩ đấy là lần ăn phở đầu tiên trong đời của tôi.
- Thôi, nay không phải ăn xôi, bố dẫn đi ăn phở.
Rồi ông cứ thế mà đèo tôi. Vượt khỏi cái ngõ nhỏ ở nhà. Rẽ trái ra đường lớn. Dừng lại ở quán “Phở Cồ Luận”. Cái mùi nước phở cách mấy bước chân vào quán khiến tôi nuốt nước bọt ừng ực.
- Cho anh hai bát phở tái nhé – Bố tôi gọi.
Bàn là bàn gỗ. Ghế cũng là ghế gỗ. Đóng vội. Bàn có chỗ nứt. Và ghế cũng vậy. Quán nhỏ, mái vươn ra một chút, trong nhà có một hai cái bàn kê vào tường, thành ra người ngồi ăn quay lưng ra phố, và có lẽ là phở ngon nên họ cũng chẳng cần phải ngắm phố làm gì; phía ngoài thêm ba bốn cái nữa, mỗi bàn ngồi đâu đó cũng được ba bốn người. Hộp sắt bỏ nắp, cho đĩa với thìa vào. Đến giờ, tôi không nhớ là có đĩa ớt với chanh không, nhưng chắc là có, phở mà không có hai thứ đấy, ai muốn ăn. Có điều ký ức lẫn lộn, và lẫn lộn là do có khi tôi chưa kịp nhìn thấy những thứ đấy thì bát phở đã ở trước mặt rồi.
Chao ôi là nghi ngút, chao ôi là hành, là thịt. Một hai cọng hành dài phía trên. Thịt thái nhỏ, hồng hồng phía dưới (Dù sao hồi bé tôi cũng vào loại thông minh nên hiểu ngay rằng “tái” có nghĩa là “chưa chín”, còn “chưa chín” đến đâu thì không rõ, vì đã ăn “tái” bao giờ đâu. Tự nhiên thấy sợ sợ, vì mẹ tôi mà biết ăn thịt sống chắc mẹ tôi tức giận lắm. Ơ nhưng mà tôi đi với bố cơ mà, sao phải sợ?). Xung quanh là hành hoa thái nhỏ. Rồi bánh phở. Và tất cả cái tổng thể hành, thịt, phở đấy nằm trong một cái thứ nước diệu kỳ mà chưa cần nếm, tôi đã biết rằng mình sẽ thích vô cùng.
Tôi cứ thế nhìn chằm chằm vào bát phở. Nhưng chưa ăn. Vì bố tôi vẫn chờ. Tôi nóng ruột. Không, háo hức thì đúng hơn. “Nóng ruột” là từ dành cho những người trưởng thành hay tức giận, còn một đứa trẻ tuổi chưa đến mười chỉ biết háo hức mà thôi. Nhưng tôi không biết làm gì. Tôi quên cả việc mình sẽ cần đũa, sẽ cần thìa, chắc là quên luôn bố tôi đang ngồi cạnh, tay tôi kẹp giữa hai đùi, chờ đợi, chờ đợi…
- Ăn đi – Bố tôi đưa tôi đôi đũa, rồi đặt cái thìa vào trong bát tôi.
- Con mời bố - Tôi “phản xạ”.
Đôi khi tôi thấy mình thật may mắn khi là một người viết. Bạn biết đấy, người ta hay dùng cái cụm từ “không thể diễn tả nổi”, nhưng may mắn, hoặc trong rất nhiều trường hợp, không may mắn, là tôi lại luôn có thể “diễn tả nổi”. Khi bạn làm được điều đấy, bạn không quên, và khi bạn không quên, thường bạn cũng thù dai phải biết. Nhưng đấy là câu chuyện khác. Và dù đó là câu chuyện gì đi chăng nữa, bạn sẽ quên, trong mười lăm hai mươi phút bạn thưởng thức một bát phở ngon.
Sau này tôi mới biết phở Hà Nội không có thịt tái. Phở có thịt tái là phở Nam Định. Đôi khi một thứ tự hào là “Người Hà Nội” ngớ ngẩn nào đó nảy ra trong cái quá trình lớn lên và muốn khác biệt khiến tôi cảm thấy mình thật tội lỗi khi thích phở tái, nhưng, đến bây giờ, cái miếng thịt bò tái của lần đầu tiên ăn phở lại là thứ hằn sâu trong ký ức nhất. Nó nóng. Nhưng nó lại ngọt. Nó thơm. Và nó ngậy. Nó mềm. Và nó dai. Để rồi đến tận bây giờ, tôi luôn bắt đầu một bát phở bằng cách nếm một miếng thịt trước.
Có điều nếu bạn chỉ ăn thịt, bạn sẽ không thể tận hưởng được bát phở. Bởi, chẳng phải tự nhiên mà trong cái bát ô tô loe miệng, tráng men nhưng vẫn hơi ráp ráp đi kèm với họa tiết đơn giản màu xanh thẫm đó có thêm nước phở, phở, và hành, rau thơm. Bạn phải thưởng thức tất cả cùng một lúc. Ít nhất là bố tôi chỉ cho tôi như vậy, đến giờ tôi vẫn nghe theo.
Ông làm mẫu cách ăn phở cho tôi. Gắp phở vào thìa, rồi miếng thịt, rồi hành, rồi nhấn cái thìa xuống một chút để nước phở tràn vào. Thế nên thìa ăn phở thường là loại to hơn một chút, sâu hơn một chút, để người ăn có thể thưởng thức tất cả cùng một lúc. Rồi lúc đấy mới đưa lên miệng. Và nhai. Bánh phở mềm thấm đẫm nước phở đi kèm với thịt ngọt, hành thơm, mùi quế hồi nồng nhẹ nhàng, vị xương bò ngọt ngầy ngậy, sau này có thêm vị hơi chua chua của chanh kèm với cay cay của ớt, hoặc là tương ớt. Thìa nối thìa, để ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết, thòm thèm vô cùng. Tiếc rẻ nữa, bởi bát phở năm nghìn đó, là thứ xa xỉ, đâu có thể thường xuyên mà ăn được.
Nhưng vị cứu tinh của tôi xuất hiện không lâu sau đó. Cùng dãy, cách mấy nhà. Bác Mão. Mà mẹ tôi lại còn quý bác Mão nữa chứ, cho nên cái tin bác mở một hàng phở nhỏ ngay giữa khu, chỉ phục vụ buổi sáng, “ăn cũng được”, đến tai tôi nhanh như thời gian tôi ăn cái bát phở đầu tiên vậy. Tuyệt vời nhất, đó là chỉ cần hai nghìn rưỡi thôi, tôi đã có thể ăn một bát phở rồi.
Có điều phở nhà bác không ngon đến thế. Và mặc dù cho đến tận bây giờ tôi vẫn là loại người ăn uống dễ dãi thì phở vẫn là món tôi phân được “độ ngon”. Đôi khi thưởng thức cũng cần một cái thước đo như thế, để ta phải mất công tìm kiếm một chút, phải mất công mày mò một chút, phải khó tính một chút, phải lằng nhằng phức tạp một chút, khi tìm được thứ ưng ý, ta mới biết trân trọng vậy.
Tôi có thể nói ngay từ lần ăn đầu tiên rằng phở nhà bác Mão dùng nhiều xương lợn hơn xương bò. Bởi vì cái ngọt của xương lợn khác với cái ngọt của xương bò. Đôi khi, chỉ đôi khi thôi nhé, ăn phở nhà bác xong tôi đau bụng, vì có thể vô tình, cố thể cố ý, bác cho nhiều mì chính hơn bình thường, mà cái bụng vốn rối loạn tiêu hóa từ bé do kháng sinh của tôi nhạy cảm với mì chính lắm lắm. Hóa ra “cũng” của mẹ tôi là như thế, là cái việc ngon cũng tàm tạm được bù đắp bằng tình cảm hàng xóm láng giềng lâu năm. Đấy, thành ra nếu mà có điều gì khiến tôi tự hào, tôi tự hào rằng tôi có thể thẩm định được đâu là nước dùng ngọt từ xương và đâu là nước dùng ngọt do mì chính. Tôi là một người Hà Nội biết-ăn-phở. Dù vậy thì bác Mão vẫn là cứu cánh cho cái miệng thích ăn phở của tôi. Thưởng thức một thứ “xa xỉ” thường xuyên hơn đối với một đứa trẻ mười tuổi là một niềm vui lớn.
*
Cũng được vài năm. Bác không bán nữa, lý do gì tôi không hiểu. Quán phở Cồ Luận ở ngoài đường cũng không còn nữa, tôi cũng chịu chẳng biết vì sao. Mẹ tôi thì không thích ăn phở đến như thế. Thành ra bà cũng chẳng để ý thêm cái quán phở nào. Còn tôi lúc này thì lên cấp hai, đi xe đạp rồi, được thêm tiền ăn vặt, nên thi thoảng vẫn ăn phở. Nhưng không có quán nào ưng ý cả. Mà đến cái tuổi dậy thì đó, hay còn gọi là cái tuổi dở ông dở thằng đó, thì phở không còn đặc biệt. Có bao nhiêu thứ đáng phải quan tâm hơn: học khó hơn này, điện tử vui hơn này, bạn bè nhiều hơn này, và cô bé cùng lớp cũng xinh hơn nữa này...
Nhưng dù gì thì gì, tôi vẫn là một người Hà Nội biết-ăn-phở. Nên nếu như có một quán phở nào đó hội đủ ba yếu tốt: ngon, gần nhà, giá cả phải chăng (theo cái cách gọi hiện đại của cái thời kinh tế thị trường) thì tôi vẫn ưng lắm lắm.
Chiều hôm đấy tôi đạp xe về nhà thì gặp mẹ tôi đang nói chuyện với ai đó.
- Anh này sáng nay mẹ hỏng xe anh ý dắt xe hộ mẹ, anh ý mới mở hàng phở gần đây, ngon lắm.
Thường  tôi không hiểu được lô-gíc nói chuyện của mẹ tôi lắm. Tận đến giờ đôi khi tôi cứ ậm ừ mà thôi. Tại sao lại dắt xe rồi hàng phở? Nhưng hàng phở là thứ thu hút tôi hơn cả. Mà mẹ tôi lại còn “ngon lắm”.
Mà đúng là ngon thật.
Đúng như cái vị Phở Cồ Luận lần đầu tôi được ăn.
Và thế là tôi mãn nguyện lắm lắm với cái quán phở của anh. Mãn nguyện đến mức ngay giây phút này đây bạn hỏi tôi tên anh là gì tôi chịu, không biết, nhưng quán phở của anh tên gì?  Nó là Nhớ.
Quán nhỏ nhỏ, biển đơn giản, không đẹp đẽ gì cả nhưng cũng chẳng xấu. Trong được đúng năm cái bàn. Cái quầy anh làm phở ở ngay chỗ ra vào, thành ra hôm nào đông là phải lựa nhau từng người vào một. Anh dáng người gày gò, hơi gù gù, năm anh mở quán ở chỗ đấy mới gần ba mươi. Đầu tóc đơn giản, lòa xòa trên trán, lúc nào cũng vài cọng râu. Tay khẳng khiu mà dao cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt. Thái rất ngọt, và riêng cái món tái anh làm thì anh sẽ hơi băm thịt bò ra một chút rồi mới cho vào muôi khuấy khuấy, ăn cứ hơi thành sợi cũng hay. Thịt bò nhà anh lúc nào cũng tươi rói, “cái này là cháu phải đặt riêng đấy, cứ sáng sớm là nó mang vào đây cho cháu, thịt hôm nào là hết hôm đấy, thừa tối cháu ăn chứ không có để sang hôm sau đâu”, như lời anh nói, với ai đó, lúc nào đó. Anh tự hào rằng nhà anh ở Nam Định có cái nghề làm phở gia truyền, bí kíp gia truyền, nên rất chất lượng. Chất lượng thật. Mà không có đắt như trong “phố”. Thế nên là tôi mãn nguyện.
Có thử làm nước dùng phở mới biết bát phở ngon quý thế nào. Riêng cái khoản xương bò là đã phải mất công đặt rồi. Mà chỗ bạn đặt cũng phải có tiếng chút, lò mổ bán buôn lâu đời uy tín chẳng hạn, hoặc đơn giản hơn thì ví dụ như nhà vợ thằng bạn thân. Bạn phải rửa sạch, lọc hết thịt, không để thừa lại một chút nào.
Ninh xương thì ôi thôi là nhiêu khê. Phải canh cho đúng giờ, phải hớt mỡ liên tục, vì mỡ bò rất khó ăn, phải bỏ nước tủy để trong nước. Ngắn quá, thì ngấy. Lâu quá, thì chua. Phải ngọt mới thôi. Lắm lúc quanh đi quẩn lại ninh xương cũng hết từ chiều đén tối rồi. Cứ một lúc sẽ phải nếm, đến khi nào cái nước trong, vừa miệng mới được thêm gia vị đặc trưng của phở vào. Gừng, thảo quả, hồi quế, muối, căn sao cho mặn vừa, ngọt vừa, thơm vừa,  gia truyền thì có thêm mấy món đặc biệt như sá sùng chẳng hạn. Cái nước phở hài hòa là thế đâm ra người muốn làm phở ngon cũng phải làm sao để mọi thứ đồng đều. Đến nồi, đến bếp cũng phải kỹ lưỡng. Mà rồi nấu xong, ăn xong, vẫn thấy “thiếu một cái gì đó”, vẫn thấy “không được như hàng phở Nhớ” được. Ấy mới biết mình nấu cho vui, họ nấu vì cái nghề, cái nghiệp khác nhau như thế nào.
Mà đến cuối cùng, nhiều khi ra hàng phở cái không khí cũng khác cơ. Đôi khi cái món ngon, món là một phần, quán là phần khác, chủ quán lại thêm tí ti, người xung quanh cũng không kém phần quan trọng, rồi đôi khi người đối diện cũng khiến cái bát phở đặt xuống có thêm gia vị.
Như cái trời đầu mùa mới chớm lạnh, mẹ dắt con, vợ dắt chồng, hay cả nhà cùng nhau đi ra cái quán phở, gọi tíu gọi tít, chộn rộn, ấm áp, trong cái quán phở hơi bay nghi ngút, khiến ta ngồi đó với người thân đột nhiên vui vẻ đến lạ. Chờ ư, chẳng sao. Bởi ta được ngồi nghe người nói chuyện linh tinh buổi sáng, bởi ta được thấy bố đút cho thằng cu bé tí ngồi ghế không chạm đất miếng phở xuýt xoa, bởi ta được nghe tiếng dao thái, tiếng bếp bập bùng, bởi ta được ngửi mùi của phở.
“Bởi người đối diện đang ngồi trước mặt ta với đôi mắt đen thẳm, to tròn, hỏi ta với cái giọng nửa yêu chiều, nửa thách thức, trong một buổi sáng mùa đông lạnh như cắt:
- Tớ cá cậu chưa ăn phở Hà Nội bao giờ.
Để ta giật mình trước khẳng định của nàng. Có chút bực chứ. Dù gì ta cũng là người Hà Nội, ta cũng là kẻ tự hào thú vui Hà Nội nào có kém ai. Nhưng rồi đột nhiên ta nhớ rằng đây không phải là “ai”, đây là người con gái gói cả Hà Nội trong đôi mắt đen láy và mái tóc thề ấy. Để ta đáp lại nàng rằng:
- Ừ
- Có thế thôi mà phải suy nghĩ lâu thế à.
Để ta cười và với tay nắm lấy bàn tay nàng đang lạnh. Áp vào má, làm bàn tay thanh mảnh ấy nhận được hơi nóng từ ta mà ấm lên.
- Ừ.
Ta không nói với nàng nhiều được, như vốn dĩ vẫn thế. Như lúc ta đèo nàng vào ngõ nhỏ, phố nhỏ, ở một nơi nào đó của Hà Nội mà giờ ta chỉ lờ mờ nhớ ở mạn phố cổ, ngoằn ngoèo, lằng nhằng, chỉ để đến một quán phở ba bàn, không có bảng hiệu gì hết.
- Quán phở này ngon nhất Hà Nội đấy. Nước rất là ngọt, thịt rất thơm, mà cậu có biết phở Hà Nội có đặc điểm gì mà phở bình thường không có không?
- Không ăn tái, chỉ ăn chín - Ấy, ta cũng đâu phải phường bất học vô thuật gì.
- Đúng, cũng biết đấy nhỉ. Mà ở Hà Nội, những quán ngon nhất đều không có bảng đâu, quý lắm mới dẫn đi đấy nhé.
Để ta cười và thưởng thức một trong những bát phở ngon-nhất-trong-đời.”
Hoặc là tôi chọn để nhớ về cái bát phở đấy như thế.
Đến bây giờ tôi cũng chẳng còn nhớ làm sao để tìm lại được quán phở đấy. Cũng không có ý định. Tôi mù đường, thế nên những người yêu của tôi đều là hoa tiêu dẫn tôi đến những cái xó xỉnh nào đó, những xó xỉnh Hà Nội của riêng họ, những xó xỉnh rất “họ”. Ngoại trừ em.
“Cứ chỗ nào đông thì em thích. Và em là một người con gái Hà Nội theo cái nghĩa là mấy đời ở đây chứ còn không gói được cái góc nào của Hà Nội vào trong em cả. Em cũng thích phở, nhưng không phải theo cái cách người Hà Nội thích phở. Em thích phở bởi ở nước ngoài làm gì có món đấy “đúng nghĩa”.
- Đi ăn phở Thìn đi anh.
- Phở Thìn chán lắm.
- Nhưng em thấy ngon.
- Rìa-lý? – Tôi hỏi với cái giọng pha không thể pha hơn, để trêu em.
Em đấp thùm thụp vào lưng tôi và kiên quyết bắt tôi đến quán phở Thìn. To. Nhà trong nhà ngoài tấp nập. Nhìn là biết không ngon. Ngồi xuống, tôi lấy hai đôi đũa, lau và đưa cho em một đôi.
- Ui giời ngoài quán một là bẩn, hai là sạch, anh lau hay không thì cũng thế.
Làm tôi phải nhíu mày cười khẩy một cái. Cũng đúng. Cũng có lý. Có lý như cái kiểu em cứ xồng xộc lao thẳng vào đời tôi, phá bỏ tất cả mọi thứ luật lệ của tôi, sẵn sàng giẫm đạp lên những thứ quy chuẩn về Hà Nội của tôi, để lôi tôi đi ăn “Phở Thìn” – cái thứ phở phi-Hà-Nội nhất giữa lòng Hà Nội vậy.
- Ừ. Mà phở ở đây không ngon thì bẩn hay sạch đúng là cũng thế.
Đến giờ tôi không hiểu câu nói đấy có gì mà khiến em tự dưng quay sang hôn tôi say đắm đến vậy. Hoặc là đến bây giờ tôi vẫn nửa chấp nhận, nửa không chấp nhận cái cách giải thích của em rằng:
- Em lôi anh vào đây để hôn anh giữa chốn đông người thôi.
Tự dưng bát phở Thìn trở thành một trong những bát phở ngon-nhất-trong-đời.”
Hoặc là tôi chọn để nhớ về cái bát phở đấy như thế.
***
Thay đổi rất thú vị. Có lúc nó rất tốt, tốt như thể Xơ-Cồ K xuất hiện khắp nơi và người người đều có thể ăn đồ Hàn vậy. Tốt như thể giờ đây chẳng cần phải bước chân ra khỏi nhà cũng sẽ có người đem đồ đến tận nơi giao cho bạn. Tốt như thể giờ bạn có thể đứng trên những tòa nhà mấy chục tầng phóng mắt ra xa nhìn thành phố đang hiện đại hóa, đang phát triển. Có lúc nó lại rất tồi. Chỗ này xây, chỗ kia xây. Bê tông nổi lên thì cây bị hạ xuống. Tửng mảng, từng mảng tuổi thơ của bạn cứ thế mà bị xe ủi, cần cẩu không thương tiếc san phẳng, phá nát đi. Tồi như thể ngày hôm đó, sau một thời gian dài, bạn mới ra ăn quán phở Nhớ và thấy nó rộng hơn, đẹp hơn vậy.
- Cho em như mọi ngày anh nhé.
Đó là một câu gọi đồ tôi rất thích. Bởi vì tôi thấy mình đặc biệt. Tôi biết anh chủ quán sẽ nhớ tôi ăn gì. Tôi ăn ở đây gần hai mươi năm rồi cơ mà. Gần hai mươi năm, lâu thế rồi cơ à.
- Làm cho anh ấy một bát tái nhiều thịt ít bánh, nhiều hành chẻ, ít rau thơm nhé.
Tôi giật mình, tại sao lại là “làm cho anh ấy”, và ngay lập tức có một cậu nhân viên lật đật chạy ra đứng ở quầy thay cho anh để trả lời cho tôi. Chao ôi là chậm, chao ôi là vụng, chao ôi là lóng ngóng. Cái bát phở đem ra, thịt thái thì dày, rau hành không đủ nhỏ, hành chẻ còn chia cả ra ngoài bát. Tôi khó chịu, nhưng tôi không nói ra. Thôi, dù sao…
Nhưng nước ngọt là ngọt của mỳ chính, lại còn thìa chưa rửa sạch còn mùi nước rửa bát nữa chứ. Không thể chấp nhận được. Tôi bực bội ngẩng lên, toan nói rằng: Sao phở anh dạo này chán thế.
Chợt thấy anh ngồi đó, trầm tư. Ti vi bật, nhưng anh không xem. Tay gác lên gối, mắt nhìn vô định. Dáng gày gò giờ còn thêm phần sương gió hơn. Tóc cũng vì thời gian mà lốm đốm bạc theo. Mắt quầng và gương mặt có phần hốc hác. Tôi chợt nhớ ra là anh cưới cũng phải chục năm, con giờ chắc cũng đi học rồi, có khi cả hai đứa cũng đi học rồi. Tôi chợt nhận ra đó là lý do quán rộng hơn và có thêm người.
Tôi chợt nhận ra, những mảnh Hà Nội cuối cùng cũng giống như cái bát phở tôi đang ăn vậy, tôi không thể chọn để nhớ về Hà Nội được…