Hình ảnh có liên quan

Chúng ta đã uống trà từ lâu lắm. Hàng nghìn năm rồi, mà cái thú uống trà vẫn không hề lỗi mốt, có chăng là chỉ đổi từ trà xanh sang trà Dilmah, rồi giờ là... trà sữa. Hôm nay các bạn sẽ biết thêm một "nghệ thuật trà đạo" độc đáo và vô cùng "deep": pha trà theo khoa học.
Khi pha trà, có hai thứ trong lá trà mà chúng ta quan tâm. Một là các polyphenol, đây là những chất làm nên mùi vị và màu sắc đặc trưng của trà, và cũng là các chất chống oxi hóa làm cho trà được tôn vinh là thức uống vì sức khỏe, còn các hãng mỹ phẩm thi nhau thêm "chiết xuất trà xanh" vào sản phẩm của họ. Hai là caffeine, thứ làm cho chúng ta tỉnh táo.
(Video trên có phụ đề tiếng Việt nha.)
Trà mạn mà người Việt mình thường uống là thuộc loại trà xanh nguyên lá sao khô. Vì lá trà được sao bằng nhiệt ngay sau khi thu hái, enzyme chuyển hóa các polyphenol chưa kịp động tay động chân gì nhiều đã bị phá hủy, nên tỉ lệ các chất này trong trà mạn còn khá cao, và nước trà mạn còn khá là xanh so với trà đen (như Dilmah Bá tước chẳng hạn).
Sự khác nhau giữa các loại trà là do quá trình chế biến. Ảnh: Wikimedia.
Khi ta dội nước nóng vào trà, những chất này sẽ hòa tan vào nước. Việc của chúng ta, những kẻ tập tọng pha trà, là làm sao chiết xuất được các chất đó cho vừa đủ. Nhiều quá thì trà sẽ bị chát, khó uống, lại gây mất ngủ. Ít quá thì trà không đủ ngon và bổ. Thế nào là vừa đủ? Theo khoa học thì lượng trà nên là 1g trà/100 ml nước. Ước chừng ra, một cốc cỡ vừa 200ml sẽ cần khoảng một thìa canh trà; một ấm trà to bự cỡ 1 lit thì cần năm thìa canh trà.
Nước để pha trà nên là nước "mềm," tức là trung tính hay hơi hơi axit một chút. Không nên dùng ấm có cặn, và không nên dùng nước khoáng. Cặn vôi và khoáng làm tăng pH của nước, làm cho polyphenol trong trà khó chiết xuất ra được.
Không phải nước cứ sôi thật già mới tốt. Nhiệt độ pha trà mạn tốt nhất là 80 độ C, tức là khi nước vừa sủi bọt lăn tăn. Đấy là nhiệt độ vừa đủ để kéo các chất polyphenol và caffeine ra một cách cân bằng. Ta cũng nên tráng ấm hoặc tách pha trà bằng nước nóng trước, như vậy độ nóng của nước khi pha trà sẽ chỉ phục vụ việc chiết xuất trà mà không bị cái ấm hút mất.
Ảnh: Divinitea. Nhớ đổi nhiệt độ từ F sang C nhé.
Thời gian ủ trà không nên quá 3 - 4 phút. Ủ lâu quá thì ta sẽ có một ấm trà rất giàu chất chống oxi hóa, đem đi rửa mặt thì tốt, nhưng hơi bị khó uống. 
Sau khi trà pha xong, ta nên đợi cho nguội xuống dưới 60 độ C rồi hẵng uống. Trên 60 độ C, các tế bào vị giác trên lưỡi sẽ quá bận rộn chống đỡ với cái nóng mà quên mất việc tận hưởng hương vị trà.
Đến đây thì bạn đã trở thành một nghệ nhân trà đạo đúng chuẩn khoa học rồi đấy!

Thích bài này? Theo dõi Facebook của zeal để đọc thêm ngay khi bài lên sóng nhé. Và nhớ ghé http://zeally.net để tìm kiếm những thử thách xoắn não hơn nữa.


Tham khảo: