Ta là ai?
Đó là câu hỏi mà cả nhân loại vẫn đang rong ruổi tìm kiếm lời giải đáp tường minh nhất. Đời người, suy cho chót, là hành trình tìm kiếm chính bản thân mình, là quãng đường dài để ta tìm được lời đáp cho “Ta là ai?”. Có những người phải đến cái giờ khắc ngay trước lúc lìa đời mới biết được mình là ai. Cũng có những kẻ, cả một đời chẳng hiểu ta là gì.
Patrick Modiano, nhà văn vĩ đại bậc nhất của nước Pháp và cũng là kẻ dành cả đời để tìm bản thể của mình. Ông từng so sánh bản thân như một "tên tù  nhân kí ức của nước Pháp". Qua các tác phẩm của chủ nhân giải Nobel Văn học 2014 này, ta luôn thấy nỗi đau đáu được lột ra da thịt, xoá bỏ họ tên, tháo cho kì cùng mọi đặc điểm bề ngoài để có thể thấu được một điều tưởng chừng rất giản đơn: cái - ta - thực - sự. 
Nhà văn người Pháp đã đoạt giải Nobel Văn học năm 2014.
Một trong những tác phẩm thể hiện rõ nét phong cách của ông nhất mang tên Rue des Boutiques Obscures, hay được dịch sang tiếng Việt là “Phố những cửa hiệu u tối”. Tác phẩm này là cuốn sách thứ sáu của ông, xuất bản năm 1978 và ngay lập tức gây tiếng vang lớn với giải thưởng Prix Goncourt. Trong “Phố những cửa hiệu u tối”, ông tự đưa ra cho mình một câu trả lời đầy trăn trở, có thể là cho nhân vật chính, nhưng cũng có thể là cho chính bản thân ông: “Tôi chẳng là gì cả. Chỉ là một cái bóng nhạt màu, chiều tối hôm ấy, ở ngoài hiên một tiệm cafe.".
Bìa sách bản tiếng Anh.
Patrick Modiano không phải cây bút được nhiêu người biết tới cho dù ông là chủ nhân của vô số giải thưởng văn học lớn, mà đỉnh cao là Nobel Văn học. Luôn có những éo le vòng vèo trong cuộc sống như vậy. Xuyên suốt đời văn lẫy lừng của mình, danh tiếng của ông chỉ thực sự được biết tới phần nhiều là ở đất nước ông sinh ra. Bên ngoài lãnh thổ Pháp, ông không thực sự nổi tiếng. Bởi vậy, ở Việt Nam, trước khi mà cây bút đại tài này được vinh danh bởi Viên Hàn Lâm Thụy Điển, hiếm ai biết đến cái tên Patrick Modiano. Cũng vì thế mà tất nhiên mình chẳng hề biết trước ông là ai, cho tới khi có một người gợi ý cho mình đầu sách có cái tên lạ lẫm “Phố những cửa hiệu u tối”. Cái tên này chẳng cuốn hút mình mấy- một kẻ vốn say mê những thứ huyền huyễn kỳ ảo. Tuy nhiên, nó đủ để gợi cho mình hình ảnh về một con phố ngập tràn trong u sầu, "đây sẽ là cuốn sách không tồi" - mình đã nghĩ thế.
Mình là một kẻ không dễ dãi trong việc bình sách và cảm sách. Tiêu
chuẩn của mình khá cao, với từng thước đó khác nhau, và cũng khá tinh
tế, tự phong. Mình có thói quen đọc trước vài dòng hoặc một hai đoạn,
ngẫu nhiên. Cũng chỉ cần vài đoạn ấy, mình có thể ước chừng được chất
lượng cuốn sách đối với mình, hoặc chí ít là đoán được sơ sơ việc mình
có yêu thích nó không. Với “Phố những cửa hiệu u tối”, chỉ một câu
văn, vài từ, đã đủ để bàn tay mình không thể chối từ việc được đọc.
“Tôi chẳng là gì cả. Chỉ là một cái bóng nhạt màu, chiều tối hôm ấy, ở
ngoài hiên một tiệm cafe.”
“Phố những của hiệu u tối” là một cuộc hành trình lội ngược dòng thời gian của Guy Roland - một vị thám tử tư mất trí nhớ, để tìm lại "mình" của khi
xưa. “Guy Roland” vốn cũng chỉ là cái tên được ghi trên thẻ căn cước,
một cái tên đi mượn mà Hutte- ông chủ văn phòng thám tử tư, trao
cho. Anh ta bước trên mọi nẻo đường Paris với trái tim đau đáu về quá
khứ, đi mọi chốn có thể để tìm mọi gợi ý hé ra được đáp án làm thỏa mãn cơn đói khát được hiểu mình.
Cơn đói ấy cồn cào đến nỗi ngay khi Constantin von Hutte quyết định
nghỉ hưu, Guy lập tức bắt đầu hành trình, như thể anh chỉ đợi cái
giờ khắc ấy, như một con sói được tháo sợi xích nặng nề.  Hutte cứu rỗi cuộc đời của Guy Roland bởi chính người đàn ông này cũng "đã mất dấu tích lai lịch bản thân và cả một phần cuộc đời ông, đùng một cái, đã chìm lịm không sót lại lấy một đầu mối dây liên hệ nào khả dĩ có thể nối lại được với quá khứ”. Và cũng chính ông đã khuyên nhủ Guy “từ nay trở đi, đừng ngoảnh nhìn lại đằng sau nữa, mà hãy nghĩ đến hiện tại và tương lai”. Nhưng Guy không thể quên đi nổi phần đời xưa cũ, hay nói cách khác, nỗi tò mò quá lớn để lời khuyên của Hutte tới được với anh.
Guy đi theo dấu vết của bức ảnh chụp "mình – của – quá – khứ", với những gương mặt là lùng có thể  đã từng là bạn bè. Từ bức ảnh đã ngả màu nọ, anh lần tới những cá thể từng nối kết của bản thể kia của anh- những người có thể sẽ biết anh là ai. Anh từng ngỡ mình là Freddie Howard de Luz- một gã công tử của một gia tộc vang bóng. Anh hỏi về Gay Orlow, một cô nàng
người Nga luôn sợ tuổi già và quyết định chết trước khi những nếp nhăn
ùa tới như cơn bão sa mạc. Anh cố tìm lại thông tin về Denise Courdouse, người tình – người yêu của anh thuở trước ngày nhân dạng ấy “biến mất”. Và còn là Pedro McEvoy- người có thể là Guy Roland, một gã Nam Mỹ được cho là đã có thời làm tại đại sứ quán Dominica. Những kẻ gần gũi duy nhất với anh – của – quá – khứ, tên tuổi đều đã mờ nhạt dần và cơ thể có lẽ cũng tiến gần đến hư vô. Những mảnh vỡ vụn của kí ức qua nỗ lực đào xới dần dần được tìm thấy, song chúng như cây kẹo bông dính vào nhau, chồng lên nhau, đan vào nhau: hỗn loạn, mịt mù, lờ mờ chẳng rõ. Nhưng đời người là thế. Đời người là mảnh ghép to, hợp lại từ triệu mảnh nhỏ. Khuyết đi một mảnh, đời người còn lại chi? Liệu còn là chỉnh thể hay chỉ là đống vụn tàn?
Mỗi bước chân lần mò của Guy Roland dẫn anh đi về những nơi cũ. Nhưng phải làm sao khi những chốn nọ cũng đang dần biến mất tăm? Phải làm sao khi những nơi ấy chẳng hoàn toàn là nơi ấy nữa? Đại sứ quán Dominica bị phá bỏ - nó chẳng còn là Đại sứ quán Dominica mà anh có thể từng làm việc. Căn nhà thập tự Phương Nam cũng không còn. Tòa lâu đài của Freddie Howard de Luz cũng đã bị niêm phong chỉ chờ ngày biến mất - chẳng còn mấy điều xót lại. Sự băng hoại của thời khủng khiếp đến nhường ấy, và mọi thứ ta đang có đều ẩn hiện dấu tàn phai.
Có lẽ câu chuyện về Guy Roland chỉ thực sự được mở ra khi trang sách cuối cùng của “Phố những cửa hiệu u tối” đã đóng lại. Và câu chuyện ấy tường minh ra sao, ta không bao giờ được biết. Bởi ngay chính Guy Roland, hay
Pedro McEvoy, cũng có khi không bao giờ hiểu. Kết thúc của sách là khi
anh quyết định “đến cái địa chỉ cũ của tôi ở Rome, Phố Những Cửa Hiệu
U Tối, số nhà 2”- cái kết tới với người đọc khi hành trình của Guy, hay Pedro, còn chưa kết. Dù vậy, địa chỉ ấy có lẽ chỉ là một màn sương khác, u ám như
chính cái tên của “Phố những cửa hiệu u tối” với những thông tin mịt mù đầy nhập nhằng. Paris xuyên suốt tác phẩm đều nhờ nhờ, không một
khi nào tươi sáng. Và con phố ở Rome ấy, có lẽ cũng chẳng khá hơn.
Chẳng hề khá hơn khung cảnh lúc kết truyện: “Chiều xuống, con hồ tắt dần
theo chừng với màu xanh lục của nó tiêu. Trên mặt nước, vẫn còn lởn
vởn những bóng xam xám hoa cà, thành một hiện tượng lân quang lờ mờ”.
Vậy rốt cuộc, Guy Roland là ai? Và “Ta là ai”?
Xét cho cùng, bỏ đi tên tuổi, vứt đi năm sinh, xóa nhòa thể căn cước,
ta sẽ là ai? Mình tên là Huy, sinh vào một ngày đầu năm, mình gầy và cao khoảng mét bảy. Bỏ tên Huy, quên đi năm tháng được chào đời, thay đổi vóc dáng và vẻ ngoài thì liệu mình có phải chính là "mình", hay sẽ là ai đó khác?
Guy Roland có lẽ từng là Pedro McEvoy. Pedro McEvoy có lẽ đã trở thành Guy Roland, nhưng liệu họ có phải là một?
Nếu họ là một, thì đâu là điểm chung gắn kết hai nhân dạng này? Cuộc sống của Pedro McEvoy chắc chắn không phải là cuộc sống của vị thám tử Guy Roland, và ngược lại. Có thể, họ là một mà cũng chẳng là một. Họ là hai nửa đã lạc nhau vĩnh viễn, là đường thẳng chung xuất phát và chung một quãng đường, nhưng rồi đã vĩnh biệt nhau, vĩnh viễn chẳng gặp lại lần nữa. Lời tự vấn của Guy vào những chương cuối cùng, vang vọng như tiếng thầm thì đầy run rẩy và đầy bất lực: “Có đúng là đời tôi không hay là đời người khác mà tôi đã lẻn vào?”
Ta là ai? Ta là ai?
Ngày ta sống, nhiều người sẽ biết ta. Ngày ta lìa đời và chôn chặt cơ thể dưới tầng đất, có thể vẫn có nhiều người nhớ ta. Nhưng sau đó mười năm, hai mươi năm, một trăm năm, còn mấy ai biết ta? Liệu ta có còn chút gì ở tương lai để được chứng thực là người nào đó từng tồn tại? Tất cả những gì ta làm, liệu có khi nào sẽ bị thời gian ập tới, cuồn cuộn húc đổ để lại chẳng gì? Guy Roland dù mất tích, song có khi, chỉ mình anh là có ý định tìm lại người đã từng là mình, chứ chẳng còn ai khác. Liệu ta có thể “định vị” được chính ta? Liệu Guy Roland, cho đến cuối có “định vị” được chính mình? Quá khứ và hiện tại đã được cách ngăn bằng vách vô hình, không thể tàn phá. Quá khứ và hiện tại đã lìa xa nhau, cũng như Guy đã lìa xa Pedro. Ta dù có sống hết mình vì hiện tại, thì rồi khi hiện tại ấy hóa thành quá khứ, liệu chúng có còn in dấu nơi tương lai? Nụ hôn ta trao cho người tình, ngày mưa ta ngắm trong nôn nao, cuốn sách ta từng thưởng với trà hay những gương mặt hằng ngày vẫn chào nhau... Tất cả những điều ấy, nếu chẳng may văng ra khỏi kí ức, lạc ra khỏi tâm hồn, thì ta sẽ tìm lại thế nào?
Cuối cùng, Guy sẽ vẫn đi tìm cho được bản thân của mình. Anh sẽ tiếp tục hành trình. Có lẽ đó cũng là điều Patrick Modiano muốn nhắn gửi quả những trang sách: Ta phải tìm được ta. Dẫu có phải gào thét trong những câu hỏi, phải khóc ròng với những vụn vặn, phải lạc lõng giữa trời vô định thì ta phải tìm được cho ra. Tuy vậy đọc xong cuốn tiểu thuyết bé nhỏ này, mình
lại thấy cái vô vọng nhiều hơn. Còn gì vô vọng hơn việc ta bị bỏ lạc ở
đời, và phải tự mình đi tìm trong chuyến tàu chẳng trạm dừng
và đích tới có thể cũng ngoài tầm tay?
“Phố những cửa hiệu u tối” vừa có chút câu trả lời, nhưng những câu
hỏi nó đặt ra còn nhiều hơn gấp bội. Và câu trả lời cũng chẳng bao giờ
thỏa mãn bạn đọc, cũng như những câu hỏi sẽ không bao giờ được hé mở.
Đây là cuốn sách khó đọc, mang nhiều tinh chất mà chỉ những cuốn sách hàn
lâm mới sở hữu. Những ai mong muốn được giải trí chắc chắn không bao giờ thỏa mãn, bởi "Phố những cửa hiệu u tối" không có cốt truyện giật gân kịch tính với những nhân vật chính diện siêu đẳng hay phản diện độc ác. Những thứ làm nên sức hút của cuốn sách không phải ở cốt truyện mà nằm ở ý nghĩa của cuốn sách, nằm ở sự tinh vi trong việc xử lí nghệ thuật trần thuật và ngôn từ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có nhiều “tầng” ý nghĩa. Ở đây, ta phải đào sâu xuống ít nhất là tầng thứ ba của ý nghĩa để hiểu được tác phẩm, một điều chẳng dễ dàng. Tuy vậy, văn phong của Patrick Modiano khá dễ đọc, không cầu kì và hoa mỹ, đọc là hiểu mặt chữ mặt câu. Cái đáng nói là Modiano đã nén tất cả những xúc cảm với độ điêu luyện và tinh vi biến sự đơn giản nọ thành một chỉnh thể không tách rời đầy quyến rũ. Ta không thể bỏ quên một câu, vứt đi một từ. Mọi thứ đều móc lại với nhau, mọi từ đều cột chặt lại để ta phải chú ý, từ đầu chí cuối. "Phố những cửa hiệu u tối" cũng như mọi tác phẩm khác của Patrick  Modiano, đều có dấu ấn của chính cuộc đời ông, những ẩn ức quá khứ của ông. Guy Roland phần nào là con người Patrick Modiano, một cậu bé luôn đau đáu về thời Đức Quốc Xã chiếm đóng mà mình còn chưa ra đời. Và Pedro McEvoy, với nhân dạng mờ ám tới mức
phải vượt biên đi trốn - quyết định quan trọng nhất dẫn tới sự ra đời của Guy Roland, cũng có nét na ná như người cha Alberto Modiano có lí lịch bất minh của mình. Thậm chí căn nhà số 2, Phố Những Cửa Hiệu U Tối cũng là địa chỉ mà Patrick từng sống thật ngoài đời.
Để hiểu hoàn toàn về cuốn sách, ta cũng nên hiểu về nước Pháp, nhất là giai đoạn Thế chiến Thứ Hai, những ngày người Pháp nằm dưới gót giày của Đức Quốc Xã. Đó là một trong những giai đoạn u tối và đáng xấu hổ nhất trong lịch sử người Pháp, người Paris. Ta cũng nên biết về Patrick Modiano, bởi tất cả những gì đằng sau mọi cuốn sách của ông đều mang cái bóng của chính ông, dù ít dù nhiều. Và cũng chính bởi vậy, ta nên tìm đến những tác phẩm khác của ông, đấy là gợi ý cá nhân của mình.
Kết thúc bài viết, xin gửi đến một câu văn trong cuốn sách:
"Trong cuộc đời, không phải tương lai, mà quá khứ mới là đáng kể"