Phiên dịch viên, một công việc tưởng chừng chỉ cần kĩ năng ngoại ngữ siêu việt là đủ, tuy nhiên để có thể hỗ trợ truyền đạt một cách đầy đủ ý tưởng sang ngôn ngữ đích thì còn những kĩ năng khác không kém phần quan trọng:

Yếu tố thứ nhất: Thuần thục ngôn ngữ gốc

- Điều này tưởng chừng như đơn giản, tuy nhiên rất nhiều người học hay sử dụng ngoại ngữ thường xuyên đã, đang và sẽ gặp hội chứng Tiêu biến ngôn ngữ (first-language attrition).
- Hội chứng trên có thể gây rắc rối khi bạn đang phiên dịch và không thể nhớ được từ tương ứng trong tiếng Việt mà thay vào đó là ngôn ngữ bạn đang học. Hội chứng này cũng không phân chia từ khó hay dễ, và thường xuyên thấy nhất là trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Nếu không thực sự chú ý sửa đổi từ sớm, nó có thể gây ra những điểm trừ ngớ ngẩn như khi thay vì sử dụng từ ‘’Ăn’’ cho ‘’Eat’’ thì bạn bị đứng hình mất mấy giây, hay tệ hơn là khi không thể nào nhớ ra được từ tương ứng và phải chơi ‘đuổi hình bắt chữ’ với khách hàng.
- Bên cạnh đó, với 3 miền Bắc, Trung, Nam và 63 tỉnh thành trên cả nước, tiếng Việt có rất nhiều biến thể và từ địa phương, việc trau dồi kiến thức phải được tiến hành hằng ngày và trở thành điều tất yếu như việc ăn uống vậy.

Yếu tố thứ 2: Kiến thức ngành

- Trong giao tiếp cơ bản, ngôn ngữ cơ thể là một trong những công cụ đắc lực để truyền tải ý nghĩ, tuy nhiên trong một số trường hợp thì việc khoa chân múa tay không thực sự hiệu quả.
Ví dụ, một bác sĩ cho rằng bệnh nhân của mình đang có dấu hiệu bệnh phụ khoa, và để chắc chắn hơn thì ông cần phải xem trực tiếp, tuy nhiên sau đó thay vì được bệnh nhân cảm ơn thì ông lại bị tố cáo là tên biến thái bệnh hoạn chuyên quấy rối người bệnh. Hậu quả của rào cản ngôn ngữ có thể còn nặng nề hơn nhiều nếu chủ đề là tòa án và phán quyết đưa ra sai lầm do bất đồng ngôn ngữ.
- Ví dụ trên chính là lý do tại sao việc có phiên dịch viên chuyên biệt cho nhành Y tế, Luật, Ngân hàng, … là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó việc học một lĩnh vực chuyên sâu cũng làm tăng thu nhập đáng kể trong bất cứ ngành nghề nào.
Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.

Yếu tố thứ 3: Được công nhận

- Khách hàng không có thời gian gặp và thử việc với tất cả mọi ứng viên, do đó bằng cấp hoặc lời giới thiệu từ người quen là những bảo bối giúp chúng ta ghi điểm và tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng, cũng mở ra các cơ hội mới trong tương lai.
‘’Chúng ta đánh giá bản thân qua những việc mình có thể làm, người khác đánh giá chúng ta qua những việc đã làm’’.

Yếu tố thứ 4: Kỹ năng mềm

- Phiên dịch viên không phải con vẹt, ngoài việc nhắc lại lời khách hàng, việc truyền tải cảm xúc, thái độ cũng như ý nghĩa của lời nói cũng góp phần rất quan trọng đến tính toàn vẹn của cuộc nói chuyện.
- Khách hàng có việc vui, giọng nói hào hứng và một nụ cười sẽ nhân đôi sự vui mừng. Khách hàng có chuyện buồn, giọng nói trầm và thấu cảm góp phần san sẻ nỗi đau.
‘’Dùng tai để nghe và dùng tâm để nói, trái tim sẽ chạm đến trái tim’’.

Yếu tố thứ 5: Thấu hiểu văn hóa

- Phiên dịch viên cần nắm được đặc trưng văn hóa cũng như khác biệt giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đich, qua đó có thể tránh được những hiểu lầm không đáng có và có thể hòa giải những xung đột do sự khác biệt trong niềm tin, tín ngưỡng, phong tục tập quán, … gây ra.
‘’Tôn trọng công việc và toàn tâm toàn ý sẽ dẫn đến thành công’’.