Trong quá trình làm dự án luận văn về tâm lý học, tôi đã gặp rất nhiều câu hỏi, thắc mắc liên quan đến chủ đề “Sự thay đổi thành phiên bản hiện tại của bản thân là tích cực hay tiêu cực?”. Vậy nên, hôm nay tôi sẽ đi sâu làm rõ vấn đề ấy dựa trên góc nhìn của mình.
Lấy bạn tôi làm trường hợp cụ thể để dễ hình dung. Cô ấy là một người bản chất vốn lương thiện, rất yêu gia đình và sống có mục tiêu. Nhưng mục tiêu của cô ấy đặc biệt ở chỗ, lại chính là “động lực thúc đẩy” khiến cô khao khát được nắm giữ trong tay quyền lực, danh tiếng và địa vị xã hội hơn bao giờ hết. Cô hạnh phúc khi nhận được sự công nhận từ mọi người. Quy chung về tất cả là để có thể bảo vệ và đem lại những gì tốt đẹp nhất cho gia đình, bản thân và rộng hơn là xã hội. Nhận thấy được sự bất bình đẳng trong thế giới đang sống, nên từ sớm cô đã hình thành suy nghĩ nhất định phải đạt được mục tiêu đó. Tất nhiên, không chỉ là lời nói suông, những hành động mà bạn tôi làm được đã từng bước giúp cô ấy đến gần mục tiêu của mình hơn.
Rồi một ngày, cô ấy tâm sự với tôi, những hành động hiện tại của bản thân dường như đang dần thay đổi, cô không còn là mình của ngày xưa nữa. Thậm chí tệ hơn, đã trở thành người mà trước kia bản thân ghét từ lúc nào không hay! Nỗi sợ sẽ trở nên sa ngã và hư đốn, mà cô cho rằng khi đứng giữa nhiều sự lựa chọn, ắt phải đánh đổi và hy sinh. Có lúc cô lại thấy vui và đắm chìm, lúc lại cảm thấy hối hận, thậm chí là sợ hãi với con người của hiện tại.
Có bạn nào đã từng trải qua trường hợp tương tự như vậy chưa? Khi ước mơ và mục tiêu của mình đặt ra ở ngưỡng cao. Vốn đã từng sợ hãi, không hành động và cũng không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Cho đến khi quyết tâm thay đổi, thì dần dà lại nhận ra bản thân mình không còn là con người của ngày trước nữa? Lúc ấy, tần suất xuất hiện của “cuộc chiến nội tâm” ngày một trở nên dày đặc hơn, có lúc tự hỏi liệu phiên bản này của bản thân là dấu hiệu tích cực của sự phát triển hay là đã dần trở nên tiêu cực? Vì đi ngược lại với giá trị sống, với lý tưởng được xem như “chân ái” trước kia của mình?
Thực chất, đây là một tâm lý dễ thấy ở con người. Khi đứng trước ngã rẽ (bản thân của quá khứ và bản thân ở hiện tại) và nhận thấy sự thay đổi khác biệt rõ rệt, hoàn cảnh này sẽ đẩy cho tiếng nói nội tâm (inner voice) được làm việc nhiều hơn. Sự đấu tranh tâm thức xảy ra là vì ở mỗi bản thể đều có lòng tự trọng và bản ngã (ego) của mình. Một khi “chạm” vào cái gọi là tự trọng hay cái Tôi (đạo đức ta cho là chuẩn mực) thì sẽ sinh ra tâm lý kháng cự.
Đối với cá nhân, tôi không phán xét những con người tham vọng. Bởi vì với những tập thể/cá nhân mặc dù có tài năng, nhưng lại thiếu đi sự tham vọng thì sẽ khó mà làm nên chuyện lớn. Tất nhiên, còn phải xem mục đích của tham vọng đó là gì? Liệu có giúp ích hay đóng góp được gì hay không? Còn nếu chỉ vì tư lợi, mang mục đích xấu thì sẽ rất nguy hại.
Sẽ là một khái niệm hoàn toàn khác khi so sánh giữa 2 câu nói: “Tham vọng khiến cho bản tính trở nên thay đổi” và “thay đổi để rồi củng cố tham vọng”. Nếu vế đầu tiên nói sự thay đổi có thể mang đến chiều hướng tiêu cực, thì vế thứ 2 lại mang tính tích cực hơn.  
Trước tác động về sự thay đổi của các sự vật, sự việc bên ngoài như hoàn cảnh, môi trường, các mối quan hệ xã hội, điều kiện sống hay làm việc... Hoặc bên trong, như các nhu cầu của bản thân rồi sẽ thay đổi và khác đi theo từng giai đoạn. Nếu ta cứ cố bám víu, cố chấp vào các thói quen cũ đã hình thành từ trước, bám víu vào cái Tôi (ego) sẽ khiến chúng ta mất đi rất nhiều cơ hội và giá trị lợi ích đáng giá.
Tất nhiên, một lẽ thường, mỗi người chúng ta đều không phải thiên thần, cũng như xã hội vẫn luôn cần có sự tồn tại của chính quyền. Vậy nên, việc nhìn nhận cuộc sống dưới một góc độ thực tế là điều cần thiết, mặc dù bên cạnh đó sự hiện diện của tâm thức không phải là không có.
Mở rộng hơn khái niệm thay đổi của cá nhân sang sự thay đổi (đổi mới) trong lĩnh vực kinh doanh. Khi các “tay chơi” dám đi ngược số đông để thực hiện những ý tưởng đột phá.
Nhắc đến Sony và Apple – Đều là những thương hiệu tầm cỡ hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị công nghệ hiện đại.
Vào những năm sản phẩm Sony Walkman ra đời, đã “làm mưa làm gió” một thời gian dài. Đây là một trong những phát minh làm thay đổi phong cách nghe nhạc của nhân loại, thay thế cho chiếc Radio cồng kềnh, bất tiện trước đó. Hay chuỗi các series sản phẩm sáng tạo của Apple  từ Ipot, Imac cho đến Iphone đều là những tác phẩm công nghệ đem lại giá trị cao cho người sử dụng. Đặc biệt, điểm chung của cả hai Ông lớn này là đều tạo ra sản phẩm, thiết bị công nghệ mang tính định hướng, đột phá thay vì chỉ đi theo “nhu cầu thị trường”.
Có một câu nói thế này mà tôi sưu tầm được: “Khi không thể là người đầu tiên trên một sân chơi đầy rẫy “tay chơi” kì cựu, hãy tự tạo một “sân chơi” cho riêng mình mà ở đó thương hiệu có cơ hội rất lớn trở thành kẻ dẫn đầu”. Thế nên, trong một số trường hợp, chúng ta nhất thiết phải thay đổi, không chỉ để thỏa mãn nguyện vọng cá nhân, mà còn để tạo nên sự khác biệt.
Khi không thể là người đầu tiên trên một sân chơi đầy rẫy “tay chơi” kì cựu, hãy tự tạo một “sân chơi” cho riêng mình mà ở đó thương hiệu có cơ hội rất lớn trở thành kẻ dẫn đầu
Giống như việc kể từ khi xây dựng thương hiệu cá nhân, tôi đã xác định bản thân mình rồi sẽ phải thay đổi. Nếu như trước kia, tôi không thích “xuất hiện” quá nhiều, không thích chia sẻ những gì mình biết và hầu như tất cả mọi thứ đều muốn giữ ở chế độ privacy. Thì giờ đây, tôi phải cởi mở hơn, giao thiệp và public bản thân mình nhiều hơn... Trong quá trình ấy, khá nhiều lời nhận xét bảo rằng tôi của hiện tại khác quá. Nhưng “It’s Okay”, những gì mà tôi làm đang giúp tôi tốt lên từng ngày, và tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ, dù biết là thay đổi sẽ đem lại giá trị tốt hơn, nhưng nhiều người lại chọn cách thức hành động, phản ứng khiến cho bản thân bị mất mát, thất bại hay tổn thương, chỉ vì sự cố chấp nhất quán. Có thể thấy trong khi làn sóng dịch Covid xảy ra, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng hoạt động sang phương thức kỹ thuật số, nhưng cũng có nơi lại bắt đầu xuất hiện tâm lý “chùn tay” vì vẫn giữ niềm tin “kinh doanh truyền thống mới là cách thức tốt nhất” hay một niềm tin cố hữu nào đó khác...
Sống trên đời, đôi khi khó tránh khỏi cái gọi là “miệng lưỡi thiên hạ”. Nó đem đến sự nguy hiểm và được ví là “sắc nhọn” hơn cả lưỡi dao. Vậy nên, để giữ vững được giá trị và chân lý sống, nếu biết bản thân là một người dễ bị tác động, thì hãy học cách thay đổi giúp mình trở nên kiên định, mạnh mẽ hơn để vượt qua.
Đến đây, tôi lại nhớ đến Hoa hậu H’Hen Niê với tấm lòng nhân ái bị dư luận “bủa vây”. Vào thời điểm cả nước cùng hướng về miền Trung bão lũ, cô đã quyên góp 50 triệu đồng để hỗ trợ đồng bào. Nhưng tấm lòng ấy lại bị đem ra cân đo đong đếm, nhiều người cho rằng con số này quá ít ỏi và thậm chí buông lời khẳng định nàng Hậu keo kiệt. Dư luận đã đẩy sức ép lên H’Hen Niê khiến cô phải bật khóc. Vậy lúc đó, mấy ai quan tâm 50 triệu đồng ấy là tất cả những gì cô gái Ê-đê có?
Hay khi thời điểm dịch bùng phát trở lại, với số tiền 50 triệu đồng, một lần nữa được ủng hộ cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, trước hành động này, những gì H’Hen Niê nhận lại là lời “nhắc nhở” từ cư dân là không quan tâm đến quê hương. Khi lúc đó, ở ĐakLak có 3 ca nhiễm bệnh mà cô chưa quyên góp gì.
Như vậy mới thấy, cuộc sống khắc nghiệt, có mấy ai thực sự mặc kệ được lời dèm pha để tiếp tục thực hiện nghĩa cử chính đáng, dù chỉ là chính đáng với bản thân? Hẳn đó phải là một người đáng nể phục. Điều đáng mừng, bản chất là giữ nguyên, còn bản tính, chúng ta vẫn có thể thay đổi.
Sự thay đổi này liên quan đến khái niệm “hệ quy chiếu”. Hệ quy chiếu là cách chúng ta lấy những sự vật, sự việc hay đối tượng mục tiêu làm phạm vi tham chiếu. Không có gì là tích cực và tiêu cực hoàn toàn, cũng như tốt và xấu cũng chỉ là khái niệm tương đối.
Khi đặt vào hệ quy chiếu A, hiện tượng M là tốt. Nhưng khi đặt vào hệ quy chiếu B, hiện tượng M lại là xấu.
Vậy nên, khi muốn thay đổi (bản tính) theo hướng tích cực hơn, chúng ta hãy thay đổi phạm vi tham chiếu thông qua một số cách thức như đặt mục tiêu đáp ứng khả năng, thay đổi góc nhìn về một sự việc hay chỉ là hướng sự tập trung vào cá thể khác, phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại của mình...
Giống như hiện tượng Phở 24 đã áp dụng thành công việc đề ra mục tiêu và hướng sự tập trung vào dịch vụ và chất lượng sản phẩm để phục vụ khách hàng. Nếu như trước kia, theo quan niệm của đa số, quán phở truyền thống phải là quán vỉa hè hay ngõ hẻm xập xệ, chen chúc và thậm chí nhiều... rác, thì Phở 24 ra đời đã làm thay đổi góc nhìn, quan niệm và thói quen “ăn phở” của một bộ phận dân thành thị. Thương hiệu đã thay đổi “phạm vi tham chiếu về phở” với quán ăn sang trọng, sạch sẽ dành cho những người quan tâm đến sự tiện nghi và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cuối cùng, muốn thành công và tồn tại trong thế giới đầy cạm bẫy và khó khăn, trốn tránh không phải là cách, dám đổi thay và đối mặt với số phận mới là điều chúng ta cần làm.
Mỗi người đều tự do trong cách lựa chọn phản ứng trước hoàn cảnh. Vấn đề không phải là chúng ta mong đợi gì từ cuộc sống, mà vấn đề là cuộc sống mong đợi gì ở chúng ta. Vậy nên, việc thay đổi thành một phiên bản khác của chính mình là tích cực hay tiêu cực, thì phải xem lại hệ quy chiếu (mục đích, giá trị sống và hướng đi trong tương lai) của bản thân là gì. Không ai có thể trả lời thay bạn, vì chính bạn mới là người hiểu mình nhất mà thôi.
* Bài viết có chứa quan điểm và góc nhìn cá nhân