(spoiler alert: The Medium)
Zdzisław Beksiński sinh ra và lớn lên tại Sanok, một thành phố có sức chứa 40,000 dân cư trực thuộc phía Đông Nam của Ba Lan, có chung đường biên giới với Slovakia và cách cựu thủ đô Krakow 200km. Gần một thập kỷ sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan được thành lập, Beksiński trở về quê nhà và trở thành một họa sĩ. Các tác phẩm của ông, cũng giống như trường phái biểu hiện của điện ảnh Đức trong những năm 1920, đặc tả những cảnh quan siêu hình dị dạng, tàn liệt, rùng rợn, trong đó mọi hữu thể siêu thực dường như lạc lối bên trong thực tại của bức vẽ. Không quá bất ngờ khi những tác phẩm này đến từ một con người trải qua thời thơ ấu dưới bom đạn của Đại Chiến Thế Giới lần hai, tấn bi kịch đã cướp mất sinh mạng của sáu triệu dân cư có cùng chung dòng máu của ông.
Theodor W. Adorno từng cho rằng viết thơ về Auschwitz là hành động man rợ, rằng nghệ thuật gợi nhớ và ẩn ý qua từ ngữ vĩnh viễn không thể nào đặc tả nổi tội ác của nạn diệt chủng. Đó vừa là một lời tuyên thệ gián tiếp dành cho phần còn lại của thế giới, vừa là lời thỉnh cầu khoan dung dành cho một quốc gia từng chứa đựng trại tập trung người Do Thái, chứng kiến những cuộc diễu hành tử thần, và ai oán trước kết thúc đẫm máu của cuộc khởi nghĩa Warsaw. Beksiński là công dân của một đất nước từng trải qua những thảm kịch tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại giữa thế kỷ 20, và những tác phẩm thời hậu chiến của ông mang trong mình tinh thần tinh thần của Adorno: nói lên sự tàn bạo của chiến tranh bằng một thứ ngôn ngữ không lời.


"Tất cả bắt đầu với cái chết của một cô bé. Ánh trăng, mùi gỗ thông, rồi đến tiếng súng. " Marianne thuật lại cảnh tượng mà cô gọi là vết sẹo bên trong ký ức, một phần trong cô mà cô không thể hiểu được. Cô còn có một vết sẹo bỏng trên khuôn mặt từ thời thơ ấu, và cô có khả năng giao tiếp với những linh hồn chết. The Medium mở màn khi Marianne chuẩn bị chôn cất người cha nuôi Jack trong một căn hộ tinh tươm tại Krakow. Khắp văn phòng ông là những bộ huân chương từ Công đoàn Đoàn kết, một chiếc thánh giá, một bức họa "Đức Mẹ Đen của Częstochowa", và một tấm hình lễ tốt nghiệp của Marianne. Ông là một người cha tốt, một tín đồ Thiên Chúa lương thiện, và một nhà ái quốc thực thụ. Ông trải qua cuộc đời mình giữa thời chiến và rời bỏ nó với kỷ vật duy nhất là một chiếc kẹp cà vạt cờ Ba Lan được đượm bởi chính con gái của mình.
Đó là những ngày giông mưa của tháng 10 năm 1999, nửa năm sau khi Ba Lan cùng Hungary và Cộng Hòa Séc gia nhập NATO. Thế nhưng tàn dư của chiến tranh vẫn không ngừng đày đọa những con người đang gần bước đến bình minh của tân thiên niên kỷ. Marianne đặt chân đến Niwa, một khu nghỉ dưỡng công đoàn bị bỏ hoang sau thời Soviet, với một lời đề nghị vén màn quá khứ của cô, cũng là thứ có liên quan mật thiết đến sự sụp đổ của Niwa. Giữa những hành lang mục ruỗng, nước rỉ qua từng vách gạch, kính vỡ liểng xiểng, cột chống tầng đổ nát là các bức thư, tài liệu cháy xém loang mực, nhưng đủ để đọc và diễn giải được rằng nó từng là địa điểm chức sắc họi hộp và được pháo đài bảo hộ trong thời chiến. Càng đào sâu vào trong những căn phòng lặng gió của Niwa, Marianne càng tìm ra được nhiều sự thật về nó, rằng Niwa không trở nên toàn thây bởi bom đạn, mà bởi những vết thương tinh thần vương vấn qua nhiều thập kỷ.
Trong nhiều thời điểm, màn hình của The Medium chia làm đôi để hình ảnh hóa khả năng nhập vào "linh giới" của Marianne, một nửa đặt cô giữa hàng bê tông thối rữa xám xịt của thế giới thực, nửa còn lại là một thực tại bị nhấn chìm trong cát vàng và xẻ đôi bởi những bức tường mặt người, như thể cái thế lực siêu hình trong tranh của Beksiński vừa xé toạc chiếc lồng giấy của chúng để quấy nhiễu không gian ba chiều. Giữa hiện thực ngổn ngang là vô vàn những đồ vật đời thường mang trên mình vết nứt thời gian, vang vọng những cuộc trò chuyện (hay thỉnh thoảng là lời cầu cứu) từ những người đã lìa đời trong một cuộc thảm sát từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng chỉ được nghe và gợi nhớ là chưa đủ. Marianne còn có thể chạm vào những tấm gương để nhập hẳn vào linh giới, tìm kiếm những hữu thể còn tồn tại như ký sinh trùng, vĩnh viễn mắc kẹt bên trong những bức tường thịt dị thường. Ở thế giới thực, hình bóng của các tử nhân quanh quẩn giữa những chiều không gian câm lặng xung quanh Marianne. Ở linh giới, họ cào cấu mọi mảng khí trời để không phải tiếp tục cảnh chết không toàn thây. Người chết và người của quá khứ trở thành một, cùng san sẻ nỗi đau bất diệt của thời gian, bất chấp cách biệt trong không gian.
Ám hồn, theo như Marianne, là thứ "không thể tự rời đi". Bên ngoài, chúng có thể là những hình bóng ảm đạm, những âm thanh lạ, hay những cảm giác bất thường, nhưng với The Medium, ám hồn còn là những thực thể phá vỡ quy luật niên đại để cho thấy rằng quá khứ luôn có thể mơn mớn vào hiện tại. Đó là lý do vì sao ám hồn có mối quan hệ mật thiết với những vết thương, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nếu như Neil Gaiman cho rằng thánh thần chỉ ngừng tồn tại khi không còn ai tin, nhớ đến hay thờ phụng họ, thì The Medium khẳng định ám hồn chỉ có thể tan biến khi họ được thứ tha.




Các bức tranh (đa phần không được đặt tên) của Beksiński thường đặc tả sự tàn bạo bên trong hình thái vô cảm. Chúng ta có một khuôn mặt sần sùi kẽm đen xám thay cho phần da, cặp hốc mắt rỗng, đội mũ stahlhelm của Lính Đức, nhìn hướng lên như một động tác nhại poster tuyên truyền của người Soviet. Chúng ta có một cánh cổng lớn chứa đựng một khuôn mặt không có mắt khác, với phần cằm kéo dài xuống mặt đất tạo nên hình thù của một chiếc mặt nạ khí gas. Chúng ta có hai bộ hài cốt ôm nhau sầu muộn giữa bức tường cát (mà những ai đã từng trải qua Spec Ops: The Line có thể sẽ thấy quen thuộc). Chúng ta có hàng chục bộ hài cốt dính vào nhau bởi một chất liệu trông như mạng nhện, vướng víu tới mức họ trông như một khối chi co cụm xen giữa nhau, cố hướng tới một cánh cửa bị chặn bởi tường gạch, với chung quanh là những khuôn mặt ám hồn cũng bối rối không kém trước tình cảnh tréo ngoe này.
Beksiński không vẽ nên thảm kịch bằng máu và xác chết. Ông vẽ ra hiện thân của thảm kịch từ những cảm xúc rối bời nhất của con người.


Bao quanh Niwa là khu rừng mộc với vô vàn cành gỗ rơi lản nhản. Những con đường mòn vẫn hiện diện rõ giữa các tràng cỏ dại, nhưng tuyệt nhiên không có sự xuất hiện của hoa, nấm, thảo dược hay bất kỳ dấu hiệu của sự sống tự nhiên nào ngoài xác chết thối rữa của hai con hươu. Cuộc thảm sát tại Niwa dường như đầu độc cả thực tại bên ngoài nó.
Marianne khám phá ra rằng sự kiện này là kết cục của một chuỗi những thảm kịch được giáng lên và chịu đựng bởi nhiều thế hệ. Tình bạn giữa một cô bé người Do Thái tên Rose và một cậu bé Ba Lan theo đạo Thiên Chúa tên Richard Tarkowski sớm bị cắt đứt khi cha dượng của Richard bán đứng Rose cho Phát Xít Đức. Mẹ Richard, sau nhiều năm tháng chịu cảnh áp bức của gã chồng vũ phu, tiết lộ hành tung bội phản của y cho phe kháng chiến, rồi họ treo cổ y bên trong gác xép của lâu đài Tarkowski. Những cái chết đó, cộng với người cha đẻ đã hy sinh trong thời chiến, đưa Richard vào vòng xoáy vô tận của chấn thương lòng. Nhiều thập kỷ sau, hắn lạm dụng Lilianne, em gái của Marianne. Từ đó một sinh vật mang tên "The Maw" (bộ hàm) hình thành từ nỗi đau của Lily. Đầu của nó có một mảng da bọc xương dáng lưỡi liềm, nội tạng phần bụng lộ thiên, cặp cánh rách rưới, mồm không ngừng thèm khát muốn mặc bộ da từ nạn nhân của nó, và nó cũng là kẻ chủ mưu đằng sau cuộc thảm sát tại Niwa.
(Lily - hoa loa kèn - là một loài hoa tượng trưng cho sự phục hồi bản chất thuần khiết của một linh hồn, sau khi thân thể của linh hồn đó đã lìa đời.)
Những nhân vật trong The Medium dùng phản ứng của họ trước nỗi đau trong quá khứ để mở ra định mệnh trong tương lai. Quan niệm này, một mặt cổ vũ một định hướng đạo đức tiêu cực, rằng những ai từng chịu ngược đãi sẽ có khả năng ngược đãi một sinh thể khác và họ sẽ tìm cách bào chữa cho hành vi không thể thứ tha của mình, nhưng mặt khác, nó gợi ý về niềm lạc quan, rằng ánh sáng sẽ bước ra từ hoàn cảnh mang trong mình năng lực làm dịu nguội bóng tối. Marianne và cha đẻ của cô, Thomas, là hai bản ngã đối lập của một "medium". Marianne trò chuyện với những ám hồn với lòng cảm thương tối thượng cùng niềm mong muốn giải thoát họ bằng mọi giá, trong khi Thomas lấy việc vùi dập ám hồn bằng năng lực tâm linh của mình làm thú tiêu khiển. Marianne đánh mất cuộc đời và gia đình ruột thịt của mình từ thuở thơ ấu, còn Thomas không chỉ bị cướp đi hai đứa con gái, mà còn chịu cầm tù bởi Phát Xít lẫn thể chế quốc gia thời hậu chiến trong nhiều năm sau. Marianne được nuôi dậy bởi một nhà ái quốc từng cống hiến cuộc đời mình để đấu tranh giành lấy tự do cho đồng bào, trong khi Thomas dành lấy phần đời còn lại quanh quẩn bên trong một căn hầm trú ẩn dưới Niwa giữa những hồn ma từ quá khứ, dằn vặt bởi những chuỗi ác báo định hình nên bản thân mình.
The Medium kết thúc khi mặt trời vừa ló dạng, mùi gỗ thông, rồi đến tiếng súng. Đó là một trong những ngày thu cuối cùng của năm 1999, và lại có thêm một thảm kịch nữa rồi sẽ đeo đuổi họ sang tân thiên niên kỷ.


Zofia, vợ của Beksiński, qua đời do căn bệnh ung thư vào năm 1998. Con trai ông Tomasz tự sát vào giáng sinh năm 1999. Sáu năm sau vào cuối tháng 2 năm 2005, ông được phát hiện đã qua đời trong căn hộ tại Warsaw. Thủ phạm là con trai một người giữ nhà lâu năm của Beksiński. Sau khi Beksiński từ chối cho hắn vay một số tiền tương ứng với khoảng 100 USD, hắn cùng một tên bạn dùng dao đâm ông 17 lần.
Thế nhưng, bi kịch lớn nhất về cuộc đời của Beksiński có lẽ không phải là cái cách mà ông và người thân của ông qua đời. Hơn một thập kỷ sau, người dân Ba Lan xuống đường biểu tình các đề nghị cải cách giới hạn nhân quyền của Chính đảng Bảo thủ. Thất bại đồng nghĩa với sự thật rằng, nỗi đau luôn đâm xuyên qua nhiều thế hệ, dẫu cho thời thế có đổi thay hay mục tiêu tranh đấu không còn như xưa. The Medium cảnh báo về hiện tại khi nó bị quá khứ dẫm đạp lên - cũng giống như cái cách khối hài cốt hướng về bức tường gạch một cách tuyệt vọng, và hình ảnh đó sẽ xé toang chiếc lồng giấy rồi chảy vào thực tại - nếu như chúng ta rời bỏ thế giới này mà không để lại tối thiểu một giọt lệ của lòng khoan dung.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hell is other people: a biopic uncovers the dark, dysfunctional family life of a great Polish artist
The Darkness of the Moral Compass Is Exposed in Spec Ops: The Line
Poland: Lech Wałęsa warns against 'undemocratic' curbs on court