Pháp chân đế #8: Tâm biết đối tượng
Nếu chúng ta hiểu một cách rõ ràng rằng không phải là một tự ngã nào suy nghĩ, mà chỉ là tâm nhận biết một đối tượng và suy nghĩ về đối tượng ấy, thì khi ấy có thể có duyên cho tuệ giác (paññā) phát triển để biết được đặc tính của thực tại.
Theo cuốn Aṭṭhasālinī, chú giải của Bộ Pháp Tụ (Dhammasangaṇi), cuốn sách đầu tiên trong tạng Vi diệu pháp thì tâm được gọi như thế do các khía cạnh sau:
Được gọi là tâm (citta) vì nó suy nghĩ (cinteti) về một đối tượng, nó biết một đối tượng một cách rõ ràng
Được gọi là tâm vì nó được tích luỹ do năng lực của luồng tốc hành tâm (javana) trong lộ tâm
Được gọi là tâm vì nó là pháp tích luỹ quả của Nghiệp và phiền não
Được gọi là tâm vì nó có tính đa dạng theo hoàn cảnh: Tâm đa dạng vì nó kinh nghiệm nhiều loại đối tượng khác nhau; Tâm đa dạng bởi các tâm sở (các pháp tương hợp) sinh kèm khác nhau
Được gọi là tâm bởi khả năng tạo ra nhiều hiệu ứng khác nhau.
I. Tâm là thực tại suy nghĩ
Tất cả chúng ta đều suy nghĩ rất nhiều. Nếu ta nhận ra mình đang suy nghĩ, và suy xét điều ấy một cách cẩn trọng thì ta sẽ thấy chúng ta thật sự bận bịu suy nghĩ, ta có thể suy nghĩ liên tục về nhiều thứ khác nhau trong một khoảng thời gian dài. Ta cũng sẽ nhận ra rằng không thể nào ngăn cản suy nghĩ được, nó luôn luôn xảy ra. Một số người không muốn suy nghĩ, họ thấy rằng khi suy nghĩ thì họ lo lắng, bất an, trạo cử hoặc bối rối bởi tham hoặc sân, vì thế họ muốn ngăn cản, muốn dừng suy nghĩ, muốn yên tĩnh.
Chúng ta cần hiểu rằng tâm thực chất là một thực tại suy nghĩ. Sắc thì không thể nghĩ. Khi suy xét về những đối tượng mà tâm nghĩ tới chúng ta có thể biết tại sao tâm lại nghĩ về đối tượng ấy cho dù đôi khi chúng ta không hề thích thú đối tượng đó. Việc tâm sinh khởi và suy nghĩ đi suy nghĩ lại về những đối tượng xuất hiện qua các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không chỉ là hoàn toàn tự nhiên mà còn là không thể tránh khỏi. Chúng ta tưởng rằng những chủ đề tâm nghĩ tới đều rất nghiêm túc và quan trọng nhưng không phải thế, suy nghĩ tự sinh khởi bởi duyên và chủ đề xuất hiện cũng là do duyên đem tới với suy nghĩ - một thực tại không nằm trong vòng kiểm soát của một tự ngã nào hết. Nếu tâm không sinh khởi và suy nghĩ về những gì chúng ta cho là rất quan trọng thì những thứ tưởng chừng "quan trọng" ấy cũng chẳng hề tồn tại chút nào.
II. Cách tâm kinh nghiệm khác với cách tâm sở kinh nghiệm
Các tâm sở cũng là các thực tại kinh nghiệm đối tượng như tâm, nhưng tâm mới là pháp dẫn đầu trong việc nhận biết đối tượng. Các tâm sở sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng cùng với tâm, nhưng mỗi tâm sở đảm nhận một chức năng riêng biệt. Ví dụ tâm sở xúc (phassa cetasika), tâm sở này đảm nhận chức năng tiếp xúc với đối tượng. Nếu xúc tâm sở không sinh khởi và đảm nhận chức năng tiếp xúc này thì tâm đồng sinh với nó không thể kinh nghiệm được đối tượng. Cách mà xúc tâm sở kinh nghiệm đối tượng ở khoảnh khắc nó sinh khởi chỉ là xúc chạm đối tượng, còn cách mà tâm kinh nghiệm đối tượng ở cùng khoảnh khắc đó là nhận biết rõ ràng đối tượng.
Một ví dụ khác là tâm sở trí tuệ (paññā cetasika), tâm sở này kinh nghiệm đối tượng bằng cách biết rõ đặc tính vô ngã/vô thường của đối tượng đang xuất hiện, nó xuyên thấu đặc tính của đối tượng. Như vậy cách tâm (citta) nhận biết rõ ràng đối tượng thì khác với cách mà xúc (phassa) tiếp xúc với đối tượng, khác với cách mà tưởng tâm sở (saññā cetasika) đánh dấu đối tượng và cũng khác với cách mà trí tuệ (paññā) xuyên thấu bản chất của đối tượng.
III. Tâm nhận biết rõ đến chi tiết
Tâm là một thực tại thấy và biết rõ ràng, nó dẫn đầu trong việc nhận biết tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhất của các đối tượng khác nhau. Lấy ví dụ tâm nhãn thức đang sinh khởi ngay khoảnh khắc hiện tại. Bất cứ khi nào mầu sắc xuất hiện, dù là mầu sắc của một viên kim cương thật hay của một viên kim cương giả, mầu sắc của ngọc, của đá, hay mầu sắc xuất hiện trong cặp mắt đang ghen tỵ của ai đó, tất cả những mầu sắc ấy đều xuất hiện trước tâm thấy (nhãn thức) một cách khác nhau. Nhãn thức biết rõ tất cả các mầu sắc của các đối tượng khác nhau và như vậy, ý nghĩa của mọi thứ có thể được nhận biết, hình dạng của mọi thứ có thể được nhận biết và những suy nghĩ về đối tượng xuất hiện qua mắt có thể được tiếp tục.
Lấy ví dụ về đối tượng âm thanh. Âm thanh xuất hiện qua nhĩ căn chỉ có một hay có nhiều? Có nhiều, mỗi âm thanh đều khác biệt tuỳ thuộc vào các duyên tố khác nhau tạo nên sự sinh khởi của âm thanh ấy. Cho dù có bao nhiêu âm thanh khác nhau thì tâm nghe (nhĩ thức) vẫn biết rõ sự xuất hiện của chúng. Nhĩ thức có thể biết rõ âm thanh của sự giễu cợt, nhạo báng, miệt thị, âm thanh của một cái quạt, một thác nước, một tiếng khóc hay của một con thú, cả tiếng người bắt chước thú ... Tâm nghe có thể nghe và biết rõ các chi tiết khác nhau của những âm thanh khác nhau.
Tương tự, tâm ngửi (nhĩ thức) sinh khởi có thể nhận biết rõ các mùi khác nhau đang xuất hiện. Nó có thể biết mùi các loại thú khác nhau, các loại cây hoa, các loại thức ăn khác nhau, mùi của món cà ri, đồ ngọt .... Ngay cả khi không nhìn thấy, chúng ta chỉ ngửi cũng có thể biết mùi đó là gì. Tâm kinh nghiệm vị giác qua lưỡi (thiệt thức) thì có thể biết rõ các vị khác nhau: vị của thịt, của rau, của trái cây, trà, cà phê, của đường, muối, nước chanh, nước cam ... Tất cả các vị ấy đều hoàn toàn khác nhau nhưng tâm nếm vẫn có thể biết rõ từng vị một đang xuất hiện. Tâm nếm có thể nhận biết những sự khác biệt vi tế nhất về vị một cách chi tiết. Tâm kinh nghiệm đối tượng xúc chạm in dấu lên thân căn thì biết rõ sự khác biệt giữa những đối tượng xúc chạm khác nhau. Chẳng hạn nó biết đặc tính lạnh của thời tiết, đặc tính của lụa hay len chạm vào thân căn...
IV. Mỗi loại tâm nhận biết một và chỉ một loại đối tượng
Có người nói rằng khi người ấy đứng trên đường, người ấy hiểu rõ đặc tính cứng đang xuất hiện lúc đó, rằng người ấy biết rõ đây là tính cứng của con đường, đây là tính cứng của giầy, đây là tính cứng của tất.... Nhưng thực ra như thế không phải là hiểu rõ đặc tính cứng, mà chỉ là suy nghĩ về khái niệm "đặc tính cứng". Tâm biết rõ đặc tính cứng (Tâm xúc chạm - thân thức) thì khác với tâm suy nghĩ về khái niệm "con đường cứng", hay "cái giầy cứng", hay "cái tất cứng". Những tâm suy nghĩ này sinh khởi do duyên, nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ ai, nên việc suy nghĩ về những khái niệm đó là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên khi trí tuệ (paññā) phát triển, nó hiểu biết rõ tâm suy nghĩ về con đường, về đôi giầy .... và tâm xúc chạm nhận biết đặc tính cứng đã sinh khởi (và đã diệt đi ngay) ở những khoảnh khắc hoàn toàn tách biệt. Bằng cách ấy, đặc tính của thực tại có thể được biết như chúng là.
V. Chỉ có các tâm kinh nghiệm (trong khoảnh khắc) mà không có người kinh nghiệm
Nếu chúng ta hiểu một cách rõ ràng rằng không phải là một tự ngã nào suy nghĩ, mà chỉ là tâm nhận biết một đối tượng và suy nghĩ về đối tượng ấy, thì khi ấy có thể có duyên cho tuệ giác (paññā) phát triển để biết được đặc tính của thực tại. Tâm suy nghĩ thì khác với tâm thấy. Tâm thấy (nhãn thức) biết một đối tượng qua nhãn căn, còn tâm nghĩ (ý thức) biết một đối tượng qua ý môn. Khi một thực tại xuất hiện qua thân căn với đặc tính cứng hay mềm thì tại thời điểm đó ta vẫn chưa biết cái in dấu lên thân căn là gì. Về sau ta mới biết đối tượng cứng hay mềm đó là gì. Cũng như sau khi chạm vào cái gì đó trong bóng tối, ta bật đèn lên thì mới biết ta đã chạm vào cái gì, tương tự như vậy ta có thể hiểu rằng, tại khoảnh khắc tâm kinh nghiệm tính cứng thì nó không suy nghĩ (cái gì cứng), rằng suy nghĩ lại là một loại tâm khác.
Khoảnh khắc tâm kinh nghiệm tính cứng thì chỉ có duy nhất tính cứng xuất hiện mà thôi, lúc đó không có thế giới của con đường, của giầy hay của tất, không có thế giới của các khái niệm hay thực tại chế định, chỉ có thực tại kinh nghiệm đặc tính cứng. Thực tại kinh nghiệm đặc tính cứng này không phải là ai cả, nó chỉ là một loại danh pháp (nāma) sinh và diệt ngay. Các tâm sinh khởi sau đó để suy nghĩ về cái đã xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi hay ý môn cũng không phải là ai cả mà chỉ là những danh pháp sinh khởi, nghĩ một câu chuyện về cái đã xuất hiện để rồi lại diệt đi ngay. Chúng ta quá bận bịu với các suy nghĩ đó mà quên rằng tâm duy nhất kinh nghiệm tính cứng thì đã (sinh và) diệt đi mất rồi.
Tâm kinh nghiệm tính cứng diệt ngay lập tức, tâm suy nghĩ về tính cứng cũng diệt ngay lập tức. Danh (nāma) sắc (rūpa) sinh và diệt, tâm sinh và diệt, cái này thay thế cái khác một cách liên tục và sắc cũng như vậy. Điều này xẩy ra cực nhanh khiến chúng ta không nhận ra. Từ đó chúng ta cũng không nhận ra rằng danh pháp (nāma dhamma) và sắc pháp (rūpa dhamma) sinh và diệt đều không của ai hay là ai hết, tất thảy đều là vô ngã.
Mỗi khi có tâm sở xúc sinh khởi tiếp xúc với đối tượng thì lại có tâm cùng sinh khởi nhận biết rõ ràng đối tượng dù nó xẩy ra qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay qua ý môn. Khi nói Tâm là một thực tại kinh nghiệm cái gì đó, điều đó có nghĩa là tâm biết những đặc tính khác nhau của các đối tượng khác nhau xuất hiện qua năm căn môn (5 cửa giác quan) hay qua ý môn.
Tâm là một thực tại biết rõ ràng đối tượng, ngược lại đối tượng là một duyên tố (gọi là cảnh duyên - ārammaṇa paccaya) khiến cho tâm sinh khởi. Tâm không thể sinh khởi mà không biết đối tượng.
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất