Pháp chân đế #24: Tính chất muôn màu vẻ của tâm
Hiểu đúng về Giáo pháp không dễ dàng và không thể đạt được một cách nhanh chóng. Đức Phật thuyết pháp để mọi người bền bỉ, có được sự tinh tấn và nỗ lực để suy xét một cách cẩn trọng để có được hiểu biết đúng về Pháp.
Tâm muôn màu vẻ (vicitta) và nó tạo nên rất nhiều hiệu ứng. Cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ có viết:
"... tất cả những hình thái nghệ thuật trên thế giới, riêng hay chung, đều được thực hiện nhờ vào tâm...., tâm thực hiện tất cả những nghệ thuật này cũng đa sắc màu như chính bản thân nghệ thuật vậy. Không, tâm còn đa sắc màu hơn chính bản thân nghệ thuật, bởi vì nghệ thuật không thể thực hiện hoàn hảo từng ý tưởng thiết kế. Vì lý do đó, Đức Thế Tôn đã dạy: "Này chư Tỳ kheo, các ngươi có nhìn thấy một tác phẩm hội hoạ kiệt tác nào chưa?". "Thưa Ngài, có ạ". "Này chư Tỳ kheo, kiệt tác nghệ thuật đó do tâm sáng tác. Thật vậy, này chư Tỳ kheo, tâm thậm chí lại còn đa sắc màu hơn chính kiệt tác đó nữa""
I. Các thể hiện đa dạng
Tâm còn đa dạng hơn tất cả các nghệ thuật trên đời. Sự đa dạng trong các hành động hàng ngày của ta khiến tính chất đa dạng của tâm thật hiển nhiên. Có nhiều loại thiện nghiệp khác nhau: bố thí, trì giới, phát triển tâm trí ..... Có nhiều loại nghiệp bất thiện khác nhau: sát sanh, trộm cắp ..... Tính chất đa dạng của tâm thể hiện qua nhiều loại hành động khác nhau.
Sự thể hiện của các sắc cũng đã rất đa dạng. Lấy các sắc bên ngoài - các sắc không phải chúng sinh - làm ví dụ: Sự đa dạng của thực vật, cây cối, hoa lá, các ngọn núi hay các dòng sông dường như bất tận. Tất cả các sự đa dạng trong tự nhiên này có được là bởi các yếu tố tứ đại (các đặc tính cứng/ mềm, kết dính, nóng/ lạnh, chuyển động hay co giãn) sinh khởi trong các kiểu kết hợp khác nhau. Có nhiều mức độ khác nhau của các đặc tính này của tứ đại, cái sinh khởi cùng nhau theo những kiểu kết hợp khác nhau và đó là lý do khiến sắc bên ngoài rất đa dạng. Tuy nhiên, còn đa dạng hơn cả các sự kết hợp này là tính chất muôn màu vẻ của tâm.
Nghiệp bất thiện có muôn màu vẻ và vì vậy có duyên cho sự đa dạng không kể xiết trong hình hài các loài thú. Có những con thú hai chân, bốn chân, nhiều chân hơn nữa hoặc không chân. Có những con sống dưới nước, sống trên mặt đất .... Nghiệp thiện cũng muôn màu vẻ, khiến cho con người khác biệt nhau về giới tính, dáng dấp hay nét mặt. Tâm muôn màu vẻ trong các hoạt động của nó tới mức cần rất nhiều thuật ngữ để chỉ ra và đặt tên cho các đặc tính xuất hiện này.
Bất kể chúng ta là ai, chúng ta thấy gì, bất kể chủ đề của các cuộc nói chuyện của ta là như thế nào, tính chất muôn màu vẻ của tâm trong các hoạt động khác nhau luôn được thể hiện.
Đức Phật nhắc nhở chúng ta suy xét các đặc tính của tâm ở khoảnh khắc này, khi ta nhận ra sự đa dạng của các hệ quả của tính chất muôn màu vẻ của tâm. Tại thời điểm này, tâm tạo ra các hành động khác nhau và vì vậy sẽ có các kết quả đa dạng tương ứng trong tương lai.
Đức Phật nhắc nhở chúng ta thẩm sát đặc tính của tâm sinh khởi tại khoảnh khắc này và đó là "niệm tâm", một trong bốn niệm xứ. Để có thể hiểu được đặc tính của tâm, ta cần phải hay biết tâm thấy hiện giờ, tâm nghe, tâm ngửi, tâm nếm .... ở khoảnh khắc này, tức là hay biết các tâm sinh khởi dựa trên một trong sáu cửa giác quan.
II. Tâm luôn lui tới các đối tượng
Tất cả chúng ta đều nghĩ về các chủ đề khác nhau và các câu chuyện khác nhau. Tâm là thực tại suy nghĩ. Nếu ta không suy xét tâm khi có cái thấy hiện giờ, hay kinh nghiệm một trong các đối tượng ngũ căn hiện giờ, hay suy nghĩ hiện giờ, khi nào ta mới có thể hiểu được đặc tính của tâm?
Tâm nghĩ về nhiều thứ khác nhau, tâm luôn rong ruổi. Tâm rong ruổi khi có cái thấy qua mắt, nghe qua tai, ngửi qua mũi, nếm qua lưỡi, kinh nghiệm đối tượng xúc chạm qua thân căn và kinh nghiệm đối tượng qua ý môn. Tất cả chúng ta đều thích rong ruổi, hỏi có ai muốn ở yên một chỗ, thụ động, sống một cuộc sống đơn điệu? Chúng ta muốn thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm .... Ta muốn kinh nghiệm tất cả các đối tượng ngũ dục khác nhau, không bao giờ thấy đủ.
Nếu ta thấy được đặc tính của các thực tại như chúng là, ta có thể biết rằng tâm sinh khởi, kinh nghiệm đối tượng rồi diệt đi. Đó là đặc tính thực sự của tâm.
III. Sự bám chấp vào đối tượng và các uẩn
Ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh:
"3) Vô thỉ, này các Tỳ kheo, là sự luân hồi này. Điểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.
...
7) Ví như, này các Tỳ kheo, có con chó bị dây thừng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững chắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột ấy hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, kẻ vô văn phàm phu ... không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã ... quán thọ như là tự ngã... quán tưởng như là tự ngã... quán các hành như là tự ngã .... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức.... người ấy không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức ...."
Như thế, khi mọi người quanh quẩn bên năm uẩn, họ chấp năm uẩn là "ta", là tự ngã. Người hoạ sĩ cho bức tranh của mình là cái gì đó quan trọng và tâm của người phàm phu (người chưa chứng đắc) cũng như vậy, cho các đối tượng ngũ dục - cái thực chất chỉ là sắc - là chúng sinh, con người hay tự ngã, là một cái gì đó tồn tại thực sự, và người ấy sẽ tiếp tục như vậy trong mỗi kiếp sống mới.
Hiện giờ tâm đang sinh và diệt, nối tiếp nhau một cách rất nhanh chóng. Có tâm thấy qua mắt, tâm nghe âm thanh qua tai và có các tâm suy nghĩ về tất cả những thứ khác nhau... Chừng nào ta chưa biết được đặc tính của ngũ uẩn, của các thực tại sinh và diệt như chúng là, ta sẽ cho chúng là cái gì đó, là tự ngã. Sự bám chấp vào đối tượng và vào ngũ uẩn này gọi là Ngũ uẩn thủ. Đức Phật dạy một cách chi tiết về ngũ uẩn thủ và mọi người cần nghiên cứu kỹ lưỡng và suy xét về năm uẩn để không còn tà kiến về chúng, mà hiểu được chúng như chúng là.
IV. Tâm chế tác các thực tại tương lai.
"11) .... một người thợ nhuộm hay một người hoạ sĩ ... có thuốc nhuộm, ... hay màu xanh, hay màu đỏ tía .... người ấy có thể vẽ hình người đàn bà hay hình người đàn ông với đầy đủ tất cả chi tiết. Cũng vậy, .... kẻ vô văn phàm phu liên tục làm cho hiện hữu sắc.... thọ....tưởng....các hành....liên tục làm cho hiện hữu thức."
Ở khoảnh khắc này, tâm của mỗi chúng ta giống như một người hoạ sĩ, nó tạo nên sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn sẽ sinh khởi trong tương lai.
Tất cả chúng ta đều khác biệt, có tướng mạo khác biệt .... và đó là do các nghiệp khác nhau đã được tạo từ lâu. Tâm tạo tác là duyên cho các quả dị biệt trong tương lai. Sẽ có nhiều quả dị biệt thể hiện ở nơi sinh, giới tính, tướng mạo, tài sản, danh vọng, hạnh phúc, khổ đau, lời khen và tiếng chê. Ta cần biết đặc tính của tâm đang xuất hiện bây giờ, cái đang "khắc họa" hay chế tác các thực tại sẽ sinh khởi trong tương lai. Nếu ta không hay biết đặc tính của nó, ta sẽ không hiểu được tính chất muôn màu vẻ của tâm, cái có thể tạo nên nhiều hiệu ứng khác nhau đến vậy.
V. Hiểu biết đúng, Chánh niệm và thực tại hiện khởi
Đức Phật thuyết pháp cho các vị tỳ kheo để họ suy xét về Giáo pháp và có hiểu biết đúng về Giáo pháp ấy. Đức Phật thuyết pháp vì lợi ích của mọi người. Ngài thuyết pháp một cách chi tiết để mọi người có thể hiểu pháp thiện là pháp thiện và pháp bất thiện là pháp bất thiện và không tưởng lầm bất thiện pháp là thiện pháp. Pháp thiện và pháp bất thiện có đặc tính riêng của chúng và không nên lẫn lộn chúng với nhau.
Hiểu đúng về Giáo pháp không dễ dàng và không thể đạt được một cách nhanh chóng. Đức Phật thuyết pháp để mọi người bền bỉ, có được sự tinh tấn và nỗ lực để suy xét một cách cẩn trọng để có được hiểu biết đúng về Pháp. Bằng cách ấy, chánh niệm có thể sinh khởi và hay biết về các đặc tính của thực tại khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên trong đời sống hằng ngày, và trí tuệ có thể liễu ngộ được bản chất thật của chúng.
Đức Phật không dạy những điều không thể được kiểm chứng, Ngài không dạy những gì không xuất hiện hiện giờ. Đức Phật dạy về cái thấy, về đối tượng thị giác qua mắt, về cái nghe, thực tại kinh nghiệm âm thanh, về âm thanh xuất hiện qua tai. Ngài dạy về tất cả các thực tại đang xuất hiện hiện giờ và có thể được kiểm nghiệm. Những thính giả nghe Pháp có thể được cổ vũ trong việc nhẫn nại nghiên cứu Giáo lý, suy xét và hay biết đi hay biết lại đặc tính của thực tại xuất hiện, để bản chất thật của chúng có thể được liễu ngộ đúng như những gì Đức Phật đã dạy.
Chúng ta có nỗ lực và nhẫn nại với Giáo pháp hay không? Ta có phấn khởi và hoan hỷ với Giáo pháp hay không? Ta có thể có nỗ lực và cảm thấy phấn khởi khi thiện tâm sinh khởi. Một số người có thể cảm thấy bất hạnh, lo lắng rằng mình đang già đi, còn chánh niệm thì rất hiếm hoi sinh khởi. Khi một người lo lắng, tâm là bất thiện. Ta không nên lo lắng hay có bất thiện tâm vì Pháp. Tất cả các pháp bất thiện đều sinh khởi do duyên, không một tự ngã nào có thể ngăn cản sự sinh khởi của chúng. Khi pháp bất thiện đã sinh khởi, ta không nên nản chí và cần dũng cảm. Nếu có chánh niệm về đặc tính của bất thiện pháp xuất hiện, ta có thể hoan hỷ với Giáo pháp. Nếu ta thẩm xét đặc tính của bất thiện pháp xuất hiện khi ấy, ta sẽ biết rằng đó không phải là một chúng sinh, một người hay một tự ngã. Ta có thể thấy rõ rằng ở khoảnh khắc của chánh niệm thì không có bất thiện pháp, rằng ta không nhụt chí. Nếu ta không coi bất thiện pháp là ta, ta sẽ không vì thế mà bối rối hay nhụt chí.
Pháp bất thiện sinh khởi do duyên và khi nó đã sinh khởi, thay cho cứ lo lắng về điều ấy, ta nên hay biết đặc tính của nó, thẩm xét và hiểu nó là vô ngã. Đó là cách duy nhất để giảm bớt bất thiện và cuối cùng đoạn diệt nó.

VI. Giá trị và lợi lạc của Sự thật
Khi Tứ niệm xứ được phát triển, mọi người sẽ biết thế nào có nghĩa là "phấn khởi, hoan hỷ và được thanh lọc nhờ lợi lạc có được từ sự liễu ngộ Giáo pháp". Họ sẽ kinh nghiệm được rằng sự thực mà Giáo pháp mô tả có tính chất thanh lọc và mang lại lợi ích cho họ. Các vị tỳ kheo phấn khởi và hoan hỷ bởi lợi lạc mà họ có được từ Giáo lý và "tất cả chúng ta đều có thể có được lợi lạc này".
Sự phát triển của tứ niệm xứ không nên làm chúng ta nhụt chí. Các thực tại xuất hiện có thể được xuyên thấu và liễu ngộ như chúng là: sinh và diệt, không phải là tự ngã hay con người nào hết. Ta không nên lo lắng rằng hôm nay mình vẫn chưa biết được thực tại như chúng là. Hôm nay chánh niệm có thể sinh khởi và bắt đầu hay biết và rồi đặc tính của các thực tại một ngày nào đó có thể hoàn toàn được xuyên thấu và được biết rõ như chúng là. Nếu mọi người hiểu được giá trị lớn lao của Giáo pháp, nếu họ thấy rằng sự thật của Giáo pháp mang lại lợi ích cho họ và rằng một ngày nào đó họ có thể xuyên thấu chân lý ấy, dù không phải ngay ngày hôm nay, họ sẽ không bị nản chí. Họ sẽ tiếp tục lắng nghe và nghiên cứu các thực tại mà Đức Phật đã thuyết giảng chi tiết và khi ấy, sẽ không có sự lơ là về các thực tại và sẽ có duyên cho sự sinh khởi của chánh niệm.
VII. Các pháp là không thể thay đổi
Đức Phật thuyết giảng về các thực tại và chúng là như vậy, chúng không thể thay đổi thành một cái gì đó khác. Tất cả mọi người cần thẩm xét điểm này. Ta cần suy xét xem liệu thiện pháp và bất thiện pháp có thể thay đổi, liệu bất thiện pháp có thể trở thành thiện pháp? Liệu tứ niệm xứ có thể thành một thứ khác?
Nếu ta suy xét nhân và quả một cách đúng đắn, ta có thể hiểu rằng các pháp mà Đức Thế tôn đã thuyết giảng là không thể thay đổi. Ai đó có thể hiểu sai về thực tại, nhưng không ai có thể thay đổi đặc tính thực sự của thực tại.
VIII. Tóm tắt
Có nhiều khía cạnh về sự muôn màu vẻ của tâm. Như ta đã thấy, tâm được phân loại theo nhiều cách khác nhau và điều ấy chỉ ra tính đa dạng của nó cũng như tính đa dạng của các đối tượng mà nó kinh nghiệm. Tâm có thể kinh nghiệm bất kỳ loại đối tượng nào, bất kể nó đa dạng hoặc phức hợp tới mức nào. Tâm kinh nghiệm thực tại chân đế cũng như khái niệm và nó biết ngôn từ chỉ khái niệm, nó biết ngôn từ được dùng trong các ngôn ngữ khác nhau, nó biết tên gọi và nghĩ về nhiều câu chuyện khác nhau. Như vậy, tâm muôn màu vẻ bởi các đối tượng muôn màu vẻ.
Tâm nhận biết, biết rõ đối tượng, đó là đặc tính riêng của nó (sabhāva lakkhaṇa). Tâm cũng có các đặc tính chung (samaññā lakkhaṇa) của tất cả các thực tại hữu vi, tức là ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã.
Đặc tính cụ thể của tâm là nhận biết một đối tượng
Chức năng của tâm là làm người cầm đầu, là điềm báo trước. Giống như một người canh trạm gác, ngồi giữa ngã đường đô thị. Người lính gác nhận biết từng người dân hay khách thăm đi qua, cái tượng trưng cho đối tượng. Như vậy, tâm là người cầm đầu trong việc nhận biết một đối tượng.
Biểu hiện của tâm là kết nối, tương tục. Tâm sinh và diệt nối tiếp nhau.
Cận nhân của tâm là danh pháp và sắc pháp. Tâm là một pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma). Pháp hữu vi không thể tự sinh khởi một mình và vì vậy tâm không thể sinh khởi mà không có các tâm sở đồng sinh. Trong các cõi có ngũ uẩn, tâm phụ thuộc vào danh pháp cũng như sắc pháp để làm duyên cho nó sinh khởi.
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Phuong Luong
Cho mình hỏi pháp bất thiện và pháp thiện sinh lên do nguyên nhân gì nhỉ
- Báo cáo

An lang thang
@Ty2204 có nhiều duyên khiến pháp bất thiện và pháp thiện sinh lên , nhưng một duyên quan trọng nhất là do xu hướng thiện/ bất thiện đã tích luỹ từ vô lượng kiếp quá khứ
- Báo cáo

Trung Nghĩa
Dù bài viết cố gắng khoác lên mình cái tên "Vi Diệu Pháp" hay "Thắng Pháp," nhưng thực tế lại chứa đầy những mâu thuẫn chỉ cần vài câu hỏi đã đủ để thấy rõ sự thiếu chặt chẽ và khoa trương. Bên ngoài, bài viết mang vẻ như muốn hướng dẫn độc giả đến sự hiểu biết thâm sâu, nhưng bên trong, các luận điểm lại mâu thuẫn và thiếu sự logic cơ bản. Sự phân biệt thiện và bất thiện, sự nhân cách hóa tâm như một nghệ sĩ độc lập sáng tạo, hay khái niệm “tâm đa sắc màu” – tất cả đều là những mô tả thiếu nhất quán và dễ dàng sụp đổ khi đối diện với vài câu hỏi phản biện.
Nếu đây là "Vi Diệu Pháp," thì chắc hẳn khái niệm "vi diệu" đã bị biến dạng, bởi những điểm nêu ra trong bài không hề làm sáng tỏ bản chất sâu xa của tâm hay thực tại, mà chỉ là những lời khoa trương, chấp trước vào khái niệm và tạo ra một hành trình lòng vòng, tự mâu thuẫn. Hoặc nếu có thể tự gọi mình là "thắng pháp" xin hãy giúp kẻ khù khờ này trả lời 6 câu hỏi trong bài viết: 1. “Tâm đa sắc màu là gì?” Mọi khái niệm chỉ là phương tiện để diễn đạt, không phải chân lý tuyệt đối. Vậy “tâm đa sắc màu” có thật sự tồn tại, hay chỉ là một hình ảnh mô tả mang tính tương đối?
2. “Nếu tâm là vô ngã, tại sao lại phân biệt thiện và bất thiện?” Mọi hiện tượng đều không có tự ngã, bao gồm cả tâm. Việc phân biệt thiện và bất thiện liệu có tạo ra một dạng chấp thủ mới, trái ngược với tinh thần giải thoát khỏi nhị nguyên?
3. “Có phải tâm là thực thể độc lập tạo nên hành động?” Bài viết mô tả tâm như một “nghệ sĩ” hoặc “người thợ nhuộm,” tạo ra các hành động và hình tướng khác nhau. Vậy tâm có thực sự có “quyền năng sáng tạo” này không, hay đó chỉ là sự chấp trước vào một khái niệm giả danh?
4. “Tâm tồn tại như thế nào nếu không có đối tượng?” Nếu tâm chỉ được định nghĩa qua sự tương tác với đối tượng, thì liệu tâm có thể tồn tại một cách độc lập?
5. “Nếu tâm là muôn màu vẻ, thì màu sắc đó là thật hay chỉ là phương tiện?” Khi nói tâm “muôn màu vẻ,” điều này là chân lý hay chỉ là cách diễn đạt nhằm giúp con người hiểu về tính đa dạng của hiện tượng?
6. “Nếu thiện và bất thiện đều là vô ngã, tại sao phải phân loại?” Phân loại thiện và bất thiện có thể tạo ra cảm giác về một bản chất cố định trong các hành động này. Tất cả hiện tượng là duyên sinh, không tự tánh. Vậy phân loại này có cần thiết, hay nó lại tạo ra chấp thủ, đi ngược với tinh thần giải thoát?
- Báo cáo

An lang thang
1. “Tâm đa sắc màu là gì?” Mọi khái niệm chỉ là phương tiện để diễn đạt, không phải chân lý tuyệt đối. Vậy “tâm đa sắc màu” có thật sự tồn tại, hay chỉ là một hình ảnh mô tả mang tính tương đối?
Tất nhiên, "tâm đa sắc màu" là một mô tả, mô tả ấy giúp chúng ta có cái hiểu lý thuyết về tâm. Khi chúng ta tìm hiểu bản chất của cuộc sống, chúng ta sẽ cần tìm hiểu bản chất của "sự kinh nghiệm", đơn giản là vì nếu không có sự kinh nghiệm thì không có cuộc sống nào. cả. Khi đi sâu vào bản chất của sự kinh nghiệm, Đức Phật dạy rằng có một yếu tố chủ đạo cho mọi sự kinh nghiệm, và ngài gọi nó là "tâm". Khi một người tìm hiểu điều mà Đức Phật giác ngộ, họ cần hiểu "yếu tố chủ đạo trong mọi sự kinh nghiệm" này, họ cần hiểu tâm.
"Tâm đa sắc màu" là diễn đạt trong Giáo pháp để mô tả các sự thật rằng:
. Tâm là có thật, là thực tại tột cùng đằng sau mọi sự kinh nghiệm, tuy vậy
. Tâm không sinh khởi một mình mà còn có các thực tại tột cùng khác cùng sinh khởi với nói (các pháp đồng sinh)
. Tâm thì vô cùng đa dạng do bởi các pháp đồng sinh với nó vô cùng đa dạng
- Báo cáo

Trung Nghĩa
Tôi thì không thể nào "thấm" lời Phật dạy một cách "thông minh" như bạn được ! Nhưng vuêcj nương vào trí tuệ của các bật Đại đức Long Thụ và Thanh Biện trong các Luận, tôi xin đã phá cái sự chấp thủ đến mù quáng rồi tự sinh mâu thuẫn của bạn như sau: Khi nói “tâm đa sắc màu” là có thật, liệu có nghĩa là tâm tự nó sinh khởi một cách độc lập? Nếu tự thân tâm tồn tại mà không dựa vào bất cứ yếu tố nào khác, vậy thì vì sao lại phải nhắc đến những pháp đồng sinh làm duyên? Điều này không phải là mâu thuẫn sao? Nếu tâm cần có pháp đồng sinh để sinh khởi, thì tâm ấy không thể tự có tự tính. Mà nếu không có tự tính, làm sao tâm có thể là thực thể “có thật”?
Nếu cho rằng tâm là “yếu tố chủ đạo” trong mọi kinh nghiệm, vậy yếu tố ấy có tự tồn tại trong mọi thời khắc hay không? Nếu là tự tồn tại, tại sao tâm lại cần đến duyên để sinh? Còn nếu không tồn tại tự thân, vậy cái gọi là “tâm đa sắc màu” ấy là gì? Chẳng qua là sự kết hợp của các duyên, vốn là giả tạm và không có thực tính cố định. Chẳng phải việc cho rằng “tâm là có thật” là một sự chấp ngã vào một thực thể vốn trống rỗng hay sao?
Thêm vào đó, nếu tâm có “đa sắc màu” là có thật, vậy thử hỏi tâm có thể duy trì mãi sắc màu ấy mà không thay đổi không? Nếu sắc màu ấy biến đổi, vậy cái gọi là “thực thể” có tồn tại không? Nếu sắc màu ấy không cố định, thì cũng không thể nói rằng tâm là một thực tại có bản chất cố định được. Nói rằng tâm “đa sắc màu” chẳng qua là một phép ẩn dụ tạm bợ, chứ không phải chân lý. Nếu chấp nhận tâm là đa sắc màu mà không thấy rằng đó chỉ là một công cụ diễn đạt, chẳng phải là đang tự lừa mình?
Cuối cùng, nếu tâm là thực tại tột cùng, vậy thực tại ấy phải bất biến. Nhưng chẳng phải tâm luôn sinh diệt theo duyên, luôn phụ thuộc vào các yếu tố khác sao? Nếu tâm thực sự tồn tại độc lập, thì tại sao nó không tự mình hiện hữu mà phải nhờ vào các pháp đồng sinh? Việc chấp vào một “tâm đa sắc màu” như một thực tại tột cùng, chẳng qua là đang bám víu vào một bóng hình, một hư tưởng. Tâm không có thực thể, và cái đa sắc ấy chỉ là một hiện tượng do duyên sinh mà thành.
- Báo cáo

An lang thang
E rằng bạn tự suy diễn và quy kết điều mà tôi không nói rồi.
Tôi nói “tâm là có thật” , chứ đâu có nói “tâm đa sắc màu là có thật” như bạn quy kết đâu.
Tôi đã nói rõ "Tâm đa sắc màu" là diễn đạt trong Giáo pháp để mô tả các sự thật sau ….
Tôi nói rõ “tâm là có thật”, còn “tâm đa sắc màu” là một diễn đạt mà.
Bạn nói” Nếu tâm cần có pháp đồng sinh để sinh khởi, thì tâm ấy không thể tự có tự tính. Mà nếu không có tự tính, làm sao tâm có thể là thực thể “có thật”?
OK, tôi hiểu ý của bạn rằng: Cái gì phải dựa vào cái khác để sinh khởi thì không có tự tánh, cái không có tự tánh thì không có thật. Như vậy quan điểm của bạn là chỉ có cái gì “tự tồn tại trong mọi thời khắc” thì mới “có thật”, chỉ cái “tự sinh lên mà không phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì khác” và luôn “duy trì mãi tự tánh của nó” thì mới “có thật”. Như thế, khái niệm “có thật” của bạn phải thoả mãn đồng thời các yếu tố sau:
. Tự sinh lên
. Tự duy trì tự tánh trường tồn
. Bất biến
Đúng không?
Đến đây tôi tò mò một chút, xin hỏi thêm bạn 2 câu sau:
1. Quan điểm “có thật” hay "thật có" nói trên là quan điểm của Long Thọ hay của tự bản thân bạn?
2. Theo quan điểm trên của bạn thì có cái gì “có thật” không, hay không có gì là “có thật” hết?
- Báo cáo

An lang thang
Tôi thì không đi sâu vào Luận như bạn.
Tôi tò mò không biết Long Thọ (ngoài việc giảng mọi thứ đều do duyên sinh, không có tự tánh) có giảng gì cụ thể hơn về sự tái sinh không?
Ví dụ có đề cập đến các kiếp sống? có đề cập gì đến các cõi sống như Địa ngục, Súc sinh .... ? có đề cập đến duyên gì để tái sinh làm người mà không phải làm con thú không?
- Báo cáo

An lang thang
2. “Nếu tâm là vô ngã, tại sao lại phân biệt thiện và bất thiện?” Mọi hiện tượng đều không có tự ngã, bao gồm cả tâm. Việc phân biệt thiện và bất thiện liệu có tạo ra một dạng chấp thủ mới, trái ngược với tinh thần giải thoát khỏi nhị nguyên?
Theo tôi, như đã nói, với một người thực sự quan tâm đến Sự thật mà Đức Phật dạy, người đó cần tìm hiểu Giáo pháp mà Ngài để lại.
.Bạn có thấy bất cứ trường phái tâm linh nào khác nói về Vô ngã không? Và
.theo bạn thì Vô ngã là gì?
.Tại sao Đức Phật lại giảng về vô ngã?
. Khi Đức Phật giảng về vô ngã thì Ngài có giải thích cái gì là vô ngã không? Hay là
. Giáo pháp đánh đồng rằng tất cả đều là vô ngã?
Những điều mà tôi viết là dựa trên những gì mà Đức Phật giảng để giúp những người muốn đi theo Con đường của Ngài. Tôi quan tâm đến quan điểm của Giáo pháp và cố gắng chia sẻ cho những người quan tâm đến Con đường mà Đức Phật trao truyền.
Nếu bạn có cùng quan tâm đến Giáo pháp và Con đường Đức Phật thì ta tiếp tục trao đổi để làm rõ, còn nếu bạn quan tâm đến quan điểm cá nhân của bạn thì đó là việc của bạn mà thôi
- Báo cáo

Trung Nghĩa
Thế Tôn giảng rằng lời Ngài chỉ như ngón tay chỉ trắng, thì người chấp vào “lời Phật dạy” để biện minh, chẳng phải đang bám víu vào ngón tay mà bỏ quên chân lý hay sao? Khi còn chấp vào thiện và bất thiện, còn bám vào các khái niệm và danh xưng, người ấy đâu thể thấy được nghĩa chân thật của vô ngã. Chẳng phải Thế Tôn giảng lời để chỉ đường, không phải để chúng sinh bám vào đó và phân biệt đâu là thiện, đâu là bất thiện sao? Nếu tất cả hiện tượng đều vô ngã, vậy tại sao lại cần phải phân biệt giữa thiện và bất thiện? Chẳng phải chính sự phân biệt ấy đã tạo nên một nhị nguyên, và nhị nguyên đó, chẳng phải là gốc rễ của chấp trước và vô minh hay sao? Khi còn phân biệt thiện và bất thiện, chẳng phải người ta vẫn đang bám víu vào một dạng tự ngã tinh vi – một “cái tôi” muốn tìm thiện và tránh bất thiện? Chẳng phải như vậy là đối nghịch với tinh thần của vô ngã, vốn dĩ không có chỗ cho sự phân biệt?
Nếu thật sự hiểu vô ngã, liệu còn cần phân biệt thiện và bất thiện, đúng và sai? Khi phân biệt ấy còn, thì vô ngã đã trở thành một khái niệm sáo rỗng, chỉ để tô vẽ cho cái ta tưởng tượng. Đức Phật giảng về vô ngã không phải để chúng sinh chấp vào khái niệm “thiện” hay “bất thiện” mà là để nhận ra rằng mọi hiện tượng đều trống rỗng, không có bản chất cố hữu. Nếu vậy, sao còn phải tìm cầu phân biệt?
Người nói rằng quan tâm đến Giáo pháp, nhưng lại chấp trước vào thiện và bất thiện, chẳng phải đang tự mâu thuẫn sao? Đức Phật giảng về vô ngã để giúp chúng sinh thoát khỏi mọi nhị nguyên và phân biệt, thoát khỏi sự bám chấp vào một thực thể hay danh xưng nào đó, kể cả “thiện” hay “bất thiện.” Chấp vào thiện và bất thiện chỉ là một loại vô minh khác, một sự cố chấp tinh vi khác. Khi phân biệt ấy vẫn còn, sự giải thoát chân thật liệu có thể hiện hữu?
Cuối cùng, nếu thật sự là người đi theo con đường của Đức Phật, người đó sẽ không còn bám chấp vào thiện hay bất thiện. Nếu người ấy thấy cần phân biệt, cần lý luận và bám vào hai bờ đối lập, chẳng phải người ấy vẫn còn trong vòng nhị nguyên, vẫn chưa hiểu được nghĩa chân thật của vô ngã và giải thoát?
- Báo cáo

An lang thang
OK, tôi thấy bạn viết một đoạn dài chủ yếu để chỉ trích việc tôi "phân biệt thiện và bất thiện" mà không trả lời thẳng cái hiểu của bạn về vô ngã.
Vậy tôi lại tiếp tục đặt câu hỏi vậy:
. Ý bạn có phải là Vô ngã = Không có chỗ cho sự phân biệt phải không?
. Khi nói "mọi hiện tượng đều trống rỗng, không có bản chất cố hữu, sao phải phân biệt" --> có phải ý bạn là về bản chất thiện hay bất thiện, trắng hay đen đều giống nhau và đều là một đúng không?
.Quan điểm của bạn là: "Tất cả là một và một là tất cả" phải không? "Vô ngã" theo bạn nghĩa là như thế, có phải không ?
. Các khái niệm như "cái nhà", "cái xe" đều là vô ngã, có phải không?
- Báo cáo

An lang thang
3. “Có phải tâm là thực thể độc lập tạo nên hành động?” Bài viết mô tả tâm như một “nghệ sĩ” hoặc “người thợ nhuộm,” tạo ra các hành động và hình tướng khác nhau. Vậy tâm có thực sự có “quyền năng sáng tạo” này không, hay đó chỉ là sự chấp trước vào một khái niệm giả danh?
Như đã nói, tôi trình bầy mọi thứ từ quan điểm Giáo pháp, khi nói về "tâm", có rất nhiều mô tả trong Kinh điển và trong các Sớ giải.
Trong Kinh điển có đoạn:
"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo tác"
Sớ giải cho đoạn kinh ấy nêu rõ "Ý" trong câu kệ trên trỏ đến một thực tại tột cùng là tâm. Như thế, "tâm" là chủ thể tạo nên hành động, không có tâm thì không có hành động nào của một con người cả. "Tâm là chủ thể của hành động", khi các bậc Thánh nhân đã giác ngộ nói như vậy, thì ta cần tìm hiểu cẩn thận vì sao lại nói như thế trước khi đi đến kết luận ta có nên tin vào điều đó hay không?
Bạn hỏi tôi đó là có phải là "sự chấp trước vào khái niệm giả danh"? Có thể, bất kỳ điều gì cũng có thể trở thành đối tượng của sự chấp trước. Một người không hiểu Con đường, không tìm hiểu tại sao Kinh điển lại nói như này như kia, chỉ đọc những gì hiện ra trước mắt họ như là trò chơi lý luận của trí tuệ thì thấy bất kỳ cái gì được viết ra cũng là khái niệm giả danh cả. Người ấy không quan tâm đến điều gì là Sự thật, cũng chẳng thực sự quan tâm đến đạo Phật, người ấy quan tâm đến diễn ngôn lý luận như một mind game mà thôi.
- Báo cáo

Trung Nghĩa
Nếu nói rằng tâm là "chủ thể" của mọi hành động, vậy tâm ấy tự thân có quyền năng sáng tạo, hay nó cần đến các duyên để sinh khởi? Nếu tự thân tâm có quyền năng ấy, sao lại cần đến duyên? Nếu tâm là thực thể độc lập, vậy các duyên sinh xung quanh đó có cần thiết không? Nếu các duyên là cần thiết, chẳng phải chính tâm cũng chỉ là một hiện tượng duyên sinh, trống rỗng, không có bản chất cố hữu sao? Nói rằng tâm là thực thể tột cùng hay chủ thể của mọi hành động chẳng phải là một dạng chấp thủ vào ngã chăng?
Khi nói “tâm làm chủ, tâm tạo tác,” chẳng phải chỉ là một hình tượng để chỉ ra mối liên hệ giữa tâm và hành động? Nếu tâm có thực chất như một "nghệ sĩ," vậy sự sáng tạo của nó là độc lập hay chỉ là giả danh? Nếu độc lập, thì hành động ấy làm sao sinh khởi? Nếu không độc lập, thì đâu có thực thể cố định nào gọi là "tâm"? Dẫu cho lời Phật nói rằng “ý dẫn đầu các pháp,” nhưng không phải đó chỉ là một cách nói phương tiện, không có nghĩa là tâm tự nó có bản chất thật?
Nếu lời kinh chỉ là phương tiện, vậy chấp vào lời ấy mà không nhận ra rằng chính tâm cũng là giả danh, chẳng phải là một dạng chấp ngã khác hay sao? Chẳng phải mọi hiện tượng, kể cả tâm, đều là duyên sinh, không có thực thể độc lập, không có quyền năng tự tạo? Nói rằng "tâm là chủ thể của hành động" chỉ là một cách diễn đạt giả lập. Khi gán cho tâm quyền năng, người ta không khác gì bám víu vào một "ngã" tinh vi – một "cái tôi" trong hình thức của một thực thể duy nhất mà ta gọi là tâm.
Như vậy, tâm không phải là một nghệ sĩ sáng tạo độc lập. Cũng không phải là một thực thể có quyền năng. Khi hành động sinh khởi, đó chỉ là do duyên hợp. Tâm, hành động, và các hiện tượng xung quanh đều trống rỗng và không có tự ngã. Mọi chấp thủ vào quyền năng của tâm, thật ra, chỉ là trò chơi của vô minh.
- Báo cáo

An lang thang
Nói đi nói lại thì quan điểm của bạn vẫn quy về một ý:
Tâm không có thật,
cái không có thật thì chẳng có quyền năng gì, chẳng tạo ra cái gì.
Vậy tôi xin thỉnh giáo bạn thêm với 2 câu hỏi sau về chính những từ ngữ bạn đã dùng:
. "Vô minh" có thật không?
. "Chấp thủ" có thật không?
thêm một câu do tôi tò mò:
. "Khổ" có thật không?
- Báo cáo

Trung Nghĩa
Khi có người hỏi rằng “vô minh,” “chấp thủ” hay “khổ” có thật không, họ đang cố kéo tôi vào một bẫy nhị nguyên giữa "có thật" và "không có thật." Nếu tôi trả lời rằng vô minh "có thật," tức là tôi đã mặc nhiên công nhận nó như một thực thể cố định, một cái gì đó tự có tự tánh. Nhưng nếu tôi trả lời rằng vô minh "không có thật," thì tôi dường như đang phủ nhận trải nghiệm về khổ đau và bản chất khởi sinh của nó trong đời sống này và không còn tin vào lời dạy của Thế Tôn.
Theo tôi, mọi hiện tượng – bao gồm vô minh, chấp thủ và khổ – đều là những biểu hiện của duyên khởi, không có một tự thể cố định. Chúng không tồn tại theo kiểu một thực thể bền vững và bất biến, mà chỉ hiện hữu trong mối quan hệ nhân duyên, vô thường và vô ngã. Vì không có tự tánh, chúng không phải là thật có hay thật không theo nghĩa tuyệt đối. Mọi thứ chỉ tồn tại nhờ vào sự phụ thuộc của các điều kiện khác, và do đó, không gì có tự thể.
Nếu ở đây tôi nói rằng cả ba cái trên đều có thật và chúng là... thì chính tôi và bạn sẽ lại rơi vào chấp thủ của các khái niệm. Thế Tôn đã dạy phải “mở tung lề khóa và soi mình vào gương chánh trí- tức là không còn chấp vào có không của hình tướng.” Vì vậy, thay vì nắm giữ các khái niệm một cách cố định, ta nên quán xét rằng những khái niệm này chỉ là sự kết hợp của nhiều điều kiện độc lập. Vô minh được tạo thành từ những cái không phải vô minh, thì đó mới thật là vô minh. Do đó, vô minh chỉ là giả danh, không có thực thể độc lập, vì nó được tạo từ những yếu tố không phải là nó.
Câu chuyện giữa vua Lương Vũ Đế và Tổ sư Đạt Ma minh họa điều này một cách sâu sắc. Khi Đạt Ma đến Trung Quốc, Lương Vũ Đế, một vị vua sùng kính Phật giáo, đã hỏi:
> “Trẫm đã xây bao nhiêu chùa chiền, in bao nhiêu kinh điển, và độ không biết bao nhiêu tăng nhân, vậy công đức của trẫm có lớn không?”
Đạt Ma đáp:
> “Không có công đức.”
Lương Vũ Đế ngạc nhiên hỏi tiếp:
> “Tại sao lại không có công đức?”
Đạt Ma giải thích rằng những việc làm đó chỉ mang lại phước báo trong cõi thế gian, là công đức hữu lậu, tức là công đức còn rơi vào luân hồi sinh tử, không phải là công đức chân thật đưa đến giải thoát. Sau đó, Lương Vũ Đế lại hỏi:
> “Vậy Phật có thật không?”
Đạt Ma đáp:
> “Không có, không thật.”
Câu trả lời của Đạt Ma không có ý phủ nhận Phật, mà nhằm nhấn mạnh rằng Phật không phải là một thực thể cố định, một “cái thật” có tự tánh. Nếu chúng ta chấp vào ý niệm Phật như một thực thể có hay không, chúng ta sẽ sa vào nhị nguyên và xa rời tinh thần giải thoát.
Tương tự, khi suy xét về “vô minh,” “chấp thủ,” hay “khổ,” ta không thể khẳng định rằng chúng có một bản chất độc lập. Chúng hiện hữu như là những biểu hiện của duyên sinh và có thể chấm dứt khi các duyên tan biến.
Do đó, câu trả lời hợp lý nhất là: Vô minh, chấp thủ và khổ đều không có tự tánh, không có bản chất độc lập, nhưng vẫn hiện hữu qua duyên khởi. Chúng không nên được xem là "có thật" hay "không có thật" một cách tuyệt đối.
Này hỡi kẻ còn chấp thủ vào ý niệm "tâm có thật" hay "tâm tạo tác," hãy tự xét mình. Các bậc chánh trí đã dạy: “Vô minh do duyên sinh, ta nói nó là không.” Mọi hiện tượng đều là không, như huyễn hóa mà thành. Hãy khắc ghi điều này và vượt qua mọi ý niệm cố chấp – để không tự giam mình trong thành quách của các khái niệm, mà thấy rõ bản tánh chân thật của các pháp.
- Báo cáo

An lang thang
Có một người tìm hiểu Phật giáo có thắc mắc như sau:
"Vô ngã" là mọi sự kiện đều là nằm ngoài tầm kiểm soát, và không có cái ngã nào có thể quyết định được. Không có "tâm từ của tôi", "tinh tấn" của tôi, chẳng hạn vậy. Tức là mọi thứ dường như được định đoạt sẵn rồi ấy, trí tuệ của một "người" là do các quá trình tự nhiên chứ không hề có vai trò gì của người nào.
Nếu như vậy thì nó sẽ mâu thuẫn với trích dẫn về một số lời giảng của Đức Phật Gotama, như là "Chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là người thừa tự của nghiệp".
Với khái niệm "vô ngã" và mọi thứ chỉ là tiến trình tự nhiên như vậy thì chẳng cần cố gắng làm gì cả, vì cũng chẳng thay đổi được gì.
Xin hỏi bạn Trung Nghĩa bình luận thế nào về thắc mắc nói trên, từ quan điểm Trung Quán Luận?
- Báo cáo

Trung Nghĩa
Xin mượn ánh sáng của Trung Quán Luận để "thiện diệt chư hý luận" qua những câu hỏi mang tính nhị nguyên về "tinh tấn" và "phó mặc" tựa như những làn sóng trên mặt nước, sinh ra từ tâm chấp ngã, vốn phân biệt và chấp thủ. Trong phẩm Quán nhân duyên, Bồ-tát Long Thọ đã phá bỏ mọi nhị nguyên đối lập qua lý luận "bát bất": không sinh, không diệt; không thường, không đoạn; không một, không khác; không đến, không đi. Khi mọi sự đều là duyên khởi và Không, thì mọi phân biệt đối lập cũng đều là vọng tưởng.
Khi nói đến "nỗ lực" và "phó mặc," nếu không thấy rõ tính duyên khởi của các pháp, ta dễ lầm tưởng rằng có một thực thể nào đó đang nỗ lực hay phó mặc. Nhưng trong Trung Đạo, không có ai làm chủ hành động và cũng không có đối tượng nào để làm. Long Thọ nhấn mạnh rằng mọi hiện tượng chỉ là duyên sinh, không có tự tính, không có "ngã" hay "pháp" nào cố định tồn tại để ta có thể gọi là "người nỗ lực" hay "kẻ phó mặc."
Trong phẩm Quán nghiệp, Long Thọ đã chỉ ra rằng "nghiệp" và "quả" chỉ là các duyên sinh biến hiện, không có ai là kẻ làm chủ chúng. Không có một "ngã" thật để mà hành động, cũng không có thực thể nào chịu ảnh hưởng. Khi hỏi rằng "nỗ lực" hay "phó mặc," ta cần hiểu rằng mọi ý niệm như thế đều là tạm thời và rỗng không, không thực chất có.
Lời dạy trong Bát-nhã Tâm Kinh, "vô vô minh, diệc vô vô minh tận," nhắc nhở rằng các pháp không có tự tính, và mọi sự phân biệt giữa "ngã" và "phi ngã" chỉ là sự dính mắc của tâm. Không có sự đối lập thực hữu nào giữa "tinh tấn" và "phó mặc" để chúng ta phải chọn lựa, vì tất cả chỉ là vọng tưởng của người còn chấp tướng. Người hiểu rõ Trung Đạo sẽ thấy rằng cả hai đều là Không, không chấp trước một bên nào.
Vì vậy, khi đã thấu rõ lý duyên khởi và tánh Không, thì ta nhận ra rằng không có “tinh tấn” hay “phó mặc” nào là thực hữu, không có ai đang hành động, và cũng không có kết quả cố định để mà đạt được. Tất cả chỉ là những duyên hội tạm thời trong dòng nhân duyên tiếp nối. Việc "tinh tấn" hay "phó mặc" cũng chỉ là khái niệm phân biệt của người còn chấp tướng, không có tự tính, và không mang ý nghĩa cố định nào.
Cuối cùng, xin nhắc lại rằng "Hỡi kẻ chấp ngã, chớ có thách bậc chánh trí." Trí huệ Trung Quán vượt lên trên mọi phân biệt, và nếu còn chấp vào nhị nguyên của "tinh tấn" và "phó mặc," thì chỉ càng rơi sâu vào vọng tưởng mà thôi.
- Báo cáo

An lang thang
oh, Long Thọ có hẳn một phẩm về nghiệp cơ đấy!
những ý nói rằng Không có ai làm, không có ai nỗ lực, không có ai cố gắng, không có ai hành động, không có ai làm chủ nghiệp, không có ai chọn lựa ... thì đúng rồi, "vô ngã" có nghĩa là như vậy.
Tuy vậy, hẳn là "nghiệp' và "quả" có những ý nghĩa nhất định để nói về chúng thì Long Thọ mới phải thuyết về những "hiện tượng" hay "hình tướng" mang giả danh là "nghiệp" hay "quả".
1. Vậy không biết ngoài những ý trên, Long Thọ có giải thích chi tiết hơn, đi sâu hơn về hình tướng gọi là "quả" không? Ví dụ có những loại "quả" nào? Duyên của từng loại "quả" đó là gì, hoặc loại "nghiệp" nào sẽ cho ra loại "quả" nào .....?
2. Long Thọ có nói gì thêm về duyên khiến hiện tượng hay hình tướng gọi là "nghiệp" sinh lên không? VD hiện tượng gì làm duyên cho "nghiệp"? Có những loại duyên nào dẫn đến sự sinh khởi của "nghiệp", có những loại "nghiệp" nào ....?
- Báo cáo

Trung Nghĩa
Bồ-tát Long Thọ trong Phẩm Quán Nghiệp không bác bỏ hoàn toàn khái niệm "nghiệp" và "quả" mà ông giải thích chúng như những hiện tượng duyên sinh, không có tự tính. Long Thọ viết rằng nghiệp và quả chỉ là các duyên hội tụ và biến hiện, không có bản chất cố định hay thực hữu. Nếu xem nghiệp và quả là thật có, là cố định, thì điều đó sẽ mâu thuẫn với nguyên lý duyên khởi và quan điểm Không của Trung Quán.
Một trong những điểm nhấn mạnh của Long Thọ là không có một "chủ thể" nào thực sự làm chủ hành động hay nghiệp. Ông chỉ ra rằng nếu có một người làm chủ nghiệp, nghĩa là có một ngã cố định thực sự tồn tại, thì người đó phải tồn tại độc lập khỏi mọi yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, khi nhìn sâu vào bản chất của mọi hành động, chúng đều là kết quả của các duyên kết hợp, chứ không phải do một chủ thể độc lập thực hiện. Ông viết:
>"Nếu nghiệp và quả thực sự có tự tính, thì chúng sẽ phải tồn tại một cách độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ duyên nào. Nhưng trong thực tế, nghiệp và quả đều chỉ tồn tại do các duyên hội tụ; chúng chỉ là tạm thời và biến hiện, không có bản chất cố định."
Ngoài ra, Long Thọ cũng khẳng định rằng không có quả nào tự sinh từ nghiệp, vì nếu có tự tính, nghiệp không cần đến duyên mới sinh ra quả, và cũng không thể sinh ra quả nếu thiếu các duyên khác hỗ trợ. Nói cách khác, nghiệp và quả không tồn tại độc lập; chúng là sự tương tác và biến hiện liên tục giữa các yếu tố, và khi những yếu tố này tan biến, nghiệp và quả cũng không còn.
Như vậy, khi Long Thọ nói về nghiệp và quả, ông không khẳng định rằng chúng có thực tính, mà chỉ xem chúng như những khái niệm giả danh được sử dụng để giải thích tiến trình duyên sinh cho những người chưa thấy rõ được bản chất Không của mọi hiện tượng. trong Trung Quán Luận, cố chấp rằng "nghiệp nào sẽ dẫn đến quả nào" là một dạng chấp thủ vào phân biệt, tạo ra bởi màn vô minh. Cách nhìn này xem xét các hiện tượng qua lăng kính nhị nguyên, như thể có một mối liên hệ cố định giữa nghiệp và quả, trong khi thực chất, mọi hiện tượng đều không có tự tính và chỉ tồn tại do các duyên hội tụ. Để minh họa rõ hơn, có thể dùng hình ảnh đất sét và cái bình: đất sét không phải là nguyên nhân duy nhất để tạo ra cái bình, và không phải mọi đất sét đều sẽ trở thành bình.
Cái bình tồn tại được không chỉ nhờ vào đất sét mà còn nhờ vô số điều kiện khác như bàn tay con người, kỹ thuật, nhiệt độ, và các yếu tố phụ trợ. Tuy nhiên, chính con người – dù là người thợ gốm – cũng không thực sự làm chủ được mình sẽ tạo ra cái gì, vì hành động của họ cũng bị chi phối bởi các duyên sinh khác. Đất sét không thể tự quyết định mình sẽ thành bình, và người thợ cũng không hoàn toàn quyết định được mình sẽ tạo ra bình hay bất cứ vật gì khác.
Điều này cho thấy rằng việc nói "nghiệp gì sinh quả gì" là một sự phân biệt thiếu cơ sở, vì theo nguyên lý Không, mọi sự không có tự tính, không thực sự sinh, không tồn tại độc lập trong ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi nhận ra rằng "nghiệp" và "quả" chỉ là các duyên biến hiện, chúng ta sẽ thấy rõ sự vô nghĩa của tâm phân biệt vào nguyên nhân và kết quả. Hãy bỏ đi cái nhìn chấp trước ấy, và hiểu rằng mọi hiện tượng chỉ là giả danh, không có gì thật sự sinh hay diệt, chỉ như những làn sóng sinh khởi trên mặt nước, không thực có tự tính.
- Báo cáo

Trung Nghĩa
Về khía cạnh cuộc sống, nếu hiểu rằng "nghiệp" và "quả" vốn trống rỗng, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả mọi thứ, từ tâm khởi ý đến hành động, đều là các duyên nương tựa lẫn nhau mà sinh, không có tự tính hay bản chất cố định nào. Những thứ ta cho là "tâm" như kinh nghiệm, cảm nhận, suy nghĩ đều là duyên khởi từ các yếu tố không phải là "tâm," và bản thân những yếu tố đó cũng không hề có thực tính. Kẻ còn chấp thủ vào việc tạo ra nghiệp tốt, như vua Lương Vũ Đế, tưởng rằng mình có thể tạo duyên lành để mong cầu quả tốt; nhưng chính cái "muốn" đó và "hành động" của ông cũng chỉ là vọng tưởng, không phải là điều do ông quyết định, mà là sự nương tựa của vô số duyên sinh không có thực tính.
Cũng như vậy, một người mang "ác tâm" cũng chỉ đang bị các duyên dẫn dắt, vì tâm ác đó không thực sự tồn tại độc lập. Nó là một sự kết hợp của những thứ không có tự tính, không ai có thể quyết định hoàn toàn. Chỉ khi thấy được sự trống rỗng đó, chúng ta mới có thể vượt qua chấp thủ vào thiện ác. Hỡi kẻ chấp ngã, hãy xem lại sự phân biệt giữa "thiện ác" "lành dữ" ấy có khác gì một viên "kim cương" cứng nhắc, mà nếu còn chấp thủ, bạn sẽ mãi rơi vào vọng tưởng. Hãy ngẫm lại Kinh Kim Cương, để hiểu rõ rằng thiện ác hay nghiệp quả đều chỉ là "giai thị hư vọng." Bạn có thể tham khảo bài tôi viết: https://spiderum.com/bai-dang/Kinh-Kim-Cuong-Hanh-trinh-tu-ly-thuyet-den-thuc-hanh-nh4KpfR5WulI%C2%A0" style="color: rgba(70, 162, 216, 0.75); text-decoration: underline;">https://spiderum.com/bai-dang/Kinh-Kim-Cuong-Hanh-trinh-tu-ly-thuyet-den-thuc-hanh-nh4KpfR5WulI ;
- Báo cáo

An lang thang
Như đã nói, tôi thấy quan điểm về những thứ trên bề mặt thế giới hình tướng của Luận cũng có vài điểm thú vị để tìm hiểu
Mấy câu trước không thấy bạn trả lời, giờ tôi hỏi bạn mấy câu đơn giản thôi:
1. Bạn bình luận thế nào về việc đốt vàng mã? bản thân bạn có đốt vàng mã không?
2. Bạn nghĩ việc đi chùa, cúng bái, cầu khẩn có mang lại hiệu quả không?
3. Bạn nghĩ thế nào về chuyện cầu siêu, vãng sinh Tịnh độ khi có người thân qua đời?
4. Bạn đánh giá sao về lối tu khổ hạnh mang tên Thích Minh Tuệ?
5 . Quan điểm của bạn về “ăn chay tránh sát sinh” như thế nào?
- Báo cáo