Pháp chân đế #21: Nhân
Đức Phật đã hiểu sự thật của vòng sinh tử luân hồi nên Đức Phật đã tự mình chấm dứt được vòng sinh tử luân hồi. Đức Phật dạy sự thật ấy để người khác cũng có thể tự mình chấm dứt sinh tử luân hồi. Cái hiểu đúng về sinh tử luân hồi chính là trí tuệ
Tâm rất đa dạng do bởi các pháp tương hợp (sampayutta dhamma) là nhân. Trong số các pháp tương hợp với tâm, có một số tâm sở đặc biệt được gọi là "nhân" (hetu). Tâm muôn màu vẻ là do bởi các nhân khác nhau sinh kèm với chúng. Một số tâm sinh khởi cùng các tâm sở là nhân, trong khi một số các tâm khác sinh khởi mà không có nhân.
Chỉ có sáu tâm sở là nhân, đó là:
(ba nhân bất thiện)
.Tâm sở tham (lobha cetasika) là nhân tham
.Tâm sở sân (dosa cetasika) là nhân sân
.Tâm sở si (moha cetasika) là nhân si
(ba nhân tịnh hảo)
.Tâm sở vô tham (alobha cetasika) là nhân vô tham
.Tâm sở vô sân (adosa cetasika) là nhân vô sân
.Tâm sở vô si (amoha cetasika) là nhân vô si
Một điểm lưu ý là sáu loại nhân ở trên không được phân thành "bất thiện" và "thiện" mà ở đây thuật ngữ "tịnh hảo" (sobhana) được sử dụng thay cho thuật ngữ "thiện" (kusala). Lý do là nhân (hetu) là thiện chỉ sinh khởi với tâm thiện (kusala citta) và tâm này làm duyên cho tâm quả thiện (kusala vipāka) sinh khởi về sau. Trong khi ấy, nhân tịnh hảo sinh khởi không chỉ với các tâm thiện mà cũng có thể sinh khởi với các tâm quả thiện và các tâm duy tác tịnh hảo (sobhana kiriyacitta). Như vậy, nhân tịnh hảo không chỉ sinh khởi cùng tâm thiện.
I. Nhân và Nhân duyên
Các pháp không phải sáu loại tâm sở nêu trên thì không thể làm nhân duyên (hetu paccaya). Các tâm sở không phải là nhân vẫn làm duyên cho tâm khi sinh khởi cùng nó, nhưng không phải theo nhân duyên. Nhân duyên chỉ là một trong 24 loại duyên hệ khác nhau.
Sáu loại tâm sở là nhân có thể so sánh với gốc rễ của một cái cây, nó làm cho cây phát triển, trưởng thành để có thể đơm hoa kết trái. Khi sáu loại nhân này sinh khởi, chúng khiến các pháp đồng sinh lớn mạnh, phát triển và tạo ra quả, lần này sau lần khác và ngày càng nhiều.
Những ai chưa phải là A la hán thì vẫn còn nhân thiện (kusala hetu) và nhân bất thiện (akusala hetu). Một vị A la hán thì không còn nhân thiện và nhân bất thiện nữa. Tâm sở vô tham (alobha), vô sân (adosa) và tâm sở trí tuệ (amoha) sinh kèm với tâm duy tác (kiriya citta) đảm nhận chức năng tốc hành tâm (javana) của vị A la hán được gọi là nhân vô ký (avyākata hetu), tức là loại nhân không phải là thiện cũng không phải là bất thiện.

Trong tất cả các duyên hệ, yếu tố làm duyên là một pháp hỗ trợ các pháp khác, làm duyên cho pháp khác sinh khởi, hoặc duy trì pháp khác, tuỳ thuộc vào loại duyên.
Ta có thể xét tâm sở xúc và tâm sở tham. Đây là hai tâm sở khác nhau nhưng đều là những yếu tố hỗ trợ các pháp khác (tâm, tâm sở và sắc) để tạo duyên cho sự sinh khởi của chúng, tuy nhiên hai tâm sở này tạo duyên theo hai cách khác nhau.
Tâm sở xúc tạo duyên theo vật thực duyên (arāhā paccaya), còn tâm sở tham tạo duyên theo nhân duyên.
Như đã thấy, hetu (nhân) có thể được so sánh với rễ của một cái cây, giúp cho cây lớn mạnh và trưởng thành. Tuy nhiên cái cây ấy không chỉ phụ thuộc vào rễ. Nó không chỉ cần đến đất và nước mà còn cần đến cả dưỡng chất để trổ quả. Mặt khác, nếu không có rễ thì đất và nước cũng không thể làm cây lớn mạnh và sum suê được. Như vậy, cây cần có những duyên khác nhau để trưởng thành. Bên cạnh nhân duyên cũng có những duyên hệ khác nữa cho sự sinh khởi của các thực tại. Các hiện tượng tạo duyên cho các hiện tượng khác theo nhiều cách khác nhau.
Bốn pháp chân đế có thể được xếp thành hai loại: không-là-nhân (na-hetu) và nhân (hetu)
.Tâm (citta): là na-hetu (không-là-nhân)
.Tâm sở (cetasika): chỉ có sáu trong số 52 tâm sở là hetu (nhân), 46 tâm sở còn lại là na-hetu (không-là-nhân)
.Sắc (rūpa): là na-hetu (không-là-nhân)
.Niết bàn (nibbāna): là na-hetu (không-là-nhân)
II. Hữu nhân và Vô nhân
Các tâm và tâm sở đồng sinh với ít nhất một trong sáu tâm sở là nhân được gọi là tâm và tâm sở hữu nhân (sahetuka citta và sahetuka cetasika). Các tâm và tâm sở không sinh kèm với bất cứ nhân nào thì được gọi là tâm và tâm sở vô nhân (ahetuka citta và ahetuka cetasika).
Một ví dụ về tâm vô nhân là nhóm các tâm ngũ song thức (nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tỉ thức, thân thức). Nhãn thức, cái thấy đối tượng thị giác (cảnh sắc) chỉ đồng sinh với bảy tâm sở là: xúc, thọ, tưởng, tư, mạng căn, nhất tâm và hướng tâm. Nhãn thức thuộc về loại tâm quả (vipāka citta), vì thế nó không phải là thiện mà cũng không phải bất thiện. Trong trường hợp của tâm quả, tâm sở tư (cetanā cetasika) chỉ đảm nhận chức năng phối hợp, đôn đốc tâm và các tâm sở đồng sinh hoàn thành chức năng riêng của chúng (khác với khi tâm sở tư sinh kèm với tâm thiện hay bất thiện). Bảy tâm sở này là vô nhân và vì vậy nhãn thức là tâm quả vô nhân (ahetuka vipākacitta).
Ngay sau khi nhãn thức sinh khởi, tâm căn tham (lobha-mūla-citta) có thể sinh khởi. Tâm căn tham này sinh kèm với hai tâm sở là nhân: tham (lobha) và si (moha), nó là tâm hữu nhân (sahetuka citta)
Khi xét đến các xếp loại hetu (nhân), na-hetu (không-là-nhân), sahetuka (hữu nhân) và ahetuka (vô nhân), các pháp hữu vi có thể được chia như sau:
.Sắc (rūpa): là na-hetu (không-là-nhân)
.Tâm (citta): là na-hetu (không-là-nhân), có một số tâm là sahetuka (hữu nhân), một số là vô nhân (ahetuka)
.Tâm sở (cetasika): có sáu tâm sở là hetu (nhân); 46 tâm sở là na-hetu (không-là-nhân); một số tâm sở là sahetuka (hữu nhân), một số là ahetuka (vô nhân)
Lưu ý rằng cùng là một tâm sở nhưng khi nó sinh kèm với một tâm sở khác là hetu (nhân) thì khoảnh khắc đó nó là tâm sở hữu nhân, khi nó không sinh kèm với bất kỳ tâm sở nào là hetu thì khoảnh khắc đó nó là tâm sở vô nhân.
III. Một nhân, nhị nhân, tam nhân
Đức Phật đã thuyết giảng rất chi tiết khi nào tâm là vô nhân và khi nào là hữu nhân. Ngài đã giảng các loại nhân nào và các loại tâm sở nào sinh kèm với tâm hữu nhân cũng như chỉ ra số lượng của các tâm sở đồng sinh, ví dụ:
.Tâm căn si (moha-mūla-citta) sinh kèm với một nhân là si (moha), nó là một nhân (eka-hetuka)
.Tâm căn tham (lobha-mūla-citta) sinh kèm với hai nhân, là tham (lobha) và si (moha), nó là nhị nhân (dvi-hetuka)
.Tâm căn sân (dosa-mūla-citta) sinh kèm với hai nhân, là sân (dosa) và si (moha), nó là nhị nhân (dvi-hetuka)
.Tâm thiện không hợp trí sinh kèm với hai nhân, là vô sân (adosa) và vô tham (alobha), nó là nhị nhân (dvi-hetuka)
.Tâm thiện hợp trí sinh kèm với ba nhân, là vô sân (adosa), vô tham (alobha) và vô si (amoha = paññā), nó là tam nhân (ti-hetuka)
Như vậy ta thấy, tâm thiện thì không thể là một nhân, nó luôn là nhị nhân hoặc tam nhân vì nó luôn sinh kèm với tối thiểu hai nhân: vô tham và vô sân.
IV. Cảnh duyên, quyền duyên
Như đã nói, có nhiều loại duyên hệ khác nhau, chúng đều rất quan trọng. Ngoài nhân duyên và vật thực duyên được nhắc đến ở trên, còn nhiều duyên hệ khác nữa. Đức Phật đã thuyết giảng rất chi tiết về 24 loại duyên hệ chính và cả các loại duyên hệ khác xuất phát từ 24 duyên hệ chính.
Ta đã biết tâm bắt buộc phải có đối tượng để sinh lên. Bản thân điều này là một duyên hệ: Cảnh duyên (ārammaṇa paccaya). Trong duyên hệ này, cảnh là duyên cho tâm sinh khởi và biết đối tượng.
Sắc nhãn căn (cakkhuppasāda rūpa) như đã biết được duyên bởi nghiệp duyên (kamma paccaya). Đến lượt nó, sắc nhãn căn lại làm duyên cho các pháp khác với tư cách là quyền duyên (indriya paccaya). Cụ thể, nó dẫn đầu trong khả năng làm duyên cho nhãn thức sinh khởi và thấy đối tượng thị giác. Năm loại sắc thần kinh (nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn) đều là quyền duyên, chúng dẫn đầu trong việc thực hiện chức năng riêng của chúng là làm duyên cho ngũ song thức sinh khởi. Các loại sắc khác thì không thể đảm nhận loại chức năng này. Việc cái thấy chẳng hạn, xuất hiện mờ hay tỏ là không phụ thuộc vào ý chí hay mong muốn của một ai cả mà chỉ phụ thuộc vào nhãn căn, cái là quyền duyên cho nhãn thức.
V. Nhân trí tuệ và Tứ niệm xứ
Mỗi pháp làm duyên cho sự sinh khởi của các pháp khác và có nhiều loại duyên hệ khác nhau. Tham, sân, vô tham, vô sân hay trí tuệ là các tâm sở tạo duyên cho những pháp khác bằng nhân duyên (bằng cách làm nhân cho các pháp khác).
Trong ngày có rất nhiều nhân bất thiện sinh khởi, chúng sinh khởi thường xuyên hơn là nhân thiện. Đôi lúc có các nhân thiện và khi chúng dần phát triển và trở nên mạnh mẽ, các nhân bất thiện sẽ suy giảm. Trí tuệ (tâm sở vô si, một trong sáu pháp là nhân) cần phải được phát triển để đặc tính của các thực tại được biết như chúng là. Chừng nào trí tuệ chưa phát triển, chưa biết rõ các đặc tính của thực tại, các nhân bất thiện: tham, sân, si sẽ lớn mạnh và phát triển. Không có thực tại nào khác ngoài trí tuệ (tâm sở vô si) có thể tận diệt được các nhân bất thiện. Khi ta nghiên cứu Giáo pháp và hiểu đặc tính của các thực tại xuất hiện qua sáu cửa giác quan và phát triển tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna), tâm sở thiện vô si hay trí tuệ sẽ phát triển dần dần.
Chúng ta không nên quên mục đích của việc nghiên cứu tâm, tâm sở và sắc. Mục đích chính là phát triển tứ niệm xứ và như vậy cũng là hiểu biết về đặc tính của tâm, tâm sở và sắc khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên, mỗi thứ ở một thời điểm. Đó là sự thật mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng cho mọi người. Nếu ta chỉ nghiên cứu các thực tại từ sách vở nhưng không học cách biết thực tại khi chúng xuất hiện thì sẽ không thể nào tận diệt được phiền não.
Khi ta chứng ngộ Tứ Thánh Đế ở mức độ thứ nhất, tức giai đoạn giác ngộ của một vị Thánh Dự lưu (Sotāpanna), một vài phiền não được đoạn tận. Tại thời điểm chứng ngộ A la hán quả, toàn bộ các phiền não sẽ bị tận diệt, khi ấy các nhân thiện và bất thiện đều sẽ không còn sinh khởi nữa. Một vị A la hán đã tận diệt được hoàn toàn phiền não, đã đi đến tận cùng của vòng sinh tử luân hồi, sẽ không còn nhân thiện nào sinh khởi nữa, bởi nếu có, nó sẽ là duyên cho sự sinh khởi của quả thiện trong tương lai một cách bất tận.
Liệu có bao giờ ta đạt được đến mức độ đó không? Có, nếu ta có đủ kiên nhẫn và bền bỉ với sự phát triển tuệ giác, ngày này qua ngày khác. Đã có nhiều người trong quá khứ đạt được quả vị A la hán và nếu điều này là không thể thì đã chẳng có ai chứng đắc. Tuy nhiên, điều ấy không thể đạt được một cách nhanh chóng. Quả bao giờ cũng tương ứng với nhân. Trí tuệ chỉ có thể được phát triển dần dần, từng bước một và khi ấy nó có thể xuyên thấu được các đặc tính của thực tại và phiền não chỉ có thể bị tận diệt bằng cách ấy.
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Phuong Luong
trường hợp nếu 1 việc hành động như sát sanh, ng đó sát sanh để mn đc ăn, ng sát sanh đó cx ko còn lựa chọn nào khác ngoài việc chọn nghề này để kiếm sống, họ sát sanh nma tâm họ ko có ưa thik việc giết, như v có tính là sẽ gieo nhân r thế quả có ra ko
- Báo cáo

An lang thang
cái hiểu ở mức độ thực tại tột cùng hoàn toàn khác với cái hiểu thông thường, hoàn toàn khác với việc phân tích tình huống, phân tích theo đạo đức, mổ xẻ theo tình lý, hoàn toàn khác với giải thích câu chuyện theo các quan điểm abcd (chúng đều là các khái niệm tương đối mà thôi, thực tại tột cùng hay tuyệt đối thì rất khác)...
Tâm sinh lên và diệt ngay ở mỗi khoảnh khắc, một tâm hoặc là thiện, hoặc là bất thiện. Tâm thiện sinh lên cùng nhân thiện, tâm bất thiện sinh lên cùng nhân bất thiện rồi diệt đi ngay. Tâm là các thực tại tột cùng, điều đó có nghĩa là tính chất thiện hay bất thiện vào thời điểm nó sinh khởi thì luôn là thế, không thể thay đổi. Tâm thiện là thiện, tâm bất thiện là bất thiện, nó sinh lên rồi diệt đi ngay. Hết.
Các pháp = các thực tại tột cùng = pháp chân đế sinh lên vì chúng phải sinh lên, khi sinh lên chúng không có mục đích, cũng không có thời gian để nghĩ đến "mọi người đang đói", "không còn lựa chọn nào khác" hay "tôi ko ưa thích việc giết" .... Các pháp thực chất giống như các tín hiệu loé lên rồi biến mất ngay. Ví dụ cái thấy sinh lên chỉ để nhìn, nhìn rồi diệt đi trong khoảnh khắc, trong cái thấy thì không có con người nào và cũng không có sự suy nghĩ nào hết.
Trong câu chuyện mà bạn kể, thực chất có hàng tỷ tỷ tỷ tâm đã sinh diệt nối tiếp nhau. Để thực hiện hành vi giết súc vật chẳng hạn, chắc chắn phải có rất nhiều tâm sân sinh lên, sau đó khi nghĩ "tôi ko ưa thích việc giết", đó lại là rất nhiều tâm "nuối tiếc" sinh lên, khi nghĩ đến "làm thế vì người khác", lại là rất nhiều các tâm khác sinh lên, có thể là tâm thiện nhưng thường là vô số tâm si (bẩt thiện).
Do vậy, để biết có quả hay không thì phải hiểu nhân quả ở từng khoảnh khắc tâm. Khi một chúng sinh bị chết do cố ý làm chúng chết, bất kể vì mục đích là gì (để cứu người khác, để tự cứu mình, do bị ép buộc....) , tại thời điểm đó "nghiệp đạo" sát sanh được hình thành và nó sẽ cho quả trong tương lai. Trong kinh điển cũng có chuyện Đức Phật sau khi đã giác ngộ rồi vẫn phải nhận quả của hành động giết những tên cướp trong một kiếp quá khứ để bảo vệ nhiều người khác.
Nhân quả là một chủ đề rất khó, phải từ bỏ lối tư duy thông thường và làm quen với cách phân tích tâm sinh diệt từng khoảnh khắc, phải học rất nhiều thứ nữa như nghiệp là thực tại gì, quả là các thực tại gì, là các pháp gì.... thì mới dần dần hiểu được bạn ạ, mà cũng chỉ mới là hiểu được trên lý thuyết thôi.
- Báo cáo

An lang thang
@Ty2204
Việc phân tách các tâm theo từng khoảnh khắc và suy nghĩ trên cơ sở chức năng của các thực tại tột cùng thì khá là khó, chắc là không thích hợp với các độc giả bình thường trên mạng
Vì thế tôi sẽ tóm tắt theo hơi hướng câu chuyện để bạn hiểu vậy.
Nói đến “nhân quả”,
.vế “nhân” gồm chủ yếu 2 loại: các tâm thiện và các tâm bất thiện, hoặc thiện pháp và bất thiện pháp
. Trong ngày, các thiện pháp và bất thiện pháp thay nhau sinh khởi (thực ra thì khoảng 99%+ là bất thiện pháp)
. Cả thiện pháp và bất thiện pháp đều tích luỹ, tuy nhiên
. Thiện pháp thì không loại trừ/ bù trừ/ giảm trừ được bất thiện pháp. 100 thiện pháp thù thắng tích luỹ cũng không loại trừ/ bù trừ/ giảm trừ. được 1 bất thiện pháp trung bình.
. Với nhân bất thiện đã gieo, quả chắc chắn sẽ trổ, chỉ là sớm hay muộn. Nhân thiện cũng vậy.
. Quả của nhân bất thiện chắc chắn là khó chịu, khổ đau. Quả của nhân thiện thì dễ chịu, sung sướng
- Báo cáo

An lang thang
@Ty2204
để giải thích đơn giản hơn một lần nữa nhé, cái này thì phải ví dụ
(bên dưới là ví dụ minh hoạ thôi nhé, ko hoàn toàn đúng về pháp)
Bạn luôn có 2 tài khoản
. 1 tài khoản bất thiện
. 1 tài khoản thiện
cả 2 đều cho lãi suất, lãi suất của tài khoản thiện là sung sướng, lãi suất của tài khoản bất thiện là khổ đau.
Vấn đề là 2 tài khoản trên ko liên thông và không bù trừ cho nhau, vì thế nếu tại thời điểm X:
. Tài khoản thiện số dư là 10 cho lãi suất 12
. Tài khoản bất thiện số dư là 100000000000000 cho lãi suất 10
—>
Tại thời điểm đó:
không phải là bạn sẽ nhận được 12-10 = 2 lãi suất thiện (2 điều sung sướng nho nhỏ)
mà bạn vẫn phải nhận toàn bộ: 10 điều đau khổ và 12 điều sung sướng
- Báo cáo

Phuong Luong
@An lang thang cảm ơn ad, dễ hiểu quá ạ. Mình vẫn cấn khúc tại sao trog thực tại lại sinh khởi 99% bất thiện pháp, tại sao bất thiện pháp sinh khởi nhiều như thế để chỉ còn lại 1% thiện pháp sinh khởi thôi sao:((
- Báo cáo

An lang thang
cảm ơn câu hỏi của bạn @Ty2204
1. tôi sẽ giới thiệu dài dòng một chút về 4 chủng loại tâm:
không phải chỉ có tâm thiện và tâm bất thiện, ta còn có 2 chủng loại nữa là các tâm quả và tâm duy tác. Tạm thời bỏ qua tâm duy tác vì hầu như chúng không bao giờ xuất hiện cả, tôi sẽ nói qua về tâm quả. Tâm quả thực ra cũng luôn luôn sinh khởi: ở khoảnh khắc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm..... đó đều là các tâm quả sinh khởi và đảm nhận chức năng riêng tương ứng. Ngoài ra, khi ta ngủ say hoặc giữa các lộ trình tâm luôn có các tâm đặc biệt gọi là tâm hộ kiếp nhưng bản thân tâm hộ kiếp cũng thuộc loại tâm quả. Gọi là tâm quả vì chúng là kết quả được tạo bởi tâm thiện hoặc tâm bất thiện trong quá khứ. Khi ta đụng vào bàn và thấy đau, đó là "thân thức thọ khổ", là kết quả của nghiệp bất thiện trong quá khứ, khi ta nếm vị ngọt, đó là "thân thức thọ lạc", là kết quả của nghiệp thiện trong quá khứ...... Khi ta ngủ say, vì chúng ta là con người nên khi đó có tâm hộ kiếp, tâm hộ kiếp sinh khởi ở cõi người (một cõi lành) là kết quả của nghiệp thiện trong quá khứ, nó cũng thuộc chủng loại là tâm quả.
Xét về loại sinh khởi nhiều nhất trong ngày thì thực ra đó là các tâm hộ kiếp. Ngoài ra trong ngày chúng ta bắt buộc phải thấy, nghe, ngửi.... Mặc dù chúng ta nghĩ chúng ta luôn thấy, luôn nghe, nhưng thực chất cái thấy hay cái nghe (= tâm thấy, tâm nghe) không kéo dài cả ngày, cũng ko kéo dài 30 phút hay 1 phút hay 1 giây, chúng không thể kéo dài, cái thấy hay cái nghe chỉ sinh khởi rồi diệt đi ngay sau 1 sát na. Chúng ta nghĩ chúng ta đang thấy cái cốc trong 1 phút chẳng hạn nhưng thực chất trong 1 phút đó có hàng tỷ cái thấy đã sinh lên và diệt đi, xen kẽ ở giữa là hàng tỷ các tâm hộ kiếp, tâm thiện/ bất thiện ....
Vậy trong 1 phút đó, chúng ta có phân biệt được chính xác sát na nào là của tâm thấy, khoảnh khắc nào là của tâm thiện, khoảnh khắc nào là của tâm bất thiện không?
Rất tiếc, câu trả lời là Không!
Chúng ta rất khó hiểu về các pháp chân đế (các thực tại tột cùng) như tâm (citta), bởi vì chúng sinh diệt vô cùng nhanh (các máy móc hiện đại cũng ko phát hiện ra nổi). Chúng ta không thể tự phân biệt được lúc nào tâm là thiện và lúc nào tâm là bất thiện, lúc nào tâm lại là quả ....
Trước đây chúng ta cứ cho đại khái rằng khi vui vẻ, thoải mái, cười đùa, feel good, feel positive thì đó là tâm thiện, khi buồn, lo, sợ, đau, cáu, la hét ... thì đó tâm bất thiện. Nhưng đó chỉ là các tính chất của cảm xúc, không phải phải tính chất thiện hay bất thiện. Khi có cảm xúc buồn thì chắc chắn là bất thiện nhưng khi không buồn không vui hoặc khi vui, không thể từ đó mà suy ra tâm đang là thiện hay bất thiện được.
Tính chất thiện hay bất thiện của tâm là điều mà hiện tại chúng ta chỉ có thể tìm hiểu trên lý thuyết (được mô tả trong Giáo pháp) chứ không thể trực tiếp hiểu được. Chỉ có Đức Phật và các bậc Thánh mới hiểu trực tiếp các pháp chân đế sinh diệt cực nhanh đó và Giáo pháp là nơi duy nhất lưu lại những mô tả về các thực tại tột cùng ấy. Vì thế, tiếp theo tôi sẽ đưa ra câu trả lời tại sao chỉ có 1% thiện pháp sinh khởi dựa trên cách tiếp cận đơn thuần lý thuyết
- Báo cáo

An lang thang
@Ty2204
2. tôi lại bắt đầu bằng vài nguyên tắc liên quan được Giáo pháp mô tả:. tại một thời điểm chỉ có một tâm sinh lên, vì thế tâm thiện và tâm bất thiện không thể cùng sinh khởi
. các tâm thiện và tâm bất thiện sinh khởi trong các lộ trình tâm. Trong một lộ trình tâm, (ngoài các tâm quả và tâm duy tác), chỉ có một loại tâm hoặc là thiện hoặc là bất thiện sinh khởi và loại tâm ấy sinh khởi (thường là) bảy lần liên tiếp. Tức là trong một lộ trình tâm không thể có cả tâm thiện và bất thiện sinh khởi nối tiếp nhau, chỉ có thể có một loại tâm thiện hoặc bất thiện trong 1 lộ trình tâm mà thôi. Chặp các tâm thiện/ bất thiện sinh khởi liên tiếp 7 lần (trong 1 lộ trình tâm) ấy được gọi là luồng đổng lực (javana).
. một luồng đổng lực sẽ luôn là thiện hoặc bất thiện. Nếu một luồng đổng lực không phải là thiện, nó ắt phải là bất thiện.
Giáo pháp mô tả tất cả các trường hợp thiện. Có một số cách phân khác nhau, một số kinh mô tả có 10 loại thiện pháp, một số chỗ khác mô tả tóm tắt hơn và chỉ chia làm 3 loại thiện pháp mà thôi: bố thí/ trì giới và phát triển tâm trí. Và vì đó là tất cả nên điều đó có nghĩa là nếu một luồng đổng lực không có tính chất của bố thí, không có tính chất trì giới, cũng không có tính chất "phát triển tâm trí" thì ắt đó phải là một luồng đổng lực bất thiện.
Tôi sẽ nhắc lại một lần nữa:
Nếu một luồng đổng lực không có tính chất bố trí/trì giới/ phát triển tâm trí thì ắt đó là bất thiện pháp
Tiếp theo, ta cần hiểu tính chất của một khoảnh khắc tâm thì không thể biết được chỉ qua hành động bề ngoài. Ví dụ không phải cứ cho ai đó cái gì đó là có các khoảnh khắc với tính chất tâm bố thí, không phải đơn giản là chẳng nói năng gì, giữ im lặng cả ngày thì sẽ có các khoảnh khắc với tính chất "giữ giới" liên quan đến "khẩu". Các hành động hoặc hành vi không thể "tạo ra" tính chất của tâm được.
Để một khoảnh khắc tâm là bố thí (thiện), nhất thiết ở khoảnh khắc đó cần có:
. suy xét chân chánh đến lợi ích của chúng sinh khác (người nhận bố thí)
. có tác ý cho đi để mang lại niềm vui cho người nhận
. không có tác ý ngã mạn, phô trương, biểu diễn, cho rằng tôi là người tuyệt vời hay mong cầu được đền đáp
Để một khoảnh khắc tâm là giữ giới, nhất thiết ở khoảnh khắc đó cần có:
. cơ hội để phạm giới (nói dối, lấy vật không phải của mình làm của mình, tà dâm, uống rượu, sát hại chúng sinh khác)
. suy xét chân chánh đến lợi ích của chúng sinh khác
. có tác ý không làm tổn hại đến chúng sinh khác
. tự ngăn trừ bản thân rút lui khỏi những hành động phạm giới
Để một khoảnh khắc tâm là "phát triển tâm trí" thì vô cùng khó, nhất thiết ở khoảnh khắc đó cần có:
. được dẫn dắt bởi trí tuệ đã tích luỹ trong quá khứ, có đủ tích luỹ để có suy xét chân chánh đến hiểm hoạ của bất thiện/ lợi ích của thiện pháp
. có tác ý chân chánh đến tính chất thiện/ bất thiện hoặc tính chất thật sự của các pháp chân đế hiện khởi như-nó-là
Khi ta sử dụng điều trên để suy xét về cuộc sống hàng ngày thì sự thật là các khoảnh khắc của thiện pháp là vô cùng ít ỏi.
Các suy xét cụ thể tôi sẽ nêu trong comment tiếp theo
- Báo cáo

Phuong Luong
Hoan hỷ quá ạ. Thật sự giúp ích cho mình rất nhiều. Mik mong rằng nhiều người biết đến pháp sẽ đỡ khổ tâm hơn!
- Báo cáo

An lang thang
@Ty2204
Do các lộ trình tâm chỉ diễn ra trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi, tạm thời để đơn giản hoá ta sẽ bỏ qua các tâm quả và tâm duy tác, vốn không mang tính thiện hay bất thiện, ta sẽ chỉ xem xét các tâm thiện hoặc tâm bất thiện mà thôi. Nguyên tắc như đã nói: Khi ko phải là tâm thiện, đó ắt là tâm bất thiện. Tâm chỉ thiện khi nó thoả mãn các điều kiện đã nói ở #2.
3. Giờ ta sẽ xem xét một ngày bình thường của một người bình thường.
Các hoạt động chiếm hết thời gian trong ngày của chúng ta là gì:
Ăn, ngủ, giải trí, làm việc, tham gia giao thông ngoài đường, chơi game, tắm rửa, vệ sinh và sinh hoạt cá nhân
Trong tất cả các sinh hoạt ấy, hầu như chẳng có khoảnh khắc nào thoả mãn được các điều kiện để là thiện.
Khi ăn, thực tế là chỉ có toàn tâm tham. Khi cười đùa, giải trí, tán chuyện vui vẻ cũng vậy. Khi làm việc, hầu như đó là làm việc với tham và sân. Khi tắm rửa, vệ sinh, sinh hoạt cá nhân, có những tâm tham/ sân vi tế, còn khi không có hoạt động gì đặc biệt, không muốn gì hay không ghét gì, hầu hết là các tâm si sinh khởi.
Một thực tế rất hiển nhiên là 90% những gì ta làm đều là vì mình, vì lợi ích của mình. Tầu có câu đại ý: ai cũng theo đuổi lợi ích cá nhân. Khi mưu cầu lợi ích cá nhân, ắt không thể có thiện tâm. Ngoài ra chúng ta có thể nói chúng ta làm việc này việc kia vì cha mẹ, con cái, tổ quốc. ..... Cũng tương tự thôi, lúc đó chúng ta mưu cầu lợi ích nhóm. Nhóm nào vậy?, đương nhiên là lợi ích "nhóm của ta" rồi. Đó vẫn là sự dính mắc vào "nhóm của ta" và vẫn là tâm tham thôi, và khi mọi thứ không diễn ra như ý chúng ta thì các tâm sân sinh khởi, cả ngày. Chỉ khi chúng ta cho đi vì lợi ích của người khác, hoặc kìm giữ bản thân không làm tổn hại đến người khác, không phải vì "người khác" này là người thân, người quen, người cùng nhóm lợi ích của ta thì mới có thiện tâm.
Khi ta đi chùa lễ lạy để cầu xin cho gia đình, cho bản thân, đó là tâm tham. Khi ta chép kinh để được tai qua nạn khỏi cũng vậy....Chỉ là sự trao đổi: tôi cho đi điều gì đó để nhận lại được điều gì đó (cho mình). Sự trao đổi thì rất phổ biến nhưng không phải là thiện pháp.
Thiện pháp không phải không có, nhưng rất ngắn ngủi: khoảnh khắc nhường nhịn một người không quen, khoảnh khắc kính trọng một cụ già trên phố, khoảnh khắc kiềm chế không bỏ túi tờ tiền rơi trong siêu thị. Nó sinh khởi tự nhiên do duyên, không phải do ta lên kế hoạch, do "rắp tâm" chuẩn bị, sắp xếp hay luyện tập.
Vậy còn những khoá tu, những thời thiền tập, những hoạt động từ thiện thì sao? Hẳn có những nơi chốn, những cách sắp đặt, những hoàn cảnh đặc biệt giúp thiện pháp sinh khởi nhiều hơn hoàn cảnh sống bình thường hàng ngày chứ?
Thực ra, trong những hoàn cảnh được sắp đặt ấy, duyên để cho thiện pháp sinh khởi cũng không có gì nhiều hơn, nếu không nói là ít hơn cuộc sống bình thường hàng ngày. Nếu bạn hứng thú thì tôi có thể phân tích thêm còn bình luận này thì xin kết thúc ở đây.
- Báo cáo

Phuong Luong
@An lang thang vâng ạ. Mình còn chx hiểu khúc tại sao có những lúc chúng ta ko có hoạt động gì đặc biệt, không muốn gì hay ghét gì vẫn có tâm si ạ. Vả lại phần nhường nhịn những người không quen và kiềm chế nhặt tiền rơi bỏ túi thì mik nghĩ rằng vẫn có tâm sân và tham nhưng mà chúng ta lại kiềm hoãn ko cho nó tạo nghiệp đúng không ạ. Phần kết thì mik mong có thể bạn phân tích nữa cũng được luôn ạ. Mik luôn sẵn sàng đọc và tìm hiểu thêm ạ. Cảm ơn @An lang thang vì những bài viết này và mik rất cảm ơn bạn dành thời gian để dành phần cmt dài chỉ để phân tích cho mình hiểu. Mik vẫn sẽ ủng hộ và đọc bài viết của bạn trong thời gian dài nếu bạn vẫn còn đăng content lâu dài. Có thể những bài viết trong quá khứ và tương lai vẫn còn mong bạn phân tích nữa ạ. Mik nghĩ mik vẫn đọc lại từ đầu để hiểu thêm về phật pháp và có thể sẽ hơi phiền nếu mik cmt để hỏi thêm nhiều về các bài viết khác. Hoan hỷ ạ!
- Báo cáo

Phuong Luong
@An lang thang vâng ạ. Mình còn chx hiểu khúc tại sao có những lúc chúng ta ko có hoạt động gì đặc biệt, không muốn gì hay ghét gì vẫn có tâm si ạ. Vả lại phần nhường nhịn những người không quen và kiềm chế nhặt tiền rơi bỏ túi thì mik nghĩ rằng vẫn có tâm sân và tham nhưng mà chúng ta lại kiềm hoãn ko cho nó tạo nghiệp đúng không ạ. Phần kết thì mik mong có thể bạn phân tích nữa cũng được luôn ạ. Mik luôn sẵn sàng đọc và tìm hiểu thêm ạ. Cảm ơn @An lang thang vì những bài viết này và mik rất cảm ơn bạn dành thời gian để dành phần cmt dài chỉ để phân tích cho mình hiểu. Mik vẫn sẽ ủng hộ và đọc bài viết của bạn trong thời gian dài nếu bạn vẫn còn đăng content lâu dài. Có thể những bài viết trong quá khứ và tương lai vẫn còn mong bạn phân tích nữa ạ. Mik nghĩ mik vẫn đọc lại từ đầu để hiểu thêm về phật pháp và có thể sẽ hơi phiền nếu mik cmt để hỏi thêm nhiều về các bài viết khác. Hoan hỷ ạ!
- Báo cáo

An lang thang
@Ty2204
Cảm ơn bạn đã động viên. Hy vọng các bài viết có mang đến cho bạn một vài hiểu biết về pháp (chân đế). Về content thì không thiếu, chỉ là dạn này động lực viết lách của tôi không còn được như xưa, tuy nhiên tôi vẫn sẽ cố gắng để trả lời tất cả các câu hỏi ạ. Anumodana (xin tuỳ hỷ) sự quan tâm đến pháp (dhamma) của bạn.
>Mình còn chx hiểu khúc tại sao có những lúc chúng ta ko có hoạt động gì đặc biệt, không muốn gì hay ghét gì vẫn có tâm si
1. Theo Giáo pháp, si có mặt bất cứ khi nào tâm là bất thiện. Tạm bỏ qua các tâm quả và tâm duy tác như đã nói, bất cứ khi nào tâm không phải là thiện thì tâm đều sinh kèm với tâm sở si.
Theo đúng định nghĩa, tâm bất thiện là tâm sinh kèm với ít nhất một trong 3 tâm sở sau: tham, sân, si. Tổng cộng có tất cả 12 (loại) tâm bất thiện, cụ thể: Có 8 tâm tham căn (gọi tắt là 8 tâm tham), 2 tâm sân căn (2 tâm sân) và 2 tâm si căn (tâm si)
Nghe qua ta có thể tưởng rằng à, như vậy tâm bất thiện có 12 (loại) tâm, có 8 sinh khởi với tham (tâm sở tham), 2 tâm sinh khởi với sân (tâm sở sân) và 2 tâm còn lại sinh khởi với si (tâm sở si). Nói vậy cũng đúng, nhưng chưa đủ, bởi vì nguyên tắc là si sinh khởi với tất cả các tâm bất thiện, thức là si phải sinh khởi với tất cả 12 tâm vừa nói. Tức là thực tế phải như sau:
. 8 tâm tham thì sinh kèm với cả (tâm sở) si và tham , 8 tâm này có 2 nhân (nhân si và nhân tham)
. 2 tâm sân thì sinh kèm với cả (tâm sở) si và sân, 2 tâm này có 2 nhân (nhân si và nhân sân)
. 2 tâm si thì chỉ sinh kèm với (tâm sở) si, 2 tâm này có 1 nhân (nhân si)
Vậy, những lúc chúng ta ko có hoạt động gì đặc biệt thì sao? Những lúc đó không có sự bố thí (cho đi vì lợi ích của chúng sinh khác), cũng không có sự giữ giới (ngăn trừ hành động gây hại cho chúng sinh khác), không có phát triển trí tuệ (về các đặc tính của pháp chân đế) —> nhưng lúc đó không thể có tâm thiện. Khi không có hoạt động gì đặc biệt, không muốn gì hay ghét gì —> Không có tâm thiện nhưng cũng không có tâm tham (với đặc tính thích/ muốn một cái gì đó), cũng không có tâm sân (ghét / sợ một cái gì đó). Như vậy ở đây chúng ta đang xem xét khoảnh khắc mà tâm không phải là thiện, cũng không phải là tâm tham, cũng không phải là tâm sân. Theo đúng lý thuyết, tâm lúc đó là bất thiện, nhưng lại không phải là tâm sân, cũng không phải tâm tham —> chỉ có tâm si phù hợp với mô tả này.
Tâm si thì khó cảm nhận hơn là tâm tham và tâm sân. Ta biết ta đang ưa thích, đang ham muốn, đang theo đuổi, đang mong cầu một điều gì đó, khi ấy ta cảm nhận đặc tính của tham. Ta cũng biết ta đang ghét bỏ, đang sợ hãi, đang chạy trốn, đang muốn thoát khỏi một điều gì đó, khi ấy ta cảm nhận đặc tính của sân. Nhưng khi không ham muốn, cũng không chạy trốn, thường ta không cảm nhận đặc tính gì đặc biệt và thường lúc đó là tâm si. So với những lúc đặc tính tham/ sân nổi trội, các tâm si dường như không có đặc tính gì nổi trội, lúc đó dường như ta cảm nhận sự an ổn, an bình, trạng thái không có kích thích. Những trạng thái thụ động, cảm thấy dường như an bình, ổn định, lắng dịu đó hầu hết đều là tâm si mà thôi.
- Báo cáo

An lang thang
@Ty2204
> Vả lại phần nhường nhịn những người không quen và kiềm chế nhặt tiền rơi bỏ túi thì mik nghĩ rằng vẫn có tâm sân và tham nhưng mà chúng ta lại kiềm hoãn ko cho nó tạo nghiệp đúng không?
2. Các khoảnh khắc của tâm nối tiếp nhau rất nhanh. Ngay sau một đổng lực tâm bất thiện có thể là một đổng lực tâm thiện. Vì các đổng lực chỉ diễn ra trong một lộ trình tâm và một lộ trình tâm lại kết thúc vô cùng nhanh, nhanh đến độ chúng ta không thể phân biệt được lúc nào tâm là bất thiện và lúc nào tâm là thiện. Nói cách khác, chúng ta không biết đặc tính thiện hay bất thiện của các tâm đang sinh khởi vô cùng nhanh và nhiều ngay bây giờ —> đó chính là một khía cạnh của Vô minh, cái không biết gì về các đặc tính của thực tại (chân đế). Với vô minh, chúng ta không biết gì về thực tại cả.
Như đã nói, hầu hết các tâm trong ngày của chúng ta là bất thiện, vì thế chắc chắn trước khoảnh khắc thiện “nhường nhịn một người lạ”/ “kiềm chế nhặt tiền rơi bỏ túi” vẫn có nhiều tâm tham và sân sinh khởi. Một khoảnh khắc của thiện giữa một vạn khoảnh khắc của tham, sân là rất bình thường. Ngoài ra không có chuyện “kìm hãm không cho tạo nghiệp”. Một tâm bất thiện hay một tâm thiện sinh lên (hay một tâm quả/ duy tác) là do duyên. “Do duyên” nghĩa là không thể kiểm soát, nằm ngoài mọi sự kiểm soát. Không một tự ngã nào kìm hãm được sự sinh khởi của tâm bất thiện, khi có đủ duyên thì không có cái gì ngăn cản được tâm bất thiện/ tâm thiện sinh khởi, và một khi tâm bất thiện đã sinh khởi, nó có “tạo nghiệp” hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất của chính bản thân tâm ấy chứ không có cái gì có thể “kìm hãm không cho tạo nghiệp” được hết.
Như thế đấy: vẫn có thể có tâm sân/ tâm tham nhưng các tâm sân/ tham ấy cũng không thể ngăn cả tâm thiện sinh khởi, chúng tự sinh khởi bởi do điều kiện của chúng và chúng có tạo nghiệp/ có cho quả hay không là điều không có ai can thiệp được. Khi tâm thiện sinh lên thì ngay lúc ấy nó có tính chất "ngăn trừ khỏi hành vi làm hại" tại thời điểm ấy, chứ nó không có chức năng "kìm hãm năng lực tạo nghiệp của tâm sân ngay trước nó". Tâm này không thể kìm hãm tâm kia, chỉ là khi tâm thiện sinh khởi thì nó khiến cho một tâm bất thiện khác không thể sinh khởi, nhưng chỉ tại thời điểm ấy mà thôi. Sau khi tâm thiện diệt đi, rất nhanh sau đó lại có thể có tâm tham/ sân mạnh mẽ sinh khởi.
- Báo cáo

Nguyen Hong Nhung
Em chào anh An, em và bạn em có xem Pháp đàm VDH tối thứ 5 tuần vừa qua. Chia sẻ của anh về việc duyên cũng giống với lập trình rất hay và dễ hiểu ạ. Qua đó, bạn em cũng có một thắc mắc rằng liệu một cái máy ảnh, hay một con AI trí tuệ nhân tạo không cần danh để kinh nghiệm đối tượng. Và bạn ấy có hoài nghi là liệu con người cũng có thật sự cần đến danh không, hay nó chị là sự cảm nhận của não bộ thông qua các thụ thể truyền tín hiệu. Mong được anh giải đáp ạ
- Báo cáo

An lang thang
@Nhunne01
oh thế à, em xem được Pháp đàm VDH à?anh thực sự rất vui và xin tuỳ hỷ thiện pháp quan tâm đến Chánh pháp của em
Về thắc mắc của bạn em thì em có thể đặt câu hỏi trực tiếp trên pháp đàm T3 và T5 hàng tuần từ 7h30 tối thì tốt nhất.
Cách vào:
https://us02web.zoom.us/j/5333005330?pwd=Rlg2NTJRSnkzUzd3Z3NSUjZvazc2Zz09#success
tất nhiên là nếu em vẫn nhất thiết muốn anh trả lời thì anh sẽ trả lời
- Báo cáo

Nguyen Hong Nhung
Dạ em cảm ơn anh 🥰 Hiện tại thì thời gian biểu của em chưa phù hợp để tham gia Pháp đàm cùng mn nên em cũng chỉ xem lại được thui ạ. Em mong sẽ được nghe câu trả lời của anh và em cũng mong trong thời gian tới có thể cùng mn thảo luận ạ
- Báo cáo

An lang thang
cảm ơn @Nhunne01 , vậy anh xin trả lời từ sự hiểu biết của anh:
điều cơ bản nhất, theo anh một con AI/ một cái máy ảnh thì không thể kinh nghiệm đối tượng, chúng chỉ hoạt động theo đúng chức năng mà người ta lập trình cho chúng thôi.
Một cái máy ảnh tạo ra các bức ảnh, một AI thì tạo ra các câu trả lời, tạo ra các bức ảnh hoặc tạo ra đoạn phim.... Cũng như nhau cả thôi: tạo ra một lượng thông tin digital dưới dạng text hay image hay video
Điều anh nói nghĩa là: Việc tạo ra digital image, digitalized text hay digital video thì chỉ là cái chức năng sản xuất ra một loại output, thế thôi. Cũng giống như một cái máy làm bánh thôi. Nhét vào (input) cho nó đường, sữa, bột và cái máy đó sản xuất (output) ra cái bánh. Cơ chế của cái máy ảnh hay AI cũng không hề khác, chỉ khác ở chỗ là output của chúng rất giống với những output mà từ trước đến nay chỉ có con người mới tạo ra: giọng nói (tựa như của) con người, câu chuyện, bài tập làm văn .... Tuy nhiên việc output của chúng rất đặc biệt không làm thay đổi bản chất "công cụ vô tri" của chúng: nhận input và tạo ra output một cách hoàn toàn máy móc.
Như vậy AI chẳng "kinh nghiệm" cái gì hết, người ta chỉ hiểu lầm rằng chúng có kinh nghiệm đối tượng. Hãy thử nghĩ xem, giả sử chúng kinh nghiệm đối tượng thì đối tượng của sự kinh nghiệm ấy là gì? Theo bạn em, chúng có thể kinh nghiệm cái gì?
Để suy nghĩ rộng thêm về việc: tạo ra một thứ gì đó đặc biệt thì có đồng nghĩa với việc kinh nghiệm không? Nhìn vào thế giới cây cỏ, thực vật: Hoa hướng dướng tự quay về phía mặt trời, vậy có phải là chúng kinh nghiệm được ? chúng nhìn thấy mặt trời? Lá cây trinh nữ cụp lại --> có phải chúng nhận ra ai đó chạm vào chúng? một cái cây mọc ra hoa, trong hoa có mật, vậy một cái cây có biết vị ngọt của mật của hoa của chính nó?
Bản chất của sự sản xuất ra output và bản chất của sự kinh nghiệm thực ra là hai thứ độc lập và khác nhau, mặc dù đôi khi có người nhầm lẫn cái này có liên quan hoặc chính là cái kia, nhưng không phải như vậy
- Báo cáo

Nguyen Hong Nhung
Dạ em cảm ơn anh, bạn em qua những bài nghiên cứu khoa học liên quan đến thực vật cũng có tri giác nên cho rằng các loài hữu tình và những vật vô tri khác giống nhau. Có chăng khác nhau ở chỗ con người có bộ xử lý trong não bộ phức tạp hơn so với thực vật. Qua sự giải đáp của anh em nghĩ bạn ý cũng sẽ hiểu ra nhiều điều ạ
- Báo cáo