Khía cạnh đầu tiên của tâm (citta) được giải thích trong cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasālinī) là hiểu biết rõ ràng về đối tượng. Việc ghi nhớ khía cạnh này có thể là một duyên hỗ trợ cho chánh niệm (sati) sinh khởi và hay biết các đặc tính của tâm khi có cái thấy, nghe, ngửi, nếm .... và cho trí tuệ chứng ngộ được rằng những kinh nghiệm như vậy chỉ là tâm kinh nghiệm chứ không phải một tự ngã hay một con người đang kinh nghiệm đối tượng. 
Khía cạnh thứ hai của tâm là khía cạnh tốc hành tâm (javana citta) với các tâm xếp trong một chuỗi cùng loại. Mọi người có các xu hướng khác nhau bởi các tích luỹ về thiện (kusala) và bất thiện (akusala) khác nhau. Một số người đã tích luỹ rất nhiều tham, sân, si, một số người khác đã tích luỹ rất nhiều phẩm chất thiện. 
Khía cạnh thứ ba của tâm là khía cạnh quả (vipāka citta), tức là tâm quả được duyên bởi các nghiệp và phiền não đã tích luỹ. Nếu có hiểu biết đúng về tâm lộ (vīthi citta), tức là các tâm sinh khởi trong lộ trình, chúng ta sẽ rõ hơn thế nào là vòng sinh tử luân hồi. Khía cạnh này của tâm liên quan đến ba vòng luân (tam luân): phiền não luân, nghiệp luân và quả luân. 
I. Sự tích luỹ phiền não và tam luân
Các thiện pháp (kusala dhamma) và bất thiện pháp (akusala dhamma) sinh khởi trong luồng tốc hành tâm (javana citta) sinh và diệt nhưng chúng được tích luỹ và chuyển tiếp từ khoảnh khắc tâm này sang khoảnh khắc tâm khác. Tâm sinh và diệt, nhưng sự diệt đi của một tâm lại làm duyên cho sự sinh khởi của tâm tiếp theo và tất cả những tích luỹ có trong tâm trước đó sẽ được chuyển tiếp tới tâm sau. Đó là lý do tại sao các tâm lộ bất thiện và tâm lộ thiện trong chuỗi của chúng có thể làm duyên cho sự sinh khởi của quả (vipāka) về sau. 
Vòng sinh tử luân hồi là tam luân: 
.Phiền não luân 
.Nghiệp luân
.Quả luân. 
Phiền não luân xoay vần khi các đối tượng được kinh nghiệm qua ngũ môn và ý môn. Các phiền não sinh khởi trong chuỗi tốc hành tâm là nguyên nhân tạo nghiệp (kamma). Khi đó, nghiệp luân xoay vần, nghiệp thiện và nghiệp bất thiện được tạo qua thân, khẩu và ý. Nghiệp luân sẽ tạo quả và như thế quả luân xoay vần. Khi quả sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thì phiền não dễ dàng sinh khởi và như thế phiền não luân lại xoay vần. Cứ như vậy, do bởi những gì xuất hiện qua ngũ môn và ý môn mà các phiền não tham và sân sinh khởi. Các phiền não làm duyên cho nghiệp thiện hoặc nghiệp bất thiện và những nghiệp đó lại tạo ra quả thiện (kusala vipāka) hoặc quả bất thiện (akusala vipāka). Như vậy, không có điểm cuối của tam luân. Chừng nào trí tuệ (paññā) vẫn chưa phát triển và đủ sức mạnh để có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế thì tam luân sẽ vĩnh viễn xoay vần.
II. Tam luân và Lý Duyên Khởi (Thập nhị nhân duyên - Paticca samupada)
Lý duyên khởi (Giáo lý về các pháp tương thuộc) có thể được suy xét dưới góc độ tam luân. "Vô minh (avijjā) duyên Hành". Điều đó có nghĩa rằng phiền não luân làm duyên cho sự sinh khởi của Nghiệp luân."Hành duyên Thức". Thức ở đây chính là tâm quả. Điều này có nghĩa rằng nghiệp luân làm duyên cho quả luân.
Từ góc độ Pháp chân đế thì Vô minh là tâm sở si (moha), là pháp bất thiện không biết thực tại như chúng là. Tâm sở này đại diện cho phiền não luân, cái làm duyên cho sự sinh khởi của hành (saṅkhāra). Hành ở đây cụ thể bao gồm: Phúc hành (thiện nghiệp), Phi phúc hành (bất thiện nghiệp) và Bất động hành (bất động nghiệp: các nghiệp thiện sinh khởi với các tâm thiền vô sắc giới). Ba loại nghiệp này lại làm duyên cho sự sinh khởi của thức (viññāṇa). Trong bối cảnh của Lý duyên khởi thì thức là tâm quả (vipāka citta). Tâm quả là thức tái tục sinh khởi ở các cõi tương ứng với nhân (nghiệp) tạo ra nó.
Đức Phật đã thuyết giảng Giáo pháp bằng nhiều cách khác nhau như Bốn pháp chân đế (paramattha dhamma), Tứ Thánh Đế, hay Lý Duyên Khởi. Tuy khác nhau nhưng tất cả đều liên quan đến các pháp sinh khởi trong mỗi khoảnh khắc, kể cả bây giờ, ngay tại thời điểm này.
minh hoạ Tam luân
minh hoạ Tam luân
III. Nhân, quả và Vô ngã
Quả được duyên bởi các Nghiệp và Phiền não đã được tích luỹ. Từ đó ta có thể thấy rằng trong cuộc sống hàng ngày có phiền não, nghiệp và quả ở những khoảnh khắc khác nhau. Hiểu biết đúng về tâm lộ là một duyên cho chánh niệm và sự thẩm xét các tâm khác nhau sinh khởi trong lộ trình kinh nghiệm đối tượng thị giác, âm thanh, các đối tượng của các giác quan khác và của ý. Nhờ đó, trí tuệ (paññā) có thể biết được khi nào có phiền não, khi nào có nghiệp và khi nào là quả.
Lấy ví dụ một lộ trình nhãn môn:
.Ngũ môn hướng tâm không phải là tâm quả
.Nhãn thức là tâm quả
.Tiếp nhận tâm, Suy đạt tâm là tâm quả
.Xác định tâm không phải là tâm quả
.Các tốc hành tâm thiện, bất thiện hay duy tác không phải là tâm quả
.Đăng ký tâm (na cảnh/ mót) là tâm quả
Chúng ta có thể phân vân liệu có lợi ích gì khi nghiên cứu chi tiết khoảnh khắc nào là tâm quả và khoảnh khắc nào thì không trong lộ trình trên. Câu trả lời là: việc biết các pháp là nhân khác với các pháp là quả là rất hữu ích. Các pháp bất thiện hay thiện thì là nhân chứ không phải là quả. Lúc có tâm quả (vipāka citta) là lúc kết quả của một nguyên nhân xuất hiện; bản thân quả (vipāka) thì không phải là nhân. Nếu chúng ta thực sự hiểu được chẳng hạn như cái thấy hiện giờ chính là quả được tạo bởi nghiệp quá khứ, liệu chúng ta còn tiếp tục tin rằng có một ai đó, một tự ngã nào đó có thể làm cho quả (cái thấy hiện giờ) sinh khởi được không? Như thế, nếu ta có hiểu biết đúng về tâm là nhân và tâm là quả, chúng ta sẽ hiểu vô ngã (anattā) nghĩa là gì. Chúng ta sẽ hiểu vô ngã khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ, và hiểu biết này có thể là trợ duyên cho chánh niệm hay biết đặc tính của thực tại hiện khởi và như vậy sẽ có thêm hiểu biết về các đặc tính khác nhau của các thực tại. 
Một số người sợ rằng quả sẽ không còn sinh khởi nữa sau khi chết, nhưng không có lý do nào để sợ điều này. Chừng nào một người còn chưa phải là A la hán thì vẫn còn hiện diện các duyên cho sự tiếp tục của quả, chúng sẽ còn sinh khởi ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia, những tháng sau, những năm sau hay những kiếp sau.... 
IV. Nghiệp và bốn yếu tố thuận lợi, bốn yếu tố bất lợi
Khi tính đến bốn yếu tố có lợi và bốn yếu tố bất lợi (sẽ được mô tả ngay sau) trong hai trường hợp nghiệp thiện và nghiệp bất thiện, nghiệp có thể được chia làm 16 loại: tám loại nghiệp bất thiện (akusala kamma) và tám loại nghiệp thiện (kusala kamma). Các nghiệp thiện cũng như bất thiện cần các duyên khác để trổ quả, bốn trong các duyên này có tính chất thuận lợi (sampatti) và bốn có tính chất bất lợi (vipatti).
Chẳng hạn, một số nghiệp bất thiện đã tạo có thể chưa trổ quả được vì sự có mặt của bốn yếu tố thuận lợi, đó là: Nơi sinh trưởng thuận lợi (gati), hình thể thuận lợi (uphadhi), thời kỳ thuận lợi (kāla), sở hành thuận lợi (payoga - thành công về phương tiện hay công việc). Ngược lại, sự có mặt của bốn yếu tố bất lợi: nơi sinh trưởng bất lợi, hình thể bất lợi, thời kỳ bất lợi và sở hành bất lợi tạo cơ hội cho một số nghiệp bất thiện trổ quả. Tương tự, các nghiệp thiện sẽ có cơ hội trổ quả khi có mặt bốn yếu tố thuận lợi và ngược lại.
Cụ thể hơn, nơi sinh trưởng thuận lợi (gati sampatti) có nghĩa là tái sinh ở một cõi lành, còn bất lợi (gati vipatti) là tái sinh ở cõi khổ, chẳng hạn như địa ngục. Tất cả chúng ta đều phải tái sinh ngay khi tử thức diệt đi, nhưng không ai có thể biết trước liệu mình sẽ tái sinh ở cõi lành hay dữ, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào loại chuỗi tốc hành làm duyên cho tái sinh trước khi tử thức sinh khởi là thiện hay bất thiện. Chúng ta không biết nghiệp nào sẽ tạo quả tái sinh sau tử thức và do đó quyết định cõi tái sinh tương ứng.
Khi nghiệp thiện tạo quả dưới dạng tái sinh ở một cõi lành, khi ấy có sinh trưởng thuận lợi. Trong vòng sinh tử luân hồi, ngoài nghiệp thiện đã tạo ra sự tái sinh ở cõi lành, còn có nhiều nghiệp thiện khác cũng được tích luỹ. Với sinh trưởng thuận lợi (tái sinh an lành), các nghiệp thiện này có cơ hội để trổ quả dưới dạng các tâm quả kinh nghiệm đối tượng dễ chịu trong một kiếp sống. Tuy nhiên, các nghiệp bất thiện trong quá khứ cũng tích luỹ và ta sẽ phải kinh nghiệm các đối tượng khó chịu khi chúng trổ quả qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Tất cả chúng ta đã tạo những nghiệp thiện và bất thiện nhưng cơ hội để chúng trổ quả tuỳ thuộc vào các yếu tố thuận lợi và bất lợi.
Hình thể (upadhi) là một yếu tố khác có thể là thuận lợi hay bất lợi. Dukkha (khổ) là tính chất nội tại của thân. Kể cả khi ta được tái sinh làm người tức là ở cõi lành, nghiệp trong quá khứ vẫn có thể làm duyên khiến ta có một thân thể tàn tật, đây là hình thể bất lợi góp phần khiến các nghiệp bất thiện tạo quả nhiều hơn là các nghiệp thiện.
Thời kỳ là một yếu tố nữa. Khi ta sống trong thời kỳ thuận lợi (kāla sampatti), thực phẩm sẽ dồi dào, sông đầy cá và lúa đầy đồng, khi ấy sẽ không khó khăn để có được vật thực. Vào thời kỳ thịnh vượng và hoà bình, ta có thể sống trong tiện nghi đầy đủ, nghiệp thiện có cơ hội làm duyên để các tâm quả sinh khởi kinh nghiệm đối tượng dễ chịu qua ngũ quan. Ngược lại, vào thời kỳ bất lợi như bất ổn hay chiến tranh, thực phầm khó kiếm và đắt đỏ, khi ấy nghiệp thiện không có cơ hội trổ quả nhiều. Ngay cả những người đàng hoàng không phiền nhiễu bất kỳ ai cũng vẫn có thể có những kinh nghiệm khó chịu, có thể bị đau ốm hoặc mất mạng sống vào một thời kỳ bất lợi. Chúng ta có thể đã tích luỹ thiện nghiệp, nhưng vào thời kỳ bất lợi, các nghiệp bất thiện có cơ hội trổ quả dưới dạng các tâm quả bất thiện, và điều ấy cũng có thể đang xảy ra ở chính thời điểm này.
Sở hành cũng là một yếu tố. Một người khéo léo, chăm chỉ và tháo vát có thể thành công trong sự nghiệp hay nghề nghiệp. Khả năng hoàn tất nhiệm vụ chính là sở hành thuận lợi, bất kể theo cách thiện hay bất thiện (cho dù đó là việc ăn trộm đi nữa cũng cần kỹ năng và sự thuần thục). Khi sở hành thuận lợi, nghiệp bất thiện quá khứ sẽ không có cơ hội để trổ quả. Ngược lại, một số người có thể rất đàng hoàng nhưng lại không có kỹ năng, kiến thức và năng lực trong nghề nghiệp hay nhiệm vụ của mình, vì thế thất bại trong sự nghiệp và sở hành bất lợi đó sẽ ngăn cản sự sinh khởi của các tâm quả thiện.
Đức Phật đã giảng một cách chi tiết về các nguyên nhân mang đến kết quả tương ứng. Ngài cũng đã thuyết giảng về các duyên tố khác nhau cần thiết cho sự sinh khởi của quả. Lời dạy của Ngài về chủ đề này minh họa sự thật về vô ngã: Không có cái ngã nào có thể khiến cái gì đó sinh khởi bằng ý chí. Mỗi tâm sinh khởi phụ thuộc vào các duyên tố khác nhau, các điều kiện thuận lợi hay bất lợi khác nhau.
V. Tham ái trong đời sống hàng ngày
Hiểu biết đúng về nhân và quả, hay hiểu đúng về phiền não, nghiệp và quả có thể làm duyên cho sự giảm nhẹ khổ đau (dukkha) có tính nội tại trong vòng sinh tử luân hồi. 
Như đã biết, khi ta thấy, nghe, hay ngửi, có nhiều tâm quả sinh khởi đan xen trong các lộ trình ngũ môn. Tất cả các tâm quả này không thể tạo bất cứ nghiệp (thiện hay bất thiện) nào, chúng không thể tạo nên bất kỳ chuyển động nào của sắc trên thân để tạo nghiệp. 
Khi ta nói, đi, nhấc tay hay cử động thân để thực hiện các hoạt động khác nhau, tâm khi ấy là các tốc hành tâm lộ chứ không phải tâm quả. Các tốc hành tâm lộ (thiện hay bất thiện) có thể tạo nên chuyển động của các sắc trên thân. Như vậy, ta có thể hiểu rằng các tâm tạo nghiệp là hoàn toàn khác với các tâm quả.
Khi ta ăn, có nhiều loại tâm sinh khởi: tâm thấy thức ăn là tâm quả, tâm thích thức ăn vừa thấy thì lại là tâm bất thiện căn tham, còn tâm không thích thức ăn được thấy là tâm bất thiện căn sân; tâm nếm vị chua ngọt là tâm quả, còn tâm tạo nên cử động của thân khi lấy, nhai và nuốt thức ăn thì là các tâm bất thiện căn tham. Hàng ngày, tham ái thường xuất hiện rất nhiều, điều này là hoàn tự nhiên như sự xuất hiện thường xuyên của các nhu cầu đời thường, chúng đều là do duyên và nằm ngoài sự kiểm soát (vô ngã). Vì thế, chúng ta không nên cố trốn chạy khỏi tham mà thay vào đó nên biết tham như-nó-là, và chỉ như vậy nó mới có thể dần được tận diệt. Khi có đủ duyên cho chánh niệm sinh khởi, chánh niệm có thể hay biết các đặc tính của các loại tâm xuất hiện một cách tự nhiên. 
Như đã nói, từ khi ta sinh ra đã có duyên cho sự sinh khởi của tham, rất nhiều và lặp đi lặp lại trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy, tham đã trở thành bản chất của chúng ta. Phần lớn thời gian khi ta làm việc đều có tham và vì thế những khoảnh khắc tham xuất hiện trong một ngày là vô số. Tuy nhiên, nếu ta thấy được sự lợi lạc của thiện pháp, khi ấy cũng có thể có duyên cho tâm thiện sinh khởi. Chẳng hạn khi ta ăn, như đã nói, nhiều tốc hành tâm lộ (javana vīthi citta) với tham sinh khởi, tuy nhiên tốc hành tâm lộ trong một lộ trình tiếp theo có thể lại khác. Nếu có đủ duyên, chánh niệm vẫn có thể sinh khởi và hay biết tâm đang vui thú với thức ăn và lúc đó có luồng tốc hành tâm thiện (kusala javana citta). Chánh niệm cũng có thể hay biết các đặc tính của sắc pháp như mềm, cứng, lạnh, nóng, căng trùng, chua, ngọt hay mặn của các vị đang xuất hiện chẳng hạn. Khi tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) được phát triển, trí tuệ (paññā) có thể biết được tính chất của tâm. Bất thiện có thể được biết như-nó-là trước khi có bất cứ hành động nào qua thân hay khẩu. Khi tứ niệm xứ phát triển, chánh niệm có thể hay biết tâm thấy và khi ấy có hiểu biết đúng về đặc tính của nó, có hiểu biết phân biệt tâm thấy với tâm dính mắc vào đối tượng (thị giác) xuất hiện.
VI. Vòng sinh tử luân hồi là tam luân vận hành theo các duyên
Như đã biết, khía cạnh thứ ba của tâm nói rằng tâm quả được duyên bởi nghiệp đã được tích luỹ và các phiền nào. Phiền não là pháp bất tịnh. Khi ta thèm muốn một cái gì đó hay mong mỏi đạt được một thứ gì cho bản thân thì lúc đó không có hài lòng và an tịnh. Khi ta không muốn gì cho mình và tham không sinh khởi thì khi ấy mới có sự hài lòng. Khi ta mong mỏi một cái gì đó, ở đó có dính mắc, có vô minh không thấy được các pháp đang xuất hiện là bất tịnh, không có sự an tịnh mà thay vào đó là rối ren do dính mắc. Bất cứ khi nào có các mong muốn vị kỷ do dính mắc, khi ấy có pháp bất tịnh (= phiền não). Với vô minh, mọi người nhầm lẫn tham với tín (saddhā - niềm tin vào thiện pháp). Khi chánh niệm chưa sinh khởi và trí tuệ không thẩm xét các thực tại thì ở đó tất có vô minh và sẽ không thể phân biệt được khi nào có tham (bất thiện) và khi nào có tín (thiện).
Các vị tỳ kheo và cư sĩ còn là phàm nhân thì vẫn còn phiền não, chưa thoát khỏi sự dính mắc sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày. Và chừng nào phiền não còn chưa được tận diệt thì dính mắc với những gì xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý sẽ còn sinh khởi. Các phiền não khác nhau sinh khởi lặp đi lặp lại như vậy có thể rất mạnh mẽ, đến mức tạo các nghiệp bất thiện qua thân và khẩu. Khi nghiệp đã được tạo, cho dù tâm và tâm sở sinh khởi ở thời điểm (tạo nghiệp) đó đã diệt đi, nhưng nghiệp đã tạo thì không bao giờ mất đi cả mà được tích lũy từ tâm này sang tâm khác, luôn là như vậy. Vì thế mà có một loại duyên gọi là duyên nghiệp (kamma paccaya), là nghiệp làm duyên cho sự sinh khởi của tâm quả và các tâm sở đồng sinh.
Chúng ta cần phải biết khi nào là phiền não, khi nào là nghiệp và khi nào là quả. Các ngũ song thức (tâm thấy, nghe, ngửi, nếm ....) đều là quả của nghiệp. Ai cũng mong kinh nghiệm các đối tượng dễ chịu hết lần này đến lần khác, dường như không bao giờ là đủ, tuy nhiên trên thực tế không ai kiểm soát được việc này, nó hoàn toàn do duyên nghiệp. Tuỳ thuộc vào duyên nghiệp mà đối tượng dễ chịu hay khó chịu sẽ in dấu lên nhãn căn (thứ cũng được duyên bởi nghiệp). Khi nhĩ thức nghe một âm thanh dễ chịu, đó là kết quả của nghiệp thiện, khi nhĩ thức nghe một âm thanh khó chịu, đó là kết quả của nghiệp bất thiện. 
Duyên nghiệp là duyên cho sự sinh khởi của quả, nó là một duyên trong 24 duyên hệ chính cho tất cả các thực tại sinh khởi. Mọi kinh nghiệm thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm đều là tâm quả sinh kèm với các tâm sở quả sinh khởi bởi duyên nghiệp. Không ai có thể tạo nên sự sinh khởi của quả theo ý muốn của mình. Tại thời điểm này chúng ta đã thấy rồi, đã nghe rồi. Ai có thể ngăn cản thấy và nghe xuất hiện khi nó sinh khởi bởi duyên nghiệp đây?
*Tâm quả và các tâm sở quả sinh khởi cùng nhau, cùng làm duyên lẫn cho nhau theo phương thức Quả duyên (vipāka paccaya). Sắc pháp được duyên bởi nghiệp thì không được gọi là vipāka (quả) cho dù nó là kết qủa của nghiệp. Từ vipāka (quả) chỉ dành cho tâm và tâm sở.
 --- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.