Lược dịch từ bài luận "Messiahs, Jihads and God Emperors: Should Humanity Just Give Up Religion?" của tác giả Greg Littman, rút từ trong cuốn khảo luận "Dune and Philosophy: Minds, Monads and Muad'Dib", nhà xuất bản Wiley-Blackwell (2022).

Tôn giáo bên trong Xứ Cát

“Số liệu: theo ước tính thận trọng nhất, ta đã giết sáu mươi mốt tỷ người, triệt hạ chín mươi hành tinh, phá hủy hoàn toàn năm trăm hành tinh khác. Ta đã quét sạch tín đồ của bốn mươi tôn giáo vốn đã tồn tại từ thuở…” “Lũ vô đạo!” Korba phản đối. “Thảy đều là những kẻ vô đạo!” “Không,” Paul đáp. “Là những tín đồ.” “Chúa công đang đùa rồi,” Korba nói, giọng run run. “Thánh Chiến đã đưa mười ngàn thế giới vào ánh sáng chói lòa của…” “Vào bóng tối,” Paul nói. “Phải một trăm thế hệ nữa chúng ta mới phục hồi được từ Thánh Chiến của Muad’Dib. Ta không tưởng tượng nổi sẽ có người có thể vượt qua điều này.” Tiếng cười gay gắt thoát ra từ cổ họng của chàng. “Điều gì khiến Muad’Dib thích thú vậy?” Stilgar hỏi. “Ta không thích thú. Chỉ là ta bất chợt hình dung vị Hoàng đế Hitler này cũng nói điều tương tự. Không nghi ngờ gì là ông ta đã nói thế.” - DUNE MESSIAH, Frank Herbert (1969) -
Nhân loại phải chăng nên từ bỏ tôn giáo? Quả thực nếu tôn giáo trở nên giống như trong series Xứ Cát thì đó là một lựa chọn đáng suy ngẫm. Sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế của người Fremen mới đem đến nhiều bi kịch làm sao! Sáu mươi mốt tỷ người chết! Chín mươi hành tinh bị triệt hạ! Lẽ ra Paul Atreides sẽ là người dẫn dắt vũ trụ đến với thiên đường, nhưng mọi sự lại trở nên nông nỗi như vậy; và con trai của chàng - Leto II, cũng đã nói rằng: “Tôn giáo của Muad’Dib giờ có một cái tên khác; ấy là Shien-san-Shao, một cụm từ mà người ở Ix dùng để chỉ sự khốc liệt và điên cuồng của những kẻ tự cho rằng có thể đưa vũ trụ tới thiên đường bằng mũi dao pha lê.”
Sau tất cả những thảm kịch ấy, thực chất Thánh Chiến của Paul Atreides mới chỉ là khởi đầu của đau khổ mà thôi. Sau khi lật đổ Gia tộc Corrino - những người nắm giữ ngôi Hoàng đế Padishah của vũ trụ suốt mười ngàn năm - Paul trở thành Hoàng đế Padishah mới, người đứng đầu của một đế chế thần quyền và sẵn sàng đàn áp dã man những ai bất đồng chính kiến. Tất cả những ai dám lên tiếng chất vấn các quyết sách của triều đình đều bị gán tội “Báng bổ”. Sau khi Paul thoái vị và người em gái Alia của anh trở thành Nhiếp chính, mọi chuyện ngày càng tệ hơn. Cái tôn giáo nhân danh Muad’Dib ấy ngày càng mục ruỗng và suy đồi, bởi nó phải chạy theo những nhu cầu cá nhân của những kẻ nắm quyền của triều đình. Bấy giờ Paul Atreides được tin là đã chết, nhưng thực chất thì chưa, và anh giả trang thành một người được gọi là Kẻ Truyền Giáo. Kẻ Truyền Giáo đã nói rằng: “Tôn giáo của Muad’Dib không phải là Muad’Dib” và tuyên bố những tu sĩ đã nhân danh Muad’Dib mà làm những chuyện sai trái. Và ở cuối tập thứ 3 của series là Children of Dune, con trai của Paul là Leto II Atreides chính thức kế vị ngai vàng, và rồi được thờ phụng như một vị thần. Leto II đã biến bản thân mình thành một dạng sống lai với sâu cát để kéo dài tuổi thọ, qua đó cai trị đế chế trong ba ngàn năm trăm năm liên tục, và được tôn xưng là “God Emperor” - “Thần Đế”. Leto II cố tình trưng ra bộ mặt bạo chúa và cai trị bằng một sự chuyên chế gần như tuyệt đối; thảy là để phục vụ cho mục đích sau cùng của mình - Con Đường Hoàng Kim. Leto II biến bản thân mình thành cái đích của mọi sự căm phẫn được dồn nén qua hàng ngàn năm, để rồi đến lúc thích hợp, y sẽ bị lật đổ, và nhân loại sẽ thoát khỏi cái vũng lầy trì trệ đã kìm chân họ suốt mười mấy ngàn năm, vì tin rằng vật cản duy nhất chính là tên “bạo chúa” được xưng tụng là thần kia đã chết.
Leto II Atreides - The God Emperor of Dune
Leto II Atreides - The God Emperor of Dune
Điểm chung giữa Paul, Alia và Leto II chính là không ai trong số họ tin tưởng dù chỉ mảy may vào tôn giáo được xây dựng dựa trên họ. Họ sử dụng tôn giáo như công cụ để kiểm soát chính trị, thao túng người Fremen cho mục đích của mình. Bản thân văn hóa của người Fremen khiến việc ấy càng trở nên dễ dàng hơn, bởi trong đó thì luật lệ và tôn giáo là một, khiến việc bất tuân trở thành một thứ tội lỗi.
Cố nhiên việc sử dụng tôn giáo trong thao túng chính trị đã có từ rất lâu trước thời đại của Paul Atreides rồi. Trong hàng thiên niên kỷ, hội Bene Gesserit thao túng các tôn giáo trong lòng Đế chế để phục vụ cho tư tưởng chính trị của họ - dù bản thân hội nữ tu này gần như không tồn tại thứ gọi là niềm tin tôn giáo. Alia Atreides đã thẳng thừng nói như sau: “Bene Gesserit luôn luôn thiếu lòng tin mà thừa thực dụng.” Còn Leto II thì bảo rằng trong suốt chiều dài lịch sử, Bene Gesserit chính là những kẻ rao giảng về tôn giáo giỏi nhất. Tôn giáo của người Fremen từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi cái gọi là Missionari Protectiva của hội Bene Gesserit - một phương thức thao túng những nền văn hóa còn sơ khai và mê tín để phục vụ cho mục đích của họ. Cũng chính mầm mống được gieo từ Missionari Protectiva đã giúp Paul và Lệnh bà Jessica tìm được sự trợ giúp từ người Fremen, và chính nó đã góp phần giúp Paul trở thành Muad’Dib - Đấng Cứu Thế của người Fremen.
Trước khi Thánh Chiến của Muad’Dib bùng nổ, nhân loại ở dưới quyền cai trị của Gia tộc Corrino suốt hơn mười ngàn năm. Các Hoàng đế Padishah của Gia tộc Corrino duy trì quyền lực bằng đội quân Sardaukar tinh nhuệ và đáng sợ của mình - những người được miêu tả là một đội quân cuồng tín, một thứ “tôn giáo chiến binh”. Cán cân quyền lực khác là Hiệp hội Không gian cũng bí mật thao túng nhân loại qua tôn giáo, thông qua việc ủng hộ hợp nhất mọi tôn giáo thành một và tạo ra Kinh Thánh Toàn Nhân Loại Màu Cam, sau cùng cũng là để phục vụ cho việc ổn định tình hình chính trị trong vũ trụ.
Tuy thế thì sau cùng, những mối nguy về tôn giáo như trong vũ trụ của Xứ Cát, chỉ là tưởng tượng mà không có thật mà thôi. Đâu cần phải lo ngại như thế?
Nhưng có thật là như thế không?
Sự thật là, tôn giáo trong Xứ Cát đại diện cho tương lai của những tôn giáo đang tồn tại hiện nay, nhất là các tôn giáo độc thần. Tôn giáo chung của cả đế chế do Gia tộc Corrino cai trị được dựa trên Kinh Thánh Toàn Nhân Loại Màu Cam, một cuốn kinh được tạo thành từ lời răn của mọi tôn giáo lớn trên Trái Đất cũ, đó phải là những tôn giáo ít nhất có trên một triệu tín đồ. Còn người Fremen? Họ bị ảnh hưởng từ những truyền thống mang âm hưởng Do Thái giáo từ hành tinh Salusa Secundus, Thiền tông Phật giáo từ những người Zensunni Du Mục, và cả những phong tục Hồi giáo của Caladan và Zensunni.
Tôn giáo trong Xứ Cát chính là hình hài tương lai của các tôn giáo trên Trái Đất.

Sự sai trái trong “tôn giáo” của Xứ Cát

Tôn giáo trong Xứ Cát đã đem đến bi kịch cho nhân loại toàn vũ trụ, mà Thánh Chiến của Muad’Dib là minh chứng dễ thấy nhất. Nhưng đó chẳng phải điều độc nhất hay chỉ là một trường hợp không may. Góc nhìn của Frank Herbert với tôn giáo là chẳng sớm thì muộn, tôn giáo sẽ trở nên mang tính áp chế. Ông đã mượn lời của Thần Đế Leto II Atreides để đưa ra góc nhìn của mình. Leto II Atreides là người sở hữu khả năng Tiên tri gần như toàn năng, và y có thể nhìn thấu mọi sự kiện trong quá khứ. Chứng kiến lịch sử hàng chục ngàn năm của nhân loại, Leto II đã nhận xét rằng: “Tôn giáo luôn dẫn đến sự chuyên chế trong hùng biện.” Sự chuyên chế trong hùng biện, hay từ gốc được sử dụng là “rhetorical despotism”, ám chỉ đến một sự ảnh hưởng tuyệt đối đến ý chí của người khác chỉ bằng lời nói, đến mức đối phương không thể phản bác lại được gì. Hoặc nói đơn giản hơn, là khi một cá nhân tin vào tôn giáo đến mức không thể và không dám thốt ra một câu một từ phản bác hay đi ngược lại các lời răn, vì sợ mắc phải tội báng bổ.
Điều đầu tiên mà các tôn giáo đòi hỏi tín đồ của nó là sự chấp nhận quyền lực một cách vô điều kiện. Tôn chỉ của hội Bene Gesserit thậm chí còn nói rằng: “Tôn giáo giống như hình ảnh của người lớn đối với trẻ nhỏ… Và lời răn bất thành văn tối hậu luôn phải là ‘Ngươi không được phép chất vấn!’” Đương nhiên, bản chất của tôn giáo sẽ là truy tìm và loại bỏ những gì bị nó coi là “không chính thống”, là “tà đạo”. Và nếu nói nặng hơn, thì bản chất của tôn giáo chính là sự dối gạt chính các tín đồ của nó để họ tin theo. Sách Hướng dẫn Missionari Protectiva của hội Bene Gesserit ghi rằng “luôn có những ảo tưởng xuất hiện trong lịch sử, mà một tôn giáo cần phải thúc đẩy.”
Tôn giáo cũng khuyến khích các tín đồ của nó tin rằng bản thân đã biết đủ những gì cơ bản quan trọng nhất. Sách Dạy Nội Tâm Missionari Protectiva của Bene Gesserit viết rằng: “Mọi tổ chức tôn giáo đều có chung một vấn đề, một điểm nhạy cảm mà qua đó, ta có thể bước vào và dịch chuyển nó theo ý đồ của ta: Làm sao phân biệt được giữa kiêu ngạo và mặc khải?” Các tôn giáo phải coi sự mặc khải là điểm kết, là lúc đạt được mọi tri thức cần thiết; bởi chỉ cần biết nhiều hơn dù chỉ một chút là sẽ ảnh hưởng đến niềm tin về tôn giáo đó. Sự tự tin như vậy quả nguy hiểm, bởi “không tồn tại thứ được gọi là tổng hợp của mọi kiến thức có thể đạt được.” Những ai tin rằng mình đã biết hết mọi thứ cố nhiên không thể học hỏi gì cả. Leto II đã nói rằng: “Đây là khởi thủy của tri thức - khi ta khám phá ra có thứ mà bản thân không hiểu rõ.” Và Leto II cũng khuyên rằng: “Chớ nên thử lý luận với kẻ tin rằng bản thân y đã đúng!”. Sự tự tin ấy sẽ giết chết khát khao học hỏi!
Và khi tôn giáo và nền cai trị bắt đầu liên quan đến nhau, thì con đường dẫn tới quyền lực chính trị sẽ mở rộng ra, thu hút những kẻ đam mê quyền lực. Missionari Protectiva của hội Bene Gesserit viết rằng: “Mọi nền cai trị đều gặp chung một vấn đề: Quyền lực thu hút đủ mọi kẻ thái nhân cách. Bản thân quyền lực không suy đồi, nhưng nó là nam châm thu hút sự suy đồi. Những kẻ đam mê quyền lực sẽ có xu hướng đắm chìm bạo lực và không thể dứt ra được.” Trong trường hợp một nền cai trị pha trộn thần quyền như người Fremen, mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi phạm luật đồng nghĩa với vi phạm cả giáo lý. Paul Muad’Dib đã nhận xét về điều này như sau: “Khi luật lệ và giáo lý hợp làm một, ngươi sẽ không bao giờ thực sự sáng suốt và thực sự nhận biết rõ về bản thân. Ngươi sẽ mãi mãi là một thứ gì đó thấp hơn một con người thực thụ.”
Hơn nữa, khi một cá nhân nắm giữ cả quyền lực chính trị và tôn giáo, thì sẽ đặc biệt nguy hiểm, nhất là nếu y được xưng tụng là thánh sống. Chúng ta đã biết mọi chuyện có thể mất kiểm soát ra sao trong trường hợp của Paul Muad’Dib và Thánh Chiến rồi. Hội Bene Gesserit có một câu nói rằng: “Khi tôn giáo và chính trị ở cùng một chiếc xe, và chiếc xe ấy được lèo lái bởi một vị thánh sống, không gì có thể cản đường nó.” Nhưng dù hiểm nguy đầy rẫy nếu tôn giáo và chính trị lập lờ trộn lẫn với nhau, thì dường như việc đó là không thể tránh khỏi khi tồn tại một tôn giáo chính thống. Muad’Dib đã nói rằng:
Ta không thể tránh khỏi tương tác chính trị bên trong một tôn giáo chính thống. Cuộc đấu tranh quyền lực này thấm nhuần trong sự huấn luyện, giáo dưỡng và duy trì kỷ cương của cộng đồng chính thống giáo. Do áp lực này, các lãnh tụ của một cộng đồng như vậy không tránh khỏi phải đối mặt với cái vấn đề nội bộ tối hậu: hoặc thuận theo chủ nghĩa cơ hội tuyệt đối như là cái giá để duy trì quyền lực của họ, hoặc liều hy sinh thân mình vì đạo lý chính thống.
Như vậy, khi một nền cai trị có sự tồn tại của tôn giáo, thì bản thân nó sẽ trở nên tự tin thái quá. Hội Bene Gesserit cũng nói rằng chiếc xe chứa cả tôn giáo và chính trị, được lèo lái bởi một vị thánh sống, nó sẽ đi rất nhanh, càng ngày càng nhanh. Nó bỏ qua mọi chướng ngại vật và đồng thời quên đi rằng một kẻ mù quáng đi quá nhanh sẽ không thể nhận ra vách đá dẫn tới vực sâu, cho tới khi quá muộn để đổi hướng. Đến lúc ấy, thậm chí vị thánh sống kia cũng không thể dừng chiếc xe lại. Paul đã không thể ngăn cản cuộc Thánh Chiến nhân danh mình diễn ra.
Và Paul nhận thấy mọi nỗ lực của chàng hòng thay đổi bất kỳ mắt xích nhỏ nào trong chuyện này đều thật vô ích. Chàng từng toan chống lại cuộc Thánh Chiến trong chính mình, nhưng cuộc Thánh Chiến vẫn sẽ xảy ra. Đạo quân của chàng sẽ từ Arrakis ồ ạt tràn ra mà thậm chí không cần có chàng. Họ chỉ cần truyền thuyết, mà chính chàng đã trở thành truyền thuyết đó. [...] Đây là đỉnh điểm, Paul nghĩ. Từ đây, tương lai sẽ mở ra, những đám mây rẽ ra dẫn tới một kiểu vinh quang. Và nếu ta chết ở đây, họ sẽ nói ta hy sinh thân mình để linh hồn ta có thể dẫn đường cho họ. Còn nếu ta sống, họ sẽ nói không ai có thể chống lại Muad'Dib.

Tôn giáo trong thế giới thực

Vũ trụ của Xứ Cát đưa ra những kiến giải và góc nhìn thật ảm đạm và tăm tối về bản chất của tôn giáo. Tôn giáo quả thực đáng sợ và tệ như vậy ư, hay đó chỉ là góc nhìn của riêng Frank Herbert mà thôi? Thực chất, có nhiều điểm tương đồng giữa những góc khuất của tôn giáo trong Xứ Cát với tôn giáo ngoài đời thực.
Những nhân vật của các tôn giáo trong đời thực cũng thường yêu cầu một sự thừa nhận vô điều kiện. Nếu ai đó đi ngược lại các giáo lý chính thống sẽ bị xem là bội giáo, hoặc nặng hơn là dị giáo. Trong lịch sử, việc sử dụng tôn giáo làm nền để đạt được quyền lực chính trị không phải chuyện gì xa lạ. Không thiếu những quân chủ tuyên bố mình có gốc gác thần thánh để qua đó nắm lấy quyền lực tối cao và có cớ để dẹp bỏ bất cứ thế lực nào dám thách thức. Thông thường nhất chính là vị quân chủ đó tuyên bố mình có được thiên mệnh, hoặc được thần linh giao trọng trách. Những ví dụ trải dài xuyên suốt lịch sử: các vương công của châu Âu, các Caliph và Sultan của Trung Đông, cùng với các Hoàng đế Trung Hoa. Cá biệt hơn, một số còn tự xưng là thần - tức là đồng nhất bản thân và quyền cai trị của họ với thần thánh. Ví dụ ư? Chính là các Pharaoh của Ai Cập cổ, các Thiên Hoàng của Nhật Bản, và một số Hoàng đế La Mã.
Tôn giáo cũng hay được sử dụng làm cớ để phát động và tuyên bố tính chính danh cho chiến tranh. Ở thời Trung Cổ, những người Cơ Đốc sẽ tuyên bố giành lấy Đất Thánh nhân danh Chúa, trong khi người Hồi Giáo cũng tuyên bố tương tự để bảo vệ đất đai của mình. Thậm chí trong nội bộ một tôn giáo cũng có thể xảy ra xung đột và chiến tranh giữa các dòng với nhau; ví dụ như Công giáo và Tin Lành của Cơ Đốc giáo, hoặc dòng Sunni và Shi’ite của Hồi giáo.
Tranh vẽ cảnh Thập tự quân chiếm được Jerusalem năm 1099
Tranh vẽ cảnh Thập tự quân chiếm được Jerusalem năm 1099
Xa hơn nữa, tôn giáo cũng được sử dụng làm cái cớ để dựng nên những đế chế. Trong Xứ Cát, Frank Herbert sử dụng từ “Jihad” để chỉ cuộc thánh chiến nhân danh Paul Muad’Dib của người Fremen. “Jihad” là một từ gốc Arab, và cuộc Thánh Chiến của Muad’Dib rõ ràng dựa trên sự bành trướng của các thế lực Hồi giáo vào thế kỷ thứ 7 và 8 - bắt đầu với Muhammad và tiếp tục cho đến khi thế giới Hồi giáo trải dài từ Lưỡng Hà cho tới tận bán đảo Iberia. Cũng tương tự như thế, nhu cầu muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo cũng là một trong những động cơ để thúc đẩy các thế lực ở châu Âu tranh giành và thiết lập nhiều hệ thống thuộc địa ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á.
Tôn giáo thường có xu hướng khiến người ta tin rằng bản thân mình không cần biết nhiều hơn những gì cần biết, vậy nên dường như mang tính ức chế sự tìm tòi học hỏi. Trong lịch sử, đã từng có những lý thuyết khoa học chịu sự công kích từ tôn giáo, bởi vì chúng đi ngược lại với những niềm tin của tôn giáo ấy - ví dụ như thuyết nhật tâm hay thuyết tiến hóa chẳng hạn. Và thậm chí trong những giai đoạn tồi tệ của nhân loại, tôn giáo còn được dùng làm cái cớ để biện minh cho những sự đàn áp và đối xử bất công. Một vài ví dụ điển hình có thể kể ra là: nô dịch người da màu, áp chế phụ nữ, tàn sát người Do Thái, thiêu sống những người bị xem là dị giáo, hành hạ tội phạm, thực hiện những vụ tấn công khủng bố, vân vân.
Điều đáng chú ý nhất là những việc trên không tồn tại ở riêng trong một tôn giáo nào, mà dường như hầu hết các tôn giáo lớn đều sẽ có những mặt tối như vậy. Ấn Độ giáo thường được biết đến là có những hình phạt tàn khốc với phụ nữ, ví dụ như thiêu sống góa phụ; hoặc nổi tiếng nhất chính là hệ thống đẳng cấp trong xã hội của họ. Hồi giáo tồn tại những hình phạt như ném đá người ngoại tình cho đến chết; hoặc thường được sử dụng làm cái cớ cho những vụ tấn công khủng bố hay những vụ đập phá, tiêu hủy các món đồ liên quan tới các tôn giáo khác. Do Thái giáo và Hồi giáo cũng được biết đến là tồn tại những nghi lễ yêu cầu việc cắt bỏ một phần các bộ phận sinh dục. Thậm chí cả Phật giáo cũng có những cá nhân sử dụng những câu chuyện về nghiệp chướng và quả báo để làm lợi, hoặc dung túng cho những khó khăn về xã hội và kinh tế. Thành thực mà nói, chỉ ra những mặt tối của các tôn giáo cũng dễ như tìm cát trong sa mạc. Và với những điều được ghi lại trong các bộ kinh và sách răn của các tôn giáo, việc bỏ hoặc sửa chúng gần như là không thể - bởi vì chúng là lời răn, là thánh kinh. Vậy thì nhìn vào tất cả những sự tồi tệ và suy đồi, nhìn vào những mặt tối không thể chối cãi ấy; phải chăng nhân loại nên từ bỏ tôn giáo?

Biện minh cho tôn giáo

Quả thực nếu chỉ nhìn vào mặt tối, thì hẳn việc từ bỏ tôn giáo là phải lẽ. Nhưng hãy suy nghĩ kỹ lại, bởi thứ gì cũng có hai mặt; và nếu tôn giáo chỉ tồn tại toàn điều xấu xa, thì có lẽ nào vẫn còn hàng tỷ tín đồ của vô số tôn giáo tồn tại cho đến ngày nay? Có một sự thật không thể chối cãi: nhân loại vẫn cần tôn giáo, dù là nhân loại ngoài đời thực, hay nhân loại trong vũ trụ giả tưởng của Xứ Cát.
Hãy nói về nhân loại trong vũ trụ của Xứ Cát, họ cần tôn giáo. Lấy ví dụ như người Fremen đi, họ cần một tôn giáo, một niềm tin để giúp họ vượt qua cuộc sống khắc nghiệt trên một hành tinh cằn cỗi và nguy hiểm như Arrakis. Và với hội Bene Gesserit, dù họ không tin vào tôn giáo, nhưng họ tin rằng nhân loại cần có tôn giáo để ổn định xã hội. Khi Mẹ Chí tôn Gaius Helen Mohiam lần đầu gặp mặt Paul Atreides tại hành tinh Caladan, bà ta đã nói rằng:
“Hãy khắc ghi điều này vào trí nhớ, hỡi chàng trai: Một thế giới được chống đỡ bằng bốn thứ [...] hiểu biết của kẻ thông thái, công lý của kẻ vĩ đại, lời cầu nguyện của kẻ công chính và chí can trường của kẻ dũng.”
Trong thế giới thực của chúng ta thì cũng vậy - tôn giáo tồn tại để thỏa mãn nhu cầu về tinh thần của con người. Cũng như người Fremen, rất nhiều người dựa vào tôn giáo để vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Họ sẽ được an ủi và yên tâm, khi tin rằng bản thân luôn được thần thánh dõi theo và phù trợ. Đoạn Thánh Thi 23 trong Kinh Thánh có ghi rằng: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.” Tương tự, đoạn 186 chương 2 của Kinh Qur’an cũng ghi rằng: “Và khi bầy tôi của TA hỏi Ngươi về TA, (thì bảo họ) TA ở gần. TA đáp lại lời cầu xin của người cầu nguyện khi y cầu xin TA.” Những tôn giáo khác cũng có các câu giống như vậy để giúp tín đồ của họ được bình an trong tâm trí. Nhiều công trình nghiên cứu cũng chỉ ra rằng niềm tin tôn giáo có tương quan nhất định tới sức khỏe về cả thể chất và tinh thần.
Tôn giáo có những mặt tối và được dùng làm cớ để gây ra những điều xấu, thật vậy; nhưng nó cũng đem đến nhiều điều tốt đẹp. Chúng ta hẳn không lạ gì việc các tôn giáo lớn đầu tư tiền của để xây dựng trường học, bệnh viện, trại trẻ mồ côi, nơi ăn chốn ở cho người vô gia cư và nhiều tổ chức thiện nguyện khác. Từ thiện cũng là một phần không thể thiếu khi nhắc đến các tổ chức tôn giáo - bất kể lớn bé. Và đối lập với những sự suy đồi trong các tôn giáo sẽ là những người tìm cách để loại bỏ những điều ấy. Việc tôn giáo trong Xứ Cát hiện lên với bộ mặt tồi tệ như vậy, có lẽ là do mục đích của Frank Herbert vốn từ đầu là muốn làm nổi bật và tập trung xoáy sâu vào những mặt trái và hệ lụy của tôn giáo và chính trị mà thôi.
Chúng ta cũng có thể đưa ra luận điểm rằng tất cả những tội ác và điều xấu xa được thực hiện nhân danh tôn giáo hoàn toàn vẫn có thể xảy ra nếu không có mặt của tôn giáo. Hãy nhớ rằng tôn giáo được sử dụng để làm cái cớ cho những việc đó, và nếu không có tôn giáo, thì một cái cớ khác sẽ được sử dụng mà thôi. Các cuộc chiến tranh nổ ra và các đế chế được dựng nên có thể sử dụng tôn giáo để lấy tính chính danh, nhưng tôn giáo không phải mục đích thực sự để phát động chiến tranh hay dựng nên một đế chế. Dù là một tín đồ tôn giáo hay không, thì con người vẫn là con người - và con người có thể căm hận, bạo lực, tàn độc đến không tưởng; ví dụ điển hình là nhiều sĩ quan cấp cao của Đức Quốc Xã thực chất là người vô thần, không tin theo bất kỳ tôn giáo nào.
Thánh Chiến của Muad'Dib
Thánh Chiến của Muad'Dib
Đương nhiên, luận điểm phản bác có thể đưa ra là những việc tốt đẹp cũng có thể thực hiện mà không cần nhân danh tôn giáo vậy. Một tín đồ hay một người vô thần thì rốt ráo lại vẫn là con người; và bên cạnh những xấu xa tệ lậu, con người cũng có thể yêu thương, hòa hảo và đầy lòng tốt. Có thể dù nhân danh tôn giáo hay không thì những ai đứng lên chống lại chế độ nô lệ hay quyền công dân vẫn sẽ đấu tranh mạnh mẽ. Có thể những trường học hay trại trẻ mồ côi vẫn sẽ được dựng nên, dù là thông qua các tổ chức tôn giáo hay là các tổ chức thiện nguyện khác.
Rõ ràng rằng việc đem những mặt tích cực và tiêu cực của niềm tin tôn giáo lên bàn cân để so sánh là một việc không dễ, nếu chẳng muốn nói là bất khả. Thêm vào đó, từ đầu đến giờ chúng ta vẫn chưa bàn đến một vấn đề cực kỳ quan trọng trong việc xác định rằng ảnh hưởng của tôn giáo nói chung là nghiêng về phía tốt hay xấu. Đó là một vấn đề mà các nhân vật chính trong vũ trụ của Xứ Cát dường như chẳng hề đả động đến mỗi khi bàn về lợi - hại của tôn giáo.
Đó chính là: những niềm tin tôn giáo có thật hay không?

Đạo đức về Niềm tin

Trong cuốn sách “The Ethics of Belief” (tạm dịch: Đạo đức về Niềm tin) của triết gia người Anh William Kingdon Clifford; tác giả đưa ra một luận điểm rằng chúng ta chỉ nên giữ lấy những niềm tin mà bản thân thấy có đủ cơ sở để tin tưởng. Nếu giữ những niềm tin cơ hồ vô căn cứ sẽ khiến ta có xu hướng tin vào những thứ sai trái, và từ đó dẫn tới những hành động sai trái vậy. Giả định như coi luận điểm của Clifford là đúng, vậy thì việc chúng ta nên giữ niềm tin tôn giáo hay không sẽ được quyết định bằng việc chúng ta có đủ cơ sở để tin vào chúng hay không.
Để chứng thực cho luận điểm của mình, Clifford kể một ví dụ về một người, người này sở hữu một con tàu và ông ta nhất quyết tin rằng nó đủ an toàn để ra khơi - dù không dựa trên căn cứ nào cả. Và với niềm tin này, ông ta lái tàu ra khơi và rồi khiến tất cả những người trên tàu gặp nguy. Một ví dụ tương tự có thể lấy từ trong Xứ Cát, ấy là giả sử ta là một hành khách đi trên đại thương thuyền của Hiệp hội Không gian. Hãy tiếp tục giả sử rằng ta hoàn toàn tin tưởng vào máy móc, động cơ của đại thương thuyền cùng khả năng điều hướng của Người lái tàu. Để giải thích rõ hơn, thì trong vũ trụ của Xứ Cát, mọi máy móc và trí thông minh nhân tạo đều đã bị cấm và biến mất hơn mười ngàn năm. Do đó, để điều hướng tàu vũ trụ vượt qua những nguy hiểm và thực hiện các cú nhảy không gian, những Người lái tàu cần phải sử dụng hương dược để có khả năng trông thấy các viễn cảnh tương lai. Ta là một hành khách trên tàu, và ta bất chấp mà tin vào khả năng của Người lái tàu. Và như thế, tự ta đã đặt bản thân vào một rủi ro là có thể Người lái tàu tính toán sai sót dù chỉ một chút, và đại thương thuyền đâm thẳng vào một lỗ đen hay tâm một ngôi sao. Một ví dụ khác, trong vũ trụ của Xứ Cát có những bác sĩ cấp cao nhất của trường Suk. Những người này đạt đến một cảnh giới được gọi là Tối thượng Y pháp, và một khi đã nhận chữa bệnh hay phục vụ một ai đó, vị bác sĩ đó không thể làm hại khách hàng của mình. Và dựa trên niềm tin đó, bạn hoàn toàn tin tưởng rằng không thể phế bỏ Tối thượng Y pháp - trừ phi giết chết chính người đó. Niềm tin đó dựa vào đâu? Chẳng đâu cả, vì đó là một điều ai trong Đế chế cũng tin. Nhưng như chính trong Xứ Cát, bác sĩ Yueh của Gia tộc Atreides - một bác sĩ trường Suk đạt được Tối thượng Y pháp - lại chính là kẻ phản bội và trực tiếp hại chết Công tước Leto và góp phần hủy diệt Gia tộc ông ta phụng sự. Vậy đó, chiếu theo luận điểm của Clifford, thì những niềm tin thiếu cơ sở sẽ luôn tồn tại rủi ro có thể làm hại đến bản thân chúng ta.
Thật dễ dàng dẫn ra những ví dụ mà các niềm tin sai lầm có thể dẫn đến tai họa khôn lường. Nếu vị Mentat kiêm Thủ lĩnh Sát thủ của Công tước Leto là Thufir Hawat tin rằng ta là một kẻ phản bội và là gián điệp của Gia tộc Harkonnen thì ta sẽ bị bắt giữ ngay tức khắc. Nếu một Sardaukar của Hoàng đế tin rằng ta là một chiến binh đối địch, ta sẽ chết lập tức mà vẫn còn bàng hoàng không hiểu vì sao.
Cũng thật dễ dàng làm sao khi dẫn ra những ví dụ cho thấy niềm tin tôn giáo sai lầm có thể dẫn tới những hậu quả kinh khủng. Nếu một tu sĩ của dòng Qizarate tin rằng ta là một kẻ vô đạo không thừa nhận Muad’Dib là Đấng Cứu Thế, ta sẽ bị trừng phạt hoặc thậm chí là mất mạng. Chẳng phải Thánh Chiến của Muad’Dib là minh chứng rõ ràng nhất hay sao? Sáu mươi mốt tỷ người mất mạng chỉ trong vòng trên dưới 10 năm! Sáu mươi mốt tỷ người bị một tu sĩ cuồng tín gọi là những kẻ vô đạo, thảy chỉ vì không thừa nhận tính thần thánh của Muad’Dib!
Một số niềm tin có thể dẫn đến tai họa lớn hơn; nhưng làm sao để ta biết được hậu quả? Làm sao ta biết niềm tin này sẽ đưa đến tai họa lớn chừng nào, đến khi nó thực sự xảy ra? Luận điểm của Clifford vì thế mới chỉ ra rằng chính vì không thể biết rõ niềm tin nào đem đến nguy hiểm, nên ta càng phải thận trọng và không được tin theo bất cứ điều gì không có đủ cơ sở vững chắc.
Những niềm tin tôn giáo mù quáng có thể đem đến những hậu quả khủng khiếp - điều này đúng trong cả đời thực. Suốt chiều dài lịch sử, bao nhiêu người đã bỏ mạng vì những tranh chấp về niềm tin tôn giáo? Bao nhiêu người đã chấp nhận tử vì đạo, chỉ vì họ tin rằng những gì mình làm là đúng đắn mà không có bất kỳ cơ sở nào? Tác động của niềm tin tôn giáo cũng rất khó để dự đoán; bởi vì trong tôn giáo khó mà tìm được một niềm tin riêng lẻ không liên quan đến bất cứ thứ gì khác. Giáo lý được xây dựng từ một hệ thống rất nhiều niềm tin có liên quan đến nhau khá chặt chẽ. Tương tự như vậy là các bộ Kinh, ví dụ như Kinh Thánh hoặc Kinh Qur’an chẳng hạn. Một bộ Kinh, nhưng lại có nhiều dòng tôn giáo khác nhau, chia tách, đối đầu và đều cho rằng giáo lý của mình là cách diễn giải đúng nhất. Vậy làm sao chúng ta có thể tìm ra những cơ sở chắc chắn để khẳng định niềm tin tôn giáo này là đúng hoặc sai đây? Luận điểm của Clifford đương nhiên có lý, nhưng nó không thể áp dụng cho mọi thứ, nhất là với những niềm tin thiên về duy tâm như niềm tin tôn giáo. Nhưng kể cả thế, phải chăng chúng ta vẫn hãy nên tự nhắc bản thân chỉ nên tin vào những điều có đủ cơ sở để tin tưởng. Đúng, niềm tin tôn giáo cũng vậy. Cho dù niềm tin tôn giáo hầu như là duy tâm, thì trong đó vẫn phải có những cơ sở nhất định, và ta sẽ phải tìm kiếm chúng để chứng thực rằng liệu niềm tin tôn giáo có đúng hay không. Làm khác đi, là sẽ có rủi ro chúng ta đặt bản thân và có thể là nhiều người khác vào những hậu họa khôn lường có thể đến vì những niềm tin sai lệch.
Vậy quay lại với câu hỏi đầu tiên của bài: Nhân loại phải chăng nên từ bỏ tôn giáo? Có lẽ đáp án phụ thuộc vào việc tôn giáo ấy có cơ sở thực sự vững chắc để tin theo hay không. Đó là một vấn đề nan giải mà không một cá nhân nào có thể hoặc đủ tư cách mà đơn phương đưa ra câu trả lời. Với tất cả những khác biệt giữa vô vàn tôn giáo, phải chăng chúng ta không nên từ bỏ tôn giáo - và đương nhiên không thể, mà chỉ nên từ bỏ một vài trong số đó mà thôi? Hay chúng ta nên làm triệt để hơn, giống như trong Xứ Cát: hợp nhất mọi tôn giáo lớn lại làm một, để nhân loại có một tôn giáo lớn nhất để tin theo, để trung hòa được những mâu thuẫn thâm căn cố đế?
Công chúa Irulan Corrino, người vợ chính thức của Hoàng đế Paul Muad’Dib Atreides, con gái cả của Hoàng đế Shaddam IV Corrino đã viết rằng:
Một lần phụ hoàng nói với ta rằng lòng tôn trọng sự thật đang tiến gần tới chỗ trở thành nền tảng của mọi giáo lý. “Không điều gì có thể hiện ra từ con số không,” Người nói. Đây là suy nghĩ thâm sâu nếu người ta hiểu được “sự thật” có thể không ổn định đến thế nào.
Lão Hoàng đế Padishah già cả Shaddam IV ấy chẳng hề ngu ngốc chút nào, bởi chỉ một câu thôi mà ông ta đã tóm lược lại được bản chất của tôn giáo. Ấy không gì khác hơn là sự thật. Mọi thứ đều phải được bắt nguồn từ một điều gì đó. Vậy để trả lời cho câu hỏi về việc nhân loại có nên từ bỏ tôn giáo, ta phải biết được tôn giáo ấy có đáng tin theo hay không, và để làm được điều đó, cách duy nhất không gì khác chính là truy cầu sự thật.