“Ê mày, tao mới đậu học bạ của trường X chẳng hạn, giờ chỉ cần thi tốt nghiệp nữa thôi”
“Ê mày, Trí bên lớp bên cạnh mình thi Đại học được 27 điểm lận á”
“Ê mày, kì này tao mới được học bổng á “
“Rồi là thằng chung lớp với mình đoạt giải nhất cuộc thi này, ít bữa nữa lại thấy nhỏ kia được nhận vào thực tập của công ty lớn”
“Mày có biết ông anh sinh năm 96 học cơ khí bách khoa nhưng bỏ ngang qua IT  mới năm 3 mà lương tháng kiếm đã 1000$ rồi không ? “
Chắc hẳn bạn sẽ thấy những câu nói đó vô cùng quen thuộc đúng không, có lẽ chính bạn cũng là người nhận được những lời nhắn ấy, kéo theo sau đó là cảm giác hoài nghi về năng lực của mình, luôn đặt câu hỏi rằng tại sao bạn bè lại có thành tích đáng nể như thế còn mình thì mãi giậm chân tại chỗ phải chăng mình học chưa đủ giỏi? làm bài tập chưa đủ nhiều? Và còn rất nhiều câu hỏi khác mà bạn đã tự đặt ra cho bản thân mình.
Nếu bạn đắm chìm trong những câu hỏi chưa trả lời đó thì bạn đang gặp phải “ Peer Pressure” ( áp lực đồng trang lứa ) là cụm từ khá quen thuộc, và cũng nổi bật gần đây, đặc biệt với cái lứa tuổi GenZ. Vậy thì “Peer Pressure” là gì mà đáng sợ quá nhỉ ?
Peer Pressure” là áp lực đến từ những bạn đồng trang lứa, khi bạn nhìn thấy người khác thành công nhưng bản thân thì chưa làm được việc gì cả, rồi dần dần cảm thấy mình kém cỏi, nhỏ bé và bắt đầu tự ti cũng như nghi ngờ về năng lực vô tình làm ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày cũng như tâm lý của bạn.
Trong cuộc sống thì chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực xã hội, khi còn nhỏ thì chịu sự so sánh với con nhà người ta, lớn hơn một chút thì bị áp lực với bạn bè xung quanh, lớn hơn chút nữa thì bị áp lực về công việc về gia đình về cuộc sống và cái áp lực đấy sẽ luôn đi theo chân mỗi con người ở bất cứ cái độ tuổi nào, chúng ta nên học cách đối diện và bước qua nó thay vì suy nghĩ lung tung để rồi khiến cho cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng xấu đến bản thân. Và ngày nay mạng xã hội là công cụ khếch đại áp lực đồng trang lứa đến nhiều người hơn nữa, mỗi lần mà lướt facebook lại thấy những tin tức của những bạn chạc tuổi mình mà đã làm startup hay là Khánh Vy cô MC của chương trình “ Đường lên đỉnh Olympia” năm cấp 3 đã thạo 7 thứ tiếng, tốt nghiệp đại học thì đã mua được xe ô tô...
Vậy " peer pressure "có đáng sợ như chúng ta nghĩ. Mọi thứ luôn có 2 mặt chúng ta nên biết cách khai thác mặt tích cực của nó giúp cho chúng ta có động lực để nỗ lực vượt lên chính mình, vì điểm xuất phát của mỗi người là khác nhau và sự so sánh của mỗi người là khập khiễnh, con đường của mỗi người mỗi khác nhau học kinh tế thì không thể đi so sánh với những đứa bạn học y, rồi điều kiện kinh tế của mỗi người có sự khác nhau, nói tóm lại mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt. Hãy coi đây như là cái động lực để chúng ta phấn đấu chứ ngồi đó mà ghen tị thì chúng ta vẫn thụt lùi mãi thôi. Áp lực sẽ biến thành động lực nếu chúng ta dám đối diện và bước qua nó.
Sau đây mình muốn chia sẻ vài bí quyết cho các bạn để vượt qua căn bệnh thời đại này nhé :
Thứ nhất : Hãy là chính mình đặt ra cho bản thân những mục tiêu và kiên định đi theo nó. Đa phần khi bạn chịu peer pressure, bạn sẽ bị ám ảnh với những thành công của người khác, điều đó dấn tới việc bạn chỉ mải mê chạy theo người khác mà quên đi mục tiêu của bản thân. Vì vậy để giảm bớt áp lực này hãy đặt mục tiêu cho bản thân mình
Thứ 2 : Nếu mà so sánh thì hãy so sánh với bản thân của mình ở ngày hôm qua, hôm nay mình đã tốt hơn hôm qua hay chưa hay là hôm nay mình hoàn thành kế hoạch hay chưa.
Thứ 3 : Nhìn nhận cái tốt của bản thân mình, bạn nhìn nhận cái tốt của người ta nhưng lại đi phủ nhận điểm tốt của bản thân mình ví dụ như bạn có thể giỏi về thể thao, có năng khiếu về nghệ thuật chẳng hạn, có thế mạnh trong cái lĩnh vực nào đó mà họ không có, vậy thì tại sao mình lại tư ti. Hãy học hỏi điểm mạnh của họ và tiếp tục phát triển bản thân mình.
Hơn nữa những gì chúng ta thấy chỉ là bề nổi của cá nhân, con người mà nhu cầu thể hiện bản thân là vô cùng lớn, chúng ta thường phơi ra những điểm mạnh điểm tốt của bản thân còn cái gì chưa tốt thì ắt hẳn sẽ che đậy lại. Mọi thứ mà chúng ta thấy chỉ là những gì mà họ muốn ta thấy mà thôi vì vậy hãy tỉnh táo và tiếp tục cố gắng đối với những gì mình đặt ra.
Lời cuối cùng dành cho bạn : Mỗi người là một cá thể riêng biệt. Mỗi người đều có cuộc sống riêng, mục tiêu khác nhau, ước mơ khác nhau, công việc khác nhau và đích đến cũng khác nhau. Điều quan trọng ở đây bạn sống cuộc sống riêng của bạn chứ không phải là cuộc sống của người khác. Biến áp lực thành động lực để là phiên bản tốt nhất của chính mình nhé!