Phim hoạt hình ngắn giành Oscar 2013 kể một câu chuyện đơn giản và đẹp đẽ, kiểu câu chuyện có thể khiến người xem mỉm cười và hạnh phúc.
Paperman vừa giành được tượng vàng Oscar cho “Phim hoạt hình ngắn hay nhất”. Đây là lần đầu tiên sau 43 năm kể từ chiến thắng của It’s Tough to be a Bird, Disney mới lại giành được “vinh quang đã mất” ở hạng mục này. Bộ phim được Disney sử dụng để mở đầu cho hoạt hình dài Wreck-It-Ralph ra mắt hồi tháng 10 năm 2012.
John Kahrs, một cựu họa sĩ của Pixar, hiện là chuyên gia hoạt hình của Disney, lần đầu tiên thử sức làm đạo diễn với Paperman. Mất 14 tháng để anh và các cộng sự hoàn thành tác phẩm. Nhà sản xuất Kristina Reed trả lời phỏng vấn cho biết các thành viên nòng cốt của dự án đã phải làm việc rất vất vả vì thiếu người. Các họa sĩ ở Disney đều phải tập trung vào các phim dài, chỉ khi dự án lớn hoàn thành, họ mới có thể đến trợ giúp đoàn làm phim ngắn trong 1-2 tháng.
Những ngày tháng tuổi trẻ sống cô đơn tại New York đã truyền cảm hứng cho đạo diễn John Kahrs thực hiện Paperman. Bộ phim khởi đầu bằng cảnh ở một ga tàu điện, trong một ngày đầy gió, một chàng nhân viên văn phòng bất ngờ gặp cô gái vô cùng dễ thương khiến anh bối rối. Nhưng cô gái nhanh chóng biến mất, chẳng để lại chút thông tin gì ngoài một vệt son môi vô tình in trên tờ giấy như một nụ hôn tạm biệt.

Khởi đầu của bộ phim gợi nhớ đến những giai điệu quen thuộc của ca khúc You’re Beautiful (James Blunt) về nỗi nuối tiếc những cuộc gặp gỡ tình cờ không đem lại kết quả, về những con người đẹp đẽ không bao giờ gặp lại và những cơ hội đã đánh mất trong đời.
Nhưng chàng trai may mắn có thêm cơ hội thứ hai khi tình cờ thấy cô gái xuất hiện ở văn phòng của tòa nhà đối diện. Anh vẫy tay, nhưng cô gái không để ý. Nhanh trí, anh vội vã lấy những tờ giấy trên bàn gập thành máy bay, phóng lên trời với hy vọng mong manh rằng chúng sẽ tới được tay cô gái. Những điều xảy ra tiếp theo thật kỳ diệu, ngọt ngào, vô cùng “Disney” và thực sự sẽ khiến người xem hạnh phúc.
Paperman kể một câu chuyện cổ tích hiện đại nơi người ta phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên và sẽ được số phận giúp đỡ đến tận cùng để đến được bên nhau. Bộ phim không sử dụng bất cứ lời thoại nào, vượt trên mọi rào cản ngôn ngữ, đến thẳng trái tim khán giả. Điều xúc động nhất của bộ phim có lẽ là sự lãng mạn thuần khiết của câu chuyện. Người ta vẫn chưa bao giờ thôi chờ đợi những điều kỳ diệu như trong phim xảy đến trong cuộc đời nhợt nhạt của mình.

Paperman đã giới thiệu một New York đen trắng của thập niên 1940 cổ kính và nên thơ, như một biểu tượng của sự cô độc. Những tòa nhà chọc trời cao vút như những ngọn núi, cách biệt nhau bởi những vực thẳm. Trên cái nền xám xịt ấy là những chiếc máy bay giấy, tượng trưng cho sự lãng mạn trong trẻo, nỗ lực gắn kết con người với con người. Cảnh chiếc máy bay giấy vút lên cao, bay ngang trời, ở dưới là thành phố New York đông đúc đã tạo nên những ấn tượng thị giác và cảm xúc mạnh mẽ. Phần nhạc nền của Christophe Beck vô cùng đẹp đẽ như thể tình yêu đang ngập tràn trong không khí.
Một điều nữa khiến Paperman trở nên đặc biệt là sự kết hợp thử nghiệm lần đầu tiên giữa kỹ thuật vẽ tranh bằng tay và đồ họa vi tính trong cùng một nhân vật. Kỹ thuật mới này giúp hình ảnh vừa giữ được vẻ uyển chuyển mềm mại của 2D truyền thống, vừa có nhiều sâu, hình khối của công nghệ 3D tiên tiến. Đạo diễn của bộ phim, John Kahrs, đang tiếp tục thử nghiệm kỹ thuật này đối với phim hoạt hình màu. Nếu kết quả khả quan, đây hoàn toàn có thể trở thành một hướng đi mới của Disney.

Bộ phim là một lời nhắc nhở  tình yêu luôn ở quanh ta, đừng đi quá vội vì biết đâu ta sẽ để lỡ “một tâm hồn ta đã đợi từ lâu”. Hãy sống chậm lại và đôi khi dừng chân cho sự lãng mạn.