PR dựa vào tự hào dân tộc: Đã đến lúc dừng lại?
Trong những ngày này, Tấm Cám trở thành bộ phim được bàn luận sôi nổi nhất mạng xã hội Việt sau những giọt nước mắt của đạo diễn, diễn...
Trong những ngày này, Tấm Cám trở thành bộ phim được bàn luận sôi nổi nhất mạng xã hội Việt sau những giọt nước mắt của đạo diễn, diễn viên Ngô Thanh Vân. Nếu để ý, chiêu thức PR dựa vào lòng yêu nước này không mới và đã được sử dụng rất nhiều lần. Hãy cùng nhìn lại những ví dụ tiêu biểu.
1. Tấm Cám và nước mắt “dì ghẻ”
Trong buổi ra mắt bom tấn điện ảnh Việt ngày 17/8 mới đây, nữ diễn viên, đạo diễn Ngô Thanh Vân đã khóc khi thông báo rằng Tấm Cám không được chiếu tại hệ thống rạp CGV. Cô chia sẻ nguyên nhân là do không nhận được sự hỗ trợ của CGV khi thỏa thuận tỉ lệ ăn chia, đồng thời cho biết những lí do cụm rạp này đưa ra là chưa xứng đáng với công sức đoàn làm phim. Trên Facebook cá nhân, cô cũng khởi xướng hashtag #ngườiViệtxemphimViệt kêu gọi mọi người ủng hộ đứa con tinh thần của mình. Giọt nước mắt của “đả nữ” đã phát huy tác dụng. Tấm Cám ngay lập tức được truyền thông chú ý, còn cộng đồng mạng thì thảo luận sôi nổi xoay quanh cuộc chiến rạp ngoại - phim Việt.
Tuy nhiên, phía CGV ngay lập tức phát đi thông cáo báo chí chính thức, trong đó phủ nhận cáo buộc chèn ép điện ảnh Việt với những lập luận, bằng chứng vững chắc. Hệ thống rạp này còn cho biết sẽ khởi kiện những đơn vị hay cá nhân đăng tải những thông tin thiếu cơ sở. Tấm Cám có thể thành công với màn PR tính toán này, nhưng rõ ràng về lâu dài điều này cũng chưa chắc đã thực sự tốt cho nền điện ảnh nước nhà, khi ngay cả đến một tác phẩm được đầu tư tới 20 tỉ, với dàn diễn viên nổi tiếng cùng kĩ xảo, phục trang hoành tráng vẫn phải sử dụng đến chiêu thức tự hào dân tộc khi ra rạp.
2. Trung Nguyên trong cuộc chiến với Starbucks
Ngay khi Starbucks khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam năm 2013, CEO Đặng Lê Nguyên Vũ của Trung Nguyên đã có phát ngôn gây sốc “Ai uống Starbucks là sính ngoại, là không yêu nước.” Ông cũng cho đẩy mạnh quảng bá cho thương hiệu của mình với thông điệp mang đậm tinh thần dân tộc, và còn tuyên bố sẽ tấn công “sào huyệt” của Starbucks là thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, dù không còn cảnh xếp hàng để thưởng thức nhưng Starbucks vẫn đang tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng. Trong khi đó, chuỗi cà phê Trung Nguyên gặp vấn đề lớn trong quản lí thương hiệu khi bị nhiều quán cà phê tên và logo Trung Nguyên để kinh doanh, trong khi không sử dụng cà phê thương hiệu này, ảnh hưởng đến không uy tín. Ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ cũng chưa thể mở được cửa hàng nào tại Mỹ, trong khi một thương hiệu cà phê Việt khác là PhinDeli đã làm tốt điều này. Bên cạnh đó, Trung Nguyên còn gặp nhiều vấn đề khác, như sự biến mất của chuỗi G7 Mart hay mâu thuẫn trong nội bộ.
3. BPhone: quả bom dư luận
Nhiều người nhận định, chọn lựa cách PR bằng niềm tự hào dân tộc cho BPhone là một quyết định có phần sai lầm. Bởi lẽ nền tảng công nghệ Việt Nam chưa phát triển, nên những sản phẩm công nghệ đóng mác Made in Vietnam rất khó để người sử dụng có thể tin tưởng. Trong khi đó, mức giá cao ngất ngưởng của BPhone, lên tới hơn 20 triệu đồng cho bản 128GB hẳn đã làm nhiều người dù muốn ủng hộ cũng phải chùn tay.
Bên cạnh đó, chiêu thức này đã ngay lập tức bị “phản đòn” khi những nghi ngờ về % giá trị Việt trong mỗi chiếc BPhone. Những hình ảnh về nhà máy BPhone xuất hiện cho thấy chỉ có 160 nhân công để sản xuất 12.000 chiếc BPhone, dẫn đến ý kiến rằng thực ra Bkav chỉ đóng vai trò lắp ráp các linh kiện vốn được sản xuất tại Trung Quốc. Dĩ nhiên, Bkav đã không thể xử lí cuộc khủng hoảng truyền thông mini này chỉ với một tuyên bố “giá trị Trung Quốc chỉ chiếm 500.000 đồng.”
Kết quả của BPhone như nào thì ai cũng rõ. Sau hơn một năm, chiếc điện thoại này gần như biến mất không dấu vết khỏi thị trường smartphone.
4. Đã đến lúc dừng lại?
Xét trong một thời gian ngắn, chiêu thức PR dựa vào lòng tự hào dân tộc có thể đem lại sự chú ý to lớn đối với thương hiệu. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu như bản thân sản phẩm không chất lượng thì vẫn không thể nào giữ chân khách hàng. Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng thông minh và khó tính hơn trước rất nhiều. Có lẽ chiêu thức PR này đã đến lúc dừng lại, nhường chỗ cho những nỗ lực hoàn thiện sản phẩm.
Nguồn: CLB Marketing ĐH Ngoại Thương - MaC FTU
/quan-diem-tranh-luan
- Hot nhất
- Mới nhất