POOR THINGS: KHI PHỤ NỮ LÀ ‘TẠO VẬT TỘI NGHIỆP’ CỦA NAM GIỚI
Với Poor Things, vị đạo diễn này một lần nữa thách thức những tiêu chuẩn và luân thường đạo lý của một xã hội văn minh với những câu chuyện đi sâu vào bản năng thú tính của loài người.
Nguồn cảm hứng cho các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Yorgos Lanthimos đến từ những khía cạnh ẩn sâu trong bản chất con người mà ta ngại đề cập đến. Với Poor Things, vị đạo diễn này một lần nữa thách thức những tiêu chuẩn và luân thường đạo lý của một xã hội văn minh với những câu chuyện đi sâu vào bản năng thú tính của loài người.
Bộ phim là cuộc hành trình khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài cũng như thế giới nội tâm của một người phụ nữ mang tâm hồn của một đứa trẻ theo đúng nghĩa đen. Bella Baxter là tạo vật thí nghiệm của một nhà khoa học điên Godwin Baxter và cũng được gã xem là con gái nuôi. Cô đã được gã hồi sinh sau khi cô đã tự vẫn với cái thai trong bụng. Khi tỉnh dậy, cô không còn là con người lúc xưa nữa mà đã trở thành một ‘sinh vật’ được chắp vá từ cơ thể của người này và trí não của người khác. Lanthimos dường như hứng thú với ý tưởng loài người muốn vào vai Chúa trời để thay đổi bản chất của thực tại hay chính sự tồn tại của đồng loại. Trong Dogtooth, một cặp cha mẹ cô lập những đứa con của mình khỏi thế giới thực và bóp méo thực tại xung quanh họ. Để làm điều này, cặp cha mẹ này đã tạo ra một thế giới mới trong chính căn nhà của họ, nơi những từ ngữ mang một ý nghĩa khác hoàn toàn so với nghĩa gốc và các ấn phẩm văn hóa được xem như không tồn tại. Hay như trong The Lobster, Lathimos đã mường tượng ra một thế giới nghiêm cấm tình trạng độc thân, và những ai không tìm kiếm được nửa kia của mình sẽ bị tước đi quyền làm người và biến thành một loài vật theo ý muốn. Yếu tố này giờ đây không thể hiển nhiên hơn trong Poor Things khi Bella liên tục gọi người cha ban tặng sự sống cho cô là God (Chúa trời) và xem lời chỉ dạy của ông là tuyệt đối cho tới một ngày sự bảo bọc của Godwin quá nhỏ so với niềm khao khát khám phá thế giới của tạo vật của mình.
Dù không được đề cập đến nhưng ta có thể dễ dàng nhận ra Poor Things là một bộ phim thể loại coming of age (tuổi trưởng thành). Nữ diên viên Emma Stone đã thành công trong việc thể hiện từng giai đoạn trong đời của Bella, từ một đứa trẻ sơ sinh chập chững với từng bước đi cùng với ánh mắt ngây ngô ngắm nhìn mọi đồ vật xung quanh, đến hành vi đập phá đồ đạc khi không được nuông chiều của những đứa trẻ, kế tiếp là khuynh hướng nổi loạn thông qua lý lẽ non nớt của lứa tuổi vị thành niên, và kết lại phim bằng tác phong đĩnh đạc của một người phụ nữ trưởng thành thông qua từng cử chỉ quyết đoán và ánh mắt đầy tự tin trước đối phương. Không chỉ qua cử chỉ, quá trình trưởng thành của Bella còn được khắc họa qua trang phục và khung cảnh trong phim. Những bộ trang phục trong Poor Things được thiết kế bởi Holly Waddington là một trong những điểm sáng nhất của bộ phim này. Cô đã lấy cảm hứng từ phong cách thời trang thời Victoria mang dáng vẻ được phóng đại hóa và cách tân chúng bằng các chất liệu hiện đại như nhựa và cao su latex, tạo ra một hiệu ứng khác lạ từ phong cách thời trang của một thời đã qua. Từ những bộ váy phức tạp, phủ kín cả người với những đường họa tiết cầu kì ở đầu phim cho đến các bộ trang phục dần tối giản hơn về cuối phim, chúng đều mang hàm ý là lớp vỏ bọc bảo vệ cho hành trình khám phá tính nữ của một cô gái trẻ. Theo lời nhà thiết kế Waddington, trang phục là thứ khắc họa sự kìm kẹp đối với Bella, khi cô càng tự do thì những bộ quần áo cô mặc ngày càng đơn giản hơn. Đẹp phi thường và phản ánh được nội tâm của nhân vật trong phim, Poor Things thắng giải Oscar hạng mục Thiết kế trang phục là một điều hiển nhiên.
Theo như lời Godwin, tốc độ phát triển về mặt nhận thức của Bella nhanh hơn nhiều so với người thường nên ta có thể nhận thấy rõ cách cô trưởng thành dần dần qua xuyên suốt thời lượng phim, bắt đầu từ mặt hành vi cơ thể cho đến trí óc. Bella theo đuổi sở thích và mong muốn của mình mặc cho sự ngăn cản của những người đàn ông trong đời cô và ánh mắt kì thị của một xã hội tỏ ra văn minh. Với tâm trí của một đứa trẻ lên ba, Bella không biết đến sự tồn tại của những thứ tiêu chuẩn và cấm kị đặt ra bởi người lớn. Cô miễn nhiễm với sự tủi nhục và áp lực của người trưởng thành, không ai trong phim có đủ quyền năng làm ảnh hưởng đến lối tư duy và điều khiển cuộc đời Bella trừ khi cô cho phép người đó làm như vậy. Poor Things chính là một bộ phim mang đề tài nữ quyền.
Trong phần lớn thời lượng phim, nhân vật Bella luôn bị những người đàn ông trong đời cô xem cô là một món ‘đồ vật’ để sở hữu và lạm dụng. Godwin xem cô là một vật thí nghiệm, và học trò của ông là Max McCandles ban đầu cũng đóng vai trò là người giám sát hành vi thường ngày của Bella với mục đích nghiên cứu. Sau một thời gian chung sống, Max đã cầu hôn Bella tại thời điểm cô vẫn còn mang tư duy của một đứa trẻ và không biết khái niệm này là gì. Người đàn ông tồi tệ nhất xuất hiện trong đời cô là tên luật sư lưu manh Duncan Wedderburn – kẻ đã lợi dụng nhận thức của một đứa trẻ của Bella để dụ dỗ cô đi khám phá thế giới cùng hắn và bị hắn lạm dụng về mặt tình dục.
Kể về câu chuyện của một người phụ nữ ngây ngô lần đầu bước ra thế giới thực đầy tội lỗi, Poor Things là một Barbie phiên bản đen tối, siêu thực và đầy dục vọng hơn rất nhiều. Song, vì Yorgos Lanthimos không phải là Greta Gerwig, yếu tố nữ quyền trong phim được khám phá một cách nông cạn và đầy thuận lợi cho câu chuyện, thiếu đi những điểm xuyết tinh tế của một nhà làm phim nữ như Gerwig – một đạo diễn/biên kịch luôn thể hiện tình yêu mạnh mẽ của mình đối với tính nữ thông qua các bộ phim của cô. Bella tìm hiểu về cơ thể của cô thông qua thực hành tình dục. Từ một người bị lạm dụng bởi những tên đàn ông lưu manh, cô đã làm chủ được cơ thể và tự nguyện làm gái bán dâm để kiếm sống và làm giàu vốn sống của mình. Dù vậy, tôi phải thừa nhận rằng sự tự nguyện của Bella cũng là vô nghĩa vì thời điểm này cô cũng chỉ mang tư duy của một đứa trẻ vị thành niên cố sinh tồn trong một xã hội phụ quyền nơi cơ thể của phụ nữ được đem ra buôn bán như món hàng. Bella không nhận thức được điều đó, mại dâm đối với cô là một công việc tốt vì cô vừa kiếm được tiền, có chỗ ăn ở và được thỏa mãn nhu cầu sinh lý của đứa trẻ đang độ tuổi dậy thì. Thế nhưng đã qua lâu rồi cái thời nữ quyền hiện đại chỉ được xem là quyền của người phụ nữ được thoải mái quan hệ tình dục mỗi khi nào họ muốn. Còn kì quặc hơn khi cô trưởng thành về mặt tâm lý và nhận thức về thế giới hơn nhờ vào quá trình làm gái bán dâm tại nhà thổ như thể đây là một giai đoạn tất yếu để Bella trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ ở cuối phim. Không những vậy, sự thiếu tương tác và kết nối với những nữ đồng nghiệp tại nhà thổ đó cũng là một điều đáng tiếc cho sự phát triển nhận thức với tư cách là một người phụ nữ của Bella.
Ngoài nhu cầu tình dục lành mạnh của một người phụ nữ trẻ ra, cơ thể của Bella không vận hành như một người phụ nữ thực thụ. Sử dụng cơ thể phụ nữ như một công cụ để đối mặt với sự trưởng thành, nhưng kinh nguyệt – thứ đánh dấu cho hành trình dậy thì lại không hề tồn tại. Không những vậy, một đứa trẻ như Bella sẽ không thể nào biết cách vệ sinh và chăm sóc cơ thể như một người phụ nữ trưởng thành, thế nhưng trong phim dường như vấn đề này cũng đã được giải quyết một cách thần kỳ nào đó. Không lẽ trong quá trình thí nghiệm, Godwin đã loại bỏ mọi cơ quan tạo ra kinh nguyệt, khả năng thụ thai, lông và mùi cơ thể, và chỉ giữ lại nhu cầu sinh lý? Trong đoạn kết của phim Barbie, điều đầu tiên Barbie làm khi trở thành một người phụ nữ thực thụ sau một đời là búp bê nhựa hoàn hảo đó là đi gặp bác sĩ phụ khoa. Tương tự như Bella, Barbie ở thời điểm đó cũng không hề có một chút kiến thức nào về bộ phận sinh dục của mình, vậy nên hành trình phát triển với tư cách là một người phụ nữ của cô bắt đầu từ việc khám phá về nó dưới góc nhìn sinh lý học thay vì lao vào cơn mê say của tình dục. Đó là sự khác biệt giữa một nhà làm phim nữ hiểu được trải nghiệm chung của nữ giới với nam đạo diễn như Yorgos Lanthimos và nam biên kịch Tony McNamara của Poor Things.
Mặc cho góc nhìn về nữ quyền gây còn yếu ớt, Poor Things vẫn là một bộ phim phức tạp về bản chất con người bị gò bó bởi chuẩn mực xã hội, về sự tồn tại của những cá thể khác biệt bị ép sống theo khuôn khổ đặt ra bởi số đông. Do đó, mỗi người xem sẽ rút ra được những thông điệp riêng của bản thân từ bộ phim này. Tại Liên hoan phim New York, đạo diễn Yorgos Lanthimos đã thừa nhận rằng “Bộ phim là một hành trình khám phá. Tôi nghĩ rằng nó không có một thông điệp trực tiếp nào cả. Nó chỉ đặt nhân vật vào những hoàn cảnh có vai trò tiết lộ những xung đột trong hành vi con người, xã hội bao quanh họ và cũng như là chính bản thân họ.”
------------------------------------------------------------------------
**Các bạn có thể theo dõi blog cá nhân chuyên viết về điện ảnh của mình tại: https://www.facebook.com/day.dreamerDN
** Hoặc Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/beatleshead
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất