Những ngày con chữ loạn lạc trên Spiderum, bản thân mình mất đi động lực viêt. Đêm qua, một người bạn gửi cho mình link về sự thay đổi mới của Medium.com. Khi những điều muốn viết vẫn luôn xuất hiện trong đầu nhưng cái thực tại đặt tay lên gõ phím lại không thể chọn được một từ, những dòng chia sẻ khẳng định lại triết lý Medium theo đuổi, giống như một niềm an ủi, niềm cảm hứng, sự khẳng dịnh những giá trị của việc viết.

Gửi tặng Spiderum Team. Một bài rất dài mà mình mong mọi người đọc hết.

Lời ngắn về Triết Lý

“Triết Lý” tuy là một định nghĩa Triết học nhưng bản thân mình biết tới nhờ vào học một ngôn ngữ lập trình. Thứ mà sau này mình thường quan tâm cũng như nhắc tới khi nói về một sản phẩm, nền tảng nào đó.

Bỏ qua những lý thuyết xa vời, mình sẽ lấy ví dụ về một MXH từng có triết lý mạnh mẽ: Instagram.
Khi tạo ra một sản phẩm, Ý Tưởng là thứ đầu tiên cần tới, ý tưởng đó có thể mới nảy sinh hoặc đã có từ trước đó. Ý tưởng về một mạng xã hội chia sẻ ảnh? Vào thời điểm Instagram được phát triển, thế giới đã có kẻ chuyên nghiệp như Flickr, những nhiếp ảnh gia từ Canada 500px, đậm chất tâm sự Tubmlr hay bigboy Facebook. Nhưng Instagram vẫn phát triển và có tới 300 triệu người dùng hàng tháng chỉ sau hai năm ra mắt nhờ vào triết lý mạnh mẽ của ứng dụng này.

Triết Lý của Instagram thể hiện từ cái tên “Insta + Gram”; Trên Logo lấy từ ống kính máy ảnh in ngay Polaroid; Ở chức năng duy nhất chụp → filter → post;  Trong giao diện đơn giản, trang chủ sắp xếp theo timeline, icon đen trắng, không banner quảng cáo, không nhận diện link, không thumbnail, không comment ảnh,… 

Thế giới có một mạng xã hội: “Thật” hơn với những bức ảnh chắc chắn được chụp bởi người dùng, không chỉnh sửa; Tập trung hơn khi bạn không tốn nhiều thời gian lướt newsfeed, không thấy một tấm ảnh nhiều lần cũng như không bỏ qua tấm ảnh nào; Tập trung hơn nữa khi bạn chỉ có thể comment bằng những dòng text, ngoài tấm ảnh bạn đang xem không có một màu sắc nào khiến bạn mất tập trung, thứ duy nhất có thể kéo bạn sang nơi khác từ một bức ảnh là #hashtag, đến với những bức ảnh cùng chủ đề. 

Nhờ Triết Lý phát triển của mình, Instagram là một MXH hiếm hoi có lưu lượng hoạt động lớn nhưng vẫn mang lại cảm giác bình yên, thoải mái cho người dùng và thậm chí còn đào tạo ngược lại người dùng khả năng chọn góc chụp hình - thứ duy nhất người dùng có thể can thiệp.

Triết Lý giúp một sản phẩm hình thành và phát triển, định hình từ thông điệp tới giao diện, từ logo cho tới font chữ, điều hướng chất lượng cũng như phản ứng của thành viên, tìm kiếm cũng như giữ chân người dùng, khách hàng. 

Có rất nhiều sản phẩm mang đậm những triết lý như trang hỏi đáp Quora với sự chín chắn; Twitter với ngắn, nhanh, công khai; Apple với sự hoàn hảo; Dota2 với Free to Play hay Ubuntu với Ubuntu* ...

Ý tưởng khởi nguồn giúp một sản phẩm ra đời nhưng triết lý phát triển mới khiến một sản phẩm thành công.

Chuyện về Medium.com 

Medium là một nền tảng chia sẻ những bài viết (còn có thể gọi là một nền tảng blog) dành cho tất cả mọi người. Là một người dùng internet, bạn sẽ thấy đây không phải là một ý tưởng gì mới mẻ. Năm 2012 - thời điểm Medium bắt đầu beta, thế giới trước đó đã có Yahoo!360, đang có kẻ thông dụng Wordpress, con nhà có quyền lực Blogspot-GOOGLE và nhiều nền tảng khác.

Việc xuất bản đã hỏng, cụ thể hơn nữa là việc xuất bản online đã hỏng. Hay cụ thể hơn nữa nữa là việc xuất bản nội dung viết trên mạng đã hỏng. Nếu nhìn kỹ hơn bạn sẽ thấy Link-bait đã nhường chỗ cho Click-bait, thứ đang nhường chỗ cho Fake-news. Khi các chiến thuật này đang thay đổi theo thời gian, chúng đều tập trung vào một thứ: Pageview. Hay rõ ràng hơn nữa, cái hệ thống lỗi này là một hệ thống hướng quảng cáo (ad-driven media). Nó đơn giản không phục vụ chúng ta. Thực tế, nó được thiết kế không để làm việc đó. Phần lớn các bài viết, video, và “content” khác mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày là được trả tiền để làm việc đó, trực tiếp hay gián tiếp, bởi các tập đoàn, người đang tài trợ để đạt được mục đích của họ - lợi nhuận. (Đoạn này được mình dịch/ viết lại thửa theo blog của Ev Williams (nhà sáng lập Medium), M.G. Siegler (nhà đầu tư) và mình hoàn toàn đồng ý những ý kiến này).

Và Ev Williams cùng các cộng sự đã đem tới một triết lý hoàn toàn khác, Medium với sự tập trung tối đa vào chất lượng content, "There's been less progress toward raising the quality of what's produced." (ít việc hơn, chất lượng hơn). Triết lý này được áp dụng lên người dùng, cho dù bạn là bất cứ ai, không phải người phát triển. Medium sẽ làm tất cả để người dùng VIẾT VÀ VIẾT TỐT HƠN.

Bạn là blogger chuyên nghiệp? Một nhà văn?
Nếu sử dụng Wordpress hay Blogspot, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian với việc thiết kế, chọn theme, hệ thống categories, editor, tên miền riêng, host và cả thứ tranh sáng tranh tối như SEO. Tất cả những thứ đó, nếu với Wordpress mọi thứ bạn sẽ đều phải trả bằng tiền, khá nhiều tiền và công sức, Blogspot thì bao xấu rồi. Nhưng với Medium, thế giới có một nền tảng với giao diện đẹp, phẳng, đơn giản; Hệ thống font chữ cân bằng giữa thẩm mỹ và chức năng, một editor tối giản; dễ dàng thêm tên miền và tạo publication cá nhân, bạn thậm chí không cần quan tâm tới host hay SEO, Medium Team sẽ làm tất cả những điều đó cho bạn với mức giá FREE -hoàn toàn FREE. tất cả những gì cần làm và phải làm là VIẾT.

Bạn là người hoàn toàn mới với việc VIẾT?
Bạn không biết cách trình bày? Không biết viết về điều gì? Không sao cả, Medium có một loạt bài viết về sách sử dụng, cách trình bày, cách chinh phục Medium. Mọi thứ đều đơn giản, dễ sử dụng nhưng hiệu quả. Ngoài ra còn có những người viết khác sẵn sàng giúp đỡ bạn sửa bài.

Nếu bạn chỉ là người đọc?
Bạn có chức năng comment cho từng đoạn văn bản, comment private với tác giả. Thậm chí Medium Team còn nghĩ tới người đọc nhiều tới mức khi quyết định bỏ đi chức năng quan trọng là căn lề giữa và trái (cho dù mình hơi buồn khi bỏ cả căn lề 2 bên) để đảm bảo sự thoải mái cho người đọc smartphone.

Và điều đáng quý hơn cả là sự gần gũi giữa những người điều hành Medium và người dùng. Khi những thông báo, thay đổi, update, định hướng và cả những lý do đằng sau sự thay đổi trong từng giai đoạn đều được các điều hành viên truyền tải dưới dạng blog, những dòng tâm sự, chia sẻ chân thành. Không nghi ngờ gì khi Elizabeth Tobey (Head of Community Engagement), Ev Williams (Founder) hay M.G. Siegler (nhà đầu tư) và rất nhiều cái tên khác của Medium Team luôn là những người được mọi người yêu quý nhất. Bạn có thắc mắc? Chỉ cần gửi một email vào yourfriends@medium.com, ngay tên của địa chỉ email cũng mang đậm sự thân thiện.

Medium làm mọi thứ có thể để bạn tập trung vào một việc duy nhất: VIẾT VÀ VIẾT TỐT HƠN.

Một ví dụ thể hiện triết lý của Medium với 3 nút "viết bài" ở mọi nơi.

Mình vẫn luôn nói rằng Medium là thiên đường đối với mình. Medium chưa bao giờ khiến mình thất vọng. Nhưng điều thực sự khiến mình viết bài này là một sự khâm phục với những chia sẻ mới nhất từ Ev Williams.

Với một nền tảng từ 30 nhân viên lên hơn 150, tăng trưởng người dùng 300% một năm, 2 tỷ từ được viết trong năm qua và có 60 triệu người đọc hàng tháng, bạn sẽ làm gì để sinh lời? (từ ngày ra đời cho đến năm 2016, Medium vẫn đang trong giai đoạn leading, chưa kiếm được bất kỳ 1 đồng). Bạn sẽ nghĩ tới việc đặt quảng cáo? Và năm 2016, Medium đã giới thiệu dịch vụ quảng cáo đầu tiên - bài liên quan ở cuối bài viết, người viết cũng kiếm được tiền từ hình thức quảng cáo này, một thứ tưởng chừng rất bình thường, một thứ không thể bị lên án khi đặt cạnh những dịch vụ quảng cáo banner, pop up, click-bait. 

Tuy nhiên theo những dòng chia sẻ mới nhất, Medium sẽ gỡ bỏ dịch vụ này và kéo theo đó là hơn 50 nhân viên bao gồm cả nhân sự cấp cao ở các mảng bán hàng, hỗ trợ khách hàng và kinh doanh sẽ bị thôi việc. Bởi dịch vụ này không phải là giải pháp cho câu hỏi lớn: làm thế nào để những nội dung chất lượng được chi trả? Ev Williams lo rằng nó có có nguy cơ khiến nền tảng này sẽ trở thành một phần mở rộng của hệ thống lỗi. Medium đang tự làm khó chính bản thân họ, rất nhiều, khi sẽ phải tìm một mô hình khác để đảm bảo giá trị cũng như quyền lợi của việc VIẾT, cho dù họ hoàn toàn có thể kiếm lời một cách dễ dàng hơn.

"We believe people who write and share ideas should be rewarded on their ability to enlighten and inform, not simply their ability to attract a few seconds of attention."

Và phản ứng của mọi người?
M.G. Siegler (nhà đầu tư) viết một bài blog ngay sau đó khẳng định sự ủng hộ từ phía đầu tư, giữ vững niềm tin với những giá trị cốt lõi tạo ra Medium. Còn về phía người viết, không một ai phàn nàn về việc thu nhập trên Medium của họ sẽ thay đổi, ở đó là những comment ủng hộ *all in*, những gợi ý cho hướng phát triển tiếp theo. Và nhiều hơn cả là những comment hỏi về những cái tên, khi họ lo sợ rằng một nhân viên họ biết trên Medium sẽ bị thôi việc. 

Triết lý của Medium không chỉ giúp họ xây dựng được một nền tảng tốt, nó còn giúp cho Medium tìm được những nhà đầu tư, những người dùng mang cùng một lý tưởng. Một sự đồng lòng hiếm có trong thế giới mạng. Một sự gắn bó chặt chẽ giữa nhà phát triển, người viết, người đọc. Thế giới cần nhiều hơn những điều như vậy.

Chuyện về Spiderum

Những dòng sau đây sẽ không vui vẻ gì, nhất là với Spiderum Team. Vẫn biết nhận xét bao giờ cũng dễ hơn là làm ra, nhưng im lặng cũng đồng nghĩa với có tội.

Kết quả hình ảnh cho spiderum

Mình biết tới Spiderum vào cuối tháng 9/2016 qua một người bạn - anh Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo. Và việc đầu tiên mình làm cũng không vui vẻ là mấy - chê Spiderum tơi bời, ở thời điểm đó chức năng cũng như giao diện của Spiderum vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng sau khi quan sát, đọc thư ngỏ và biết tới mục đích của Spiderum, mình đã quyết định viết bài ở đây. 

Mình từng bắt gặp comment của 2 bạn nói rằng Spiderum là Medium Việt Nam. Có thể nói nó đúng 1 chút khi giao diện hiện nay của Spiderum khá giống Medium nhưng Spiderum chưa bao giờ mang một triết lý mạnh mẽ như Medium. Chúng ta có một nền tảng cho những người trẻ nêu lên những quan điểm và tranh luận về những vấn đề xã hội, một nền tảng tập trung những thông tin và kiến thức hữu ích dành riêng cho giới trẻ Việt Nam. Nhưng chúng ta chưa bao giờ làm được việc đó, và tình hình ngày càng tệ hơn. 

Tạm gác qua cái logo có phần trẻ con mình sẽ đi thẳng vào hệ thống box phân loại, chẳng phải Science2VN cũng là những người viết về Khoa học - công nghệ? Ted Talks không phải cũng nằm trong Quan điểm - Tranh luận và Truyền cảm hứng? Thế giới thú cưng??? Bạn sẽ thấy box  tin tức hay thế giới thú cưng như là những box chết, đã cả tháng không ai đăng bài. Điều này không có gì khó hiểu vì sự giẫm chân lên nhau cũng như xuất hiện những box quá đặc thù do sự phân chia không theo một tiêu chỉ nào cụ thể. Và dù chúng ta có một vài box đặc thù như Science2VN, Sport Analytics, Comics nhưng suy cho cùng Spiderum chẳng hề có một sản phẩm đặc thù.  Lúc đầu mình thực sự không hiểu cho lắm nhưng khi nhìn kỹ hơn vào đường link spiderum.com/s/*** mình đã hiểu, trước đây Spiderum phát triển theo hướng của Reddit. Và bây giờ chúng ta có một thứ lai lai Reddit và Medium.

Chức năng inbox? Trên thực tế đây là một chức năng không cần thiết trên một nền tảng chia sẻ, tranh luận. Với những nền tảng chia sẻ - khi những quan điểm, kiến thức được khuyến khích bày tỏ công khai bằng những bài viết, comment, chức năng inbox giống như một điều nguy hại khi nó gia tăng những bình phẩm phía sau bài viết, gia tăng sự liên kết 1vs1 giữa các thành viên, và nếu có chat nhóm chúng ta sẽ gia tăng việc chia bè kết phái. Những nguy cơ một người Việt Nam điển hình, ngay cả mình, luôn dễ mắc phải: khuất tất, bầy đàn, không dám đưa và chịu trách nhiệm với quan điểm của mình (nói xấu sau lưng).

Về chuyện điều hành, quản lý nội dung. Thứ nhất phải kể tới founder của chúng ta - Please, mặc dù mình thường xuyên nói chuyện với Please nhưng phong cách viết bựa, comment xuề xòa, dĩ hòa vi quý cũng đã tạo nên phong cách của Spiderum với những nét tương tự. Và việc thảm hại nhất là quản lý nội dung, với những quy định rõ ràng nhưng Spiderum chưa bao giờ có một động thái cứng rắn với những thành viên copy bài không dẫn nguồn, những kẻ ăn cắp copy bài về và nói là mình tự viết, những kẻ chửi bới hạ nhục cá nhân người khác trong những comment. Admin sẽ vào comment nhắc nhở nhẹ nhàng và kèm thêm icon :'< (khóc lóc làm ơn ư? tại sao?). Bạn thậm chí sẽ thấy lời khen của Please trong những bài ăn cắp. Không hề có sự kiểm tra nguồn viết và chất lượng nội dung của Spiderum cũng "lạc trôi" theo cùng những biểu hiện "nhẹ nhàng tình cảm" ấy. Sự nghiêm túc, chín chắn cần thiết của một nền tảng chia sẻ, bàn luận chưa bao giờ xuất hiện ở Spiderum.
Và sự thất vọng lớn hơn nữa với những event viết gần đây, khi những quy định rõ ràng, những thứ chính yếu  của đề bài không được chính Spiderum tuân theo. Nội dung của những bài viết đi xa quá mục đích của cuộc thi, những bài viết lạc đề, những bài viết chẳng hề có những luận điểm, những bài viết trình bày cẩu thả, những bài viết như những stt facebook. Spiderum đã ở đâu? Không một lời nhắc nhở về nội dung, không một lời nhắc nhở về cách trình bày và tất nhiên là không hủy những bài đó. Sau event I Read, box Trò Chuyện - Tâm Sự đi xuống thảm hại, sau event TTTN phase I, box Quan Điểm - Tranh Luận cùng chung số phận.

Và bây giờ chúng ta có gì?
Mình thấy những bài đăng với lượng upvote nghèo nàn.
Mình gặp những kẻ tranh luận luôn luôn thích công kích cá nhân, những kẻ chạy trốn sửa comment, xóa comment khi đang tranh luận.
Mình gặp những người coi Spiderum chỉ là nơi lưu trữ bài viết, up lên chỉ để thỏa mãn bản thân, không mảy may việc đang khủng bố người đọc.
Mình gặp những kẻ ăn cắp bài từ nơi khác nhưng nói dóc là tự viết, comment cảm ơn khi người khác khen viết hay. Những kẻ không có tự trọng khi đã nhắc nhở nhiều lần mới chịu thêm nguồn, sau khi thêm nguồn quay ra giả vờ phát hờn. Những kẻ ăn cắp bài để dự thi.

Mình gặp những kẻ vì giải thưởng mà lập clone để  tự upvote cho mình và downvote những bài dự thi khác.
Hay thường gặp nhất những bài đăng trình bày cực chán.
Mình gặp cảnh những người viết tốt viết ngày một ít.

Không thể bỏ qua những cố gắng của Spiderum Team khi tập trung phát triển vào traffic, event bên lề, quan hệ công chúng và đặc biệt là Tech Team với một nền tảng tốt và ổn định, nhưng nội dung, thứ quan trọng nhất đến khi nào mới có được sự quan tâm cần thiết?

Spiderum rồi sẽ ra sao? Liệu Spiderum đã, đang hay sẽ trở thành một phần của hệ thống lỗi?


Diệp Phong