Lưu ý: Bài viết có spoil nội dung phim.
Babylon là một bộ phim được ra mắt vào cuối năm 2022 của đạo diễn Damien Chazelle. Phim nói về một tài tử, một cô nàng từ quê lên phố với khát vọng trở thành một ngôi sao và một thanh niên Mexico nhập cư ôm mộng được tham gia vào nền điện ảnh. Đây là câu chuyện về những người tràn đầy đam mê, nhiệt huyết và tài năng. Ở một mức độ nào đó, họ đều đã đạt được điều mà mình mong mỏi. Bước ngoặt đến khi công nghệ làm phim có đột phá. Phim có tiếng xuất hiện. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể học nói. Vị tài tử và cô gái trẻ chính là những người như vậy. Họ đều không thể thích ứng và bị đào thải. Còn chàng thanh niên Mexico, vì tình yêu, cũng đã bị nền điện ảnh gạt sang bên lề.
Babylon có thời lượng dài, khó xem, lại tràn đầy những cảnh thác loạn dễ khiến người xem cảm thấy bị xúc phạm. Không lạ gì khi phim bị coi như một thất bại và hứng chịu không ít lời chỉ trích. Nhưng đối với tôi, sự điên loạn trong phim là một thứ cần thiết, không giảm thiểu được. Vì đó là chính là cách mà niềm đam mê và năng lượng sống được bộc lộ. Cuộc đời của những nhân vật trong phim là một chuỗi khép kín: Làm phim, đắm mình trong những bữa tiệc, rồi lại tỉnh dậy và đến phim trường. Dù làm phim hay thác loạn, họ đều đầy sáng tạo, hết mình và say đắm. Liệu có mấy ai có thể mê đắm và sống hết mình đến vậy?
Những cảnh thác loạn cũng khó mà bỏ đi được vì đây chính là những điểm xuất phát, là yếu tố tương phản để từ đó làm bật lên sự phát triển của nền điện ảnh (Mỹ). Đó chính là quá trình điện ảnh cố gắng để vươn lên từ một loại hình giải trí bình dân, bị chê là thấp kém trở thành một môn nghệ thuật được giới hàn lâm công nhận (những quý bà trong tháp ngà kịch nghệ). Ở nửa sau của bộ phim, các buổi thác loạn biến mất, đúng hơn là đã không còn công khai, để nhường chỗ cho những bữa tiệc kiểu cách điển hình của giới quý tộc - dù cho chúng cũng nửa mùa. Nền điện ảnh như một đứa trẻ hoang dại đang dần biết cách chải chuốt.
Nếu những bữa tiệc thác loạn thể hiện sự phát triển của điện ảnh trong tương quan với các bộ môn nghệ thuật khác thì câu chuyện lớn về sự phát triển của nền điện ảnh được thể hiện bằng câu chuyện nhỏ của các nhân vật. Đặc biệt thông qua hai nhân vật là Jack Conrad và Nellie LaRoy. Trước tiên, xin đừng nhầm lẫn, các nhân vật trong Babylon không hề biến chất. Họ đều là những người giỏi, tâm huyết với nghề. Họ đào sâu, ngày một sâu vào nó. Nhưng rồi có ai ngờ, chính tài năng và đam mê đã trở thành cái hố chôn chính họ. Khi thời đại thay đổi, họ kẹt lại và bị quên lãng. Nếu “biến chất” được, họ đã có cơ may thoát khỏi bi kịch này. Vị thần duy nhất mà họ dâng hiến thân mình chính là điện ảnh. Tiền bạc và danh vọng chỉ là lớp áo ngoài. Nếu thật sự vì tiền và danh vọng, Jack đã cúi đầu trước người vợ kịch nghệ của mình, Nellie cũng đã nhẫn nhịn trong những bữa tiệc giả tạo. Họ đều chọn không làm. Nếu các nhân vật không gặp bi kịch, chắc chắn tôi sẽ hoài nghi về tài năng của họ. Để “gặp được” bi kịch đó đâu có đơn giản. Phải đam mê, phải thạo nghề đến mức nào mới có thể chìm đắm sâu đến như vậy? Không có gì khẳng định tài năng, sự cống hiến của họ rõ ràng và vững chắc hơn những bi kịch này. Nếu Jack không tự sát, Nellie không mất trí, tôi sẽ chẳng thể nào ngưỡng mộ và yêu họ đến vậy. Thậm chí, tôi đã mong rằng Nellie chết vì ngã khỏi xe khi đang nhảy múa, hay tốt hơn, bị đám gangster đuổi kịp và bắn chết khi cô đang là tâm điểm của đám đông nơi trạm xăng. Còn gì lãng mạn, thỏa mãn và đáng ghen tỵ hơn thế, khi được chết trong đam mê, được chết khi mình là chính mình.
Jack và Nellie phải “chết”. Họ “chết” là minh chứng cho sự đi lên của điện ảnh. Họ cũng “chết” để giúp cho chính trở thành bất tử. Đúng như những gì Elinor nói: “Nhưng 100 năm nữa, khi cả tôi lẫn cậu đã rời xa thế gian, khi bất cứ ai đó lách một khung hình của cậu qua lăng kính máy chiến, cậu sẽ sống lại”.
Mỗi khi nghĩ đến giả định rằng Jack và Nellie có thể thay đổi được theo xu hướng thời đại rồi tiếp tục thành công, tôi thấy thật đáng chán và đáng sợ. À, hóa ra họ không sâu sắc, cũng không đam mê được đến vậy.
Và như ta đang thấy, điện ảnh đã thành công. Ở cuối phim, Manny khóc vì đau khổ, khóc cho những thứ, những người đã không còn, nhưng đây cũng là những giọt nước mắt hạnh phúc. Manny hạnh phúc khi nhận ra rằng điện ảnh đã phát triển đến mức nào, và hơn nữa, chính mình còn được góp sức cho sự phát triển này. Còn gì thỏa mãn hơn như vậy?
Babylon là một hành trình đầy phấn khích, nhưng cũng khiến những du khách của nó chật vật. Đây là một món ăn khó nuốt. Hương vị Babylon mang lại cũng gợi lên cảm giác không xứng đáng, dễ khiến người ta giận dữ vì cái nhận về không bù được cho công sức đã bỏ ra. Để kết thúc, tôi muốn dành vài lời có thể giúp cho việc thưởng thức trở nên dễ dàng hơn. Giống với những tác phẩm nghệ thuật khác, đây nên là cuộc chơi tự do của tưởng tượng và lý trí. Ta cũng đừng nhầm lẫn cái đẹp với cái tốt và cái dễ chịu. Đừng cố tìm cho được một “thông điệp” mà chưa chắc là nó tồn tại. Đừng chỉ suy lý mà hãy nhường chỗ cho thị giác và thính giác vì bản thân từng khung hình và âm thanh, tự thân chúng đã đủ sức đem đến “cảm giác”. Ta cũng nên có sự phân biệt giữa điện ảnh với các loại hình nghệ thuật khác. Bản thân ngôn ngữ điện ảnh có những đặc thù riêng khiến nó trở nên khác biệt với những loại hình ngôn ngữ khác. Tại sao lại dành quá nhiều sự chú ý cho câu chuyện trong khi ta còn được thưởng thức nhiều thứ khác như màu sắc, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất… Một câu chuyện cũng có thể kể bằng văn học, kịch nghệ. Vậy điện ảnh còn gì đặc biệt? Phim điện ảnh nên tập trung vào những điều mà chỉ ngôn ngữ điện ảnh mới làm được.