Trước tiên họ đến bắt những người cộng sản, và tôi không lên tiếng - Vì tôi đếch phải cộng sản.
Sau họ đến bắt những người lập công đoàn, và tôi không lên tiếng - Vì tôi đếch phải công đoàn.
Sau họ đến bắt người Do Thái, và tôi không lên tiếng - Vì tôi đếch phải Do Thái.
Sau họ đến bắt tôi, và không ai lên tiếng - Vì quanh tôi đếch còn ai nữa mà lên tiếng để bảo vệ tôi.
***
Ngày xưa thời mình còn đi học lớp một lớp hai ở trường làng (1990), mình học có những lớp mà học sinh viết sai sẽ bị giơ mu bàn tay ra để thầy nện bằng thước kẻ một cái thật đau. Nói chuyện thì bị nện ba cái hoặc véo tai lôi đi xềnh xệch trong lớp. Người ta cho những việc nện học sinh như thế là bình thường, vì đòn như thế cho nó chừa cái tính xấu đi, ai bảo không làm bài, nói chuyện làm chi. Mình là học sinh giỏi, nên mình không bao giờ bị đánh vào mu bàn tay.
Lớn lên tí (2000), hồi cấp ba thì có những đứa con trai bắt đầu có trò đi xe máy, phóng trước lên những bạn gái đi xe đạp rồi bóp ngực phóng vù đi cười hô hố. Rồi bọn bạn này nói ai bảo đã biết mình ngực to, mặc hớ hênh lại còn đi về muộn làm chi. Mình là con trai, không bao giờ bị cảnh đó. Mình không quan tâm đến chuyện tiêu khiển đó đúng hay sai.
Hồi năm 2010, mình đi học Ph.D. ở cùng nhà với một bạn Tây. Bạn ấy nuôi con chó to lắm, mà quý con chó nằm ngủ cũng cho nó lên giường nằm với. Một hôm thế nào mình có kể chuyện với bạn Tây này chuyện những kẻ đánh bả chó, lôi con chó xềnh xệch đi mà không ai xử lý. Thế là những người dân ở nước mình thấy kẻ trộm chó là đánh cho đến chết, vì loại đấy nghiện ngập, tha cho nó lại ngựa quen đường cũ. Mình bảo, bạn không sống ở Việt Nam bạn không biết sự uất ức của người bị trộm chó. Bạn ấy bảo: Tôi yêu chó của tôi lắm, nhưng tôi mong bạn nhận ra rằng bao nhiêu mạng con chó của tôi cũng không bao giờ so được với mạng người.
Hôm nay (gần 2020), người ta nói có chuyện em gái chết trong thùng đá của một chiếc công ten nơ. Có những người bảo, ai bảo đi trốn chui trốn lủi làm chi. Người ta nói chuyện những người bóc lột, đày đọa con người lao động nhập cư trái phép. Ai bảo làm không giấy phép làm chi. Hãy ở trong nước làm cũng có lương cao mà. Hãy dùng sự vay thương khóc mướn đó cho người xứng đáng hơn là kẻ đi bỏ quê hương, phạm pháp, chui lủi.
Lần này mình phản đối.
Mọi thứ đó mình nghĩ nó có một sự kết nối. Sự kết nối những sự việc trên là đi đổ lỗi cho nạn nhân vì đó không phải là việc của mình, vì mình sẽ "không bao giờ làm việc như vậy để rơi vào hoàn cảnh đó." Mình nghĩ cuối cùng lương tri đạo đức không phải là đi cãi nhau cái này đúng pháp luật cái kia sai pháp luật, có răn đe nặng nhẹ hay vừa. Mà lương tri là hiểu con người ta luôn có quyền được sống, được tự do, và được quyền mưu cầu hạnh phúc. Điều đó cũng là hiểu con người ta có dignity -- phẩm giá, sự tự tôn của mình. Đi xuất khẩu lao động vi phạm luật di trú, đi ăn cắp ăn xin, đi bán hoa, dính vào nghiện ngập không có nghĩa là bạn bắt người ta phải từ bỏ phẩm giá của mình. Đó cũng chính là lý do những người cảnh sát nước Anh, những người đi bảo vệ pháp luật, cũng cúi đầu khi xe công ten nơ đi qua họ.
Khi chiếc công ten nơ tước đi của người ta quyền được sống, thì mình nghĩ việc những người trong xã hội, năm 2020, cho mình quyền tước đi quyền mưu cầu hạnh phúc và phẩm giá của người khác là một việc làm cũng về sau sẽ được xã hội nhìn nhận là sự thô bỉ. Sự thô bỉ đó là sự đổ tội, giễu cợt người khác khi người ta phải gánh chịu hậu quả mà mình không phải chịu đựng. Nhất là hậu quả khi họ tìm hạnh phúc cho họ mà không làm ảnh hưởng tí nào đến bạn.