Bài này mình xin phép nêu ra một vài ý kiến trái chiều và phản biện lại một số quan điểm của chị Tr Angle. Đây là link bài viết: https://spiderum.com/bai-dang/Chat-nu-quyen-trong-co-Ba-Sai-Gon-7u6
             Thôi bắt đầu luôn vào vấn đề chính thì đầu tiên mình xin bênh cho cái sự NỮ QUYỀN trong CÔ BA SÀI GÒN (CBSG). Trong bài, chị có đề cập tới hai vấn đề về nữ quyền trong phim:
              -  Bộ phim được vận hành bởi toàn phụ nữ, coi sự nghiệp là mục tiêu chính của đời mình. Càng về sau thì càng cực đoan do phim đã xây dựng nên hình ảnh người phụ nữ siêu phàm, vô địch, không có bóng dáng người đàn ông phía sau => cổ súy phụ nữ thay thế và gạt bỏ vai trò của người đàn ông. 
              - Anh nam chính duy nhất trong phim xuất hiện mờ nhạt và không có nổi một chuyện tình với nữ chính.
             Có một thắc mắc nhẹ là mình để ý dự án này từ lúc ra poster đầu tiên cho mãi tới sau này thì nhớ là phần giới thiệu không đả động gì đến vấn đề nữ quyền. Giả sử Thanh Loan có sự nghiệp hoành tráng với showroom đèn sáng loáng là nhờ ông chồng tai to mặt lớn nào đó hay Helen có anh người yêu Khoai Tây đang bận công tác dài ngày lúc sự việc trong phim đang diễn ra, thời lượng phim 100 phút ( Kể về những người phụ nữ có tình yêu với áo dài nói riêng và thời trang nói chung, thông qua đó là khắc họa nét đẹp truyền thống trường tồn qua thời gian; đá đưa một chút là sự đua tranh ngầm giữa những người phụ nữ với nhau) nhà làm phim muốn tập trung cho nội dung quan trọng ấy thì nhét thêm tình tiết người đàn ông ở đâu trong cuộc đời mấy người phụ nữ đó có cần thiết không?  Việc hình ảnh những người phụ nữ tài giỏi trong phim ấy mình thấy không có căn cứ gì để phán xét là họ đang cổ súy cho một tư duy sai lệch về nữ quyền. Trong THE DEVIL WEARS PRADA (TDWP) thì rất rõ ràng vì nó đưa ra bối cảnh cụ thể khi ai cũng thấy được sự xung đột giữa nàng Andy và anh người yêu Nate vì nàng quá bận rộn với sự nghiệp hay như cuộc hôn nhân tan vỡ giữa Miranda cùng chồng khi biết ông ta ngoại tình mà có lẽ cũng xuất phát từ sự bận rộn của Miranda. Nội dung TDWP vốn được xây dựng để nhắm tới hình ảnh đó.
           Vấn đề tiếp theo là nên hay không một câu chuyện tình trong bộ phim này thì theo mình có hay không chẳng quan trọng vì nó chẳng ảnh hưởng gì đến mạch phim. Mình cũng xin tố cái việc nhiều phim cứ cố nhét cái tình tiết đó có biết là đang vả vào mặt những cô gái đang sống hạnh phúc, đi làm, ăn no, ngủ kỹ và cảm ơn trời đã thoát khỏi một câu chuyện tình làm họ rầu rĩ không? Mấy nhà làm phim đó đang cổ súy: "Này em gái, nếu cuộc đời em không có hạnh phúc trong vòng tay một người đàn ông thì chưa phải là hạnh phúc đâu nhé!" (Ơ ghét thế nhỉ?)
            Và đây xin đến với vấn đề chính: NỮ QUYỀN!
             Trong bài viết của mình, chị Tr Angle có nói:
Mục đích của nữ quyền, hay phong trào LGBT, hay phong trào của người da màu, hay bất cứ phong trào đòi quyền bình đẳng của con người từ trước đến giờ, rút cục đều là đòi quyền sống đúng với bản chất mà không bị gây sức ép hay đánh giá bởi một yếu tố khách quan như màu da, giới tính hay giai cấp xã hội.
              Mình là cô gái đơn giản, mình tóm gọn mọi cái đòi hỏi trên cuộc đời chỉ với mục đích chung đã thấm nhuần từ tư tưởng thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch đó là vì HẠNH PHÚC và ẤM NO. Xét cho cùng người ta đấu tranh vì điều gì cũng chỉ là cho bản thân một cuộc sống thỏa đáng và thỏa mãn với mong muốn của mình mà nói đơn giản là vì HẠNH PHÚC! Thế hạnh phúc đào ở đất nào ra? Cuộc đời đầy rẫy bất công, nên là, tự thân mà ra thôi. Mà vì cái gì tự thân mà ra thì chỉ bản thân mình hiểu nhất mình mong muốn điều gì. 
            Chị Tr Angle có đưa ra quan điểm:
Tuy nhiên, có rất nhiều cách diễn đạt và hiểu nhầm về những phong trào này, mà tiêu biểu là phong trào nữ quyền, khiến nó gặp nhiều ác cảm từ nam giới. Một trong những cách hiểu nhẩm nghiêm trọng nhất về phong trào này đó là nó cổ súy phụ nữ thay thế và gạt bỏ vai trò của người đàn ông.
            Xin lỗi vì ở đây mình hơi tiểu tiết nhưng việc thêm vào đoạn "khiến nó gặp nhiều ác cảm từ nam giới" khiến mình thấy buồn cười. Vì xét cho cùng nữ quyền là một đòn giáng mạnh vào cái lề thói gia trưởng, nhất là ở nước ta mà cụ thể chính là vào mặt cánh nam giới. Thế thì hiển nhiên là nó vẫn luôn gây ác cảm với họ theo cách nào đấy rồi. Và việc dùng từ "cổ súy" mình thấy không đúng vì theo quan điểm của mình, phong trào nữ quyền hướng tới hạnh phúc của người phụ nữ, nếu việc gạt bỏ và thay thế vai trò của người đàn ông là điều khiến cuộc sống của họ thoải mái thì không có lí do gì để lên án điều đó. Giá như đoạn này chị Tr Angle có thể giải thích kĩ hơn ví dụ như lí giải tác động của sự "hiểu nhầm" này đã gây ra vấn gì gì đến cuộc sống của phụ nữ thì có thể đã thuyết phục hơn.
             Chị Tr Angle ở cuối bài có nói "Bình đẳng là khi phụ nữ được sống thật với chính con người mình." nhưng chị lại phản đối việc phụ nữ "...như đang sống trong thế giới của Wonder Woman, mạnh mẽ lý trí nhưng thiếu nữ tính và tình cảm...". Bản chất của mỗi cô gái không thể đánh đồng ai cũng như ai. Bên cạnh những cô gái có lối sống tình cảm và nữ tính thì vẫn luôn tồn tại những cô gái thiên về sự mạnh mẽ và nam tính hay những cô gái nửa nạc nửa mỡ chơi vơi giữa 2 lối về ( như mình đây hihi). Vậy nên thật buồn cười là ở đây công nhận bản chất mỗi cá thể nhưng vẫn có ngoại lệ chỉ vì cô ấy lỡ giống như Wonder Woman. Wow thế này có gọi là sự phân biệt đối xử khi thừa nhận sự nhu mì, dịu dàng sẵn có nhưng lại không chấp nhận một cô gái khô như ngói và là nữ cường nhân?
             Một điều nữa, chị Tr Angle ủng hộ quan điểm của Virginia Wolf với nhận định: 
một phụ nữ đạt đến bình đẳng giới trong văn học khi họ có thể viết mà quên mất giới tính của mình. Lúc đó, họ sẽ viết với một tâm hồn khoáng đạt và tư duy rộng mở, họ được bộc lộ hết những tiềm năng của bản thân, chứ không còn giữ thái độ thù địch, chua cay, căm ghét với đàn ông hay đổ lỗi cho xã hội vì sự bất hạnh của cuộc đời họ.  
            Em thấy nhận định này rất hay. Thế nhưng nó chẳng liên quan gì đến bài viết của chị lắm khi đặt trong bối cảnh một bộ phim như CBSG khi mà em chưa thấy một lời thoại hay cách diễn đạt nào thể hiện sự thù địch với cánh đàn ông. Chẳng lẽ nào chỉ vì để anh nhân vật nam trong phim xuất hiện mờ nhạt cũng đủ đưa đến thông điệp: "Tôi ghét đàn ông?". Còn nếu đưa ra trong mục phân tích sự hiểu nhầm về phong trào nữ quyền thì chị lại chưa xâu chuỗi hai cái với nhau, kiểu như cần phải có phân tích nhận định " Thái độ thù địch với đàn ông khiến người phụ nữ thay thế và gạt bỏ vai trò của họ". 
Tóm lại, CÔ BA SÀI GÒN bên cạnh một vài hạt sạn ( mà mình thề là không hỉu nổi thế quái nào mà Ninh Dương Lan Ngọc sau khi xuyên không trở vìa trong một đêm may được hẳn 2 cái áo dài :(( thế mà sao lão may áo cho mình có một cái mất hẳn nửa tháng lận...) thì phải thừa nhận là một bước tiến bộ lớn so với tác phẩm "Tấm Cám chuyện chưa kể" khi mà phần nhìn vô cùng mãn nhãn, thông điệp rõ ràng và bám sát suốt bộ phim. Thế nhưng mình hơi sợ cái nạn review phim như viết phân tích văn vậy, mập mờ giữa suy diễn và phân tích, đi coi phim tập trung cho việc xem xem người ta phát triển cốt truyện ra sao thì ít mà soi sạn thì nhiều. Giỏi thì phải làm 2 việc ấy một lúc thì viết review mới coi là xịn! 
              Còn vấn đề NỮ QUYỀN ư? Well, mình xin kết bằng một câu chuyện nhảm nhí tự sáng tác bên dưới:
Chuyện là các chị em đồng tâm hiệp lực đấu tranh để được tự do ăn Pizza mà không phải nghe cái câu: "Cái ngữ nam thực như hổ nữ thực như nam." Chị ăn chay nên chị sẽ đấu tranh để được tự do ăn pizza toàn rau, chị theo Đảng thịt (như em) thì sẽ đấu tranh để tự do ăn pizza loại "Meat lovers" đế dày giàu Carbohydrate, viền phô mài kéo dài trăm cây số. 
Có một hôm, chị ăn chay nhìn chị ăn thịt bảo: "Mày là cái thứ cổ súy tư duy đấu tranh sai lệch. Bản chất chúng ta là ăn rau, "thảo" như rau." Chi ăn thịt nguýt dài: " Rau với chả cỏ, không đủ chất. Ăn thế thì đây bất tỉnh khỏi làm." Các chị chả ai chịu ai, ngày qua ngày cho là phe mình có lý, cắn xé nhau tơi tả mà quên mất ngày đầu đã đoàn kết ra sao để có cái hạnh phúc ăn pizza thỏa thuê này...
 Đọc thêm: