Nữ hoàng Elizabeth II và di sản thời trang
Nữ hoàng Elizabth và những di sản về thời trang của bà
Trên thế giới, khi nhắc tới hai chữ “nữ hoàng”, người đầu tiên mà chúng ta nghĩ tới sẽ mãi là nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, người nắm giữ chế độ quân chủ của Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung trong suốt 70 năm. Lên ngôi một cách bất ngờ khi mới 26 tuổi, nữ hoàng Elizabeth khi đó vừa mới nói lời tạm biệt với người cha mà bà yêu quí, vua George VI, đã phải mạnh mẽ đứng lên để dẫn dắt đất nước sau chiến tranh và cũng như trở thành biểu tượng về mặt tinh thần cho người dân Anh Quốc.
Gác lại những câu truyện lịch sử và chính trị qua một bên, nữ hoàng Anh cũng được biết đến với cuộc hôn nhân viên mãn bên Hoàng Tế Philip, tình yêu động vật, sự hài hước và phong cách thời trang đã trở thành huyền thoại. Hãy cùng tìm hiểu thêm về những bộ trang phục mang tính biểu tượng cũng như nhưng thương hiệu thời trang gắn liền với tên tuổi của bà.
Quân phục
Là một nàng công chúa sinh ra và lớn lên trong thế chiến, Elizabeth đã gắn liền với những bộ quân phục. Năm 1945, khi mới chỉ là một cô công chúa 18 tuổi, Elizabeth đã gia nhập Lực lượng lãnh thổ phụ trợ (ATS) và trở thành thành viên nữ đầu tiên của Hoàng Gia Anh tham gia toàn thời gian vào lực lượng vũ trang Anh Quốc. 4 năm sau đó, bà trở thành thành viên danh dự của nữ Quân đoàn Hoàng gia Anh Quốc (WRAC). Khi đó, nhà may Hawes & Curtis đã được chọn mặt gửi vàng để may những chiếc áo sơ mi kaki và cà vạt cho bộ đồng phục của Công chúa Elizabeth lúc bấy giờ.
Nhà may Hawes & Curtis được thành lập từ năm 1913, chuyên dịch vụ may đo cao cấp và được nhận tới 4 Chứng quyền Hoàng gia (Royal Warrant) bao gồm cha của bà là Vua George VI. Chứng chỉ hoàng gia được ban cho những thương hiệu cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho hoàng gia Anh hoặc một số nhân vật trong hoàng gia nhất định. Thường những thương hiệu này phải tuân thủ các quy định chặt chẽ không chỉ về chất lượng mà còn về đạo đức cũng như đóng góp cho văn hoá và xã hội. Chứng chỉ hoàng gia không có giá trị vĩnh viễn. Sau khi nữ hoàng mất, chứng chỉ hoàng gia từ nữ hoàng sẽ mất hiệu lực trong vòng 2 năm. Ngày nay Hawes & Curtis vẫn là một thương hiếu áo sơ mi cao cấp được người dân Anh Quốc ưa chuộng.
Nhắc tới hình ảnh nữ hoàng trong quân phục, có lẽ chúng ta khó có thể quên hình ảnh bà trong bộ quân phục đỏ chói loà ngồi trên lưng ngựa diễu hành trong Lễ diễu hành mừng sinh nhật Hoàng tộc thường niên (Trooping the Colour). Trooping the Colour có hơn 360 năm lịch sử, bắt đầu từ việc tôn vinh quân đội hoàng gia, với nhiều sự thay đổi qua các thời kỳ và chỉ chính thức trở thành lễ diễu hành mừng sinh nhật Vua/Hoàng hậu từ đầu thế kỷ 20. Khi nhắc tới những bộ quân phục đen đỏ đặc trưng của Anh Quốc, cái tên còn tồn tại tới ngày nay chính là Firmin House. Được thành lập từ sự gia nhập của 2 thương hiệu lâu đời bậc nhất Firmin & Sons và Kashket & Partners vào năm 2006, Firmin House đã dùng gần 400 năm lịch sử để trở thành thương hiệu độc quyền cho quân phục hoàng gia Anh cũng như là nhà cung cấp quân phục cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Nếu như Firmin & Sons mang lại những phụ kiện kim loại như cúc, mũ, tấm che ngực, huy hiệu, huân chương, và cả kiếm thì Kashket & Partners phụ trách mảng may đo và phụ trang cho Trooping the Colour cũng không phải là ngoại lệ. Khi nữ hoàng băng hà, có rất nhiều thứ phải thay thế như tiền tệ, tem thư, văn bản mẫu… và dĩ nhiên, huy hiệu ER (viết tắt của Elizabeth Regina) trên quân phục và lễ phục của quân đội cũng như hoàng gia đều phải thay thế.
Những nhà thiết kế chính thức
Đã là nữ hoàng, chuyện mặc những bộ trang phục có 1 không 2 là một điều hoàn toàn hiển nhiên. Do đó một phần lớn tủ đồ của nữ hoàng là những món đồ may đo. Trong suốt 70 năm trị vị, nữ hoàng Elizabeth đã phong rất không ít người thành nhà thiết kế chính thức như Hardy Amies, Norman Hartnell, Ian Thomas, Steward Parvin và gần đây nhất là Angela Kelly.
Một trong những cái tên gắn liền tên tuổi của bà trong từ những ngày đầu lên ngôi là nhà thiết kế Hardy Amies. Sau nhiêu năm làm việc trong ngành thời trang, Hardy mở cửa hàng thời trang cao cấp mang tên mình tại con phố Savile Row nổi tiếng vào năm 1945. Với phong cách thiết kế vừa thanh lịch lại hiện. 5 năm sau đó, Hardy bắt đầu thiết kế trang phục cho (khi đó là công chúa) Elizabeth trong chuyến công du Canada và tới năm 1955, ông chính thức trở thành một trong ba nhà thiết kế chính thức cho nữ hoàng. Trong suốt 35 năm gắn bó, Hardy đã tạo nên nhiều thiết kế nổi bật như chiếc váy dạ hội bằng lụa organza màu xanh thêu những cành hoa màu hồng biểu tượng của vùng Nova Scotia trong chuyến thăm Canada vào năm 1959.
Nếu như Hardy Amies gắn liền với nữ hoàng qua những chuyến công du thì Norman Hartnell lại vinh dự tạo nên những chiếc váy mang tầm lịch sử như chiếc váy cưới của nữ hoàng vào năm 1947 và bộ váy mặc trong lễ đăng quang của nữ hoàng vào năm 1953. Đám cưới của (khi đó là công chúa) Elizabeth cùng Hoàng tế Philip là một trong những sự kiện hoàng gia quy mô nhất sau Thế chiến thứ 2. Chiếc váy cưới lụa với những đường họa tiết hình sao với phần đuôi dài tới 4m là biểu tượng của sự tái sinh và thịnh vượng được cho là lấy cảm hứng từ bức tranh Primavera của Botticelli. Bên cạnh chiếc vương miện kim cương chói loà, chiếc váy cưới được đính hơn 10,000 viên ngọc trai nhập khẩu từ Mỹ. Norman Hartnell đã là nhà thiết kế hoàng gia từ năm 1938 đã nói đây là chiếc váy đẹp nhất mà ông từng may.
Với một sự kiện mang tầm lịch sử như lễ đăng quang, Norman đã đề xuất tới 8 bản vẽ mẫu. Sau khi trao đổi với nữ hoàng, Norman đã hoàn thiện mẫu thiết kế với biểu tượng gắn liền 4 quốc gia của vương quốc Anh: bông hoa hồng biểu tượng của hoàng gia Tudor cho anh quốc, tỏi tây của xứ Wales, cây kế của Scotland và cỏ 3 lá của Bắc Ailen, cùng những biểu tượng của những đất nước thuộc Khối thịnh vượng chung như lá phong của Canada, cây dương xỉ bạc của New Zealand, hoa sen của Ấn Độ… bên cạnh đó, Norman bí mật thêu một hình cỏ bốn lá lên góc trái của chiếc váy như điềm báo cho sự may mắn.
Phong cách nổi tiếng cuối đời
Trong 70 năm tại vị, nữ hoàng Elizabeth thường xuyên gặp gỡ hoàng gia cũng như chính trị gia toàn thế giới. Bên cạnh 15 Thủ tướng Anh, nữ hoàng cũng gặp 13 Tổng thống Mỹ cũng như đã qua 110 nước trên thế giới trải khắp 6 lục địa. Nhà thiết kế Hardy Amies từng nói: “Nhiệm vụ may quần áo cho Nữ hoàng không phải là một việc dễ dàng”. Bên cạnh sự trang trọng còn phải thoải mái và có tính ứng dụng cao. Những bộ váy áo trang trọng sặc sỡ gắn liền với tên tuổi của bà đã bắt đầu từ những thiết kế của Hardy trong những chuyến công du nhưng phải tới hơn một thập kỷ trở lại đây thì phong cách này mới được Angela Kelly đưa lên thành biểu tượng. Angela là Cố vấn Cá nhân cho Nữ hoàng và là người quản lý cũng như phụ trách trang phục cho nữ hoàng. Một trong những bộ trang phục đưa tên tuổi của Angela Kelly đến với mọi nhà chính là chiếc váy màu vàng đáng yêu mà Nữ hoàng mặc trong đám cưới của William và Kate năm 2011.
Angela cũng là người đứng sau bộ trang phục xanh nhạt mà nữ hoàng mặc trong Đại lễ Bạch Kim (Platinum Jubilee) vừa qua cũng như chiếc váy màu bạc trong Đại lễ Kim Cương (Diamond Jubilee) năm 2012.
Là một người nổi tiếng với phong cách thời trang nhất quán, nữ hoàng thường xuyên xuất hiện với những bộ trang phục theo tiểu chuẩn nhất định cũng những chiếc mũ ton-sur-ton và một chiếc túi sách Launer. Chiếc túi sách không chỉ là nơi để nữ hoàng đựng chiếc bánh mỳ kẹp mứt mà còn là cách trao đổi bí mật của nữ hoàng với những người phục vụ. Nữ hoàng thường đeo túi bên tay trái, nhưng khi bà chuyển túi qua tay phải khi đang nói chuyện với ai đó có nghĩa là bà đang muốn kết thúc cuộc trò chuyện này.
Xuất phát từ một xưởng sản xuất nhỏ từ những năm 40 của thế kỷ trước, Launer London dần đặt được chỗ đứng trên bản đồ túi xách hàng hiệu quốc tế nhờ gắn bó với hình ảnh Nữ Hoàng, đặt biệt với 2 mẫu túi chính là The Royale và Traviata. Dĩ nhiên, người đứng sau lưng thúc đẩy phong cách này cũng không phải ai khác ngoài Angela Kelly.
Trong 70 năm trị vì, Nữ hoàng mặc qua hàng ngàn bộ trang phục và để "đồng bộ hoá" những set đồ này, Nữ hoàng Elizabeth đã dùng qua khoảng 5000 chiếc mũ. Một trong những người làm mũ được bà yêu quý chính là Philip Somerville. Không phải ai cũng có diễm phúc được nhận thư từ Nữ hoàng nhưng Philip Somerville còn được bà viết thư cảm ơn tới 2 lần. Trong đó, bức thư năm 2007 có viết rằng: "Tôi rất vui khi biết tin bạn vẫn có thể làm việc cho tôi… Tôi biết ngày nay việc kinh doanh có thể khó khăn như thế nào - đặc biệt là phải tìm những loại vải phù hợp cho một người như tôi, người gần như là người duy nhất phải đội mũ liên tục". Chỉ là một trích đoạn ngắn nhưng chúng ta có thể thấy được sự hài hước khô khan đậm phong cách Anh quốc của Nữ hoàng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Angela Kelly cũng như kỷ niệm của cô khi làm việc với Nữ hoàng, bạn có thể tìm đọc 2 cuốn sách: Dressing The Queen: The Jubilee Wardrobe và The Other Side of the Coin: The Queen, the Dresser and the Wardrobe (tạm dịch là Trang phục của Nữ hoàng: Tủ quần áo Đại lễ và Mặt khác của đồng xu: Nữ hoàng, Tủ trang điểm và Tủ quần áo).
Nữ hoàng của đời thường
Văn hoá Anh Quốc không chỉ gói gọn ở London, cũng như thời trang của Nữ hoàng không chỉ bó hẹp trong những bộ lễ phục. Nếu mở bản đồ ra, bạn sẽ thấy Anh Quốc là một đất nước nhiều đồi núi và rất “xanh”. Cuối tuần, người dân dắt chó đi dạo ở đồng quê hay các vùng đồi núi. Nữ hoàng cũng vậy, bạn sẽ thấy nữ hoàng “đời thường” nhất là khi bà cưỡi ngựa hay dắt giàn chó cưng Corgi đi dạo ở quanh lâu đài Balmoral, Scotland.
Nhắc tới trang phục “đồng quê” của nữ hoàng thì chúng ta cũng không thể nào không nhắc tới những chiếc áo khoác Barbour đình đám. Barbour là một thương hiệu có hơn 130 năm lịch sử gắn bó với quân đội Anh Quốc cũng như phục trang thường ngày. Barbour được biết tới nhiều nhất qua những chiếc áo khoác phủ sáp chống thấm nước mà có một lời đồn là nữ hoàng mặc cùng 1 chiếc áo này của Barbour suốt 25 năm. Lời đồn có thật hay không, chỉ có những người làm trong hoàng gia mới biết. Tuy nhiên chất lượng và độ bền của những chiếc áo khoác Barbour là điều không thể tranh cãi. Có lẽ vì thế Barber cũng là một trong số ít những thương hiệu thời trang Anh Quốc được ưu ái với hẳn 2 Chứng quyền hoàng gia.
Với gần một thế kỷ gắn liền với lịch sử thế giới nói chung và lịch sử thời trang nói riêng, nữ hoàng Elizabeth đã để lại một di sản vô cùng lớn lao và sẽ mãi là tượng đài về mặt thời trang mà đời sau còn nhắc tới.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất