“Tôi không có ý định thay đổi ai. Quá nhiều người đang muốn làm chuyện này rồi. Cuốn sách chỉ đưa ra hướng dẫn giúp người muốn hiểu về sức khỏe và môi trường có một cái nhìn khác. Tức tôi có thể đưa ra hướng dẫn cho người đọc yên tâm đi, nhưng trước tiên họ phải muốn đi cái đã”
Đấy là đoạn cuối nằm trong Lời nói đầu trong cuốn sách “ăn gì cho không độc hại” mà tôi cũng là kẻ trông mặt bắt hình dong chần chừ mãi mới mua gần đây. Cuốn sách này thực sự cần được chia sẻ nhiều hơn nữa.
“ăn gì cho không độc hại”
“chả ăn gì thì không độc hại” hay “ăn gì chả chết” hay “không một cái gì giờ không độc hại cả” là phần lớn những gì tôi nghe được khi người ta bắt gặp tôi đang đọc quyển sách này.
Còn phần tôi, tôi còn đang phân vân cái quái gì được viết trong quyển sách này nhỉ, tôi nghe cái tên và đoán như có vẻ hướng dẫn ăn cái này ăn cái kia. Nhưng có lẽ tác giả Pha Lê đang chỉ viết lại câu hỏi mà trong chính chúng ta vẫn còn đang vướng víu hằng ngày “ăn gì cho không độc hại” thôi, và cũng cho chúng ta thấy chúng ta hời hợt như thế nào. Tác phẩm không trả lời câu hỏi không có dấu chấm hỏi ấy, tác giả giúp ta tự tìm thấy câu trả lời.
Khi ta bắt đầu đi vào tác phẩm, tác giả chả cần phải bảo nhưng chúng ta biết rằng phải từ từ, bình tĩnh để đọc thay vì đăm đăm vào việc truy ra rằng “ăn gì cho không độc hại”, hoặc đôi khi cũng đừng ngần ngại xấu hổ khi đôi điều Pha Lê nhắc đến thật soi vào thói xấu và sự vụng về trong ăn uống của chúng ta.
Cuốn sách gồm 6 chương, ban đầu, tác giả lật lại lịch sử ăn tạp uống tạp của con người với cấu trúc cơ thể phù hợp với sự ăn tạp và lối sống hoang dã. Tôi đã ngờ ngợ lại những bài học về cấu tạo xương của người trong môn Sinh học năm cấp 2, hình như là lớp 6, và gật gù với tác giả rằng con người đúng là cấu tạo để phù hợp với việc ăn tạp. Trong chương này, Pha Lê cũng chỉ thẳng cho chúng ta thấy con người đã ăn hết và ăn đa dạng các loài động vật trong thời kì săn bắt hái lượm này, và việc này dĩ nhiên kéo đến bây giờ khi nhiều loài thú đã bị tuyệt chủng (và sẽ còn nhiều loài khác nữa). Sự cạn kiệt tài nguyên (bởi chính con người), sự gia tăng số lượng người (bởi chính con người), có thể đã góp phần khiến con người sống tụ lại với nhau hình thành các cộng đồng và thuần hóa cây cỏ và muông thú, trồng trọt chăn nuôi từ đó sinh ra và bệnh tật cũng từ đó sinh ra.
Bên cạnh chỉ cho chính chúng ta thấy ông bà tổ tiên đã ăn uống như thế nào mà họ khỏe mạnh và ít ốm đau tác giả cũng giúp chúng ta hiểu rõ và tự đưa ra quyết định ăn gì và uống gì. Đó là những băn khoăn của chúng ta về sữa bò tốt hay xấu, dầu và mỡ nên chọn cái nào, đậu nành khiến nam thành nữ, cơm gạo lứt hay cơm gạo trắng, . . .Toàn những câu hỏi và khúc mắc quen thuộc đã được Pha Le đưa những thông tin lịch sử và diễn giải cho chúng ta hiểu hơn về các vấn đề. Tôi tin, bất cứ ai có đam mê với ẩm thực hay không qua Chương IV của cuốn sách cũng tự cho mình những quyết định và sự hiểu rõ ràng hơn.
Khi mà hằng ngày từ trang mạng xã hội, và n nguồn thông tin khác đang cho rằng việc ăn thuần chay là có ích và giúp chữa bệnh (có gì đó cực đoan), hoặc nhóm người ăn thực dưỡng cười nhóm người ăn tạp, nhóm người ăn chay cười nhóm người ăn tạp. Thì chúng ta phải bình tĩnh xem lại, và phải luôn tự nói rằng, chúng ta là loài ăn tạp (cái gì cũng ăn). Việc hiểu hơn về việc ăn chay thì mời bạn đọc rõ trong cuốn sách.
Có lẽ nói vậy đủ rồi, bạn nên mua sách thôi.
Trong cuốn sách, bên cạnh thông tin hữu ích, khách quan và mang tính khoa học, Pha Lê lại một lần nữa nhắc nhở chính tôi (một đứa hay stress và mệt mỏi với tính cách của mình) trong việc nấu và ăn. Đó là “thức ăn tâm”, không chỉ đặt toàn tâm toàn ý trong từng thao tác nấu nướng, truyền và đặt năng lượng tích cực của người nấu cùng ngọn lửa mà đó là hãy thư thái và hưởng trọn những bữa ăn vui vẻ, hạnh phúc. Các cụ chả vẫn bảo “Trời đánh tránh miếng ăn” đấy thôi.
So sánh với cuốn sách “Minh Triết trong ăn uống Phương Đông” không thể hiểu hết ngay được và cần sự thực hành cần mẫn, “ăn gì cho không độc hại” đã giúp tôi vỡ lẽ rất nhiều.
Và cuốn sách này thì rẻ hơn những gì nó mang lại rất nhiều.
Thôi thì, thay vì nghĩ suy cho nhiều, chỉ cần nguồn thức ăn sạch, tự nhiên và ăn uống thoải mái thỏa thích. Ai ai cũng sẽ khỏe, nghĩ nhiều làm chi.
 
Một ngày Chủ Nhật, tháng 11