Buổi ban mai - Edward Hopper
Buổi ban mai - Edward Hopper
Dường như, dẫu đã sang chương mới, nỗi buồn vẫn là thứ tôi vô tình mang theo trong mớ hành lí của mình.
Tôi nhớ những buổi chiều muộn, lúc mẹ chuẩn bị bữa tối dưới nhà bếp, hương thức ăn bốc lên thơm phức tầng 4, và tôi thì ngồi thừ trong căn phòng riêng của mình, đèn điện tắt ngóm, tối om; thứ ánh sáng duy nhất trong phòng là những tia nắng cam sậm hồi tàn của mặt trời đang hấp hối đằng xa. Trên mép giường cũ sẽ là tôi ngồi đó, bó chân sát vào người, cằm tì nhẹ lên đầu gối, tóc buông lơi ở mắt, hững hờ ngắm khung cảnh ngoài cửa sổ, nghe thanh âm lộn nhộn của những con người dưới đường. Thanh âm ấy là sự pha tạp của tiếng trẻ con đùa nghịch, tiếng xe máy vội vã, tiếng bánh ô-tô ù ì, tiếng hội học võ, và thi thoảng là tiếng gió khẽ lay cái rèm cửa sổ, lay nốt mấy lọn tóc trên trán. Tôi vốn luôn coi việc xuống đường là một trong những hoạt động có lợi cho sức khoẻ con người, hoặc ít ra là cho tôi, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhốt mình mãi trong phòng thì ai chẳng thấy bí bách, tù túng; ai mà chẳng thoáng nhớ tới cái lúc Tố Hữu muốn đạp tan phòng giam nhà tù để mà thoát ra ngoài trời tự do nắng hè. Vậy nên, cái thanh âm của chiều tàn len lỏi qua khung cửa sổ thực đã có phần thúc giục. Nhốt mình mãi trong phòng xấu lắm, nó bảo vậy. Không ra ngoài thì sẽ ngu đi, sẽ đần đi đấy, nó bảo vậy. Nắng đẹp vậy, gió mát vậy; đừng ngồi trong phòng nữa, nó bảo vậy.
Truyền cảm đấy, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó thôi. Sự thật là, tất cả những điều đó đã chẳng thể bì được với thứ màn tối chầm chậm căng lên từ dưới nền gạch men đã cũ. Mặt trời càng lặn, thứ bóng tối ấy lại càng thấm đẫm từng đường mạch vữa, ngập dần căn phòng tĩnh lặng; nuốt chửng, tiêu hoá mọi sự thúc giục của thế giới bên ngoài. Thứ bóng tối ấy đặc tới cỡ, nếu cứ yên lặng mà ngồi trong nó, con người ta sẽ phần nào hiểu được cảm giác vô hình với dương gian của những linh hồn thế giới khác. Bởi vì, bóng tối là thứ màn nguỵ trang bậc nhất của cuộc đời này. Trong bóng tối, người ta không còn cần phải tỏ vẻ, phải đeo mặt nạ, phải cứng cỏi, phải dối lòng, phải kiềm chế, phải giữ hình tượng, hay phải bất kì thứ gì khác nữa, ngoài hô hấp. Bóng tối che chở, vỗ về, ôm trọn người ta trong sự trầm mặc. Bóng tối lắng nghe, nhìn ngắm, và chẳng hề ham phán xét, khuyên can.
Và, tôi đã nhiều bữa trẫm mình trong thứ bóng tối ấy, ngắm nhìn nó đến nhoà dại đôi mắt, để hoà tan mấy nỗi buồn vu vơ tuổi vị thành niên. Tôi đã có phần cam chịu, bởi dù sao thì đó vẫn là tôi ngập ngụa trong nỗi ưu sầu và cô đơn lặp lại mỗi hồi chiều tàn. Thoát ra khỏi cái chốn này, một ngày nào đó, mình sẽ ổn hơn—tôi tự nhủ vậy. 
Đến bây giờ, khi đã thoát khỏi căn phòng cũ mèm và được tiếp tục cuộc hành trình của mình ở một chốn mới, tôi vẫn bắt gặp thứ bóng tối ấy mỗi khi đồng hồ điểm năm giờ năm phút chiều. Vẫn là tôi, nằm thừ ra đó, để bóng tối quen thuộc chầm chậm mơn man trên mi mắt, chôn vùi mình trong sự trầm lặng. Tiếng xe dưới lòng đường vẫn vọng lên ù ù trên ban-công tầng muời. Mọi thứ vẫn như vậy, chỉ là, giờ đây, tôi hay có những điếu thuốc cháy lay lắt như mấy ngọn đuốc khô dầu giữa đêm thâu làm bạn tạm. Tiếng gió chẳng còn thúc giục, hoặc là chẳng còn chạm được tới tôi. Bóng tối chẳng còn phải cam chịu nữa; bóng tối giờ đáng tận hưởng. Có mấy lúc, tôi đã mê cái thứ trầm lặng ấy hơn bất kì sự kết nối nào. Tôi suýt chút nữa cắt đứt với tất cả, chỉ để cuối cùng cũng được một thân một mình cùng bóng tối và những nỗi niềm, ngay cả khi đó là những con người mà trước giờ bản thân vẫn trân quý. May thay, sự nghiệp ghét nhân loại (misanthropism) chuyên nghiệp của tôi không thành.
Thế nhưng, nỗi buồn thì vẫn đồng hành. Nỗi buồn không còn chỉ xuất hiện những lúc màn tối căng dần, mà đã thật trở thành một thứ thường trực. Nỗi buồn có vẻ như đã biết cách hoà trộn với ô-xi sao cho vừa đúng tỉ lệ; len lỏi vào những tia nắng chiều chiếu xiên những tường rào thép sơn xám. Nỗi buồn đeo đẳng trên hai cái quầng thâm mắt hợp tâm trạng. Nỗi buồn gầy nhom vào những bữa không muốn bước chân ra ngoài ăn uống. Nỗi buồn đuổi khéo niềm vui vào những dịp nó ghé chơi hiếm có. Nỗi buồn, nỗi buồn, nỗi buồn. Ở đâu cũng hiện hữu, nỗi buồn.
Và như vậy cũng chẳng sao. Bởi vì xưa giờ vẫn vậy. Nỗi buồn, nỗi khổ, nỗi đau, đủ các thứ nỗi như vậy, chúng vẫn luôn thống trị mặt đất này. Trong một phép tính nơi tổng số niềm vui trên quả đất là số bị trừ, tổng số nỗi buồn là số trừ, hiệu chắc chắn sẽ là số âm. Schopenhauer nói cũng chẳng sai, cuộc đời chính là con lắc dao động giữa hai cực khổ đau và chán chường. Cuộc đời vẫn luôn buồn, và cuộc đời vẫn luôn xấu như vậy. Đôi khi chỉ gắng sống sao cho nó bớt buồn một chút và bớt xấu một chút, thế là đã quá tuyệt vời.
Được cái, nỗi buồn vẫn có cái đẹp của riêng nó. Kết viên mãn cũng được thôi, nhưng chỉ những tác phẩm buồn nhất, trái ngang nhất mới được nhớ tới lâu nhất. Tới đây, có lẽ không phải nỗi buồn vô tình lọt vào trong hành lí, hay nỗi buồn cố chấp bám dính, đeo đẳng lấy tôi liên thời kì. Có lẽ, đã tới lúc có một ánh nhìn công bằng hơn với nỗi buồn. Nỗi buồn đã trở thành một phần của mớ hành lí tôi vác theo trên hành trình của mình. Là tôi, người đã dành ra một góc nho nhỏ trong va-li để gói ghém và cất nó vào thật gọn, thật kín. Là tôi, người đã kết thân với nỗi buồn, người luôn lôi nó ra ngắm nghía, sờ nắm như thể một viên đá lạ đẹp mắt.
Nỗi buồn đã được tôi đặt cho một cái tên mới, ưu sầu; và có lẽ sẽ là thứ tôi thủ theo trong một thời gian rất, rất dài.
04.08.2022
Thanh Hiên