Covid-19 đang giết chết huyễn tượng chúng ta là quốc gia vĩ đại nhất hành tinh.
Dịch từ bài viết của tác giả Nguyen Viet Thanh, thuộc loạt bài "Nước Mỹ chúng ta cần" trên Times xoay quanh chủ đề làm thế nào Mỹ có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn, tự do hơn. Các cụm từ để trong ngoặc, bôi đen, in nghiêng đều do ý định của người dịch.
Nguyen Viet Thanh là nhà văn người Mỹ gốc Việt với nhiều tiểu thuyết, tuyển tập truyện ngắn, bình luận xã hội, trong đó có tác phẩm The Sympathizer đã giành giải Pulitzer năm 2016 cho hạng mục tiểu thuyết.
Hình ảnh từ bài viết gốc
Thi thoảng lại có người hỏi tôi làm thế nào để trở thành nhà văn. Điều duy nhất bạn phải làm, tôi trả lời, là đọc không ngừng nghỉ; viết hàng nghìn giờ; và có khả năng tự ngược đủ để tiếp nhận vô vàn chối bỏ và cô lập. Giờ đây, chính những phẩm cách ấy đã giúp tôi chuẩn bị rất tốt khi đối mặt với cuộc sống trong bối cảnh đại dịch này.
Việc bản thân gần như tận hưởng khoảng thời gian cách ly này - ngoại trừ những cuộc vật lộn với hoang tưởng về một cái chết cận kề và cơn giận trước sự kém cỏi của giới lãnh đạo quốc gia - khiến tôi nhận thức rõ ràng được những đặc ân mình đang có. Chỉ qua mạng xã hội tôi mới thấy thảm họa đang đổ xuống những người đã mất việc và phải lo lắng về tiền thuê nhà. Những câu chuyện hãi hùng đến từ đội ngũ bác sĩ y tá, những người suy sụp sức khỏe do Covid-19, và những người đã mất đi người thân bởi căn bệnh.
Nhiều người trong chúng ta thoáng nhìn thấy viễn cảnh mạt thế. Những người khác đang sống trong đó.
Điều hữu ích rút ra được từ giai đoạn này, đó chính là hồi chuông thức tỉnh với tình trạng lâu nay của nhân dân Mỹ. Chúng ta không lành mạnh như chúng ta tưởng. Virus sinh học đang tấn công nhân loại cũng chính là một virus xã hội. Triệu chứng của nó - bất bình đẳng, vô cảm, ích kỷ và theo đuổi lợi nhuận bất chấp tính mạng con người và tôn sùng quá mức của cải vật chất - từ rất lâu đã khoác lên mình chiếc mặt nạ tiếng hân hoan hô hào ca tụng nước Mỹ độc nhất (hay chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ - American exceptionalism), vẻ hồng hào của một người cách cơn trụy tim vài bước chân.
Dẫu cho nước Mỹ chúng ta biết sống sót qua coronavirus, cũng không còn là nước Mỹ vẹn nguyên không thương tổn. Nếu như ảo tưởng bất bại vẫn manh mún trong bất kỳ bệnh nhân nào sống sót sau trải nghiệm kề cận tử thần, thì điều sẽ chết đi theo Covid-19 sẽ là huyễn tượng chúng ta là đất nước tốt đẹp nhất hành tinh, niềm tin đã phổ cập trong cả những người nghèo, nhóm thiểu số không có tiếng nói và những người không có công việc ổn định, những người buộc phải tin vào danh phận công dân Mỹ của chính mình (their own Americanness), nếu không thể tin bất cứ điều gì khác.
Có lẽ cảm giác tù túng trong thời gian cách ly sẽ khiến ta tưởng tượng ngục tù thực tế là thế nào. Dĩ nhiên, vẫn còn đó những nhà tù thật sự, nơi giam giữ những cá nhân chính họ cũng không là ngoại lệ với coronavirus. Có những trại tị nạn và trung tâm giáo huấn thực chất chính là những nhà tù. Có giam cầm kinh tế của đời sống đói nghèo và tạm bợ, nơi mà một tháng chậm lương có thể đồng nghĩa với mất nhà, nơi bệnh tật không bảo hiểm y tế có thể chính là án tử.
Nhưng đồng thời, tù trại lại thường là nơi sinh ra những nhận thức mới, nơi tù nhân đã đi đến đường cùng (radicalized), trở thành các nhà hoạt động và thậm chí những người cải cách. Hy vọng những người Mỹ bị buộc phải cách ly, những người lao động bị ép uổng công sức, sẽ có những động thái quyết liệt minh chứng cho sự tự phản tỉnh, tự đánh giá, và cuối cùng, là tình đoàn kết, liệu có phải là hy vọng viển vông?
Một cơn khủng hoảng thường kéo theo sợ hãi và ghét bỏ. Chúng ta đã và đang chứng kiến cơn tái bùng phát phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á và người Mỹ gốc Á vì "con vi rút Trung Quốc".  Nhưng chúng ta có lựa chọn: chúng ta sẽ chấp nhận một thế giới chia rẽ và thiếu thốn, nơi ta phải tranh đấu giành lấy nguồn tài nguyên hạn hẹp, hay tin tưởng một tương lai khi xã hội chúng ta sẽ được đánh giá bởi khả năng chăm lo cho người bệnh, người nghèo, người già và những ai khác biệt?
Là một nhà văn, tôi biết lựa chọn ấy nằm ngay giữa câu chuyện. Đó chính là điểm mấu chốt thay đổi cục diện. Một anh hùng - trong trường hợp này, chính là quần chúng nhân dân, không kể đến ngài tổng thống - đang đối mặt với một quyết định then chốt sẽ bộc lộ rõ bản chất mình là ai.
Chúng ta còn chưa đi hết nửa vở bi kịch của mình. Chúng ta mới suýt soát hoàn thành phân cảnh đầu tiên, khi chậm chạp ngộ ra nguy cơ đang ập đến với mình và nhận thấy chúng ta phải hành động. Hành động đó, bây giờ, đơn giản là làm điều phải làm để chiến thắng Covid-19 và đưa đất nước sống sót qua đại dịch, yếu ớt đi nhưng chí ít vẫn sống sót.
Nước Mỹ có một lịch sử đô hộ thực dân và nền tư bản chủ nghĩa đã bóc lột không thương tiếc tài nguyên thiên nhiên và con người, điển hình là người nghèo, người nhập cư, người da đen và da màu. Lịch sử ấy đến nay vẫn còn hiển hiện trong cơn hoảng loạn tích trữ, ý thức rõ mình sống trong một nền kinh tế tự-lo-thân (hay tự lập - self-reliance) thiếu thốn nguồn cung; trong sự phụ thuộc vào sức lao động giá rẻ của phụ nữ và những nhóm dân tộc thiểu số; và trong sự thiếu hụt những hệ thống tương xứng cần thiết cho chăm sóc y tế, phúc lợi, mức lương cơ bản chung và một nền giáo dục hướng đến những người cần nó nhất trong chúng ta.
Điều được hé lộ trong cuộc khủng hoảng này, là trong khi phần đa chúng ta có thể phải chịu tổn thương - kể cả các nghiệp đoàn và giới giàu có - chính phủ ta lại ưu tiên bảo vệ những người nguy cơ tổn thương ít nhất.
Nếu đây là một bộ phim đậm chất kinh điển Hollywood, người anh hùng đậm chất Mỹ, khiên cưỡng và do dự trong bước đầu hành động, sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn vào ngay thời điểm mấu chốt. Covid-19 quái ác sẽ bị khống chế, và xã hội sẽ được tái thiết về lại trật tự từng có trước khi kẻ ác lộng hành.
Batman vs Joker by Naldo Ribeiro, in Daryl R's Batman vs. Joker ...
mình hông am hiểu siêu anh hùng nhưng khá ấn tượng với Batman và Joker nên để hình hai vị ở đây, có thất lễ mong các nhện thông cảm :<
Nhưng nếu xã hội chúng ta không đổi khác sau khi đánh bại của Covid-19, đó sẽ là chiến thắng phải trả bằng giá quá đắt. Chúng ta có thể phải lường trước một hậu quả, và không chỉ một, mà rất nhiều, cho đến khi chúng ta đi đến màn kết: tai ương biến đổi khí hậu. Nếu động thái vụng về trước coronavirus là bản duyệt trước cho cách nước Mỹ sẽ đối mặt với thảm họa trên, thì ta thực đã đến ngày tàn.
Nhưng giữa sự hỗn mang ấy, vẫn còn đó những dấu hiệu của hy vọng và khích lệ: người lao động đình công trước bóc lột; người người đóng góp khẩu trang, tiền của và thời gian; nhân viên y tế và bệnh nhân phẫn nộ trước hệ thống chăm sóc sức khỏe đáng trách; một thuyền trưởng hy sinh sự nghiệp của mình để cứu lấy thủy thủ đoàn; cả những người lạ lại chào nhau trên đường, hành động mà ở thành phố tôi sống - Los Angeles, quả thật là biểu trưng mãnh liệt của tình đoàn kết.
Tôi biết mình không phải là người duy nhất có những suy nghĩ này. Có lẽ đợt cách ly này cuối cùng đã mang đến cho người ta cơ hội làm công việc của một nhà văn: tưởng tượng, cảm thông và mơ mộng. Đủ thời gian và xa hoa để làm những điều này là đã sống ngay trên rìa miền đất hứa (utopia), dù ở đó các nhà văn lại ngồi họa ra viễn cảnh tận thế (dystopic). Tôi viết không chỉ vì viết lách mang lại cho tôi sự khoan lạc, mà còn vì nỗi sợ - sợ rằng nếu không kể một câu chuyện mới, tôi chẳng thể nào thực sự sống.
Người Mỹ sau rốt sẽ bước ra khỏi cách ly và nói lời giã biệt với những điều đã trôi vào dĩ vãng, cả những người và những tư tưởng đã không vượt mình đi qua được cơn khủng hoảng. Và rồi chúng ta sẽ phải quyết định đâu là câu chuyện sẽ giúp những người sống sót thực sự sống.
Lời người dịch: Dù góc nhìn của bài viết không còn quá mới mẻ sau hàng loạt bài từ các nhà hoạt động, nhà dự báo xu thế, v.v. nhưng mình vẫn dịch lại giới thiệu đến các bạn, vì bên cạnh những suy tư trước bối cảnh đất nước mình trong thời buối đại dịch, còn là tâm sự chân thật của một người cầm bút từ tác giả Nguyen Viet Thanh. Nhiều cụm từ trong bài viết mình chưa thực sự ưng ý với cách lựa chọn từ ngữ nên đã trích lại nguyên văn tiếng Anh cho bạn đọc dễ tham khảo, tuy nhiên chắc hẳn vẫn còn những thiếu sót dịch thuật khác, mong chờ góp ý từ các bạn.