Chúng ta có thực sự là người?

Liệu bạn sẽ là một Rachael, một Batty, hay một Deckard? 
Cho những ai không ngại đọc dài, và thích phim về người máy, tôn giáo, hoặc chủ nghĩa hoài nghi.
Tóm tắt: Trong tương lai đầu thế kỷ 21, công ty công nghệ Tyrell Corporation sẽ bắt đầu sản xuất những người máy có vẻ ngoài y hệt nhân loại -- các replicants. Những người máy thuộc thế hệ Nexus 6 này sẽ sống được 4 năm, được dùng làm nô lệ ở các thuộc địa và thực hiện những công việc nguy hiểm. Sau một vụ nổi loạn, các replicants bị xếp ngoài vòng pháp luật và bị "cho từ nhiệm" bởi một lực lượng cảnh sát đặc biệt -- Blade Runners. Năm 2019, cựu Blade Runner Rick Deckard được triệu hồi để truy tìm 4 Replicants vừa trốn thoát khỏi khu Ngoại giới và thâm nhập Los Angeles, nơi có trụ sở của Tyrell Corporation. Liệu Deckard có tìm được những người máy ấy? Và liệu có bao giờ, anh từng cho “từ nhiệm” một con người thật hay không?


Đóng góp lớn nhất cho thành công của bộ phim Blade Runner chính là đạo diễn Ridley Scott. Trước khi lấn sân điện ảnh, ông đã là cái tên được săn đón trong ngành quảng cáo thương mại, tác giả của video Apple Mac Ad 1984 (bạn có thể xem ở đây). 
Quá khứ là biểu tượng của ngành này tuy thế cũng từng tạo ra vài định kiến cho Scott, có những người từng cho rằng phim của ông chỉ được cái bề nổi, hào nhoáng, thái quá, như cách người ta vẫn thường nghĩ về các video quảng cáo. Lời chê chíu khọ nhất là: “phim Ridley Scott bị cái quá đẹp”, và Scott đã cạu cọ đáp trả: “Cái khỉ gì gọi là quá đẹp? Đẹp là điểm mạnh của tôi, không phải điểm yếu.”
Blade Runner (Tội phạm nhân bản) là một bộ phim của Ridley Scott dựa trên tiểu thuyết "Liệu người máy có biết mơ về những con cừu điện" của tác giả Philip K. Dick. Đây là bộ phim góp phần tạo ra một lượng người hâm mộ sẵn sàng xem bất cứ thứ gì Scott làm về sau, và nó cũng đã minh hoạ chính xác cho những đối đáp trên.
Đầu tiên phải nói là: Blade Runner là một phim quá đẹp!  
1. When the most frightening nightmare is a wet dream!
Về mặt hình ảnh, Ridley Scott đã tạo ra một tác phẩm không những tiên phong dòng phim cyberpunk mà đến ngày nay vẫn xếp vào một đỉnh cao, nó là một trong số hiếm hoi các phim thể loại này được chọn lưu trữ trong Thư khố quốc gia Mỹ vì “tầm vóc về văn hóa, lịch sử, và mỹ học”.  




Blade Runner chính xác là một bộ phim sci-fi mà lại ngập tràn ẩm ướt. Hơi ẩm nghì ngụt bốc lên từ mặt đường lẫn từ các quán ăn với người ngồi chen chúc, nơi ngõ tối những bóng co ro khuất trong các góc đen lụp xụp, những mảng tường trơn nhoáng đầy chữ Nhật ở cổng một ngôi đền, những vũng nước lóng lánh dưới ánh đèn, bắn tung toé khi đám người vùn vụt đạp xe qua ném lại những tiếng cười. Cùng lúc, tít trên cao, sừng sững choán nửa trời, những màn hình điện tử khổng lồ nhấp nháy, hiện lên một phụ nữ người Nhật, mặt trắng toát, môi đỏ chót, cô nhoẻn miệng cười, liếc mắt ẩn ý, rồi cất giọng nỉ non một bài hát. Và còn thêm vài thứ vô hình mà trĩu nặng đang chậm rãi rỉ ra từ không khí, tầm tã trút xuống tất cả. Đấy là set-up của thế giới người-máy Los Angeles tương lai 2019. Vừa nên thơ, vừa tàn tạ, vừa huyền bí phương Đông, vừa quánh đặc nhầy nhụa, vừa gần gũi đến xúc động, vừa hứa hẹn một tương lai thối rữa.
Xem BR chợt nhận ra đại đa số các phim sci-fi có kịch bản hậu tận thế trước đó đều khá khô. Màu trung tính (đen, trắng, xanh đen, nâu sa mạc, xám, chủ yếu xám). Nhân vật mang cùng một kiểu tóc, kiểu quần áo; phục trang, bối cảnh thiết kế giản tiện, cứng cáp, đơn điệu. Bảng màu, chất liệu, đường nét đều chỉ thị đây là một thế giới với trật tự chặt chẽ phi tự nhiên. Lạnh, sạch, khắc khổ, độc tài.




Blade Runner là phim hiếm hoi nhúng không gian hậu tận thế trong tầm tã, nó tạo nên khung cảnh vị lai song cũng gần gũi đến rởn gai ốc. Trong một xã hội thản nhiên phô trương sự chuyên chính, ít ra người dân vẫn có may mắn được nhắc nhở về sự tồn tại của nền chuyên chính. Dầu bị thống trị, họ vẫn giữ được một tài sản: ý thức. Còn ở Blade Runner, cuộc sống diễn tiến tự nhiên, trong một bối cảnh trù mật, nhộn nhịp, huyên náo. Nền độc tài nguỵ trang tinh vi như con nhện giăng tơ mọi ngả, như mắt thường không phân biệt được replicant hay human. Từ vẻ sôi động của sinh hoạt thường ngày, sự hào hứng tận hưởng những thú vui trần tục, đặt đối chọi khung cảnh ảm đạm và rỉ rách, thế giới của Blade Runner toả ra một vẻ u mê khốn cùng đi kèm một nền tự do giả tạo, mà sự ẩm ướt chỉ tô rõ thêm kết luận: Xã hội này đang lặn ngụp trong một vũng sình không lối thoát.
Tuy thế, hình ảnh của BR lại không lấn át ý nghĩa bộ phim như nhiều nhà phê bình than thở.
2. Are we really humans?
Đây là thắc mắc chính của bộ phim có vẻ nói về tương lai này.
Con người luôn coi căn cước loài là thứ họ mặc nhiên sở hữu chả cần chứng minh. Nhưng có chắc như vậy?
Is being human something taken for granted, or should it be earned?
4 nhân vật The Nexus 6 đều là người máy. Sống được 4 năm. Không sở hữu bản năng mọi con người đều có. Nhưng những quan tâm của họ với nhau lại chân thực hơn cách con người trong phim hành xử. Nhân vật Rachael cũng là người máy, dù thêm bộ nhớ cô vẫn thiếu hụt những kiến thức loài cơ bản. Bất chấp thế, sự nhạy cảm vẫn là tài sản của Rachael không mắc nợ ký ức cài đặt nào. Ngược lại, một nhân vật rõ rành là người như Deckard kết phim lại phân vân: Có chắc ta thực sự là người?
Vậy đâu mới là người? Làm cách nào xác định tính người?
Nếu tính “người” là một thứ di sản vật lý xác định bởi cách ta sinh ra, mà trong phim vốn không thể lựa chọn hay kiểm nghiệm, một khả năng được Blade Runner gợi ý là: Tất cả chúng ta đều là người máy song cài đặt ở các mức tinh vi khác nhau: Deckard tưởng mình là người cũng y như Rachael từng nghĩ vậy. Và Deckard “người” hơn Rachael cũng chỉ như cách Rachael đã “người” hơn nhóm The Nexus. Sở hữu về tính người do đó đã bị tước đoạt sạch sẽ khỏi loài người và nằm trọn trong bàn tay ban phát của Đấng sáng tạo đầu tiên: Tyrell Corporation.





Theo cách này, con người sẽ bơ vơ không nơi bấu víu giữa một thực tế có thể hoàn toàn giả lập. Đây là một diễn dịch theo kiểu trí tuệ nhân tạo cho kịch bản “quỷ gian xảo” (evil demon) của Descartes hay “não ngâm trong lọ” (brain in a vat) của Han Moravec, ý tưởng sau này sẽ được kế thừa xứng đáng ở một xuất phẩm cyberpunk mới review bữa trước: Ma Trận 
Nhưng Blade Runner, y như Ma Trận, đã không chấp nhận để con người lẫn người máy bị giam cứng trong các mã cài đặt như thế.
Tính người nhất thiết phải được định nghĩa theo kiểu vật lý hay không?
3. What is being humans? Who deserves to be humans?
Các nhân vật của Blade Runner lần lượt đưa ra các câu trả lời.
Với Rachael, cô chấp nhận sắp đặt này. Thân xác cô, và do đó nhân tính của cô, đều là tài sản của Tyrell Corporation. Cô đau khổ khi biết mình chỉ là người máy.
Batty, thủ lĩnh nhóm The Nexus, lại nghĩ khác.
Batty từng nói với Chew, kẻ chế tạo ra đôi mắt của hắn:
Chew, giá như mày được thấy điều tao đã thấy bằng đôi mắt của mày.
Và dưới là video những trăn trối cuối cùng của Batty trước khi chết:



Tao đã thấy những thứ
Mà loài người chúng mày sẽ không thể tin nổi
Tao đã từng tấn công và thiêu cháy
Những chiến hạm trên vai chòm Orion
Tao đã kịp chiêm ngưỡng C-beam
Lấp lánh trong màn đêm nơi Tannhauser Gate
...
Tất cả những khoảnh khắc ấy
Sẽ mất theo thời gian
Như nước mắt trong mưa
Chết được rồi ...
Người ta hay nghĩ đoạn clip trên mô tả cái chết cùng sự tiếc nuối của Batt, nhưng thực ra, đó lại lúc Batt thực sự sống và tuyên ngôn về quyền sống của hắn.
Khi được hỏi “Hai người biết làm những gì?”, người yêu của Batt là Pris từng thay hắn đáp: I think therefore I am.
Như vậy nạn đề từng đặt ra bởi Descartes đã được giải quyết theo chính cách của Descartes. Theo Batt, không phải xuất thân vật lý, mà chỉ trải nghiệm cá nhân mới làm nên sự tồn tại. Batt không thừa hưởng bản năng người, không mang bộ đệm giả ký ức như Rachael, và chỉ sống 4 năm. Nhưng trong 4 năm ấy, hắn đã tự tay tạo ra những ký ức extraordinary, cho dù có hư phù ngắn ngủi, cũng vẫn là extraordinary. Vì thế theo Batt, hắn phải được quyền là người, thậm chí, được quyền đứng cao hơn con người. Con người tự xếp mình cao quý hơn replicants về bản năng loài, thứ ký ức triệu năm ghi sẵn trong gene mà họ chả thể quên, nhưng Batty thì tự hào chính về thứ ký ức cá nhân mong manh hắn tự tay tạo ra, thứ ký ức rồi sẽ có lúc biến mất “như nước mắt trong mưa”. Liệu còn phát biểu hiện sinh nào thắng thắn và kiêu hãnh hơn thế?





Đoạn thoại trong video trăn trối trên kia không hoàn toàn trong kịch bản mà do diễn viên đóng Batty - Rutger Hauer - đã tự ứng tác trên trường quay. Và nó đã trở thành một trong những trường đoạn trăn trối hay nhất của lịch sử điện ảnh. Nhiều người xem xong đã phải lóc cóc đi tra xem C-beam là gì và Tannhauser Gate thật ra nằm ở đâu. Điều này phần nào chứng minh cho góc nhìn của Batt. Một độc thoại thẳng thừng là giả tưởng nhưng đã xuyên thủng lớp màng vật chất trống rỗng để vươn ra lay động thực tế chính bằng vẻ tinh tuyền của tinh thần.
Theo cách này, quyền làm người của Batty đã do hắn tự giành lấy, không cần thừa kế từ nhân loại, chẳng cần phê duyệt từ cha Tyrell. Đến đây sẽ có một thông điệp nữa, cũng sẽ được tiếp nối ở nhiều sáng tạo về sau của Ridley Scott.
4. Then what is being God? Who deserves to be God?
Tyrell chính là ẩn dụ cho không ai khác ngoài Chúa trong Cựu Ước, Chúa độc đoán và thịnh nộ. Tạo hình của Tyrell và thiết kế toà nhà Tyrell Corp (cũng như toà điện Jedi của loạt phim Star Wars), đều cùng pay homage về nhân vật Nhà Kỹ Sư và toà tháp Babel trong phim Metropolis của Fritz Lang, bộ phim câm đầu tiên có sự xuất hiện của người máy, được coi là bộ phim cha đẻ của dòng phim về AI. Và trong phim Metropolis, toà tháp Babel cùng Nhà Kỹ Sư cũng lại ẩn dụ cho toà tháp cùng tên và Chúa trong Kinh Thánh. Tyrell tương ứng thế, ông ta là Chúa Cựu Ước vì ông ta không thương yêu con dân gì mấy, Tyrell chế tạo ra người máy chỉ nhằm thoả mãn cái tôi lẫn để cai trị, sinh ra nhưng đày đoạ chả đoái hoài gì đến thống khổ của những đứa con, vì đối với ông, tất cả “chỉ là một thử nghiệm, không hơn”.



Nhân vật Nhà kiến trúc sư trong Metropolis 

Nhân vật Tyrell trong Blade Runners
Tương tự, Batty, đứa con bị hắt hủi lẫn kẻ thù tiền định của Tyrell, cũng là một hỗn hợp của nhiều trùng ngôn tôn giáo:
Batt có thể là chính loài người, sản phẩm mô phỏng hình ảnh Chúa, do Ngài tạo ra, bị đuổi khỏi chốn địa đàng (Los Angeles - thành phố của các thiên thần), đày đến nơi ngoại giới (Off-world), từ nay phải gánh chịu kiếp sống lao động nhọc nhằn và tuổi thọ ngắn ngủi.
Mặt khác, Batt cũng khớp với truyền thuyết về kẻ giết người đầu tiên Cain, giết anh trai Abel, đại diện bởi nhân vật Sebastien -- tuy là người song mang nhiều điểm chung với replicant “chúng ta thật giống nhau, trong các anh cũng có một phần của tôi”. Cùng trong liên hệ này, thì Seb cũng có thể là Adam, Pris là Eva, Batt là rắn --Eva nghe lời rắn dụ Adam ăn táo phản lại lời Chúa, như Pris theo mưu đồ của Batt quyến rũ Seb để giúp Batt thâm nhập tháp giết Tyrell.
Đến đây thì dẫn ra ẩn dụ quan trọng nhất:
Batty chính là Lucifer - Satan, vị thiên thần đẹp nhất đã một ngày nọ từ trời cao rớt xuống Địa ngục, lập nên ở đây một vương quốc, lãnh đạo bầy thiên thần sa ngã tìm cách lật đổ Chúa. Batt mang tóc bạc, một đặc điểm nhận dạng của Lucifer - còn có biệt danh là Sao Mai; và Batt cũng đồng thời là replicant xuất sắc nhất, thủ lãnh tự nhiên của The Nexus 6, trốn thoát khỏi off-world quay về vườn địa đàng Los Angeles để tự tay giết chết Cha Tyrell.





Thật ra Batty có thể gợi liên tưởng đến cả hai truyền thuyết về The fall of Angels và The fall of Men, là nhờ các điển tích về Adam, Cain, Lucifer có cấu trúc tương đồng, chúng đều ngụ ý về khía cạnh bản năng, tổ tông, tất yếu của sự sa ngã hoặc nổi loạn.
Và đến kết phim, các ẩn dụ này sẽ quy về một mối. Sau khi giết Tyrell và cứu Deckard, Batty sẽ trở thành không ai khác ngoài Chúa, nhưng lần này là Chúa của Tân Ước, Chúa thứ tha, cứu chuộc.

Đóng đinh thập giá? 
Chi tiết run rẩy cắm đinh vào tay là chỉ thị cho câu truyện Jesus Christ bị đóng đinh câu rút. Bồ câu trắng trong màn mưa tầm tã cũng là biểu tượng lấy từ truyền thuyết Chúa thánh linh (Holy Spirit) xuất hiện lúc Jesus được rửa tội, y như Batty cũng sắp được thanh tẩy. Khi Batt chộp lấy Deckard, kéo tay kẻ từng giết người yêu hắn và đang truy sát hắn lên khỏi miệng vực trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga, rồi hắn chết và bồ câu bay lên, thì đây cũng là minh hoạ cho giao ước Jesus hiến thân để trả giá thay, cứu vớt và ban phước cho nhân loại.








Như vậy, với cách diễn dịch vừa phản vừa bám sát Kito giáo này của Ridley Scott, nhân vật người máy Batty trong Blade Runner, cũng như nhân vật người máy David trong 2 phim sau này của Scott là Prometheus và Alien Covenant, đều là những hình mẫu người máy phản anh hùng, những Ubermensch không chỉ vượt thoát giống loài mình mà vượt thoát cả kẻ sáng tạo ra mình, dùng ý chí cá nhân để viết lại chân lý trên mặt đất. Và cuối cùng, hắn cũng vượt thoát chính mình để cứu vớt một tạo vật khác.
5. Final verdict
Blade Runner mở đầu bằng cuộc đối đầu giữa người với máy, nhưng kết thúc, lại chính là cuộc chiến của mỗi cá nhân với bản thân.
Câu truyện của Batty vừa là câu truyện của đứa con nổi loạn muốn thay thế cha và khẳng định authority của nó, song đồng thời cũng là một phát biểu về ý chí tự do và ý chí cường lực của những tạo vật, dù sinh ra thiếu hụt, dù bị chính người sinh thành ruồng bỏ, dù xếp vào tầng lớp mạt hạng của xã hội, vẫn không chấp nhận bất cứ thứ áp chế tiền định nào mang tên “nô lệ”.
Tuy nhiên, và hơi anti-climax, nhân vật tôi thích nhất của Blade Runner không phải Batty, mà lại là Deckard. Deckard bước vào phim với tư cách con người, cao hơn replicant, song nhân vật thám tử này chưa từng thoả mãn với thiết lập tiện lợi đó, anh ta muốn kiếm tìm một higher truth. Thắc mắc của Deckard không giống của Rachael và Batty. Anh ta chưa bao giờ cần dằn vặt lẫn tuyên ngôn: Người hay replicant thì tốt hơn, người hơn, đáng làm hơn. Anh chỉ quan tâm một điều: Nhưng ai mới là tôi?
Deckard sẽ không bao giờ là nhân vật trung tâm, bởi vì anh ta chả chính cũng chả tà, không mang lý tưởng nào sâu sắc, hay nói thẳng ra là không hề sở hữu các định hướng đạo đức. Anh ta chỉ hợp với vai anh ta đang làm trong Blade Runner: the tale teller, kẻ duy nhất sẽ sống sót để lưu lại cho đời sau thứ ký ức ảm đạm lẫn huy hoàng về cái thưở mặt đất từng in dấu chân những anh hùng, phản anh hùng và ác nhân như thế. Nhưng tôi cảm thấy Deckard mới là nhân vật tự do nhất lẫn cần thiết nhất. Thế giới này đã quá thừa sự công chính, lý tưởng lẫn phản lý tưởng, thế giới chỉ đang thiếu những người kể chuyện chân thật.
Như vậy, với cái twist cuối phim về Deckard, Blade Runner bên cạnh là câu truyện về áp chế và nổi loạn, về tính người và tính Chúa, cũng là câu truyện kiếm tìm bản ngã và sự thật tối hậu, một thứ hơn lúc nào hết sẽ ý nghĩa tại một thời đại càng phẳng càng ngập ngụa thông tin, con người dường như lại càng dễ bơ vơ.






My facebook: Gwens