Năm 1971, khi chiến tranh Mỹ - Việt Nam đã bước sang năm thứ 16, trong chuyến thăm chiến trường Việt Nam tháng 5 năm ấy, hai thượng nghị sĩ Mỹ là Robert Steele và Morgan Murphy đã có một phát hiện gây hoang mang với toàn bộ nước Mỹ: 15% binh sĩ Mỹ đóng quân tại chiến trường Việt Nam nghiện heroin.
Một bài báo trên trang nhất của tờ New York Times được đăng vào ngày 16/5/1971 cũng có viết về các con số trong "thảm họa" này như sau:
15% chỉ là con số thường được nghe thấy nhất, những sĩ quan trực tiếp có nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng sử dụng heroin trong quân đội Mỹ còn có những ước tính cao hơn nhiều, lên đến 25%, thậm chí theo một số khảo sát ở một số đơn vị cụ thể, hơn 50% số thành viên ở các đơn vị này đều có sử dụng qua heroin.
Đứng trước một vấn đề có một không hai trong lịch sử, tổng thống khi đó của Mỹ là Richard Nixon đã khẩn cấp thành lập một văn phòng hoạt động đặc biệt với hai nhiệm vụ chính đó là (1) Thiết kế các chương trình kiểm tra mẫu nước tiểu và tiến hành cai nghiện cho các binh sĩ Mỹ có kết quả dương tính với ma túy và (2) Theo dõi tình trạng của những binh sĩ này trong khoảng thời gian 3 năm sau khi họ rời chiến trường Việt Nam và trở về quê nhà.
Và vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử người ta được chứng kiến số lượng thành viên trong một tổ chức dính tới heroin ở một con số khổng lồ như vậy - cứ 3 người thì có 1 người sử dụng heroin - cho nên nhiệm vụ thứ hai được đặt ra không chỉ bởi vì giá trị nghiên cứu khoa học về hành vi con người mà còn bởi giới chức Mỹ cũng rất quan ngại rằng về các tác động tiêu cực lên nền kinh tế và xã hội Mỹ khi có hàng chục ngàn binh sĩ từng nghiện heroin quay về nước sau chiến tranh, giả như sự quá tải về số lượng cho các trung tâm cai nghiện ở Mỹ hay nếu những binh sĩ này tái nghiện trên đất Mỹ, nơi mà giá heroin cao gấp nhiều lần so với ở thị trường Việt Nam, có thể khiến tình trạng tội phạm liên quan tới ma túy tăng cao.
Thế nhưng may mắn là tất cả những lo lắng này không hề xảy ra, mà ngược lại, chương trình theo dõi kéo dài 3 năm đối với những người lính từng sử dụng heroin trong chiến tranh còn đưa đến một kết quả kì diệu đến mức khó có thể tin được: Chỉ 5% số quân nhân nghiện ma túy tái nghiện trong vòng 1 năm đầu tiên trở về từ chiến tranh, và chỉ 12% trong số họ tái nghiện trong vòng 3 năm. Nói cách khác:
9/10 BINH SI MỸ TỪNG NGHIỆN HEROIN ĐÃ THÀNH CÔNG CAI NGHIỆN CHỈ SAU 1 ĐÊM.
🤯🤯🤯
Hiện tượng này xảy ra chẳng khác nào một phép màu bởi nó đi ngược với quan niệm và quan sát khoa học của tất cả mọi người thời bấy giờ về hành vi nghiện chất kích thích và heroin: Là một dạng hành vi gần như không thể đảo ngược, đã nghiện một lần thì coi như sẽ nghiện suốt đời, nếu có cai nghiện thành công ở các trung tâm cai nghiện, 9/10 người sẽ tái nghiện trong vòng sáu tháng sau đó. Thế nhưng tại sao những người lính của chúng ta lại thành công với tỉ lệ tái nghiện thấp đến mức không tưởng như thế, chỉ 1/10.
Nhà khoa học xã hội về tâm thần học Lee Robins - người chịu trách nhiệm chính cho kết quả nghiên cứu trên đã giải thích lý do chính cho hiện tượng này đến từ sự thay đổi môi trường sống 180 độ của những người lính, và để hiểu thấu triệt quan điểm này chúng ta có thể xem xét lời giải thích của Maj. Richard Ratner - một bác sĩ tâm thần làm việc tại một trung tâm cai nghiện tại Long Bình, Sài Gòn - khi trả lời phóng viên tờ New York Times cho bài báo 16/5/1971 về lý do Tại sao có quá nhiều binh sĩ Mỹ tìm đến heroin tại chiến trường Việt Nam.
Ông giải thích rằng Đối với hầu hết lính Mỹ tại trại cai nghiện, thái độ của họ khi được đưa đến chiến trường Việt Nam giống như những kẻ bị tước đoạt cuộc sống hạnh phúc trước kia và bị lưu đày đến một vùng đất nơi mà điều kiện sống vô cùng tồi tệ: đám sĩ quan nhiều đặc quyền, bạo lực và tình dục tập thể được chấp nhận, các loại chất kích thích và gây nghiện thì rẻ như bèo và có mặt ở khắp mọi nơi (thậm chí cả ở trong bệnh viện). Nhân sinh quan của những binh sĩ này biến đổi thành giống hệt những gã đàn ông sống ở những khu ổ chuột nghèo nàn nhất trên thế giới, tìm đến ma túy như là một giải pháp để quên đi sự chán chường và điều kiện sống quá khó khăn.
Jemery Kuzmarov - Tác giả của cuốn sách "Chuyện hoang đường về đội quân nghiện ngập" - cũng cho rằng Heroin chỉ là một cơ chế giúp những người lính tạm thời thoát khỏi những điều kiện xã hội khốc liệt của chiến tranh.
Cũng lưu ý thêm rằng, trong chiến tranh, việc sử dụng chất kích thích phần nào được các chỉ huy quân đội ngầm chấp thuận để tăng sức chịu đựng và ngăn cản sự sụp đổ về tinh thần của binh sĩ. Theo history.com, trong chiến tranh Việt Nam, một lính Mỹ trung bình chứng kiến 240 ngày chiến đấu/năm. Khi so với trung bình 40 ngày chiến đấu/năm của lính Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, thì có thể thấy chiến trường Việt Nam ác liệt hơn nhiều, và đây có thể là nguyên nhân chính cho con số sử dụng heroin trong quân đội Mỹ tại đây đạt tới mức độ khủng khiếp và khó hiểu như vậy.
Nói cách khác, những binh sĩ Mỹ đã không thực sự "nghiện" heroin, hành vi vủa họ đơn giản chỉ là sản phẩm của chiến tranh. Trong thâm tâm, hẳn họ cũng không hề muốn gắn cuộc đời họ với ma túy, ước muốn của họ là được trở về bình yên và sống hạnh phúc ở quê nhà Mỹ. Vậy cho nên khi những binh sĩ này rời chiến trường Việt Nam, những “điều kiện môi trường” đi kèm với việc sử dụng heroin không còn nữa mới có thể là nhân tố chính giúp những người lính cai nghiện thành công.
Mặc dù vậy, trong những năm 70, chuyện này vẫn khó tin đến mức nhiều người đã cho rằng Lee Robins đơn giản là bịa đặt về kết quả chương trình theo dõi và phỏng vấn những người lính sau khi họ trở về Mỹ, và bà đã phải mất nhiều tháng thậm chí nhiều năm để bảo vệ cho sự đáng tin của chương trình. Nhưng 40 năm sau, những phát hiện của nghiên cứu này đã được chấp nhận rộng rãi, khi có quá nhiều nghiên cứu sau đó chỉ ra vai trò quan trọng của môi trường trong việc ảnh hưởng đến hành vi của con người.
Tuy nhiên, có thể không cần đến các nghiên cứu tâm lý học mà chỉ cần chúng ta để tâm một chút, bạn sẽ thấy mỗi một hành vi hay thói quen của bạn hay những người xung quanh đều gắn với một điều kiện môi trường nhất định.
Hầu như chẳng ai uống bia một mình, có thì cũng chẳng thể uống quá nhiều. Chúng ta chỉ uống và uống nhiều khi uống cùng người khác. Nếu có hút thuốc bạn sẽ biết rằng quán cà phê và tiệm internet là nơi mà những người nghiện thuốc có thể hút nhiều gấp vài lần so với lúc bình thường.
Một cô gái luôn vô tư ăn uống, cười nói thả ga chẳng hề giữ gìn hình tượng gì khi đi chung với bạn bè có thể dễ dàng hóa “thục nữ” khi đi ăn với bạn trai trong buổi hẹn đầu tiên. Trong nghiên cứu hẹn hò cũng chỉ ra những phản ứng hóa học mà nhiều người nghĩ đó là tình yêu sét đánh thật ra đều là kết quả của môi trường mà họ hẹn hò. Muốn có một tình yêu lãng mạn, hãy hẹn hò ở những nơi lãng mạn.
Hầu hết chúng ta, dù biết không nên, đều dễ bộc lộ cơn giận với người trong nhà, nhưng lại kiềm chế rất tốt trước người ngoài, bởi đơn giản bạn có thể phải lãnh hậu quả nếu nổi giận với sai người ở ngoài kia.. Khôn nhà dại chợ, chính hai điều kiện môi trường khác nhau đã dẫn đến hai kiểu hành vi ứng xử khác nhau trong mỗi chúng ta.
Bạn có thể không cần suy nghĩ gì mà vẫn có thể thực hiện hoàn hảo một chuỗi hành động trong buổi sáng đầu ngày của bản thân: xuống giường, súc miệng, đánh răng, ăn sáng, thay quần áo, dắt xe ra ngoài, đi đến chỗ làm. Nhưng hãy thử nghĩ lại xem những chuyện này đã khó khăn như thế nào trong những ngày đầu bạn mới đi làm, những ngày mà bạn chưa "quen" ấy.
Thế đấy, bạn có thể tự liên tưởng và sẽ dễ dàng nhận ra phần lớn các hành động của con người đều là sản phẩm của môi trường xung quanh chúng ta, đặc biệt là những hành vi mà chúng ta lặp đi lặp lại mỗi ngày. Cho nên hãy tận dụng điều này để việc xây dựng thói quen tốt và bỏ đi các thói quen xấu trở nên dễ dàng hơn.
Để xây dựng thói quen dậy sớm, hãy đặt điện thoại báo thức của bạn nằm ngoài tầm với khi bạn thức dậy, thậm chí hãy đặt ở một căn phòng khác. Bạn có thể đặt vài quyển sách ngay cạnh gối ngủ để xây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày. Để điện thoại ở chế độ máy bay và lật úp màn hình xuống, cũng như sử dụng một trình duyệt web không quảng cáo để giúp tập trung cao hơn trong công việc. Nếu bạn nghiện thuốc và muốn từ bỏ thói quen xấu này, hãy tránh xa những người hút thuốc, xây dựng những thói quen khác để xả stress thay vì hút thuốc, như chạy bộ hay viết ra những suy nghĩ của bạn. Một người thừa cân thì không nên mang theo tiền mặt lúc ra ngoài, để tránh việc mua bất cứ thứ gì bạn cảm thấy thèm trên đường đi, không cần phải lo lắng các vấn đề khẩn cấp cần đến tiền khi bạn đi ngoài đường bởi chúng ta có thể dễ dàng chuyển khoản chỉ với chiếc điện thoại trong thời đại ngày nay.
Và mặc dù yếu tố bên ngoài nên được cân nhắc hàng đầu khi tính đến chuyện thay đổi thói quen nhưng nói thế không có nghĩa những nhân tố nội tại như: động lực, thái độ hay khả năng tự kiềm chế không quan trọng. Mong muốn có một thể hình cân đối, khả năng "biết tuốt", hoặc đơn giản là cảm giác xấu hổ về năng lực hiện tại của bản thân là thứ cảm xúc cần có để chúng ta bắt đầu những thay đổi quan trọng giúp cuộc đời chúng ta trở nên tốt hơn như rèn luyện thể thao, đọc sách, học ngoại ngữ. Nhưng bạn chỉ có thể trông cậy vào chúng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ban đầu cho đến khi bạn nhận ra cái kết quả mà bạn vẫn mơ về ấy, sẽ mất nhiều thời gian hơn bạn tưởng, có thể còn không có lượng thời gian cụ thể, rõ ràng.
Vậy cho nên có động lực và niềm tin đúng đắn khi theo đuổi một mục tiêu nào đó là tốt, bởi lâu lâu chúng ta luôn cần phải ôn lại chúng để có thể bước tiếp, còn lại hãy tập trung nỗ lực và tinh thần thiết kế lại môi trường bên ngoài sao cho những thói quen bạn muốn xây dựng hay phá vỡ dễ dàng thực hiện hơn và mất ít nỗ lực tinh thần nhất có thế.
Tài liệu tham khảo cho bài viết: