Một sáng cuối tuần của tháng 7, Sài Gòn hôm nay có vẻ mát mẻ hơn mấy ngày trước, do cơn mưa tối qua mang lại hay sao nhỉ? Con xóm nhỏ nhà nó không lúc nào là không chìm trong những giai điệu, cách nhà nó một căn là nhà của “chú thổi kèn”, nhà chú có biết bao là nhạc cụ, thế nhưng âm thanh xóm nó vẫn hay nghe chính là tiếng kèn. Và ngay lúc này nó đang viết vài dòng chữ chạy theo tiếng kèn đó, nhộn nhịp, đôi lúc du dương, trầm bổng và dần dần im lặng.
     Hôm nay nó xuống trông bà nội, một đoạn kí ức trong nó được gợi lại, kí ức về bà ngoại, về những sợi dây thừng, về một bà cụ luôn muốn đứng dậy và đi, một bà cụ mang dáng vẻ của một đứa con nít. Đóng cuốn băng lại và nhìn lại hiện thực, bà nội đang nằm ngủ kế bên nó, một giác ngủ sâu và bình yên trong dáng vẻ gầy gò của tuổi già. Vẫn là nó mỗi khi bị bắt làm điều gì đó bất ngờ và ngay lập tức thì nó sẽ rất khó chịu và dằng co, xin nhắc lại, bị ép buộc. Hôm nay cũng vậy mà một năm về trước cũng thế, nhưng một lúc sau sự khó chịu ấy sẽ biến mất nhường chỗ cho cảm giác cảm thông và thấu hiểu. Thấu hiểu hơn về cảm giác bà đang phải chịu lúc này. Ai mà chẳng muốn tự do, ai mà chẳng muốn đi lại ngắm nhìn thế giới hoặc đôi khi chỉ cần đi đi lại lại quanh nhà cũng được. 
Một năm về trước thôi bà vẫn ngồi được
     Một buối tối nọ sau khi nói chuyện với bà, bà thì thầm vào tai nó, “ bà buồn lắm, bà không đi được nữa”. Dáng vẻ ngủ say của bà nội thật giống bà ngoại của nó ngày trước, dáng vẻ của những tâm hồn hóa trẻ thơ nhưng lại có vẻ ngoài nhăn nhúm. Tuối già là một điều gì đó thật đáng sợ, nó nghĩ vậy, đáng sợ nhất chẳng phải là sự cô đơn hay sao? Nhà nội của nó có phân công giờ giấc chăm sóc bà, nhưng nó biết qua đôi mắt bé xíu ấy là sự bất lực, bất lực với thời gian với bệnh tật. Không được đi lễ nữa, không thể tắm rửa sạch sẽ kì cọ người lâu được nữa, không thể ngồi dậy cho mèo ăn được nữa. Lại một lần nữa nó nhìn thấy cái dáng vẻ của một người già cô đơn sau khi bà ngoại nó mất cách đây một năm. Bà đang ngủ, một giấc ngủ say, đôi lúc bà dậy thấy nó ngồi kế bên học bài bà lại thiếp đi, bà không muốn làm phiền. Bà rất thương đứa cháu này, cho dù trí nhớ có không được hoàn thiện thì bà vẫn nhớ nó tên gì. Nó tự hỏi mọi người đều mong muốn sống đến trăm tuổi, sống càng lâu càng tốt, đến khi già họ có hối hận không? Cả bà ngoại và bà nội của nó trong cơn đau của bệnh tật đều nói rằng muốn chết sớm, muốn Chúa gọi về cho rồi, nhưng trong thâm tâm họ sợ chết, họ lại muốn sống thêm chút nữa, muốn đi lại chút nữa, muốn làm những công việc vốn lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác.  
     Mỗi con đường nó đi qua sau khi tan làm về nhà vào buổi tối nó đều thấy hình ảnh của những “ nguời già cô đơn”. Tại sao những người vô gia cư  nằm trước vỉa hè hay ngồi ở chân cầu hầu hết là những ông cụ bà cụ ? Sự cô đơn ập đến với mỗi người theo nhiều cách khác nhau, người thì không thể đi lại, không thể nhìn thấy ngoài thế giới kia như thế nào nhưng lại có con cái cạnh bên chăm sóc. Người thì rong ruổi ngoài thế giới mãi mà không có ai bên cạnh, không có chốn nghỉ ngơi, không có con cái cạnh bên. Chiều tà đi loanh quanh thành phố để chụp hình, nó chẳng chụp được một tấm công trình kiến trúc hay tĩnh vật như đề bài tập của nó. Máy ảnh chỉ toàn hình ảnh của sự sâu lắng, của sự lấm lem, của tuổi già, của hàng tá thứ cảm xúc lẫn lộn.  
Có một góc nhỏ ở con đường Võ Văn Tần gần trường nó.
Phia sau chiếc nón lá ấy là khuôn mặt đen nhẻm và đầy nếp nhăn.
     Sống lâu thật lâu sẽ hạnh phúc hay sao mà mọi người ai cũng mong ước ? Hy vọng những sự đơn độc nó nhìn thấy chỉ là thiểu số thôi, rằng đa số mọi người vẫn vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc mặc cho bao nhiêu tuổi xuân mặc cho sự già nua của thể xác.