Mình là một đứa Cheapo.
Mỗi lần sắp tiêu tiền mình luôn có tuyển tập 101 lý do để phân vân, ví dụ như:
- Sắp đi ăn pizza, mình đã từng nghĩ: Bà với bố ở nhà có lẽ chưa bao giờ biết cái vị pizza nó như thế nào, tư cách gì mà mình dám ăn?
- Sắp mua một cái áo, mình lại băn khoăn: Tháng này đã mua sách với một đóng khóa học hết 2 triệu rưỡi, vượt chi tiêu rồi, thôi vậy!
- Bạn bè rủ đi du lịch, lẩm nhẩm tiền vé, tiền phòng, tiền linh tinh, mình đã chỉ muốn nằm nhà cho khỏe thân.
- Đi siêu thị quẹt một phát hết hơn 500k/ lần/ tuần cho đồ ăn mình cũng đã muốn năn nỉ chị thu ngân: Nước đi này em sai cho em đi lại.
Mình chưa từng là một đứa quá nghèo khổ, thiếu thốn. Vào giai đoạn khó khăn nhất, mình cũng chưa từng thiếu tiền đến mức cùng cực (may quá mẹ sinh ngày đẹp, Nhật chủ Ất Tỵ nên không chết đói). Lần duy nhất mình phải đi vay là mình vay hộ mẹ. Và mình cũng ưu tiên trả rất sớm. Thế nhưng dù thu nhập có gấp 5-10 lần so với ngày đầu tiên biết mùi tiền tự kiếm, mình vẫn luôn cho rằng: tiêu một lúc 300k là điều đáng cân nhắc. Thường thì khi tiêu tiền cho những thứ lẽ ra con gái "nhắm mắt quẹt thẻ" như quần áo, mỹ phẩm, phụ kiện,... mình luôn phân vân. Bất cứ thứ gì trên 300k mà mình muốn mua, mình đều phải chờ 2-3 ngày, thậm chí là 1 tháng sau, nếu vẫn còn nghĩ đến mới ra tay quẹt quẹt =))).
Hôm trước, mình chở bạn đi dạo, nó kể tháng này nó mới tiêu 2 triệu mua quần áo vì dịch ở nhà chán quá. 2 triệu bằng 1/4 lương tháng công chức của nó rồi. Nó biết thế nhưng vẫn không bỏ được, nó kêu trời sợ mai mốt lấy chồng, nó tiêu lậm tiền sữa của con mất. Nó bảo cách tiêu của mình là cách tiêu của người giàu đấy, một cuốn sách nào đó nó đọc đã bảo vậy. Nhưng mình thì không biết cuốn đó là cuốn gì, không biết nó học được ở đâu, mình luôn nghĩ đó là một cách tiêu phèn. Phèn ơi là phèn nhưng mình chấp nhận.

Đọc thêm:

Thế nhưng mình chỉ phèn với những thứ như vậy, còn lúc mình tặng quà, mình cho vay, mình tham gia khóa học, mình mua bài (hihi),... mình bắn tỉa kinh khủng. Năm 2 đại học, một tháng mình kiếm được 9 triệu nhưng mình dốc 8 triệu đi học một khóa viết tổng hợp (khóa mà sau đó mình đánh giá là phí tiền cho quảng cáo - bài học đầu đời và cũng là lý do khiến mình có mở lớp cũng không bao giờ cầm một chiếc giáo trình lom dom lên nói). Khóa học nhiều tiền nhất bằng nguyên một tháng lương của mình, mình rất thẳng tay, lại còn lần đầu trả bằng tiền đô =))). Rồi từ ngày dùng bài, mình cũng không mua bài pass. Đó là những nghịch lý đầu tiên của mình.
Cái nghịch lý thứ hai và cũng là nỗi khổ của mình đó là hay cảm thấy tội lỗi với gia đình khi tiêu tiền mặc dù tiền mình tiêu là tiền mình kiếm được. Từ hồi đi học cấp 3, mỗi lần nhận học bổng, mình đã hay cất dành để Lễ Tết mua quà cho bà, cho bố mẹ. Sau này cũng vậy, mình luôn muốn làm, muốn tặng cái gì đó cho gia đình. Bộ chăn ga bản thân dùng 200-300 nhưng đã mua cho mẹ thì phải mua bộ thật sự chất lượng. Thế mà, bất cứ lúc nào mình tiêu quá 2 triệu cho một sản phẩm tiêu dùng nào đó (trừ khóa học và sách vở, khs) thì mình thấy mình rất bất hiếu. Chính xác là từ đó đó. Mình luôn nghĩ là nếu mình không phóng tay như vậy, mình đã có thể làm gì đấy tốt hơn cho gia đình. Lúc nào mình cũng dằn vặt bản thân.
Nghịch lý nữa là bất kể lúc nào tặng quà, nếu mình tự nhiên nổi hứng muốn tặng, mình rất chi là phấn khích. Bạn bè mình chắc cũng không lạ chuyện lâu lâu thấy mình "donate" tiền hoặc tặng cái gì đó chơi chơi. Thế nhưng mỗi lần bị đòi quà, mình lại rất miễn cưỡng, kể cả lúc đó mình đang có thừa tiền để tặng. Mình thấy điều đó làm giảm ý nghĩa của việc cho tặng rất nhiều, nhất là mình lại hay "được hỏi" hoặc "nói móc" bởi người thân. Mình đang rất muốn tặng quà người A nhưng nếu được hỏi: Năm nay đi làm không có quà gì hoặc mai mốt tặng nó cái này cái kia là mình mất hứng ngay. Thật sự không biết làm sao sửa được cái tính này. Thà mình chủ động hỏi người đó muốn gì chứ tự dưng bị yêu cầu, bị rơi vào thế bị động, mình thấy cứ sao sao đó.
Dạo gần đây mình nói chuyện nhiều với một chị (một chị đẹp nhưng cũng "giàu phèn không giàu sang"), chúng mình đều đồng ý rằng:
- Sự cheapo này của hai đứa nó nặng quá rồi. Phải khó lắm mới nhổ rễ được.
Nhưng cả hai cũng nhận ra: Sự cheapo này bản thân không phải chúng mình sinh ra đã có mà phần nhiều do môi trường trưởng thành mà nên.


Đọc thêm:

Chúng mình đều lớn lên với sự giáo dục từ gia đình, họ hàng, xóm giềng rằng: Kiếm được tiền mà không giúp ích được cho gia đình thì cũng vô giá trị. Kiếm được tiền mà chỉ biết lo cho thân mình là hư đốn, ích kỷ.
Chúng mình đều sống với những người thân bị ám ảnh bởi sự thiếu thốn. Bà và bác nuôi mình đều luôn dặn: Nhà mình nghèo, liệu mà sống. Hồi bé, mình hay được dặn là phải trình bày hoàn cảnh với thầy cô để được giảm học phí. Mỗi lần được giảm 2/3, một nửa thậm chí là miễn phí, cả nhà mình vui ra mặt, nhưng mình thì thấy như bản thân đang đi lừa tiền.
Chúng mình cũng rất sợ đi vay nhưng rất hay gặp người đến vay. Mình đã chứng kiến quá nhiều cảnh vỡ nợ (liên tục) của gia đình, thậm chí là tranh cãi trong anh chị em vì những khoản vay miệng hoặc gửi cầm hộ. Mình rất sợ phải đi vay ai đó. Hồi cấp 3, sau nhiều năm xa cách mẹ mình xuất hiện và tuyên bố sẽ lại tiếp tục chu cấp cho mình, mình rất xấu hổ. Mình ngại vô cùng ngại khi phải mở miệng nhắn mẹ gửi cho 500k tiền sinh hoạt tháng. Mình luôn cảm thấy mỗi lần như vậy, mình như tên trộm đang đi vào nhà, mở két sắt của ai đó, ngang nhiên cầm tiền đi mà không biết xấu hổ.
Nói chuyện nhiều bỗng nhận ra. Dù phèn nhưng chúng mình rất sợ phải chấp nhận sự phèn đó của bản thân. Mãi đến bây giờ mình mới có thể thoải mái nói: Tao là một đứa cheapo, đi ăn dưới 300k thì đi. Còn trước đó, mình đi học luôn được các bạn nghĩ là gia đình có điều kiện, sống sung sướng, chơi với những đứa khá giả. Mình rất sợ ai đó nhìn thấy sự cheapo của mình. Mình phán xét nó, ghét bỏ nó, sợ hãi nó nhưng chưa thể nào buông nó. Giờ thì mình đã tiến được một bước là chấp nhận rồi nhưng để hoàn toàn tách khỏi nó, mình chưa làm được.
Mình vẫn có thói quen tính toán thu chi, vẫn lẩm nhẩm dự trù các khoản phí cho điều gì đó. Mình rất ghen tỵ vì người yêu mình kể cả lúc có tiền hay không, anh cũng nói không với cách tiêu phèn của mình. Mình biết, điều đó đơn giản là vì môi trường trưởng thành của chúng mình khác nhau nhưng mình vẫn mong có ngày mình thực sự cảm nhận được sự trù phù và đủ đầy luôn chảy bên trong, thực sự hiểu happy money in và happy money out là như thế nào.
Còn bây giờ, mình vẫn phải thừa nhận: kể cả lúc mình kiếm được 5 triệu/ tháng hay 30 triệu/ tháng và nhiều hơn thì cái sự cheapo nó cũng đã ăn vào máu, là một phần thâm căn cố đế của mình, có bứng nhổ thì nó vẫn còn tí dư âm ở đó.
Mình nghĩ ai cũng có những mâu thuẫn trong câu chuyện rất nhạy cảm mang tên tài chính, nhưng mình không biết có ai cũng khổ sở như chúng mình không. Khổ không phải vì thu nhập kém mà khổ vì tiêu sao cho không áy náy, tiêu sao cho thực sự vui lòng. Và mình cũng đã từng sống không dư dả nên mình nghĩ cái nỗi khổ đầy ám ảnh này cũng không khác gì với cái khổ khi không dư dả tiền tiêu.
Không biết bạn có vậy không ạ?